Tóm tắt:
Nghiên cứu nhằm kiểm định mối quan hệ giữa hỗ trợ xã hội được nhận thức và nỗi lo sợ Covid-19 đến sự hài lòng trong cuộc sống qua vai trò trung gian của nỗi đau tinh thần của người lao động trong các khu công nghiệp (KCN) tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 315 người lao động đang làm việc trong các KCN tại TP. HCM. Kết quả phân tích cấu trúc tuyến tính bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM) cho thấy, các giả thuyết đều được chấp nhận. Từ kết quả nghiên cứu, một số hàm ý được đề xuất giúp cho Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp (KCX-CN) tại TP.HCM (HEPZA) và Ban Giám đốc các công ty có những chính sách hỗ trợ để giảm bớt phần nào nỗi lo sợ Covid-19 và nỗi đau tinh thần, từ đó gia tăng sự hài lòng trong cuộc sống của người lao động.
Từ khóa: hỗ trợ xã hội được nhận thức, nỗi lo sợ Covid-19, nỗi đau tinh thần, sự hài lòng trong cuộc sống, người lao động, khu công nghiệp.
1. Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Con người không những sống trong nỗi lo sợ, mà còn gặp phải những mất mát to lớn khi người thân của họ đã qua đời và di chứng hậu nhiễm bệnh do dịch Covid-19. Bên cạnh đó, xã hội còn phải đối diện với những gánh nặng khác như nhiều người bị thất nghiệp do các doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự trong đại dịch. Đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến người lao động trong các KCN tại TP.HCM. Vì vậy, sự hài lòng trong cuộc sống của người lao động cũng ngày càng giảm đi và điều mà họ rất cần lúc này là sự hỗ trợ xã hội.
Đã có nhiều nghiên cứu sự hài lòng với cuộc sống trong đại dịch Covid-19, như nghiên cứu của Gawrych (2020) về nỗi lo sợ Covid-19 tác động tiêu cực đến sự hài lòng trong cuộc sống; Hartstone và Medvedev (2021) nghiên cứu về ảnh hưởng của nỗi đau tinh thần đến sự hài lòng trong cuộc sống. Tại Việt Nam có nghiên cứu của Duong (2021) về nỗi lo sợ Covid-19 và nỗi đau tinh thần đều tác động ngược chiều đến sự hài lòng trong cuộc sốngBên cạnh đó, cũng đã có nhiều nghiên cứu về hỗ trợ xã hội được nhận thức như nghiên cứu của Yu và cộng sự (2020) ảnh hưởng đến sự hài lòng trong cuộc sống; nghiên cứu của Skalski và cộng sự (2021) đến nỗi lo sợ Covid-19; nghiên cứu của Kang và Kim (2021) đến nỗi đau tinh thần.
Mục tiêu của bài viết nhằm kiểm định mối quan hệ đồng thời về 4 khái niệm trên của người lao động trong các KCN tại TP.HCM, từ đó đặt cơ sở khoa học cho HEPZA và Ban Giám đốc các công ty có những chính sách hỗ trợ để giảm bớt phần nào nỗi lo sợ Covid-19 và nỗi đau tinh thần, từ đó gia tăng sự hài lòng trong cuộc sống của người lao động.
2. Cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết
Bài viết dựa trên lý thuyết tương quan căng thẳng - đối phó của Lazarus và Folkman (1987); lý thuyết nhận thức xã hội của Wood và Bandura (1989) làm cơ sở xây dựng mô hình nghiên cứu. Nội dung của lý thuyết tương quan giữa căng thẳng - đối phó là sự căng thẳng xảy ra do mất cân bằng giữa nhu cầu và nguồn lực hoặc áp lực vượt quá khả năng nhận thức của một người để đối phó. Các nguyên nhân gây ra sự căng thẳng chủ yếu đến từ môi trường xung quanh. Có 2 cách để con người đối mặt với sự căng thẳng: đối mặt theo vấn đề hoặc theo cảm xúc. Với cách đối mặt theo cảm xúc, thay vì bình tĩnh đối mặt với sự căng thẳng, họ lại dễ dàng để cho sự căng thẳng chi phối tâm trí của mình và trở nên lo sợ, buồn bã thậm chí đau khổ.
