TÓM TẮT:
Trong thời gian gần đây, xu hướng sử dụng công cụ chống bán phá giá để bảo hộ sản xuất trong nước ngày càng phổ biến. Khi các nước bị kiện đã có kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó với các cuộc điều tra, các nước đi kiện lại liên tục nghĩ ra các chiêu bài mới để tăng cường khả năng bảo hộ. Khái niệm "thị trường đặc biệt" ra đời trong bối cảnh đó. Thị trường đặc biệt là thị trường không hoạt động theo quy luật thị trường do bị sự can thiệp, chi phối của Chính phủ. Vì vậy, giá cả trong các thị trường này không phản ánh quy luật cung cầu và do đó không được sử dụng trong các cuộc điều tra chống bán phá giá. Thay vào đó, các cơ quan điều tra sẽ sử dụng giá tham chiếu từ các thị trường thay thế và kết quả thường dẫn đến mức thuế chống bán phá giá tăng đột biến. Chính vì vậy, trên các diễn đàn quốc tế đã có nhiều ý kiến quan ngại về việc lạm dụng thị trường đặc biệt trong xu hướng điều tra gần đây.
Là một quốc gia thường xuyên phải đối mặt với các cuộc điều tra chống bán phá giá, Việt Nam cần nghiên cứu về quy định và thực tiễn vấn đề này để có kế hoạch, chiến lược ứng phó phù hợp nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững trong bối cảnh hội nhập.
Từ khóa: Phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, WTO, kinh tế thị trường
1. Giới thiệu
Yếu tố thị trường đặc biệt là một thuật ngữ được sử dụng trong Hiệp định chống bán phá giá (Antidumping Agreement - ADA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Trong thời gian gần đây, thuật ngữ này dường như đã trở thành phổ biến được các cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của các nước thành viên WTO sử dụng và coi như một trong những “công cụ” hữu hiệu để giúp tạo ra được biên độ bán phá giá đủ lớn trong các vụ việc điều tra. Vậy liệu vấn đề này, bên cạnh những vấn đề khác còn đang gây ra nhiều tranh cãi tại WTO liên quan đến phương pháp tính toán biên độ bán phá giá, có tạo ra thêm một tranh cãi lớn khác tại WTO về sự đúng đắn? Bài viết này sẽ góp phần phân tích, làm rõ về yếu tố thị trường đặc biệt và những vấn đề trên thực tiễn mà nó đang tạo ra trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
2. Yếu tố thị trường đặc biệt là gì?
Hiệp định ADA được coi như là nền tảng pháp lý cơ sở cho việc tổ chức điều tra, thực thi và áp dụng biện pháp chống bán phá giá của các thành viên WTO. Các điều khoản của ADA đặt ra những nguyên tắc cơ bản nhất về nội dung điều tra, quy trình thủ tục cũng như nghĩa vụ của các bên trong một vụ việc điều tra. Việc thiết kế ra một bộ quy tắc chung để hơn 160 thành viên WTO sử dụng là một sự thành công lớn của WTO bất chấp việc trên thực tế đã phát sinh những vấn đề vướng mắc lớn liên quan đến nguyên tắc thực thi, cách thức hiểu và diễn giải các điều khoản, cũng như nghĩa vụ của các bên liên quan.
Có thể thấy, bên cạnh những vấn đề phát sinh nổi bật được phản ánh qua những tranh chấp tại WTO trong suốt thời gian dài vừa qua, như: vấn đề xác định hàng hóa tương tự (like product), vấn đề về phương pháp tính toán như zeroing, phương pháp định giá phân biệt (differential pricing methodology), vấn đề về xác định ngành sản xuất trong nước (domestic industry determination), vấn đề xác định thiệt hại (injury determination)… thì gần đây, một trong những vấn đề đang được các thành viên WTO thể hiện sự quan tâm đặc biệt, đó là “yếu tố thị trường đặc biệt” khi tính toán biên độ bán phá giá.
Biên độ bán phá giá là khoảng chênh lệch có thể tính được giữa giá trị thông thường của hàng hóa đó tại thị trường nội địa nước xuất khẩu so với giá xuất khẩu hàng hóa đó vào thị trường nước nhập khẩu sau khi đã điều chỉnh những khác biệt có ảnh hưởng đến sự so sánh về giá.
