Không thể phủ nhận rằng, bộ phim "Mắt biếc" có một sức hút rất lớn với công chúng tại thời điểm hiện tại. Khi đọc các trang tin, trang báo hay “lướt newfeed” trên các trang mạng xã hội lớn, đâu đâu cũng thấy mọi người bàn tán về “Mắt biếc” cùng những bài học ý nghĩa được rút ra từ bộ phim. Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Ánh, bộ phim thuộc thể loại tình cảm lãng mạn này không chỉ là nguồn cảm hứng cho giới trẻ khi vẽ nên những bài học tình yêu đầy hoài niệm, mà còn ẩn chứa nhiều bài học Marketing đắt giá đáng học hỏi.
Đừng theo đuổi khách hàng không “thích” mình
Hà Lan nói với mẹ mình rằng "Không yêu bạn của mình được, vì bạn quá hiểu mình". Ngạn luôn có mặt trong mọi hoàn cảnh, luôn kề vai sát cánh cùng Hà Lan mỗi khi cô gặp chuyện. Tuổi thơ lớn lên cùng nhau với biết bao kỷ niệm và cả khi Hà Lan gặp biến cố, dù rơi vào trạng thái khủng hoảng nhất, bị mọi người xa lánh nhưng vẫn còn Ngạn, người luôn âm thầm bên cô, không bao giờ quay lưng với cô. Đau đớn thay, hiểu người là thế, thầm thương là vậy, Ngạn sau này có tất cả, chỉ là không bao giờ có được Hà Lan. Ngạn sáng tác, đánh guitar gỗ rất giỏi nhưng đáng tiếc, Hà Lan chỉ thích âm thanh hiện đại từ chiếc guitar điện của Dũng mà thôi.
Trong kinh doanh cũng vậy, đừng quá coi trọng, cũng đừng cố gắng kiên trì theo đuổi khách hàng không thích mình. Đó là điều hết sức tốn thời gian và vô ích. Như Shark Linh cũng từng chia sẻ: "Những người yêu thích sẽ quay trở lại để mua thêm, sẵn sàng để mua bất kỳ sản phẩm mới của bạn và chia sẻ với bạn bè của họ. Nếu cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, kết quả là bạn sẽ không làm ai hài lòng cả".
Không hiểu khách hàng mình cần gì, không thể khiến người dùng thoả mãn
Bộ phim không chỉ xoay quanh cuộc tình đơn phương của Ngạn dành cho Hà Lan, bên cạnh đó, người xem còn thấy hình bóng của Hồng, người con gái đẹp người đẹp nết, dùng cả thanh xuân của mình để “trồng cây si” theo đuổi Ngạn, nhưng cuối cùng cô cũng không có được anh. “Sắp tới Hồng sẽ vào Sài Gòn, Hồng không thể mắc kẹt ở cái làng Đo Đo này nữa” cũng là lời từ biệt cho trái tim đơn phương của cô gái. Bởi cô đâu biết rằng, Ngạn thích Hà Lan không phải vì dễ thương, xinh thôi là chưa đủ mà còn bởi vì đôi Mắt Biếc.
Trong kinh doanh cũng vậy, không biết "insight" khách hàng là gì, marketer sẽ không thể khiến người dùng thoải mái khi mua hàng. Thấu hiểu tâm lý người dùng là điều cực kỳ quan trọng trong kinh doanh, để có thể xây dựng được những chiến lược marketing bài bản, đánh trúng thị hiếu người dùng, chinh phục niềm tin khách hàng. Và nếu trong Mắt biếc, Hồng hiểu được điều đó thì có lẽ cô đã không dành cả thanh xuân để theo đuổi Ngạn trong vô định như vậy.
Sản phẩm tốt chưa bao giờ là đủ
Xem Mắt Biếc, không ai có thể phủ nhận rằng Ngạn là một người đàn ông quá tốt. Trên đời này còn mấy ai được như Ngạn khi dành cả một đời để theo đuổi người. Chàng trai ấy, từ nhỏ đã không ngại xả thân để bảo vệ cô bạn mắt biếc, lớn lên chẳng sợ lời gièm pha của xã hội mà chăm sóc cho mẹ con Hà Lan. Nhưng “trai hư thì không tốt, còn trai tốt thì không vui”.
Trong kinh doanh cũng vậy. Chất lượng sản phẩm hay dịch vụ trải nghiệm của người dùng là điều cốt lõi rất quan trọng để giữ chân khách hàng ở lại, nhưng đó không phải là tất cả. Doanh nghiệp cần phải biết cách "sales" – tiếp thị, làm truyền thông thương hiệu nhằm giúp sản phẩm trở nên thú vị, luôn lọt vào “mắt xanh” của “thượng đế” mới giúp thương hiệu đứng vững trong lòng người tiêu dùng.
Có những khách hàng chỉ thích dùng thử chứ không muốn trung thành
Trong phim, Dũng được xây dựng với hình tượng “trai hư”, mang nhiều nét tính cách cá biệt. Dũng đến sau, ít có cơ hội gần Hà Lan như Ngạn. Tuy nhiên, “trăm lời Ngạn nói không bằng làn khói Honda”, anh nhanh chóng chiếm được cảm tình của cô nàng. Tưởng rằng khi “chuyện đã rồi”, anh sẽ cưới Hà Lan làm vợ, nhưng không, Hà Lan chỉ như “trạm dừng chân” của Dũng và khi xong chuyện, anh lại sẵn sàng chọn người con gái khác để lấy làm vợ.