Cách đối mặt căng thẳng theo cảm xúc có thể diễn ra bởi các nguyên nhân không thể lường trước được, chẳng hạn như dịch bệnh Covid-19. Khi dịch bệnh xảy ra quá đột ngột, con người không thể ứng phó và đưa ra những giải pháp kịp thời, điều này ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái của người đó (nỗi lo sợ Covid-19), họ sẽ trở nên buồn bã và tinh thần không được thoải mái (nỗi đau tinh thần). Nếu điều này xảy ra trong thời gian dài, thì sự hài lòng trong cuộc sống của con người cũng sẽ giảm. Để làm giảm sự đau buồn, mất mát mà những vấn đề không thể lường trước gây ra cho cộng đồng, theo Grills-Taquechel và cộng sự (2011), cần có các hoạt động giúp đỡ cộng đồng của Chính phủ, các tổ chức phi lợi nhuận, công ty hoặc gia đình, bạn bè (hỗ trợ của xã hội). Nhờ đó, sự căng thẳng của con người (nỗi lo sợ Covid-19 và nỗi đau tinh thần) có thể giảm đi phần nào.
2.2. Giả thuyết nghiên cứu
Hỗ trợ xã hội được nhận thức nhằm đáp ứng các điều chỉnh và giảm mức độ lo lắng mà cá nhân nhận được từ gia đình, bạn bè và các tổ chức (Özmete & Pak, 2020). Đây được xem là một trong những nguồn lực xã hội để đối phó với các sự kiện căng thẳng trong cuộc sống.
Nỗi lo sợ Covid-19 là các trạng thái tâm sinh lý của cá nhân như lo lắng, sợ hãi, đau khổ, căng thẳng... về các vấn đề liên quan đến Covid-19 (Duong, 2021). Hỗ trợ xã hội được đánh giá là một nguồn lực tương đối ổn định giúp thúc đẩy đối phó với nỗi lo âu thông qua việc mang lại những cảm xúc tích cực, cảm giác quan tâm và tăng cường giao tiếp xã hội (Özmete và Pak, 2020). Do đó, hỗ trợ xã hội có mối tương quan ngược chiều với nỗi lo sợ từ Covid-19. Vì vậy, giả thuyết được đề nghị như sau:
H1: Hỗ trợ xã hội được nhận thức có mối tương quan ngược chiều với nỗi lo sợ Covid-19.
Nỗi đau tinh thần là một trạng thái đau khổ về mặt tinh thần, đặc trưng bởi các triệu chứng trầm cảm (như mất hứng thú, buồn bã, tuyệt vọng) và lo lắng (L'Abate, 2011). Đại dịch Covid-19 đã đem đến nỗi đau tinh thần bao gồm: nỗi sợ mất mát, nỗi lo chia ly hay xa cách người thân, bạn bè. Điều này có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí tử vong. Vì thế, Alnazly và cộng sự (2021) chỉ ra sự gia tăng hỗ trợ xã hội có thể giúp mọi người vượt qua những khó khăn trong đại dịch này. Như vậy, hỗ trợ xã hội được nhận thức có mối tương quan ngược chiều với nỗi đau tinh thần. Do đó, giả thuyết được đề nghị như sau:
H2: Hỗ trợ xã hội có mối tương quan ngược chiều với nỗi đau tinh thần.
Sự hài lòng trong cuộc sống đề cập đến đánh giá chung của một cá nhân về sức khỏe tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống của họ (Diener và cộng sự, 1985).
