TÓM TẮT:
Ảnh hưởng của biện pháp khoanh vỏ, chlorate kali và gibberellic acid đến sự ra hoa trên cây nhãn Xuồng cơm vàng đã được tiến hành tại tỉnh Tiền Giang từ tháng 11/2013 đến tháng 06/2014. Mục đích của nghiên cứu là khảo sát ảnh hưởng của biện pháp khoanh vỏ, chlorate kali và gibberellic acid đến sự ra hoa nghịch vụ và năng suất nhãn Xuồng cơm vàng. Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức và 4 lần lặp lại. Kết quả cho thấy, bằng cách khoanh vỏ + tưới chlorate kali với liều lượng 15 g/m đường kính tán cây + phun GA3 25 mg/l đã gia tăng tỷ lệ ra hoa và năng suất cây.
Từ khóa: Gibberellic acid, Chlorate kali, khoanh vỏ, nhãn Xuồng cơm vàng, ra hoa.
1. Mở đầu
Trong những năm gần đây đã có nhiều giống nhãn được trồng phổ biến như nhãn Tiêu da bò, nhãn Long, nhãn Super, nhãn Idor,… Trong đó, nhãn Xuồng cơm vàng là giống nhãn hiện đang được những người trồng nhãn rất quan tâm bởi những ưu điểm như trái to, trọng lượng trái cao, phẩm chất ngon, cơm dày, khả năng sinh trưởng khá. Do những đặc điểm nổi bật như vậy nên nhãn Xuồng cơm vàng được người tiêu dùng ưa chuộng và giá bán của giống nhãn này cao hơn nhiều so với các giống nhãn khác. Tuy nhiên, nhãn thường cho trái muộn, do cây không thể khởi phát hoa trừ khi được kích thích hoặc do bản thân cây có khả năng ra hoa nhưng nó lại bị ức chế bởi điều kiện không thích hợp của môi trường. Vì vậy, sản lượng qua các năm không đồng đều, thu hái tập trung vào chính vụ dẫn đến giá bán thấp (Trần Văn Hâu et al., 2002; Bùi Thị Mỹ Hồng, Nguyễn Vũ Sơn, 2007).
Việc thu hoạch nhãn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long thường tập trung theo mùa nên có thời điểm sản lượng tăng vọt, khiến cung vượt cầu, dễ dẫn đến tình trạng dội chợ, giá rẻ. Trong khi đó nhãn mùa nghịch hoặc ở các thời điểm khác trong năm thì khan hiếm, giá tăng cao. Để khắc phục tình trạng này, phương án xử lí ra hoa sớm ở nhãn để nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vườn một cách bền vững. Phương án rải vụ là chủ động xử lý, điều chỉnh sao cho cây ra trái nghịch vụ sớm hơn hoặc muộn hơn thu hoạch để tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn với sản lượng lớn.
Việc sử dụng KClO3 đã được những người trồng nhãn ở Thái Lan khám phá như là một phương pháp thúc đẩy cho cây nhãn ra hoa trong mùa nghịch (Wong, 2000). KClO3 được xử lý cho cây ở liều lượng 200, 500 và 800gam/cây đã kích thích cây ra hoa sớm ở 24 ngày sau khi xử lý, sớm hơn so với nghiệm thức đối chứng (0gam/cây) ra hoa ở ngày thứ 70 (Wangsin, Pankasemsuk, 1999). Phun KClO3 ở nồng độ 2000 ppm cũng đã được áp dụng cho giống nhãn Pet Sakorn ở Thái Lan vào 2 giai đoạn lá non và trưởng thành (Jutamanee et al., 2003). Sritontip và đồng tác giả (2000) ghi nhận những cây được xử lý Chlorate kali (KClO3), hypochlorite natri (NaOCl) và hypochlorite canxi (Ca(ClO)2) ra hoa tốt hơn so với những cây không được xử lý.
Nghiên cứu các biện pháp xử lý cho cây ra hoa rải vụ sẽ là một vấn đề hữu ích nhất là trên những cây nhãn lâu năm, chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm “Ảnh hưởng của biện pháp khoanh vỏ, chlorate kali và gibberellic acid đến sự ra hoa trên cây nhãn Xuồng cơm vàng (Dimocarpus longan Lour)”, nhằm mục đích tìm ra những phương pháp xử lý ra hoa sớm, nâng cao khả năng ra hoa của cây và gia tăng hiệu quả kinh tế cho nhà vườn trồng nhãn.
