Tham dự buổi làm việc đoàn công tác Bộ Công Thương còn có lãnh đạo các Vụ Kế hoạch, Thị trường trong nước, Thị trường châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu - châu Mỹ, lãnh đạo các Cục Công Thương Địa Phương, Điện lực và Năng lượng tái tạo, Điều tiết điện lực, Công nghiệp, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Hóa chất và Tổng cục Quản lý thị trường.
Về phía tỉnh Lào Cai có ông Đặng Xuân Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải và Xây dựng, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan tỉnh.
Cùng tham gia buổi làm việc có lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết trong bối cảnh 6 tháng đầu năm dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về các giải pháp phục vụ công tác phòng chống và ứng phó với tác động của dịch bệnh.
Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề đối với thương mại - công nghiệp, Lào Cai đã chủ động thực hiện nghiêm các chỉ đạo này, chủ động tìm biện pháp ứng phó, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu kép phòng chống dịch đi liền với phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Điểm sáng trong nỗ lực ứng phó dịch bệnh
Theo ông Đặng Xuân Phong - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, trong 3 lợi thế của Lào Cai, có tới hai lĩnh vực thuộc ngành Công Thương là sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu, chiếm đến 70% tổng GRDP trên địa bàn, cho thấy tầm quan trọng của ngành Công Thương đối với sự phát triển của tỉnh.
Sáu tháng qua, dù đã cố gắng, chủ động ứng phó ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhưng Lào Cai vẫn không tránh được tác động mạnh mẽ của đại dịch. Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh đã chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua. Tăng trưởng GRDP 6 tháng của Lào Cai vẫn đạt 6,08%, tuy thấp hơn cùng kỳ song đây là mức cao nhất trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc và trung du.
Trong đó, sản xuất công nghiệp mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn là điểm sáng trong phát kinh tế xã hội của tỉnh, góp phần rất lớn vào tăng trưởng GRDP địa phương (chiếm 47-48%). Giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2020 đạt 16.501 tỷ đồng, đạt 45,6% kế hoạch, tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Tiềm năng về thủy điện được khai thác hợp lý, 6 tháng đầu năm có thêm 4 Nhà máy hoàn thành, tổng công suất lắp máy 34,15MW nâng tổng số đến nay có 58 nhà máy hoàn thành phát điện hòa lưới quốc gia với tổng công suất lắp máy 941,75MW. Sản lượng điện phát đạt 1.217 triệu kWh, đạt 35,8KH, tăng 31,9% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2020 của Lào Cai đã chịu ảnh hưởng lớn do diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19 và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dịch bệnh, đặc biệt trong thời gian cách ly xã hội kéo dài nhiều ngày.
Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội 6 tháng đạt 10.083,6 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch, giảm 14,5% so với cùng kỳ.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.280,5 triệu USD, đạt 32% kế hoạch, giảm 18,7% so với cùng kỳ.
Dù khó khăn như vậy, nhưng Lào Cai vẫn quyết tâm giữ vững các chỉ tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm và cả năm 2020 để làm động lực phấn đấu, không đề xuất điều chỉnh chạy theo thành tích. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt 36.180 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu phấn đấu đạt 4,6 tỷ USD.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ tỉnh Lào Cai tiếp tục xác định công nghiệp là lĩnh vực quan trọng và chú trọng phát triển chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp vật liệu, công nghiệp phụ trợ, đồng thời nghiên cứu phát triển công nghiệp sử dụng nhiều lao động như gia công, điện tử may mặc; áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 tăng bình quân 12%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2025 đạt 60.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2020.
Lào Cai cũng xác định dịch vụ, thương mại, du lịch là ngành kinh tế đột phá, trong đó, tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu trở thành một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc. Phấn đấu tổng giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu năm 2025 đạt 9 tỷ USD, gấp 1,9 lần năm 2020.
Để đạt được những mục tiêu này, bên cạnh sự chủ động của tỉnh, Lào Cai kiến nghị Bộ Công Thương trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc đưa Cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai – Hà Khẩu vào Danh mục các cửa khẩu chỉ định được phép nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam; tổ chức NK hàng nông sản, trái cây và tăng thêm chuyến tàu liên vận hoạt động hàng ngày.
Đồng thời, đề nghị phía Trung Quốc tiếp tục thực hiện thí điểm kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu Kim Thành - Bắc Sơn đối với hàng nông sản của cả hai bên trong khi chờ Chính phủ hai nước chính thức thống nhất về thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu này.
Mặt khác, thống nhất việc thiết lập cặp chợ biên giới Kim Thành (Lào Cai) - Bắc Sơn (Hà Khẩu) và đẩy nhanh việc hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Lào Cai cũng kiến nghị Bộ Công Thương bổ sung đấu nối cho 20 dự án thủy điện với tổng công suất 154,8 MW đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lào Cai nhưng chưa có đấu nối; tiếp tục xem xét phê duyệt bổ sung đấu nối cho 8 dự án đã được UBND tỉnh Lào Cai đề xuất và xem xét phê duyệt 19 dự án thủy điện, phê duyệt bổ sung đồng bộ đấu nối vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2025, xét đến 2035.