Trong đại dịch Covid-19, Özmete và Pak (2020) đã kết luận hỗ trợ xã hội được coi là một yếu tố đáp ứng các điều chỉnh và giảm mức độ lo lắng. Người dân khi nhận được các hỗ trợ xã hội từ các tổ chức, gia đình, bạn bè,... đã phần nào vơi đi những thương tổn và tăng mức độ hài lòng trong cuộc sống. Chính vì vậy, giả thuyết được đề nghị như sau:
H3: Hỗ trợ xã hội có mối tương quan cùng chiều với sự hài lòng trong cuộc sống.
Nỗi lo sợ Covid-19 dẫn đến mức độ cao hơn về nỗi đau tinh thần và các cảm xúc tiêu cực khác. Nghiên cứu của Lee & Crunk (2020) cho thấy, nỗi lo sợ Covid-19 có mối quan hệ cùng chiều với chứng lo âu và trầm cảm. Vì vậy, giả thuyết H4 được đề nghị như sau:
H4: Nỗi lo sợ Covid-19 có mối tương quan cùng chiều với nỗi đau tinh thần.
Khi dịch Covid-19 xảy ra khiến cuộc sống bị đảo lộn. Số ca nhiễm tăng cao bắt buộc các nước phải đóng cửa biên giới, tiến hành giãn cách xã hội làm cho các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, người lao động bị giảm thu nhập hoặc thậm chí là mất việc. Không chỉ vậy, sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng. De Abajo và cộng sự (2020) đã đưa ra nhận định nỗi lo sợ Covid-19 có tác động tiêu cực đến sự hài lòng trong cuộc sống của con người. Từ đó, giả thuyết H5 được đề nghị như sau:
H5: Nỗi lo sợ Covid-19 có mối tương quan ngược chiều với sự hài lòng trong cuộc sống.
Bonati và cộng sự (2021) đã đưa ra nhận định trong dịch Covid-19, mọi người phải ở nhà do giãn cách xã hội đã khiến cho nhiều gia đình gặp khó khăn về tài chính, dẫn đến những tranh cãi không đáng có. Điều này cũng góp phần gây nên nỗi đau tinh thần và khiến cho sự hài lòng trong cuộc sống của con người suy giảm (Duong, 2021). Vì vậy, giả thuyết được đề nghị như sau:
H6: Nỗi đau tinh thần có mối tương quan ngược chiều với sự hài lòng trong cuộc sống.
Ngoài ra, dựa trên lý thuyết tương quan căng thẳng - đối phó của Lazarus và Folkman (1987); lý thuyết nhận thức xã hội của Wood và Bandura (1989), người viết kỳ vọng rằng nỗi đau tinh thần có vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa hỗ trợ xã hội được nhận thức với sự hài lòng trong cuộc sống; và nỗi lo sợ Covid-19 với sự hài lòng trong cuộc sống. Vì vậy, 2 giả thuyết H7 và H8 được đề nghị như sau:
H7: Nỗi đau tinh thần đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa hỗ trợ xã hội được nhận thức với sự hài lòng trong cuộc sống;
H8: Nỗi đau tinh thần đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa nỗi lo sợ Covid-19 với sự hài lòng trong cuộc sống.
3. Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng có kết hợp với nghiên cứu định tính.
Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua kỹ thuật phỏng vấn 8 người lao động đến từ KCX Tân Thuận và KCN Vĩnh Lộc nhằm điều chỉnh các thang đo cho phù hợp (thang đo Likert 5 bậc từ 1 = hoàn toàn không đồng ý đến 5 = hoàn toàn đồng ý) với 21 biến quan sát, trong đó: thang đo hỗ trợ xã hội được nhận thức (6 biến quan sát) được xây dựng trên cơ sở thang đo gốc của Gregory và cộng sự (1988); nỗi lo sợ Covid-19 (5 biến quan sát), nỗi đau tinh thần (6 biến quan sát); sự hài lòng trong cuộc sống được xây dựng trên cơ sở thang đo gốc của Duong (2021).
Nghiên cứu định lượng nhằm kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu thông qua phần mềm SPSS 20.0 và Smart-PLS 3.0 được dùng để đánh giá mô hình đo lường và đánh giá mô hình cấu trúc với PLS_SEM.
