Trong chuyến đi thực tế tại một cảng lớn thuộc Vương quốc Bỉ, thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) choáng váng khi thấy bạt ngàn cà phê Việt Nam nơi đây. Ông còn choáng hơn khi không có một bao cà phê nào ghi một dòng chữ xuất xứ Việt Nam.
Trò chuyện với các nhà kinh doanh bán lẻ châu Âu, ông biết thêm, trong mỗi ly cà phê Capuchino có 1/3 lượng cà phê từ Việt Nam. Tuy nhiên, người tiêu dùng hầu như không biết đến sự hiện diện của hạt cà phê Việt Nam trong ly thức uống thuộc vào hàng phổ biến nhất ở châu Âu này.
Dạo qua các siêu thị lớn của châu Âu, rất nhiều hàng hóa Việt Nam như nông sản, thủy sản, may mặc, giày dép, đồ gia dụng được đóng gói như sản phẩm của nước ngoài. Cái “đóng gói như sản phẩm của nước ngoài” thực chất là hàng của các đại lý, nhà nhập khẩu mua từ Việt Nam, đóng gói bao bì, dán nhãn mác của họ rồi bán vào các kênh phân phối.
Xuất khẩu qua đại lý trung gian, hiển nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp nước ta thấp. Nhưng điều quan trọng hơn, không xuất khẩu trực tiếp, doanh nghiệp nước ta không nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như yêu cầu của các chuỗi phân phối lớn, từ đó, lại càng bị lệ thuộc hơn vào đại lý trung gian. Vẫn biết thiệt đơn, thiệt kép, nhưng rất ít doanh nghiệp nước ta có đủ khả năng về quản trị, tài chính, marketing để đấu nối trực tiếp với mạng phân phối nước ngoài.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã xây dựng một dự án giúp doanh nghiệp nước ta có thể tham gia trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài. Bộ đã tổ chức “Tuần hàng Việt Nam” tại một trong những hệ thống siêu thị hàng đầu châu Âu và thế giới - siêu thị của tập đoàn Casino (tập đoàn sở hữu hệ thống siêu thị Big C) tại Pháp, khởi đầu cho chuỗi hoạt động đưa hàng Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường chính nước ta tại các khu vực Tây Âu, Đông Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á...
Từ đó đến nay, đã có hàng chục “Tuần hàng Việt Nam” tổ chức tại Pháp, Italia, Hàn Quốc, CHLB Đức, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, CH Séc… Doanh nghiệp tham gia “Tuần hàng Việt Nam” có dịp trưng bày, giới thiệu hàng hóa của mình tại các chuỗi siêu thị hàng đầu châu Âu, châu Á; được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các nhân sự phụ trách mua sắm của chuỗi siêu thị. Qua đó, nắm được các yêu cầu, quy định của chuỗi siêu thị và nhu cầu của người tiêu dùng.
Bán hàng trực tiếp vào chuỗi phân phối nước ngoài không những giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng lợi nhuận, mà lượng hàng xuất khẩu cũng sẽ tăng đáng kể, bởi các tập đoàn phân phối lớn thường có hệ thống phân phối rộng tại nhiều quốc gia. Hệ thống Aeon của Nhật Bản có 14.000 cửa hàng tại châu Á; hệ thống Auchan của Pháp có hơn 4.000 cửa hàng tại châu Âu; hệ thống Lega Coop của Italia có 15,5 triệu hội viên, hệ thống Lotte Mart của Hàn Quốc có gần 300 trung tâm thương mại tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam...
Trên thực tế, kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam vào Aeon liên tục tăng qua từng năm. Qua các kỳ tổ chức, đến nay chương trình đã hỗ trợ được hơn 100 lượt doanh nghiệp của 21 tỉnh, thành trên cả nước tham dự quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Nhật Bản. Thông qua Tuần hàng, nhiều loại sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn đã được Aeon nhập khẩu và được đưa vào tiêu thụ tại hàng trăm siêu thị trong hệ thống của Aeon. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác với Aeon để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Nhật Bản. Hàng xuất khẩu vào hệ thống siêu thị Lotte Mart cũng lên tới hàng trăm triệu USD.
Thành công của những hoạt động kể trên đã thúc đẩy sự ra đời của Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”. Tại Quyết định này, 19 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất vẫn là kết nối doanh nghiệp trong nước với chuỗi phân phối ngoại tại Việt Nam và ở nước ngoài. Đến nay, Đề án nói trên đã nâng tầm lên thành Đề án của Chính phủ, triển khai trên toàn quốc.
Sau hơn 5 năm triển khai Đề án, đã xuất hiện nhiều điểm tích cực và hướng ra rộng mở cho hàng hóa Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất là xuất khẩu thực phẩm. Cho đến nay, trong hệ thống siêu thị ngoại ở trong nước cũng như ở nước ngoài, hàng hóa Việt Nam được nhập nhiều nhất thuộc 3 nhóm chính: Thực phẩm (nông sản, thủy sản); dệt may và giày dép; đồ gia dụng.