Biên độ bán phá giá được tính theo công thức sau:
Để so sánh giá trị thông thường và giá xuất khẩu, để đảm bảo việc so sánh công bằng cần phải đưa về cùng cấp độ thương mại, thông thường là ở cấp độ xuất xưởng (ex-work).
Công thức trên cho thấy 02 biến số có thể giúp cơ quan điều tra các nước sử dụng để tăng biên độ bán phá giá:
(i) tăng giá trị thông thường; hoặc
(ii) giảm giá xuất khẩu
Những phương pháp gây tranh cãi nói trên như zeroing, định giá phân biệt… là những phương pháp đã được sử dụng để giảm giá xuất khẩu nhằm giúp làm tăng biên độ bán phá giá lên. Phương pháp yếu tố thị trường đặc biệt là phương pháp mới được các cơ quan điều tra sử dụng trong thời gian gần đây nhằm mục đích điều chỉnh tăng giá trị thông thường, một yếu tố cũng giúp làm tăng biên độ bán phá giá.
Thuật ngữ “yếu tố thị trường đặc biệt” được đề cập đến tại Điều 2.2 của Hiệp định ADA, theo đó liên quan đến cơ sở để các cơ quan điều tra xác định và tính toán giá trị thông thường:
“Trong trường hợp không có các giao dịch bán hàng hóa tương tự, trong điều kiện thương mại thông thường, trên thị trường nội địa của nước xuất khẩu hoặc trong trường hợp các giao dịch bán hàng hóa tương tự trên thị trường nội địa không đủ điều kiện để thực hiện việc so sánh phù hợp với giá xuất khẩu do tác động của yếu tố thị trường đặc biệt hoặc lượng bán trên thị trường nội địa là nhỏ và không mang tính đại diện, khi đó biên độ bán phá giá phải được xác định dựa trên việc so sánh giữa giá xuất khẩu với
(i) giá có thể so sánh được của hàng hóa tương tự được xuất khẩu sang thị trường một nước khác (nước thứ ba) phù hợp với điều kiện rằng giá xuất khẩu sang thị trường nước thứ ba đó mang tính đại diện; hoặc
(ii) giá trị thông thường được xây dựng dựa trên chi phí sản xuất tại nước xuất khẩu cộng với các chi phí bán hàng, chi phí quản lý chung và khoản lợi nhuận hợp lý.
Thế nhưng cho đến nay, thuật ngữ “yếu tố thị trường đặc biệt” chưa từng được làm rõ hay giải thích cụ thể hơn trong các điều khoản của hiệp định ADA cũng như những hướng dẫn của Ủy ban chống bán phá giá WTO. Do đó, hàm ý duy nhất có thể hiểu được từ ADA đó chính là nhờ có thuật ngữ yếu tố thị trường đặc biệt, nó “cho phép” các cơ quan điều tra trên thế giới có thể linh hoạt và tùy nghi khi thực hiện việc so sánh giá trị thông thường và giá xuất khẩu bằng cách không sử dụng giá bán trên thị trường nội địa nước xuất khẩu làm cơ sở xác định giá trị thông thường mà sử dụng phương pháp thay thế khác, xây dựng lại giá trị thông thường.
Trên thực tế, yếu tố thị trường đặc biệt đã được cân nhắc xem xét đến trong quá trình xây dựng dự thảo hiệp định ADA. Tuy nhiên, những nhà làm luật tại thời điểm đó lại bỏ qua những lý giải và hướng dẫn cụ thể cho vấn đề này và cũng không có bất cứ vấn đề phát sinh nào hay ý kiến phản đối nào của các thành viên WTO về vấn đề này. Chính vì vậy, những tranh chấp phát sinh từ vấn đề này đã không diễn ra trong một khoảng thời gian dài từ khi ra đời hiệp định ADA cho đến khi những tranh chấp, tranh cãi xung quanh vấn đề nền kinh tế phi thị trường đã đi đến hồi kết khi mà cam kết của Trung Quốc và Việt Nam lần lượt hết hạn vào năm 2016 và năm 2018.