Dữ liệu nghiên cứu được thu thập bằng bản câu hỏi phỏng vấn theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Cụ thể, gửi phiếu khảo sát trực tiếp đến 380 người lao động đang làm việc trong các KCN TP. HCM, số phiếu thu về là 326, số phiếu hợp lệ để xử lý thông tin là 315.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Đánh giá mô hình đo lường
Kết quả kiểm định độ tin cậy thang đo cho thấy, các biến đều có hệ số tương quan biến tổng >0,4 nên không có biến nào bị loại. (Bảng 1)
Bảng 1. Kết quả phân tích độ tin cậy và giá trị hội tụ của thang đo
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của nhóm tác giả
Kết quả phân tích hệ số nhân tố tải chéo, các hệ số tải ngoài các biến quan sát đều >0,7. Như vậy, các biến đều được giữ lại. Từ kết quả Bảng 1 có thể kết luận: thang đo đo lường các khái niệm đều đạt độ tin cậy, giá trị hội tụ, giá trị phân biệt, tính đơn hướng và giá trị nội dung. Vì vậy, mô hình phù hợp với dữ liệu thị trường. Cụ thể: Cronbach’s alpha >0,7; rho_A>0,7; CR>0,7 và AVE >0,5. Ngoài ra, các hệ số ma trận Fornell - Larcker đều lớn hơn các hệ số trong cùng 1 cột. Đồng thời giá trị VIF của các biến quan sát đều < 5,0. Như vậy, kết quả các chỉ tiêu đo lường trong mô hình đều thỏa mãn yêu cầu và đủ điều kiện đưa vào phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM với mục đích kiểm định các giả thuyết trong mô hình đề xuất nghiên cứu.
4.2. Đánh giá mô hình cấu trúc và kiểm định giả thuyết
Hình 1: Mô hình cấu trúc PLS_SEM (đã chuẩn hóa)
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của nhóm tác giả
Covid-19 (H2: β= -0,591; p=0,000), kế đến nỗi lo sợ Covid-19 tác động âm đến sự hài lòng trong cuộc sống mạnh thứ hai (H4: β= -0,492; p=0,000); và nỗi lo đau tinh thần tác động âm đến sự hài lòng trong cuộc sống thấp nhất (H6: β= -0,143; p=0,007). Như vậy, các thang đo của các khái niệm trong mô hình lý thuyết đạt giá trị liên hệ lý thuyết. Nghĩa là, các giả thuyết đều được chấp nhận.
Bảng 2. Kết quả Bootstrapping mô hình cấu trúc và kiểm định các giả thuyết
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của nhóm tác giả
Từ Bảng 2 cho thấy, trọng số trung bình đều nằm trong khoảng tin cậy 95%. Như vậy, các ước lượng trong mô hình có thể kết luận là đáng tin cậy. Như vậy, 6 giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5 và H6 đều được chấp nhận vì có giá trị P-value<5%, trong đó hỗ trợ xã hội được nhận thức có tác động âm mạnh nhất đến nỗi lo sợKiểm định giả thuyết H7 và H8:
Bảng 3. Mức độ tác động (β) của các mối quan hệ
Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu của nhóm tác giả
Từ Bảng 3 có thể kết luận Nỗi đau tinh thần đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa: Hỗ trợ xã hội được nhận thức với sự hài lòng trong cuộc sống (β=0,351); Nỗi lo sợ Covid-19 với Sự hài lòng trong cuộc sống (β= -0.043). Nghĩa là giả thuyết H7 và H8 được chấp nhận.
