Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,54%). Tổng cục Thống kê nhận định, điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra, là vì sao giá xăng dầu đã giảm mạnh, nhưng giá hàng hóa vẫn neo cao?
Trước hết, việc giảm giá hàng hóa theo mức giảm của giá xăng dầu có độ trễ nhất định, đặc biệt khi giá xăng dầu liên tục diễn biến phức tạp, khó lường theo tình hình thế giới.
Sau là, chi phí xăng dầu chỉ chiếm một phần trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Những nguyên vật liệu đầu vào hay dịch vụ khác như phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ vận chuyển, logistics vẫn ở mức cao, cùng với nỗ lực phục hồi của nhà sản xuất - kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh khó khăn khiến bài toán giá cả chưa thể nhất thời ổn định trở lại.
Dù vậy, cần nhìn nhận, nguồn cung hàng hóa trên thị trường, đặc biệt các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của xã hội, của người dân trong nước được duy trì khá dồi dào và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 7 đạt 485.984,4 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 42,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Ước tổng mức bán lẻ 7 tháng đầu năm đạt 3.205.838,7 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngày 29/7/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công điện số 4436 gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Tổng cục Quản lý thị trường kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu, đặc biệt những mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế, qua đó có những đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân; báo cáo ngay với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng như UBND tỉnh, thành phố tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế trên địa bàn được giao quản lý.
Chủ trì, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác trong Ban chỉ đạo 389 các cấp hoặc các địa phương có liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá tại địa phương, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch.
Đáng chú ý, Công điện của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để đơn vị mình có những vi phạm trong hoạt động công vụ hoặc để xảy ra các hành vi lợi dụng biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính mà không được kiểm tra, xử lý.
Những chỉ đạo này chắc chắn sẽ tiếp tục mở ra một cao điểm mới về công tác quản lý thị trường trên toàn quốc để siết chặt hiệu quả kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Tuy nhiên, lời giải cho bài toán “giảm giá” không nằm ở riêng Bộ Công Thương cũng như ở lực lượng quản lý thị trường.
Tại cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ngày 28/7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỉ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục chống đô la hóa, vàng hóa hiệu quả; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào sản xuất kinh doanh, phát triển bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội.
Tựu chung lại, hơn lúc nào hết, cần có những chính sách phù hợp và linh hoạt để hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua công cụ tài chính, tín dụng, góp phần chia sẻ áp lực phục hồi, phát triển với cộng đồng doanh nghiệp sau đại dịch, từ đó bình ổn giá các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Những giải pháp chính sách này không chỉ dừng ở vấn đề thuế, phí, mà còn là tạo điều kiện về nguồn vốn, tín dụng, ưu đãi đầu tư, bảo lãnh thanh toán,…
Ngoài ra, người nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cũng cần được quan tâm, có chính sách hỗ trợ kịp thời để ổn định hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn cung và giá cả sản phẩm.