6 tháng, xuất khẩu cao su cán mốc hơn 1,3 tỷ USD

Theo ước tính, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779 nghìn tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2022 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 297 triệu USD, tăng 57,7% về lượng và tăng 52,6% về trị giá so với tháng 5/2022

So với tháng 6/2021 xuất khẩu cao su tăng 10,4% về lượng và tăng 8,1% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 1.651 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 5/2022 và giảm 2,1% so với tháng 6/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt khoảng 779 nghìn tấn, trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 12,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), Latex, SVR3L, SVR10, SVRCV60, RSS3…

Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 58,71% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 351,82 nghìn tấn, trị giá 609,19 triệu USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 350,75 nghìn tấn, trị giá 606,66 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao su xuất khẩu cũng đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Cao su tổng hợp, cao su hỗn hợp (HS 4005), SVR 20, Latex, SVR 10, RSS3, SVR 3L...

Trong 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân một số chủng loại cao su có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS: 400280), SVR10, cao su tổng hợp, SVR20, SVR5…

5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 797,13 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2022 chiếm 14,3%, thấp hơn so với mức 15% của 5 tháng đầu năm 2021.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2022, thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, sau khi các ngân hàng trung ương lớn tung ra các gói cứu trợ, giá cao su thế giới có thể sẽ tăng do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến thiếu hụt bởi nguồn cung cao su Đông Nam Á đang bị thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng mủ tự nhiên.

Trong khi đó, những thách thức có thể ảnh hưởng đến nhu cầu cao su bao gồm thiếu chất bán dẫn (có thể ảnh hưởng đến sản xuất ô tô), tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Chính vì vậy, dự báo năm 2022, Việt Nam có khả năng hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu và trị giá do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su, giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.

 
Hoàng Hà