4.3. Thảo luận kết quả
Thảo luận với những người lao động đã tham gia nghiên cứu định tính đều thống nhất kết quả nghiên cứu này là phù hợp với thực tiễn tại các KCN TP. HCM. Kết quả từ Bảng 2 phù hợp với nghiên cứu của Özmete và Pak (2020); Yenen và Çarkit (2021); Duong, 2021); Naser và cộng sự (2020); Alnazly và cộng sự (2021); Lee & Crunk (2020); De Abajo và cộng sự (2020). Các công nhân viên lý giải do khi đại dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu phải giãn cách xã hội, các công ty, nhà xưởng buộc phải đóng cửa tạm thời làm cho họ bị giảm thu nhập hoặc mất việc, sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cuộc sống của họ quá khó khăn. Cho nên, họ rất cần có sự hỗ trợ từ gia đình, người thân, từ Chính phủ và các tổ chức xã hội.
5. Kết luận và một số hàm ý
Kết quả nghiên cứu với mẫu 315 người lao động đang làm việc tại các KCN TP. HCM cho thấy, hỗ trợ xã hội được nhận thức có tác động âm mạnh nhất đến nỗi lo sợ Covid-19, kế đến nỗi lo sợ Covid-19 tác động âm đến sự hài lòng trong cuộc sống mạnh thứ hai và nỗi lo đau tinh thần tác động âm đến sự hài lòng trong cuộc sống thấp nhất. Kết quả này làm cơ sở rút ra một số hàm ý đối với Ban Quản lý HEPZA và Ban Giám đốc các công ty có những chính sách hỗ trợ để giảm bớt phần nào nỗi lo sợ Covid-19 và nỗi đau tinh thần từ đó gia tăng sự hài lòng trong cuộc sống của người lao động, cụ thể như sau:
Đối với Quản lý HEPZA, phối hợp với Công đoàn các KCX-CN TP. HCM tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho người lao động đã từng là F0, vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê cho người lao động, lắp đặt đường dây nóng sẵn sàng hỗ trợ kịp thời khi phát hiện trường hợp dương tính hoặc gặp các khó khăn liên quan đến dịch bệnh. Bên cạnh đó cần tổ chức thăm hỏi công nhân, đặc biệt đối với những người ở các tỉnh xa để họ cảm thấy ấm áp khi không có người thân bên cạnh.
Đối với Ban Giám đốc các công ty, trong giai đoạn bình thường mới, trường hợp những doanh nghiệp nếu chưa thể khôi phục mức lương như trước dịch, cần có những chính sách phúc lợi hỗ trợ về nhà trọ, thuốc cho người lao động. Phòng Nhân sự phối hợp cùng Công đoàn cơ sở thường xuyên thăm hỏi và quan tâm đến tình hình sức khỏe của họ, tạo môi trường làm việc sạch sẽ, thoáng mát theo đúng quy định của Bộ Y tế; có những hoạt động thể thao, vận động sau giờ làm việc để công nhân viên không còn lo sợ.
Cuối cùng, nghiên cứu chỉ kiểm định với mẫu gồm 315 người lao động đang làm việc tại các KCN TP. HCM bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Vì thế, tính tổng quát hóa của mô hình nghiên cứu có thể chưa cao. Nhằm khắc phục hạn chế này, những nghiên cứu tiếp theo cần chọn mẫu có kích thước lớn hơn và mở rộng nghiên cứu sang các tỉnh thành khác.
Tài liệu tham khảo:
- Alnazly, E., Khraisat, O. M., Al-Bashaireh, A. M., & Bryant, C. L. (2021). Anxiety, depression, stress, fear and social support during COVID-19 pandemic among Jordanian healthcare workers. Plos one, 16(3), e0247679.
- Bandura, A. (2005). The evolution of social cognitive theory. Great minds in management, 9-35.
- Bonati, M., Campi, R., Zanetti, M., Cartabia, M., Scarpellini, F., Clavenna, A., & Segre, G. (2021). Psychological distress among Italians during the 2019 coronavirus disease (COVID-19) quarantine. BMC psychiatry, 21(1), 1-13.
- de Abajo, F. J., Rodríguez-Martín, S., Lerma, V., Mejía-Abril, G., Aguilar, M., García-Luque, A., ... & Elvira, C. (2020). Use of renin–angiotensin–aldosterone system inhibitors and risk of COVID-19 requiring admission to hospital: a case-population study. The Lancet, 395(10238), 1705-1714.