Trong kinh doanh cũng vậy, có rất nhiều khách hàng chỉ thích trải nghiệm, dùng thử sản phẩm của bạn. Nhưng khiến họ bỏ tiền mua sản phẩm và trung thành với thương hiệu ấy thì đó lại là câu chuyện khác. Họ dùng thử với tâm trạng thoải mái, háo hức nhưng khi hết chương trình, có quyết định mua sản phẩm ấy và trở thành khách hàng trung thành hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động vào.
Khách hàng không bao giờ muốn mua “hàng Fake”, họ chỉ mua khi không có điều kiện kinh tế mà thôi
Trà Long – con gái của Hà Lan, nhân vật chính tiếp theo gần như thay thế người mẹ của mình nối tiếp phần hai của bộ phim. Trà Long như một món quà bước vào cuộc đời Ngạn nhưng cũng là lỗi lầm gánh nặng mà Hà Lan muốn gỡ bỏ. Cô thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ. Ở cô luôn phảng phất những hình ảnh thơ ấu của mẹ mình.
Từ khi vừa lọt lòng đến lúc trưởng thành, cuộc sống của Trà Long luôn có Ngạn đồng hành, Ngạn yêu thương Trà Long, Trà Long yêu quý Ngạn nhưng tình cảm mà Trà Long dành cho Ngạn không chỉ đơn thuần như thế. Cô luôn chủ động bày tỏ tình cảm với “chú” mỗi khi có cơ hội, đã hơn một lần cô thể hiện tình cảm yêu thương ấy cho “chú” biết nhưng rốt cuộc, Ngạn chỉ yêu mình Hà Lan mà thôi.
Trà Long có được vẻ đẹp của mẹ, sở hữu những nét đẹp trong sáng, có đôi má lúm đồng tiền xinh yêu nhưng cái để Ngạn theo đuổi, thầm thương trộm nhớ chính là đôi Mắt Biếc thì Trà Long lại không có. Đó cũng là một “sự thất bại” của cô trong hành trình theo đuổi “chú Ngạn”.
Trong kinh doanh cũng vậy, tâm lý khách hàng không bao giờ muốn dùng “hàng fake”, ai chẳng muốn sở hữu hàng đẹp, chính hãng, “chuẩn real”. Nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện để mua hàng xịn. Khách hàng chỉ mua khi không có điều kiện kinh tế mà thôi. Hàng fake cũng có năm, bảy loại fake, và hiển nhiên là mặt hàng “Fake” nào có chất lượng và mẫu “like auth” nhiều nhất sẽ chiếm được sức mua của người dùng.
Marketing phải liên tục thay đổi để bắt kịp xu hướng mới
Nhiều người đi xem film về thường hay có câu cửa miệng bình phẩm “Ngạn loser, Dũng winner” để nói về 2 nam chính trong phim. Cũng chẳng phải tự nhiên mà Ngạn mất Hà Lan chỉ vì đi xe đạp và chơi guitar thùng, trong khi Dũng có xe máy và guitar điện. Sự thay đổi của Hà Lan như một xu hướng tất yếu trong tâm lý của người dùng.
Ai cũng muốn tốt hơn, đẹp hơn, mấy ai sống mãi trong những hoài niệm, với những món đồ xưa cũ. “Đừng trách Hà Lan vô tình mà nếu tôi là cô ấy, tôi cũng không bao giờ chọn Ngạn”. Ngạn thuộc tuýp người cũ, không chịu thay đổi, khó thích nghi với môi trường mới, trong khi Hà Lan bắt kịp lối sống hiện đại, cô luôn muốn làm mới mình, kiểu người đó đâu có hợp với Ngạn đâu?
Trong kinh doanh cũng vậy, để sản phẩm, dịch vụ của bạn luôn được người dùng tin tưởng và không bị lỗi thời, bạn phải liên tục thay đổi để thích nghi. Cùng chiến lược Marketing bài bản sẽ giúp tên tuổi thương hiệu gắn bó lâu bền theo thời gian. Công nghệ luôn thay đổi, xu hướng tâm lý người dùng cũng bị tác động đổi thay bởi vậy nên nếu cứ sống trong những thời kì “vang bóng” xưa cũ, không chịu thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm bắt kịp với sự hiện đại của cuộc sống thì sớm muộn sản phẩm của bạn cũng bị đào thải mà thôi.
Bộ phim điện ảnh 'Mắt biếc' của đạo diễn Victor Vũ đạt doanh thu khủng và lọt top 1 Google Trends ngay ngày khởi chiếu sớm đã thực sự tạo nên cơn 'sốt' trên mạng xã hội và giới trẻ. Đặc biệt, không chỉ với phim, 'Ngày hội Mắt biếc - Từ sách đến phim' vừa diễn ra sáng 21/12 tại TP.Hồ Chí Minh với sự tham gia của đạo diễn Victor Vũ và dàn diễn viên đã thu hút đông đảo người hâm mộ, mang về doanh thu cho nhà xuất bản cuốn 'Mắt biếc' thêm 100.000 bản, kể từ khi dự án phim được công bố vào năm 2017.