Hướng tới nâng cao tính bền vững trong tăng trưởng của tỉnh
Lắng nghe ý kiến của UBND tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao những nỗ lực cũng như kết quả tích cực mà tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, thể hiện rõ ở 3 trụ cột kinh tế.
Công nghiệp và công nghiệp chế biến chế tạo thể hiện rõ là động lực cho tăng trưởng, 6 tháng đầu năm dù khó khăn những công nghiệp là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng so với cùng kỳ, tạo dựng nền tảng vững chắc cho phát triển của tỉnh.
Xuất nhập khẩu dù sụt giảm nhưng có thể thấy chỉ bắt đầu từ tháng 2 khi chịu tác động chung của dịch bệnh, và điều này là không thể tránh được với một địa phương tiếp giáp biên giới Trung Quốc, có mật độ, quy mô giao lưu thương mại - xã hội lớn như Lào Cai.
Đặc biệt, việc thực hiện quan điểm kiên quyết không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, thậm chí trong bối cảnh còn chưa lường hết được những tác động của dịch bệnh và các yếu tố khác trong 6 tháng cuối năm, cho thấy sự tự tin và quyết tâm cao độ của Lào Cai.
Thời gian tới, Lào Cai cũng đã có những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể với nhiệm vụ trọng tâm rất đúng là hướng tới giá trị bền vững cao hơn, phát huy đầy đủ tiềm năng của tỉnh trong những lĩnh vực kinh tế đặc thù như khai khoáng, tạo điều kiện nền tảng cho công nghiệp chế biến chế tạo sau này, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp trong và ngoài nước.
Cùng với đó, kinh tế thương mại biên giới phát triển tại Lào Cai sẽ phát huy vai trò điểm đầu cầu giao thương, kết nối thị trường Trung Quốc và các thị trường khác không chỉ với thị trường 90 triệu dân Việt Nam mà cả thị trường 600 triệu dân của ASEAN.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Lào Cai cần đánh giá lại mô hình phát triển của tỉnh, đi cùng với rà soát các tổ chức thực hiện mô hình này. Trong đó, đảm bảo tăng cường tính đồng bộ của nền kinh tế, phát triển đa dạng nhiều lĩnh vực trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Đặc biệt, cần mở rộng khai thác các lĩnh vực, thị trường tiềm năng, hướng tới nâng cao tính bền vững trong chiến lược phát triển của tỉnh.
Trong quá trình này, Bộ Công Thương khẳng định sẽ giữ vững, đề cao trách nhiệm đồng hành cùng địa phương tăng trưởng. Bộ trưởng giao các đơn vị tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Lào Cai, nhấn mạnh “đây đều là những đề xuất xác đáng, phù hợp với thực tiễn tại địa phương”, từ đó tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khung khổ chính sách và cơ chế thực thi, điều hành để tạo điều kiện tối đa cho tỉnh phát triển nhanh nhưng đảm bảo yếu tố ổn định, bền vững.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp chia sẻ thống nhất với sự thay đổi định hướng phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững của Lào Cai, giảm khai khoáng tăng chế biến. Ông lưu ý, Lào Cai cần có sự phân bổ nguồn lực, nhân lực hợp lý để khai thác tối đa tiềm năng công nghiệp, đặc biệt tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới và Cục Công nghiệp sẽ tích hợp phối hợp với tỉnh trong công tác này.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định Lào Cai đã có những bước tiến lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua, khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng lên tới 300%. Với việc Việt Nam tham gia sâu hơn vào hội nhập kinh tế quốc tế, có mặt trong nhiều Hiệp định thương mại tự do và nhất là Hiệp định Đối tác phát triển toàn diện (RCEP) sắp được ký kết tới đây, thì Lào Cai cần có các giải pháp khai thác nhiều hơn tiềm năng thương mại qua cửa khẩu của mình, chuyển dần sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang tích cực tạo điều kiện để Lào Cai phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lực. Về phía tỉnh, UBND Lào Cai cần chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các sở ngành chức năng khác để đảm bảo hiệu quả trong khai thác, phát triển hệ thống thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Để phát triển mạnh mẽ hơn thương mại nội địa, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng Lào Cai cần tăng cường tham gia hơn nữa vào các chương trình kích cầu nội địa mà Bộ Công Thương tổ chức, cùng với đó làm tốt việc thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm, tiến tới nhân rộng mô hình này cũng như mô hình các điểm bán hàng OCOP tại một số tuyến phố du lịch kết hợp với thương mại mà tỉnh đang lên kế hoạch.
Theo ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Lào Cai cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác huy động các nguồn vốn cho phát triển, tập trung đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, ông cho rằng Lào Cai cần đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, gắn phát triển du lịch với nâng cao tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh để khai thác tối đa hai thế mạnh này.
“Các đơn vị trong Bộ phải nghiên cứu, có ý kiến chính thức báo cáo Bộ và khẩn trương trả lời địa phương theo tinh thần phù hợp thực tiễn, sẵn sàng đề xuất các biện pháp xử lý, điều chỉnh về pháp luật nếu cần. Đối với những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ chủ động làm việc các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho tỉnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong ngày 15-16/7, đoàn công tác Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đến làm việc tại tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên, phát huy vai trò đồng hành cùng địa phương tăng trưởng mạnh mẽ.