- Diener, E. D., Emmons, R. A., Larsen, R. J., & Griffin, S. (1985). The satisfaction with life scale. Journal of personality assessment, 49(1), 71-75.
- Duong, C. D. (2021). The impact of fear and anxiety of Covid-19 on life satisfaction: Psychological distress and sleep disturbance as mediators. Personality and Individual Differences, 178, 110869.
- Gawrych, M. (2020). Mental health during COVID-19 pandemic-A literature review. Psychiatry Clin. Psychol, 20, 174-218.
- Gregory D. Zimet , Nancy W. Dahlem , Sara G. Zimet & Gordon K. Farley. (1988). The Multidimensional Scale of Perceived Social Support. Journal of Personality Assessment, 52(1), 30-41.
- Grills-Taquechel, A. E., Littleton, H. L., & Axsom, D. (2011). Social support, world assumptions, and exposure as predictors of anxiety and quality of life following a mass trauma. Journal of Anxiety Disorders, 25(4), 498–506.
- Hartstone, J. M., & Medvedev, O. N. (2021). The Role of Mindfulness and Life Satisfaction in Psychological Distress During the COVID-19 Lockdown in New Zealand: a Quasi-experimental Study. Mindfulness, 12(11), 2693-2706.
- L'Abate, L. (Ed.). (2011). Paradigms in theory construction. Springer Science & Business Media.
- Lazarus, R. S., & Folkman, S. (1987). Transactional theory and research on emotions and coping. European Journal of Personality, 1(3), 141–169.
- Lee, S. A., & Crunk, E. A. (2020). Fear and Psychopathology During the COVID-19 Crisis: Neuroticism, Hypochondriasis, Reassurance-Seeking, and Coronaphobia as Fear Factors. OMEGA - Journal of Death and Dying, 003022282094935.
- Özmete, E., & Pak, M. (2020). The Relationship between Anxiety Levels and Perceived Social Support during the Pandemic of COVID-19 in Turkey. Social Work in Public Health, 35(7), 603–616.
- Skalski, S., Uram, P., Dobrakowski, P., & Kwiatkowska, A. (2021). The link between ego-resiliency, social support, SARS-CoV-2 anxiety and trauma effects. Polish adaptation of the Coronavirus Anxiety Scale. Personality and individual differences, 171, 110540.
- Wood, R., & Bandura, A. (1989). Social cognitive theory of organizational management. Academy of management Review, 14(3), 361-384.
- Yu, M., Qiu, T., Liu, C., Cui, Q., & Wu, H. (2020). The mediating role of perceived social support between anxiety symptoms and life satisfaction in pregnant women: a cross-sectional study. Health and quality of life outcomes, 18(1), 1-8.
IMPACTS OF THE PERCEIVED SOCIAL SUPPORT, FEAR AND ANXIETY OF COVID-19 ON THE LIFE SATISFACTION: THE ROLE OF PSYCHOLOGICAL DISTRESS OF EMPLOYEES WỎKING IN INDUSTRIAL ZONES IN HO CHI MINH CITY
Ph.D Phan Quoc Tan
Faculty of Business Administration
University of Economics Ho Chi Minh City
Abstract:
This study examines the relationship between perceived social support, fear and anxiety of COVID-19 on life satisfaction through the mediating role of psychological distress of employees working in industrial parks in Ho Chi Minh City. The study’s data is collected from 315 employees working in industrial parks in Ho Chi Minh City. The results of the study’s partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM) show that all proposed hypotheses are accepted. Based on the study’s findings, some implications are drawn to help Ho Chi Minh City Export Processing and Industrial Zones Authority (HEPZA) and the Boards of Directors of companies have supporting policies to alleviate some of the fear of COVID-19 and the psychological distress of employees in order to increase the life satisfaction of workers.
Keywords: perceived social support, fear and anxiety of COVID-19, psychological distress, life satisfaction, employees, industrial park.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2022]