Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước ước đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8%; nhập khẩu 24,85 tỷ USD; xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60% so với cùng kỳ trước.
Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều tăng cao
Kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông lâm thủy sản trong tháng 7/2024 đạt 5,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng 7/2023; trong đó, nông sản chính 2,62 tỷ USD (tăng 25,2%), lâm sản 1,4 tỷ USD (tăng 15,8%), thủy sản 880 triệu USD (tăng 13,2%), chăn nuôi 47,4 triệu USD (tăng 9,3%). Riêng đầu vào sản xuất 154 triệu USD (giảm 19,9%).
Tính chung 7 tháng năm 2024, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 34,27 tỷ USD. Đóng góp vào kết quả này có: Nông sản 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi 288 triệu USD, tăng 4,8%. Riêng đầu vào sản xuất 1,07 tỷ USD, giảm 4,2%.
Đáng chú ý, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước, như: Gỗ và sản phẩm gỗ 8,78 tỷ USD (tăng 21,9%); Cà phê 3,54 tỷ USD (tăng 30,9% với lượng 964 nghìn tấn, giảm 13,8%); Gạo 3,27 tỷ USD (tăng 25,1% với lượng 5,18 triệu tấn, tăng 5,8%); Hạt điều 2,37 tỷ USD (tăng 22,1% với lượng 424 nghìn tấn, tăng 26,4%); Rau quả 3,83 tỷ USD (tăng 24,3%); Tôm 2 tỷ USD (tăng 7,5%); Cá tra 1,02 tỷ USD (tăng 7,1%).
Về giá xuất khẩu bình quân 7 tháng qua, gạo đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so cùng kỳ; cà phê 3.669 USD/tấn, tăng 51,7%, cao su 1.555 USD/tấn, tăng 14,8%; hạt tiêu 4.665 USD/tấn, tăng 45%; chè 1.728 USD/tấn, tăng 1,6%. Riêng hạt điều 5.604 USD/tấn, giảm 3,5%.
Theo thị trường, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều tăng. Trong đó xuất khẩu sang châu Á 16,3 tỷ USD (tăng 16,9%); châu Mỹ 7,9 tỷ USD (tăng 20,5%); châu Âu 4,2 tỷ USD (tăng 29,6%); châu Phi 638 triệu USD (tăng 7,9%) và châu Đại dương 476 triệu USD (tăng 14,2%). Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 21,1%, tăng 21,6%; Trung Quốc chiếm 20,5%, tăng 11,3% và Nhật Bản chiếm 6,6%, tăng 4%.
Nhập khẩu nông lâm thủy sản từ châu Mỹ và châu Âu tăng
Ở chiều ngược lại, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch nhập khẩu nhóm nông lâm thủy sản vào Việt Nam trong 7 tháng qua đạt 24,85 tỷ USD, tăng 8,2%. Trong đó, nông sản 15,27 tỷ USD, tăng 7,6%; sản phẩm chăn nuôi 2,09 tỷ USD, tăng 5,4%; thuỷ sản 1,44 tỷ USD, giảm 3,8%; lâm sản 1,55 tỷ USD, tăng 20,8%; đầu vào sản xuất 4,48 tỷ USD, tăng 12,3%; muối 21,4 triệu USD, giảm 16,6%.
Về thị trường, giá trị nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản từ châu Á 7,4 tỷ USD, tăng 10,3%; châu Mỹ 6,3 tỷ USD, tăng 20,5%; châu Đại dương 960 triệu USD, giảm 42,4%; châu Âu 1,1 tỷ USD, tăng 19,6% và châu Phi 798 triệu USD, giảm 25,4%.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi sát sao và báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo điều hành giá và Tổ điều hành thị trường trong nước, Ban chỉ đạo giá của Chính phủ về giá cả và nguồn cung các hàng thiết yếu, như lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, phân bón; đôn đốc, tổng hợp việc triển khai Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.
Hướng dẫn các địa phương điều tiết kế hoạch sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu và đàm phán xử lý rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, EU...