2. Vật liệu và phương pháp
2.1. Vật liệu
- Thí nghiệm được thực hiện tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trên vườn nhãn Xuồng cơm vàng 5 năm tuổi.
- Thời gian thực hiện từ tháng 11/2013 đến 06/2014.
- Hóa chất: Các hóa chất dùng trong thí nghiệm: Chlorate kali (99,87%, Trung Quốc sản xuất), gibberellic acid của Đức sản xuất (Merck).
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Thí nghiệm được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 5 nghiệm thức, 4 lần lặp lại (một cây/lô). Các nghiệm thức trong thí nghiệm bao gồm:
Hình 1: (a). Cây đang cho đọt; (b) Lá có màu hồng lợt sắp chuyển sang xanh
Trước khi tiến hành các bước thí nghiệm, cây nhãn Xuồng cơm vàng đã được cung cấp dinh dưỡng qua các giai đoạn: Bón hỗn hợp phân ure, lân, kali với liều lượng theo thứ tự 20 kg - 10 kg - 5 kg cho 63 gốc nhãn trong vườn, bón phân mỗi tháng một lần cho tới khi cây ra đọt thứ ba. Bón lót thêm phân chuồng với liều lượng 10 kg/cây. Sau khi đọt cây đang ở cơi đọt thứ ba (lá lụa), tiến hành xiết nước khoảng 30 ngày, sau đó cho nước vào vườn. Chlorate kali được tưới cách gốc cây 70 cm.
+ Các chỉ tiêu theo dõi:
- Thời gian ra hoa (ngày) trên cây nhãn Xuồng cơm vàng được tính từ lúc bắt đầu xử lý ra hoa đến khi cây ra đọt mang hoa dài 10 cm.
- Tỷ lệ ra hoa (%): Tỷ lệ (%) ra hoa = Số phát hoa/tổng số đọt trên cây x 100.
- Chiều dài phát hoa (cm) trên mỗi cây được đo từ vị trí của gié hoa đầu tiên đến đầu chóp của cả phát hoa.
- Các yếu tố cấu thành năng suất: Tổng số chùm/cây, số trái/chùm, trọng lượng trái (g).
- Đường kính trái (mm), năng suất thực tế (kg/cây) và màu sắc vỏ trái.
- Hiệu quả kinh tế trên 0,1 ha: Lợi nhuận/ mỗi nghiệm thức = Tổng thu nhập - Tổng chi phí.
+ Phương pháp xử lí số liệu: Số liệu được thống kê theo chương trình Statgraphics plus 3.0. So sánh cặp bằng phương pháp so sánh Duncan. Các số liệu phần trăm đã được chuyển đổi sang arcsine trong quá trình thống kê.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Kết quả
+ Khảo sát ảnh hưởng của các phương pháp xử lý ra hoa đến thời gian ra hoa của cây:
So sánh thời gian ra hoa giữa các nghiệm thức trong thí nghiệm, kết quả ở bảng 2 cho thấy nghiệm thức xử lý khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1000 mg/L và gibberellin acid có thời gian ra hoa sớm nhất (23,75 ngày). Kế đến là nghiệm thức khoanh vỏ và tưới chlorate kali 15 g/m (26,25 ngày), khoanh vỏ và phun chlorate kali 1000 mg/L (28,25 ngày), khoanh vỏ và tưới chlorate kali 15 g/m kết hợp phun gibberellin acid (34 ngày). Các nghiệm thức này có thời gian ra hoa ngắn hơn khác biệt có ý nghĩa qua thống kê so với nghiệm thức đối chứng (37,75 ngày).
+ Khảo sát ảnh hưởng của các phương pháp xử lý ra hoa đến tỷ lệ (%) ra hoa trên cây
Ở Bảng 2, nghiệm thức đối chứng có tỷ
lệ ra hoa thấp nhất (21,69%, hình 2) và khác biệt có ý nghĩa qua thống kê so
với các nghiệm thức khác trong thí nghiệm. Nghiệm thức có tỷ lệ ra hoa cao nhất
là nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới
chlorate kali 15 g/m và phun gibberellic acid (70,86%, Hình 3), tương
đương với nghiệm thức khoanh vỏ và tưới chlorate kali 15 g/m (67,90%) qua thống
kê. Hai nghiệm thức còn lại có tỷ lệ ra hoa tương đương nhau là khoanh vỏ và
phun chlorate kali 1000 mg/L (62,64%), khoanh vỏ và phun chlorate kali 1000
mg/L kết hợp phun gibberellin acid (61,33%).