3. PMS sẽ là công cụ mới thay thế cho công cụ “nền kinh tế phi thị trường”
Vấn đề nền kinh tế phi thị trường (NME - non-market economy) đã từng là một vấn đề tranh cãi gay gắt tại WTO giữa các nước thành viên sáng lập WTO và các nước thành viên gia nhập WTO sau này thuộc nhóm các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, và một số nước thuộc liên bang Nga trước đây, như: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Tajikistan, Georgia, Turkmenistan và Uzbekistan.
Thuật ngữ nền kinh tế phi thị trường được dùng để chỉ các nền kinh tế nơi chính phủ có độc quyền hoặc gần như độc quyền về thương mại và nhà nước ấn định giá cả nội địa; hay nói cách khác là chính phủ của nền kinh tế đó kiểm soát và chi phối các hoạt động thương mại và làm bóp méo các hoạt động thương mại, đặc biệt là yếu tố giá và chi phí. Theo đó, mỗi cơ quan điều tra của các nước thành viên khác nhau có quy định riêng về các tiêu chí xác định nền kinh tế phi thị trường và trên thực tế, vấn đề này chỉ có tác động tới các vụ việc điều tra chống bán phá giá chứ nó không mang yếu tố hàm ý rằng cả nền kinh tế của nước đó không phải là nền kinh tế thị trường.
Khi một nước xuất khẩu bị xem là có nền kinh tế phi thị trường thì các nguyên tắc tính toán Giá thông thường sẽ không được sử dụng và nước nhập khẩu có thể sử dụng các phương pháp tính toán khác mà mình cho là hợp lý. Trên thực tế, quy định này tạo ra bất lợi rất lớn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu từ nước bị xem là có nền kinh tế phi thị trường.
Cả Việt Nam và Trung Quốc, trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, đã phải cam kết một điều khoản theo đó cho phép các nước thành viên khác trong các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá tự động coi rằng nền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc là các nền kinh tế phi thị trường[2]. Và do đó, giá bán trên thị trường nội địa và thậm chí cả chi phí sản xuất đều đã bị bóp méo bởi sự can thiệp của chính phủ. Vì vậy, các nước này có quyền không sử dụng giá bán nội địa cũng như chi phí sản xuất để xác định giá trị thông thường khi tính toán biên độ bán phá giá, mà thay vào đó là sử dụng giá trị từ một nguồn khác sẽ tạo ra bất lợi cho việc tính toán ra biên độ bán phá giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Như đã đề cập ở trên, các điều khoản của hiệp định ADA cũng như những hướng dẫn của Ủy ban Chống bán phá giá WTO chưa hề có bất cứ nội dung nào làm rõ những tiêu chí, điều kiện xác định yếu tố thị trường đặc biệt. Chính vì vậy, các cơ quan điều tra của các nước thành viên có toàn quyền đưa ra những cách tiếp cận, chính sách hoặc quy định riêng về vấn đề này trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá. Chính khoảng trống pháp lý này đã và sẽ góp phần tạo ra những tranh luận, tranh chấp chưa có hồi kết giữa các nước thành viên cũng như cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO vì những cách diễn giải, cách tiếp cận khác nhau giữa các thành viên, các thể chế pháp luật.
Trên thực tế, về mặt lý thuyết thì yếu tố thị trường đặc biệt sẽ đóng vai trò quan trọng cho các cơ quan điều tra (đặc biệt là các nước như Hoa Kỳ, EU, Australia) khi nó cho phép thay thế phương pháp truyền thống - phương pháp nền kinh tế thị trường - mà các nước này thường sử dụng để nhắm đến hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam nói riêng và các nền kinh tế bị coi là phi thị trường nói chung. Hơn nữa, phương pháp PMS mới này còn có thể được áp dụng ở quy mô rộng hơn, với tất cả các nước, so với phương pháp NME (chỉ áp dụng với các nước có nền kinh tế phi thị trường) với chỉ một điều kiện là chứng minh có tồn tại yếu tố thị trường đặc biệt tại thị trường nước bị điều tra.
