Tham dự buổi làm việc đoàn công tác Bộ Công Thương còn có lãnh đạo các Vụ Kế hoạch, Thị trường trong nước, Thị trường châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu - châu Mỹ, lãnh đạo các Cục Công Thương Địa Phương, Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Công nghiệp, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hóa chất và Tổng cục Quản lý thị trường.
Về phía tỉnh Sơn La có ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Quốc Khánh - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bà Nhâm Thị Phương - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở Công Thương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Cùng tham gia buổi làm việc còn có đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Sơn La đang chuyển mình mạnh mẽ
Đánh giá chung về kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của Sơn La, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Khánh cho biết, trong điều kiện khó khăn chung của cả nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Sơn La còn có khó khăn đặc thù như hạn hán kéo dài, giông lốc, mưa đá,… Dù vậy, Sơn La đã nỗ lực tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhờ vậy, kinh tế tỉnh vẫn đạt tăng trưởng dương ở mức 0,03%, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản được duy trì, thu nhập, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng cao, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khi duy trì “3 được”: được mùa, được giá, được thu nhập của người dân.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Sơn La theo giá hiện hành ước đạt 7.868.204 triệu đồng, giảm 2,8 % so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến chế tạo tăng 10%, sản xuất và phân phối điện giảm 32% do hạn hán.
Hiện tại tỉnh Sơn La có 65 thủy điện nhỏ đã được quy hoạch. Trong đó có 47 dự án đã hoàn thành phát điện, 14 dự án đang triển khai thi công, 4 dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước đạt 10.391 tỷ đồng, chỉ bằng 88,9% so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên vẫn tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 tỉnh đã tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại kết nối tiêu thụ sản phẩm Mận, Xoài, trong đó có thể kể đến như Lễ công bố xuất khẩu Xoài Yên Châu năm 2020, Lễ công bố xuất khẩu 30 tấn xoài sang thị trường Mỹ, Tuần lễ “Xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2020” tại Thành phố Hải Phòng.
Dưới tác động của dịch bệnh, giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 52 triệu USD, giảm 36% so với cùng kỳ, trong đó giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt 50 triệu USD, giảm 36,5% so với cùng kỳ.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp, thương mại, tỉnh Sơn La kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương hỗ trợ lập quy hoạch phát triển điện lực phù hợp với quy hoạch quốc gia và phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh bằng các giải pháp cụ thể. Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến thủy điện và bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án điện nông thôn.
Đồng thời, Sơn La cũng đề nghị Bộ Công Thương và Chính phủ tạo điều kiện, hỗ trợ tỉnh trong đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp để góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp của Sơn La, tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Trong đó, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc bổ sung sản phẩm chanh leo, sơn tra vào danh mục các sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, cũng như hỗ trợ giúp tỉnh đẩy mạnh kết nối xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính và kết nối với các siêu thị, doanh nghiệp bán lẻ trong nước để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Đại diện các đơn vị Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương đã có trao đổi nhằm giải đáp thắc mắc của tỉnh cũng như gợi ý những hướng phát triển mở rộng hơn mà Sơn La có thể triển khai. Các đơn vị đều khẳng định tinh thần tích cực phối hợp và sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho Sơn La trong mọi lĩnh vực.
Tiếp thu những bài học quý báu từ thực tiễn địa phương
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Sơn La thật sự đã có được những bước chuyển biến bước đầu nhưng rất căn bản, rất quan trọng trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh cũng như xây dựng và phát triển tỉnh thành trung tâm năng lượng tái tạo.
Nhờ vậy, thời gian qua tỉnh đã đạt được những thành tựu bước đầu và tương đối toàn diện.
Trong đó, Sơn La đã đa dạng hóa được cơ cấu sản phẩm trên cơ sở nền tảng của công nghiệp nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch, để từ đó có điều kiện tiếp cận với những thị trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính. Hàng loạt sản phẩm đã định vị được vị thế của mình và chỗ đứng của mình tại những thị trường này và tiếp tục mang lại những cơ hội lớn hơn, có giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu cũng như các ngành sản xuất khác.
Kết quả rất tích cực của Sơn La cũng thể hiện ở lĩnh vực nông thôn mới, khi hàng loạt các cơ sở, địa phương đã được công nhận là nông thôn mới, vượt chỉ tiêu kế hoạch trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, góp phần vào phát triển toàn diện của kinh tế xã hội tỉnh.