Hình 3: Tỷ lệ ra hoa trên cây nhãn Xuồng cơm vàng ở nghiệm thức Kvỏ + tưới KCLO3 + GA3
+ Khảo sát ảnh hưởng của các phương pháp xử lý ra hoa đến chiều dài phát hoa
Phát hoa nhãn xuất hiện tại phần ngọn của nhánh. Trên mỗi phát hoa, có 10 - 20 nhánh cấp một tùy thuộc vào độ dài của phát hoa. Trục phát hoa dài trung bình 30,73 ± 3,64 cm. Trên mỗi nhánh cấp một, có nhiều nhánh cấp hai. Hoa nhãn hình thành trên nhánh cấp một và nhánh cấp hai. Chiều dài phát hoa ở 2 nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m và phun gibberellin acid 25mg/L; nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1000 mg/L và phun gibberellin acid 25 mg/L cho kết quả cao nhất lần lượt là 34,93 cm và 34,39 cm. Kế tiếp là 2 nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m và khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1000 mg/L cho kết quả về chiều dài phát hoa thấp hơn lần lượt là 28,72 cm và 27,13 cm. Nghiệm thức đối chứng cho kết quả thấp nhất 22,79 cm (Bảng 2).
+ Ảnh hưởng của các phương pháp xử lý ra hoa đến các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất thực tế của cây nhãn Xuồng cơm vàng
- Tổng số chùm mang trái trên cây:
Nghiệm thức có tổng số chùm mang trái trên cây nhiều nhất là nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m và gibberellin acid (44,25) tương đương với nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m (40,25) qua bảng thống kê (bảng 3.5). Hai nghiệm thức còn lại có tổng số chùm trên cây tương đương nhau qua thống kê khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1000 mg/L (33,25), khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1000 mg/L và gibberellin acid (34,00). Cả bốn nghiệm thức đều có tỷ lệ tổng số chùm mang trái trên cây khác biệt có ý nghĩa và cao hơn so với đối chứng (19,75) qua thống kê.
Việc khác biệt có ý nghĩa qua thống kê cho thấy hiệu quả ra hoa ở biện pháp phun chlorate kali thấp hơn khi tưới chorate kali có thể do khi ta phun chorate kali làm cho lá bị vàng và rụng ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp của đọt nên ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây. Khi tưới chlorate kali với liều lượng thích hợp làm chết rễ, đặc biệt là ở các chóp rễ nơi tổng hợp ra các chất điều hòa sinh trưởng chuyển lên thân, lá có thể đã làm cho cây nhãn bị stress và kích thích cây nhãn ra hoa mà không ảnh hưởng nhiều đến cây (Trần Văn Hâu, 2008).
- Số trái trên chùm:
Số lượng trái trên chùm ở nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m và gibberellin acid (22,00 trái/chùm) và nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1000 mg/L và gibberellin acid (22,56 trái/chùm) cao hơn đối chứng (15,81 trái/chùm) qua thống kê (Bảng 3). Tiếp theo là hai nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m (19,50 trái/chùm) và khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1000 mg/L (19,31 trái/chùm) có số trái trên chùm tương đương nhau và cao hơn so với đối chứng (15,81) qua bảng thống kê (Bảng 3). Những cây nhãn áp dụng phương pháp xử lí ra hoa mà có kết hợp phun gibberellin đã kéo dài phát hoa, dẫn đến số trái trên chùm nhiều hơn những cây không phun gibberellin đồng thời còn làm giảm sự rụng trái ở nhãn (Bùi Thị Mỹ Hồng et al., 2005; Bùi Thị Mỹ Hồng, Nguyễn Vũ Sơn (2007).
- Trọng lượng trái:
Trọng lượng trái không có sự khác biệt có ý nghĩa so với đối chứng qua thống kê (Bảng 3). Như vậy, những phương pháp xử lí ra hoa trên không ảnh hưởng tới trọng lượng trái.
+ Năng suất thực tế
Năng suất thực tế của nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m và gibberellin acid (29,25 kg/cây) tương đương với nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1.000 mg/L và gibberellin acid (27,00 kg/cây) cao hơn và khác biệt có ý nghĩa với nghiệm thức đối chứng (18,50 kg/cây) qua thống kê (Bảng 3).
