Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam chủ trì cuộc họp. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Vụ Kế hoạch, tài chính, Vụ Pháp chế thanh tra, Văn phòng Tổng cục (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp) và 44 điểm cầu từ các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (Quỹ tỉnh).
Trong năm qua, hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cả nước tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã chủ động tham mưu nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương về xử lý những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR và trồng rừng thay thế, đặc biệt là phối hợp với các đơn vị trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã ký với Ngân hàng thế giới.
Theo báo cáo tại hội nghị, đến ngày 15/12, cả nước thu được 3.107 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch năm 2021 và tăng 21% so với năm 2020. Trong đó, Quỹ trung ương thu 1.920 tỷ đồng, Quỹ tỉnh thu 1.127 tỷ đồng; thu theo loại dịch vụ từ thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất với 92,8%. Năm vừa qua, tình hình thủy văn trên cả nước khá thuận lợi, dẫn đến sản lượng điện của các nhà máy thủy điện tăng, vì vậy nguồn thu tiền DVMTR được gia tăng và vượt kế hoạch đề ra.
Đến nay, hệ thống Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cả nước đã thanh toán tiền DVMTR cho chủ rừng nguồn tiền năm 2020 là hơn 2.300 tỷ đồng, đạt 99%, với 6,7 triệu ha rừng cung ứng DVMTR được hưởng nguồn tiền này, chiếm 45% tổng diện tích rừng toàn quốc, tăng 0,2 triệu ha so với năm trước. Công tác giải ngân, thanh toán tiền DVMTR được thực hiện qua tài khoản ngân hàng, giao dịch điện tử, bưu chính đạt tỷ lệ cao, đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức và minh bạch.
Chi trả DVMTR ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp. Tiền DVMTR đã góp phần hỗ trợ các chủ rừng có nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng; đồng thời góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc nghèo, vùng sâu vùng xa, sống phụ thuộc vào rừng. Các đơn vị sử dụng DVMTR ngày càng ý thức hơn trong việc thực hiện chính sách.
Trong năm 2021, dù ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, những nhiệm vụ truyền thông, hợp tác quốc tế, kiểm tra, giám sát vẫn được quan tâm, chủ động thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ còn gặp khó khăn như công tác xác định diện tích lưu vực, diện tích rừng và xây dựng bản đồ chi trả DVMTR tại một số Quỹ tỉnh bị ảnh hưởng do sự biến động hàng năm và sai khác với bản đồ theo dõi diễn biến rừng; chi trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng, giao dịch điện tử còn khó ở một vài địa phương do điều kiện hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng tới các điểm vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID19 cũng ảnh hưởng, làm gián đoạn việc triển khai một số nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng các cấp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống Quỹ từ trung ương đến địa phương trong năm vừa qua, kết quả đạt được đáng khích lệ.
Năm 2022, nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, tổ chức giải ngân kịp thời tiền DVMTR đúng đối tượng, đúng mục đích theo quy định thông qua hình thức ngân hàng, giao dịch điện tử, bưu chính cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc; phấn đấu đạt mục tiêu kế hoạch thu tiền DVMTR đạt 3.000 tỷ đồng, đảm bảo duy trì diện tích rừng trong lưu vực cung ứng DVMTR của các chủ rừng được hưởng tiền DVMTR là 6,7 triệu ha.
Đặc biệt, trong năm tới, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trên toàn quốc và tìm đối tác mua để gia tăng nguồn thu DVMTR tại các địa phương, huy động nguồn lực mới cho bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.