“Những bài học kinh nghiệm của Sơn La là rất quý và rất bổ ích cho chúng tôi và cho các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong các khung khổ chính sách, kể cả về phát triển thị trường nội địa, tổ chức canh tác sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ và phát triển công nghiệp ở nông thôn”, Bộ trưởng khẳng định, cho rằng đây đặc biệt là những điều kiện rất quý cho chúng ta để bước đầu chúng ta tổ chức thực thi hội nhập thành công.
Nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra 4 gợi ý cho Sơn La trong nửa cuối năm 2020 và các năm tiếp theo.
Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch phát triển, coi đây là nhiệm vụ cần thiết và có tính ưu tiên cao.
Thứ hai, bằng các công cụ cơ chế, thủ tục hành chính, tăng cường tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng tính chủ động trong liên kết với các doanh nghiệp tại trong nước và quốc tế để đảm bảo điều kiện phát triển thị trường cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, từ đó Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp, hỗ trợ không chỉ về nguồn lực mà còn về cơ chế, chính sách. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ sớm phối hợp tổ chức một hội nghị của các tỉnh Tây Bắc để bàn về hướng khai thác, phát triển thị trường châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA.
Với những sản phẩm nông sản thế mạnh, nếu có thể liên kết, phát triển logistics trong quy mô cả vùng, thì chắc chắn sẽ có điều kiện phát triển tốt tại thị trường lớn và khó tính, có tiềm năng như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Thứ tư, tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển các thị trường lân cận như Lào, Thái Lan, Trung Quốc,…
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ lắng nghe, nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến của địa phương, đồng thời yêu cầu các đơn vị có câu trả lời kịp thời, hướng xử lý đối với những kiến nghị mà tỉnh Sơn La đã nêu tại buổi làm việc.
Trong lĩnh vực điện, giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nghiên cứu, giải quyết ngay những vấn đề mà Bộ Công Thương có thẩm quyền, trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, như đẩy nhanh tiến độ thẩm định và bổ sung quy hoạch cho các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La; rà soát, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các nghị định và thông tư liên quan; phát triển lưới điện truyền tải; đầu tư hạ tầng, đảm bảo công suất tạo điều kiện cho tỉnh khai thác tiềm năng lĩnh vực năng lượng tái tạo; hay bổ sung nguồn vốn cho dự án điện nông thôn,…
Trong lĩnh vực công nghiệp, giao Cục Công nghiệp rà soát, đề xuất những hướng hỗ trợ cho địa phương trong tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nông thôn và gắn với những ngành kinh tế thế mạnh đặc thù của địa phương theo hướng toàn diện.
Trong lĩnh vực thương mại, giao Cục Xúc tiến thương mại rà soát, phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước để rà lại các sản phẩm đặc thù của địa phương có tiềm năng về phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, từ đó có kế hoạch phối hợp cùng với địa phương có định hướng triển khai trong thời gian tới. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại trong phát triển thương mại nội địa, cũng như có hướng khai thác và phối hợp tốt hơn nữa giữa Nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện những nội dung liên quan đến khuôn khổ pháp luật, cơ chế chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, từ đó tham mưu với Chính phủ và tiếp thu, xử lý thỏa đáng những đề xuất kiến nghị của địa phương trong thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ.
Thay mặt tỉnh Sơn La, ông Hoàng Quốc Khánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã gửi lời cảm ơn đến các ý kiến của đoàn công tác Bộ Công Thương, khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lãnh đạo Bộ cũng như các đơn vị Vụ, Cục để tạo điều kiện phát triển ngành Công Thương tỉnh Sơn La nói riêng và kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung trong thời gian tới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác cũng đã tới làm việc tại Sở Công Thương tỉnh Sơn La. Biểu dương những nỗ lực và kết quả tích cực của tập thể cán bộ Sở trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng hy vọng Sở tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa Bộ với địa phương, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển ngành.
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), thay mặt đoàn công tác Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trao 300 triệu đồng đóng góp vào Quỹ đền ơn đáp nghĩa của tỉnh Sơn La.
Trước đó, đoàn công tác cùng đại diện UBND tỉnh đã đến thăm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Quảng trường Tây Bắc, TP. Sơn La và đến thăm Nhà máy Thủy điện Sơn La, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.