Tương tự như cách thức áp dụng đối với phương pháp NME, khi chứng minh được có tồn tại yếu tố thị trường đặc biệt, cơ quan điều tra các nước có quyền không xem xét giá bán nội địa cũng như chi phí sản xuất tại thị trường nước xuất khẩu và thay vào đó là sử dụng giá trị thông thường tự xây dựng hoặc giá xuất khẩu sang một thị trường thứ ba. Việc không có hướng dẫn và tiêu chí xác định như phân tích ở trên sẽ giúp các cơ quan điều tra dễ dàng đưa ra kết luận về sự tồn tại của yếu tố thị trường đặc biệt. Chính vì vậy, đây là một sự thay thế hoàn hảo hơn rất nhiều cho phương pháp NME, cả ở khía cạnh phạm vi áp dụng lẫn hiệu quả áp dụng.
4. Xu hướng sử dụng PMS trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá
Khi quan sát xu hướng điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong thời gian gần đây, có thể nhận thấy rằng, Hoa Kỳ và Australia là hai thành viên tích cực nhất trong việc vận dụng điều khoản về yếu tố thị trường đặc biệt trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá. Đã có một số vụ việc được khởi xướng điều tra bởi Hoa Kỳ[3] và Australia[4] nhằm vào không chỉ riêng Trung Quốc, Việt Nam[5] mà còn cả các nước khác như Indonesia mà sử dụng yếu tố thị trường đặc biệt.
Trong vụ việc Australia điều tra áp dụng biện pháp CBPG với sản phẩm giấy A4 của Indonesia, Ủy ban Chống bán phá giá của Australia (ADC) đã xác định có tồn tại yếu tố thị trường đặc biệt đối với ngành sản xuất giấy của Indonesia và do đó kết luận đã dẫn tới biên độ bán phá giá rất cao. Theo đó, ADC xác định rằng, giá bán sản phẩm giấy A4 trên thị trường nội địa của Indonesia không phù hợp để làm cơ sở xác định giá trị thông thường vì giá này thấp hơn quá nhiều so với mức giá chung của khu vực. ADC đã ước tính rằng giá bán sản phẩm giấy A4 trên thị trường nội địa nằm trong khoảng từ 800-880 USD/tấn trong giai đoạn điều tra, trong khi giá bán hàng hóa tương tự trong khu vực ASEAN nằm trong khoảng 900-965 USD/tấn. ADC cho rằng, giá bán thấp trên thị trường nội địa Indonesia đến từ nguyên nhân Chính phủ Indonesia can thiệp vào ngành công nghiệp trồng rừng và công nghiệp sản xuất bột giấy thông qua việc hỗ trợ cho hoạt động trồng gỗ rừng và các chính sách hạn chế xuất khẩu gỗ. Việc hạn chế xuất khẩu gỗ của chính phủ Indonesia đã làm cho lượng gỗ nguyên liệu trên thị trường nội địa nhiều hơn so với tổng nhu cầu và dẫn đến hệ quả làm cho giá gõ nguyên liệu thấp hơn và dẫn tới giảm giá thành bột gỗ. ADC cho rằng, nếu không có sự can thiệp này của chính phủ Indonesia thì giá gỗ nguyên liệu và bột gỗ sẽ phải cao hơn giá thực tế mà ngành sản xuất giấy Indonesia đã mua trong giai đoạn điều tra. Giá nguyên liệu thấp đã dẫn tới giá thành thấp và giá bán thấp, không phản ánh đúng nguyên tắc thị trường.
Một vụ việc khác cũng liên quan tới yếu tố thị trường đặc biệt tại Indonesia là vụ việc Hoa Kỳ điều tra áp dụng biện pháp CBPG với sản phẩm diesel sinh học (biodiesel) xuất khẩu của Indonesia. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USDOC) xác định rằng có tồn tại yếu tố thị trường đặc biệt đối với ngành công nghiệp sản xuất dầu cọ thô của Indonesia, đây là nguyên liệu chính để sản xuất biodiesel. USDOC xác định rằng, chính phủ Indonesia đã kiểm soát giá của biodiesel thông qua một chương trình dịch vụ công (PSO), theo đó PSO độc quyền bán một khối lượng rất lớn biodiesel tiêu thụ trên thị trường nội địa. Với lý do này, USDOC cho rằng giá biodiesel trên thị trường nội địa Indonesia đã bị bóp méo bởi chương trình PSO nói trên. Vì vậy, với sự tồn tại yếu tố thị trường đặc biệt trên thị trường nội địa Indonesia với sản phẩm biodiesel, các sản phẩm biodiesel này không được bán trong điều kiện thương mại thông thường và do đó giá bán nội địa không được coi là cơ sở để xác định giá trị thông thường. Trên cơ sở đó, USDOC đã xây dựng lại giá trị thông thường dựa trên giá của nguyên liệu là dầu cọ thô và các chi phí sản xuất hợp lý khác cũng như tỷ lệ lợi nhuận hợp lý.
