Một trong những trụ cột ưu tiên và xuyên suốt của APEC thời gian qua cũng như APEC 2017 là tập trung thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn, tạo đà và động lực cho các nền kinh tế thành viên hội nhập sâu sắc hơn vào các chuỗi cung ứng, sản xuất, giá trị khu vực và toàn cầu, tăng cường tính kết nối giữa các thể chế kinh tế khu vực cũng như thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho phát triển kinh tế của từng thành viên. Theo đó, những năm qua, các hoạt động của APEC ngày càng đi vào cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên như thiết lập chuỗi cung ứng tin cậy (cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng thêm 10% vào năm 2015), tạo điều kiện cho doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên; các hoạt động xây dựng năng lực, chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt giữa các nền kinh tế thành viên APEC.
Tại Việt Nam, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Để góp phần vào thành công chung trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách quan trọng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngày 03 tháng 11 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trơ, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, theo đó, có rất nhiều hỗ trợ và ưu đãi dành cho các doanh nghiệp, cụ thể như sau:
Các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam
Chính sách hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển: (i) Được tài trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các Quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo; (ii) Được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; (iii) Được Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
b) Chính sách về hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ: (i) Các dự án, đề án hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị có công nghệ ứng dụng trong việc chuyển giao công nghệ được hỗ trợ một phần kinh phí; (ii) Chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ tối đa đến 50%.
c) Chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực: (i) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực; (ii) Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của nhà nước.
d) Chính sách hỗ trợ trong hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ: (i) Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động công nghiệp hỗ trợ; (ii) Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước; (iii) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nhân lực công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên hợp tác đào tạo sinh viên các ngành kỹ thuật công nghiệp hỗ trợ tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; thu hút, sử dụng có hiệu quả người có trình độ cao, lực lượng trẻ tài năng hợp tác nghiên cứu, giảng dạy công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
đ) Chính sách hỗ trợ phát triển thị trường: (i) Ưu tiên tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; (ii) Hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ
Xây dựng hệ thống Trung tâm phát triển CNHT nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ về mặt công nghệ và quản trị doanh nghiệp. Trung tâm này bao gồm tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, trung tâm thiết kế mẫu, trung tâm kiểm định chất lượng, sàn giao dịch nguyên vật liệu, chi tiết linh kiện....
Chương trình phát triển CNHT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị sản xuất, tạo dựng thị trường..., kết nối với các Tập đoàn đa quốc gia và các nhà cung ứng là doanh nghiệp FDI nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI để sản xuất các sản phẩm có yêu cầu từ trình độ thấp lên cao, từ đó có thể tiến tới xuất khẩu sang các thị trường khu vực và trên thế giới...
Các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ
Ưu đãi chung:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
- Thuế nhập khẩu: Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Tín dụng: (i) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước; (ii) Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.
- Thuế giá trị gia tăng: Doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý.
- Bảo vệ môi trường: Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Dự án.
Ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Tín dụng đầu tư: Được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định.
- Tiền thuê đất, mặt nước: Được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các ưu đãi đầu tư theo địa bàn.
Nghị định sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiếp cận dễ dàng với các chính sách ưu đãi của nhà nước, qua đó từng bước nâng cao năng lực doanh nghiệp và được nhà nước hỗ trợ tham gia vào chuỗi sản xuất phụ tùng linh kiện của các Tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Các doanh nghiệp phát triển có định hướng thông qua Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2017 về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, các Quyết định này ban hành với mục tiêu cụ thể như sau:
Lĩnh vực linh kiện phụ tùng
Phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày
Phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao
Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
* Các nội dung cụ thể của Chương trình phát triển bao gồm:
- Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
- Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.
- Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
- Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu…
Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, với trình độ phát triển và lợi thế khác nhau, mỗi nền kinh tế đều nỗ lực hết mình để tối ưu hóa các nguồn lực, xác định và định vị mình trong sân chơi chung rộng lớn này. Trên thực tế, mỗi nền kinh tế với quy mô, trình độ phát triển khác nhau có thể định nghĩa ngành công nghiệp hỗ trợ khác nhau để phù hợp với điều kiện phát triển cụ thể. Phát triển một cách bền vững và mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ không những tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mà còn góp phần củng cố nội lực của một nền kinh tế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài, là một trong những lựa chọn chiến lược của nhiều nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, với nhu cầu sản xuất ngày càng gia tăng../.