Trong đó, nhóm hàng may mặc và giày dép thường có giá trị gia tăng thấp, do phần thiết kế mẫu, nguyên phụ liệu chủ yếu từ nước ngoài. Nhóm hàng có thể làm nên xuất xứ gần như hoàn toàn từ Việt Nam, mang lại lợi nhuận cao là thực phẩm. Thế nhưng, theo thống kê của Aeon, hàng may mặc, giày dép của Việt Nam xuất vào chuỗi siêu thị này chiếm tới 69%; hàng thực phẩm chỉ chiếm 20%; hàng gia dụng 11%. Ngạc nhiên hơn, trong phần đánh giá tiềm năng, thế mạnh của hàng hóa Việt Nam, các chuỗi siêu thị ngoại đều đặt thực phẩm lên hàng đầu, tiếp theo là may mặc, giày dép.
Điều này có nghĩa là, hàng thực phẩm nước ta được đánh giá cao, nhưng phần lớn chưa vượt qua được nhưng yêu cầu về quản lý chất lượng mà các chuỗi siêu thị ngoại đưa ra.
Mới đây, báo chí đưa tin Việt Nam xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản. Nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gà là công ty 100% vốn của Nhật đầu tư tại Việt Nam. Và nếu xem “quy trình” 2 năm chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, công nghệ, nhân lực… để được xuất thịt gà sang Nhật, nhiều doanh nghiệp nước ta rất dễ “nản” lòng: đầu tiên đàm phán với cơ quan thú y của Nhật; tiếp đến là xây dựng quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến; huấn luyện nông dân chăm sóc gà; rồi đầu tư nhà máy chế biến, hỗ trợ nông dân đầu tư chuồng trại; sau đó đăng ký với Cục Thú y Việt Nam đến kiểm tra, sau khi vượt qua, cơ quan thú y Nhật Bản mới sang kiểm tra lần cuối, và cấp chứng thư xuất khẩu.
Cách đây ít năm, trái xoài nước ta được phép xuất khẩu vào Australia. Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam, xoài là loại quả được yêu thích tại Australia trong các bữa ăn hàng ngày, được dùng để chế biến món chính, salat, đồ uống… Nhưng cũng phải mất tới 7 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia mới gật đầu chấp thuận.
Và đây là điều kiện để xoài Việt Nam xuất khẩu vào Australia: xoài phải được chiếu xạ bắt buộc với liều lượng tối thiểu là 400 Gy; lô hàng không được có côn trùng và bệnh dịch; được đóng gói trong thùng carton có nắp được đậy chặt và không có lỗ thông hơi; thùng có lỗ thông hơi thì kích cỡ lỗ không quá 1,6 mm và độ dày của lưới không ít hơn 0,16 mm; container phải được kiểm tra bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập và được kiểm tra bởi các cán bộ an toàn sinh học tại cảng đến đầu tiên của Australia; không được phép chuyển tiếp bằng đường hàng không hoặc đường bộ cho đến khi lô hàng được kiểm dịch thông quan… Nếu trích dẫn đầy đủ, các điều kiện trên sẽ có độ dài bằng 2 lần toàn bộ bài báo này.
Khác với nhiều loại hàng hóa khác, để xuất khẩu thực phẩm vào các thị trường đòi hỏi an toàn sinh học như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia đều phải thông qua con đường đàm phán. Thời gian đàm phán thường từ 3-5 năm, đàm phán tới chủng loại (không đàm phán thịt hay hoa quả nói chung, mà đàm phán thịt gà, thịt lơn, quả xoài, quả vải…). Thành quả lớn nhất của đàm phán chỉ là đồng ý về nguyên tắc nhập khẩu, còn visa nhập khẩu được cấp dựa trên sự tuân thủ các điều kiện về an toàn sinh học của từng doanh nghiệp.
Vì thế, số chủng loại thực phẩm nước ta xuất vào vào các thị trường khó tính đếm trên đầu ngón tay. Australia mới chấp nhận 3 loại quả nhập khẩu từ Việt Nam gồm vải thiều, xoài, thanh long; Hoa kỳ chấp nhận nhập thanh long, nhãn, xoài; Nhật Bản chấp thuận nhập thanh long, xoài…
Số lượng đủ điều kiện xuất khẩu cũng không nhiều. Chuỗi siêu thị ngoại dù ở chính nước họ hay mở chi nhánh ở nước ngoài cũng phải tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh của nước họ. Vì thế, xuất khẩu thực phẩm vào siêu thị ngoại cũng chỉ ở số lượng và kim ngạch khiêm tốn.
Vì thế, tại Hội thảo về Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 do Bộ Công Thương tổ chức, các đại biểu nhiều lần nhấn mạnh đến 2 mảng cốt lõi của Đề án là Kết nối doanh nghiệp trong nước với chuỗi phân phối ngoại; song song đó là các hoạt động đào tạo cho doanh nghiệp trong nước nắm được và làm được các yêu cầu của nhà phân phối, thị trường nhập khẩu, mà trọng tâm là đào tạo hoặc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi, đáp ứng được yêu cầu kiểm soát an toàn sinh học của những thị trường khó tính.
Kết nối và đào tạo là hai mặt của một vấn đề, doanh nghiệp có được đào tạo mới đủ nguồn lực và kỹ năng để tận dụng được các cơ hội mà cơ quan quản lý đã kết nối, đó cũng là 2 điểm nhấn nhằm đích đến cuối cùng là đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam qua kênh siêu thị ngoại.