+ Ảnh hưởng của các phương pháp xử lí ra hoa đến phẩm của trái nhãn Xuồng cơm vàng
- Đường kính trái và tỷ lệ cơm trái: Không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức về chỉ tiêu đường kính trái và tỷ lệ cơm trái qua thống kê so với đối chứng.
- Màu sắc vỏ trái: Nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m và gibberellin acid và nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp phun chlorate kali 1.000 mg/L và gibberellin acid có màu sắc vỏ trái vàng, sáng đẹp hơn so với đối chứng. Như vậy, nghiệm thức có phun gibberellin acid làm cho màu sắc vỏ trái đẹp hơn so với những nghiệm thức không phun gibberellin acid (Bảng 4).
+ Hiệu quả kinh tế
Xử lí ra hoa bằng cách khoanh vỏ và tưới chlorate kali với liều lượng 15 g/m đường kính tán cây kết hợp với phun GA3 đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất (46.043 triệu đồng/0,1ha) so với đối chứng (19.775 triệu đồng/0,1ha) và cao hơn so với các nghiệm thức khác trong thí nghiệm.
3.2. Thảo luận
Thời gian ra hoa tập trung đối với giống nhãn Xuồng cơm vàng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là từ tháng ba đến tháng tư (dương lịch). Sự ra hoa trong vườn của cây phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết và kĩ thuật xử lí ra hoa. Nhiệt độ thấp và khô hạn là hai yếu tố quan trọng về điều kiện thời tiết thức đẩy sự ra hoa nhãn. Trên cây nhãn, mỗi giai đoạn bắt đầu từ khi cây ra lá non đến khi lá trưởng thành thường được nhà vườn trồng nhãn gọi là một cơi đọt, sau khi những lá non của cơi đọt thứ hai đã trưởng thành, nhà vườn ngưng tưới nước để ạo sự khô hạn. Nếu để cây nhãn Xuồng cơm vàng ra hoa tự nhiên, khi bắt đầu mùa mưa, cây sẽ ra hoa vào khoảng tháng ba, tháng tư (Bùi Thị Mỹ Hồng, Nguyễn Vũ Sơn, 2007).
Khoanh (xiết) cành nhằm ngăn cản sự vận chuyển các sản phẩm quang hợp từ lá xuống thân, rễ làm tăng tỉ lệ Cacbohydrat/Nitrogen, giúp cho cây phân hóa và hình thành mầm hoa. Đây là biện pháp rất phổ biến được nhà vườn áp dụng để kích thích cho nhãn ra hoa ở ĐBSCL (Wangsin N, Pankasemsuk T, 1999).
Chlorate kali là một chất có tính oxid hóa rất mạnh, phóng thích ra khí oxy khi bị oxy hóa, có thể dùng như một chất diệt cỏ, làm lá bị vàng và rụng khi phun lên lá hoặc làm rễ và chóp rễ bị thối khi tưới vào đất. Khi áp dụng ở nồng độ thấp hơn liều lượng để diệt cỏ, chlorate kali sẽ làm lá bị vàng, tinh bột trong thân và rễ bị phân hủy. Hiện nay, việc xử lý cho nhãn ra hoa bằng chlorate kali chủ yếu áp dụng biện pháp tưới vào gốc, vì biện pháp phun lên lá làm lá rụng và hiệu quả kém hơn. Khi tưới chlorate kali vào đất, hóa chất sẽ được rễ cây nhãn hấp thu và sau đó làm chết rễ. Rễ cây nhãn hấp thu hóa chất càng nhanh khi đất càng ẩm ướt. Do tác động của chlorate kali là làm chết rễ, đặc biệt là ở các chóp rễ, nơi tổng hợp ra các chất điều hòa sinh trưởng chuyển lên thân, lá có thể đã làm cho cây nhãn bị stress và kích thích cây nhãn ra hoa. Như vậy, khi tưới hóa chất vào đất với nồng độ càng cao sẽ làm cho rễ cây nhãn chết càng nhiều gây ra hiện tượng stress trên cây nhãn càng mạnh có thể làm chết cây (Trần Văn Hâu, 2008).