Với EU, hiện tại chưa có một vụ việc chính thức nào áp dụng yếu tố thị trường đặc biệt. Tuy nhiên, trong vụ việc biodiesel với Argentina và Indonesia, Cơ quan điều tra của EU (Tổng vụ thương mại - Vụ H) cũng đã xác định rằng có sự bóp méo chi phí sản xuất biodiesel do tác động của việc giá bán nguyên liệu dầu cọ thô trên thị trường nội địa ở mức quá thấp vì chính sách hạn chế xuất khẩu dầu cọ thô. Vì vậy, cơ quan điều tra EU đã không sử dụng chi phí sản xuất dầu cọ thô mà thay vào đó sử dụng giá thay thế là giá tham chiếu cơ sở hoặc giá xuất khẩu cơ sở mà chính phủ Indonesia xây dựng hàng tháng làm cơ sở tính toán giá trị thông thường[6].
Như vậy, có thể nhận thấy rằng, xu hướng xem xét và áp dụng yếu tố thị trường đặc biệt trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá đang được cơ quan điều tra các nước cân nhắc sử dụng như một công cụ mới trong các vụ việc điều tra nhằm đảm bảo xác định được các mức độ phá giá cao nhất, có tính bảo hộ tốt nhất. Để đảm bảo cho tính pháp lý của công cụ này, các nước cũng đang từng bước xây dựng các tiêu chí cụ thể của riêng mình và nội luật hóa các quy định này tạo cơ sở vững chắc hơn cho việc áp dụng, bất chấp việc WTO vẫn đang bỏ ngỏ những thảo luận nghiêm túc về vấn đề này. Các tranh chấp về vấn đề này được dự đoán sẽ sớm bùng lên và có thể sẽ được cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, thông qua những phán quyết, sẽ tạo ra những định hướng rõ ràng hơn cho việc tiếp cận và ứng xử hợp lý với vấn đề này trong tương lai gần.
Việt Nam với định hướng là nước xuất khẩu, đã phải đối mặt với những vấn đề tranh chấp phức tạp như zeroing, NME,… và đã gây ra những hậu quả tiêu cực với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của nước ta. Việt Nam cần phải theo dõi, nghiên cứu và sát sao hơn trong các vụ việc mà nước ngoài điều tra với hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt những vụ việc sử dụng PMS để có thể bảo vệ một cách hợp lý lợi ích chính đáng của nước ta.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Particular Market Situation - PMS.
[2] Việt Nam: Đoạn 254 Báo cáo về việc gia nhập WTO của Ban công tác – WT/ACC/VNM/1/Rev.23
Trung Quốc: Điều 15(d) Nghị định thư gia nhập WTO của Trung Quốc - WTO Doc. WT/L/432 (Nov. 23, 2001)
[3] Các vụ việc tiêu biểu: Biodiesel from Indonesia, 83(41) Fed. Reg. 8835 (Mar. 1, 2018); Biodiesel from Argentina, 83(41) Fed. Reg. 8835 (Mar. 1, 2018); Certain Oil Country Tubular Goods from the Republic of Korea, 79(138) Fed. Reg. 41983 (July 18, 2014); Certain Corrosion-Resistant Steel Products from the Republic of Korea, 81(106) Fed. Reg. 35303 (June 2, 2016); Fresh Atlantic Salmon from Chile, 63(110) Fed. Reg. 31411 (June 9, 1998); Certain Pasta from Italy: Final Results of the Expedited Third Sunset Review of the Countervailing Duty Order, 78(3) Fed. Reg. 693 (Jan. 4, 2013).
