Ý kiến chuyên gia: Những yếu tố làm tăng chi phí vận chuyển nông sản

Mới đây báo chí có nhiều bài viết phản ánh chi phí vận chuyển cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh. Các chuyên gia đã đưa ra những kiến giải bước đầu.
 các yếu tố làm tăng chi phí logistics gồm vận chuyển, tối ưu hóa vận chuyển 2 chiều không hiệu quả
 Các yếu tố làm tăng chi phí logistics gồm vận chuyển, tối ưu hóa vận chuyển 2 chiều không hiệu quả

 

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu phản ánh của báo chí về chi phí vận chuyển nội địa đối với hàng nông sản.

Theo các bài báo, chi phí logistics của một số chuỗi cung ứng hiện còn ở mức cao, khiến giá thành sản xuất của nông sản Việt Nam khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Cụ thể, chi phí logistics của sản phẩm hải sản chiếm 12,1% giá thành sản xuất, con số này với mặt hàng gạo lên tới 29,8%, rau quả 29,5%.

Chi phí vận chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển 1 container tôm từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, tăng gấp đôi vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ.

Tương tự, một container tôm từ TP. Hồ Chí Minh đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.

Ông Võ Quan Huy (Đức Huệ, Long An) cho biết, năm 2019, doanh nghiệp của ông xuất khẩu khoảng 14.000 tấn chuối đi Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, trong đó, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, chi phí logistics tăng tới 45%, trong đó cước tàu biển tăng tới 40% do những tác động của dịch Covid-19 - ông Huy nêu một thực tế.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Phú cho rằng chi phí vận chuyển quá cao khiến kênh phân phối nội địa của doanh nghiệp rất khó cạnh tranh. Ông dẫn chứng chi phí vận chuyển một container lạnh từ TP HCM ra Hà Nội là 70 triệu đồng trong khi xuất khẩu sang Đức chỉ 34 triệu đồng và Nhật là 21 triệu đồng.

Container vận chuyển từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường bộ, một phương tiện chỉ chở được một container nên không có lợi thế so với đường biển

Container vận chuyển từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường bộ, một phương tiện chỉ chở được một container nên không có lợi thế so với đường biển

 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group cho biết cước vận chuyển nội địa cao là bất cập lâu nay nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Ông cho biết, vừa rồi doanh nghiệp có đưa mấy container vải thiều từ Bắc Giang vào nhà máy ở Tiền Giang để xử lý với giá cước lên tới 68 triệu đồng (khoảng 3.000 USD).

Hàng sau đó được xuất sang Úc, Mỹ bằng tàu biển, với giá cước lần lượt 1.600 USD và 1.800 USD. Mức cước này dù tăng gấp rưỡi so với trước vì dịch Covid-19 nhưng tính ra vẫn rẻ hơn nhiều so với cước vận tải trong nước.

Báo chí đưa ra nhận định của nhiều chuyên gia lý giải chi phí logistics cao: Nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao là do phí vận chuyển cao (giá nhiên liệu cao, quá nhiều trạm thu phí BOT, các chi phí không chính thức khác,… hệ thống hạ tầng còn hạn chế.

Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, các yếu tố làm tăng chi phí logistics gồm vận chuyển, tối ưu hóa vận chuyển 2 chiều không hiệu quả, phụ phí và các phí địa phương do chủ hàng và nước chủ nhà áp.

Bên cạnh đó là chi phí hải quan, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch và hạn chế về cơ sở hạ tầng cũng khiến chi phí logistics tăng cao.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, container vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ thường bằng đường biển, do lợi thế về quy mô của phương tiện vận tải biển (một tàu biển có thể chở hàng chục nghìn cho đến trăm nghìn container) nên chi phí tính trên từng container sẽ thấp.

Còn container vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng đường bộ, một phương tiện chỉ chở được một container nên không có lợi thế so với đường biển.

Vĩnh Bảo