Ảnh hưởng của các phương pháp xử lý ra hoa đến tỷ lệ (%) ra hoa trên cây khác biệt có ý nghĩa qua thống kê cho thấy hiệu quả ra hoa ở biện pháp phun chlorate kali thấp hơn khi ta tưới chorate kali có thể do khi ta phun chorate kali làm cho lá bị vàng và rụng ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp của đọt nên ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây. Trong khi tưới chlorate kali với liều lượng thích hợp làm chết rễ, đặc biệt là ở các chóp rễ nơi tổng hợp ra các chất điều hòa sinh trưởng chuyển lên thân, lá có thể đã làm cho cây nhãn bị stress và kích thích cây nhãn ra hoa mà không ảnh hưởng nhiều đến cây (Trần Văn Hâu, 2008).
Ảnh hưởng của các phương pháp xử lý ra hoa đến chiều dài phát hoa ở các nghiệm thức khác nhau có sự khác biệt có ý nghĩa qua thống kê cho thấy khi sử dụng gibberellic sẽ kéo dài phát hoa hơn so với không sử dụng. Khi xử lí GA3 25 mg/l ngoại sinh lên cây nhãn Xuồng cơm vàng lần thứ nhất lúc phát hoa đã kéo dài được 5 cm và lần thứ hai phun GA3 25 mg/l cách lần phun thứ nhất là một tuần. Theo Trần Văn Hâu (2005), gibberellin acid có tác dụng làm kéo dài các tế bào và tăng tốc độ phân bào, gibberellin acid kích thích sự tăng trưởng lá, trái, kéo dài lóng để gợi sự trổ hoa (Trần Văn Hâu, 2008). Nếu phun GA3 vào lúc cây nhãn Xuồng cơm vàng đang tượng hoa làm cho mầm lá sẽ phát triển mạnh ức chế sự phát triển mầm hoa và khiến cho hoa không phát triển được, do đó thường được gọi là bông lá (Bùi Thị Mỹ Hồng và đồng tác giả, 2005; Bùi Thị Mỹ Hồng, Nguyễn Vũ Sơn, 2007).
Khi phân tích dịch trích của mạch xylem. Chen (1984) đã tìm thấy sự hoạt động của gibberrelin cid chủ yếu thời kì phân hóa lá và sau đó giảm dần khi lá trưởng thành. Giai đoạn trước khi hình thành mầm hoa thấp hơn so với giai đoạn lá trưởng thành và hoa nở. Trên cây nhãn Xuồng cơm vàng, chính hàm lượng gibberellin acid nội sinh trong chồi giảm đột ngột đã kích thích sự ra hoa nhãn. Điều này giống với nghiên cứu của Bùi Thị Mỹ Hồng và Nguyễn Vũ Sơn (2007).
Nghiệm thức có tổng số chùm mang trái trên cây nhiều nhất là nghiệm thức khoang vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m và gibberellin acid (44,25) tương đương với nghiệm thức khoanh vỏ kết hợp tưới chlorate kali 15 g/m (40,25) qua bảng thống kê (Bảng 3). Sự khác biệt có ý nghĩa qua thống kê cho thấy hiệu quả ra hoa ở biện pháp phun chlorate kali thấp hơn khi ta tưới chorate kali có thể do khi ta phun chorate kali làm cho lá bị vàng và rụng ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp của đọt nên ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây. Trong khi tưới chlorate kali với liều lượng thích hợp làm chết rễ, đặc biệt là ở các chóp rễ nơi tổng hợp ra các chất điều hòa sinh trưởng chuyển lên thân, lá có thể đã làm cho cây nhãn bị stress và kích thích cây nhãn ra hoa mà không ảnh hưởng nhiều đến cây và có tổng số chùm trên cây nhiều nhất (Trần Văn Hâu, 2008).
4. Kết luận
Thời điểm xử lý ra hoa sớm trên cây nhãn Xuồng cơm vàng là vào lúc cơi đọt thứ ba kể từ lúc thu hoạch khi lá màu hồng lợt chuyển sang màu xanh đậm.
Biện pháp xử lý ra hoa là bằng cách khoanh vỏ và tưới chlorate kali với liều lượng 15 g/m đường kính tán cây kết hợp với phun GA3 25 mg/L, đã cho hiệu quả cao so với các nghiệm thức khác ở các chỉ tiêu:
- Thời gian ra hoa (34 ngày) sớm so với nghiệm thức đối chứng của nông dân (37,75 ngày).
- Tỷ lệ ra hoa cao nhất (70,86%).
- Chiều dài phát hoa (34,93 cm) dài hơn so với các nghiệm thức khác trong thí nghiệm.