[4] Các vụ việc được nêu tại các báo cáo sau:Austl. Anti-Dumping Comm’n, Report No. 341 (Mar. 17, 2017) (Austl.); Austl. & Border Prot. Serv., Report 190 (Apr. 30, 2013) (Austl.); Austl. Anti-Dumping Comm’n, Termination Report No. 239a (Oct. 18, 2016) (Austl.); Austl. Anti-Dumping Comm’n, Report No. 237 (May 7, 2015) (Austl.); Austl. Anti-Dumping Comm’n, Report No. 198 (Sept. 16, 2013).
[5] Australia điều tra hai vụ việc CBPG với ống thép và thép mạ của Việt Nam, trong đó đều đưa ra các cáo buộc về yếu tố thị trường đặc biệt
[6] Council Implementing Regulation (EU) No 1194/2013 of 19 November 2013 imposing a definitive anti-dumping duty and collecting definitively the provisional duty imposed on imports of biodiesel originating in Argentina and Indonesia, 2013 O.J. (L 315), pp 66-93.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- World Trade Organization (1995), Hiệp định chống bán phá giá của WTO (ADA Agreement).
- Yun, Mikyung. (2017). The Use of “Particular Market Situation” Provision and Its Implications for Regulation of Antidumping. East Asian Economic Review, 21(3), 231.
- World Trade Organization. (2001). Protocol on the Accession of the People’s Republic of China, WTO Doc. WT/L/432. Retrieved June 24, 2020, from: https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=&ved=2ahUKEwiUian12tbrAhUWiZQKHcLyDxAQFjAAegQIBBAB&url=https%3A%2F%2Fdocsonline.wto.org%2Fdol2fe%2FPages%2FSS%2FDirectDoc.aspx%3Ffilename%3Dt%3A%2Fwt%2Fl%2F432.doc&usg=AOvVaw1ucaKxd1Il3zyvZP_Fec_N.
- Anti-Dumping Commission under the Department of Industry, Innovation and Science, the Government of Australia. (2018). Dumping and Subsidy Manual. Retrieved June 18, 2020, from: https://www.industry.gov.au/data-and-publications/dumping-and-subsidy-manual.
- Anti-Dumping Commission under the Department of Industry, Innovation and Science, the Government of Australia. (2017). Report No. 341. Retrieved June 18, 2020, from: https://www.industry.gov.au/regulations-and-standards/anti-dumping-and-countervailing-system/anti-dumping-commission-archive-cases/epr-341.
- Anti-Dumping Commission under the Department of Industry, Innovation and Science, the Government of Australia. (2015). Report No. 237. Retrieved June 18, 2020, from : https://www.industry.gov.au/regulations-and-standards/anti-dumping-and-countervailing-system/anti-dumping-commission-archive-cases/epr-237
- United States Government Publishing Office (GPO). (2018). Biodiesel from Indonesia, 83(41) Fed. Reg. 8835 (March 1, 2018). Retrieved June 22, 2020, from : https://www.govinfo.gov/app/details/FR-2018-03-01/2018-04138/context.
“Particular Market Situation” - a new tool of investigative agencies in anti-dumping investigations
Master. Le Trieu Dung
Trade Remedies Authority of Vietnam, Ministry of Industry
and Trade
ABSTRACT:
In recent times, the use of anti-dumping actions to protect domestic production has become increasingly popular. As the defendant countries have gained more experience in responding to anti-dumping investigations, the sueing countries has constantly deployed new tactics to protect their domestic industries. The concept of "Particular Market Situation" was introduced in that context. The Particular Market Situation is applied to the market which government bodies exert a level of oversight and control. Therefore, prices in this kind of market do not reflect the law of supply and demand and prices are not used in anti-dumping investigations. Instead, investigative agencies use reference prices from alternative markets and it often leads to a spike in anti-dumping duties. Therefore, there have been many concerns on international forums about the overuse of the regulated market concept in recent investigations.
As a country that often deals with anti-dumping investigations, it is important for Vietnam to study regulations and practices over this issue in order to have appropriate response plans and strategies to sustainably promote the country’s exports in the context of Vietnam’s integration process.
Keywords: Trade remedies, anti-dumping, WTO, market economy, Particular Market Situation, PMS
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2020]