- Năng suất (29,25 kg/cây) đạt cao nhất và khác biệt so với đối chứng (18,50 kg/cây) đem lại lợi ích cho người trồng nhãn, thu nhập tăng thêm 26.268 triệu đồng hơn so với đối chứng trên 0,1 ha.
- Xử lí GA3 làm cho màu sắc trái đẹp hơn so với các nghiệm thức không xử lí GA3.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bùi Thị Mỹ Hồng, Nguyễn Vũ Sơn (2007) Ảnh hưởng của biện pháp khoanh vỏ và chlorate kali đến sự ra hoa trên nhãn Xuồng cơm vàng. Báo cáo khoa học hàng năm, Viện Cây ăn quả miền Nam.
2. Bùi Thị Mỹ Hồng, Trần Nguyễn Liên Minh, Nguyễn Minh Châu (2005) Ảnh hưởng của biện pháp khoanh vỏ và chlorate kali đến sự ra hoa trên cây nhãn Tiêu da bò (Dimocarpus longan Lour.), Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số 9.
3. Chen K.M., Wu X.M., Pan Y.X., He G.Z. and Yu Y.B. (1984) Studies on inflorescence induction and the control of compound leaves at the base of inflorescences on longan trees using plant growth regulators.
4. Jutamanee K., Charoensee P. and Tonggumpai P. (2003) Effect of potassium chlorate (KClO) and trunk girdling on flowering of longan (Dimocarpus longan Lour.) cv. Pet Sakor, Second international symposium on litchee, longan, rambutan and other sapindaceae plants, 25-28 August 2003, Thailand.
5. Sritontip C., Khaosumain Y., Changjaraja S. and Poruksa R. (2000) Effect of potassiom chlorate, sodium hypochlorite and calcium hypochlorite on flowering and some physiological changes in longan (Dimocarpus longan Lour.) cv. Daw. Second international symposium on litchee, longan, rambutan and other sapindaceae plants, 25-28 August 2003, Thailand.
6. Trần Văn Hâu (2005) Giáo trình môn học Xử lý ra hoa, Trường Đại học Cần Thơ.
7. Trần Văn Hâu (2008) Giáo trình Xử lý ra hoa, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 3-95.
8. Trần Văn Hâu, Nguyễn Việt Khởi, Huỳnh Minh Phụng và Phan Võ Như Hồ Anh Thư (2002) Ảnh hưởng của Chlorate kali lên sự thiệt hại của rễ, sự ra hoa và phẩm chất trái nhãn Tiêu da bò, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, trang 48-55.
9. Wangsin N. and Pankasemsuk T. (1999) Effect of potassiom chlorate on flowering, total nitrogen, total nonstructural carbohydrate, C/N ratio, cytokinin-like and gibberellin-like subtances in stem apex of longan cv. Daw. Second international symposium on litchee, longan, rambutan and other sapindaceae plants, 25-28 August 2003, Thailand.
10. Wong K.C (2000) Longan production in Asia. FAO Regional Office for Asia and the Pacific, Bangkok, Thailand, December 2000.
EFFECT OF TRUNK GIRDLING, POTASSIUM CHLORATE
AND GIBBERELLIC ACID ON FLOWERING OF LONGAN
CV.XUONG COM VANG (DIMOCARPUS LONGAN LOUR)
Ph.D. BUI THI MY HONG
Vice Dean, Faculty of Biotechnology, Ho Chi Minh City Open University
LE THI THANH HUYEN
Ho Chi Minh City University of Education
NGUYEN HOANG MINH
Faculty of Biotechnology, Ho Chi Minh City Open University
ABSTRACT:
The study, which determined effects of trunk girdling, potassium chlorate and gibberellic acid on flowering of longan cv. Xuong com vang, were conducted in Tien Giang province from November, 2013 to June, 2014. The main purpose of this study is to verify the effects of potassium chlorate, trunk girdling and gibberellic acid practice on off-season fowering and production of longan cv. Xuong com vang. The experiments in this study were laid out in completely randomized block design with five treatments and four replicates. The results of these experiments showed that the combination of girdling, using KClO3 (15 g permeterofcanopy tree as soil drench) and GA3 (25 mg L-1) enhanced the rate of flowering and yield of longan cv. Xuong com vang.
Key words: Gibberellic acid, KClO3, trunk girdling, Xuong com vang longan, flowering.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây