Ảnh hưởng của chính sách thuế các bon đến ngành Năng lượng Việt Nam

Nguyễn Hoàng Lan, Trần Văn Bình (Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Tóm tắt:

Bài viết đề cập đến việc xem xét ảnh hưởng của chính sách thuế các bon đến cơ cấu ngành Năng lượng và phát thải khí các bon níc đối với Việt Nam. Qua phân tích, nghiên cứu cho thấy việc áp dụng thuế các bon sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành Năng lượng, giảm lượng khí nhà kính phát thải cũng như tăng chi phí hệ thống. Từ đó nghiên cứu đưa ra các gợi ý về mặt chính sách cho các nhà hoạch định chính sách trong việc đánh giá tác động của chính sách thuế các bon đối với ngành Năng lượng Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Từ khóa: Mô hình, khí nhà kính, thuế các bon, năng lượng.

1. Giới thiệu

Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế cũng như dân số, vấn đề môi trường càng trở nên quan trọng. Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng đặc biệt đối với nhiên liệu hóa thạch đã khiến Việt Nam phải đối diện với các vấn đề về phát thải Khí nhà kính (KNK). Trong thế kỷ này, ảnh hưởng của các KNK càng trở nên trầm trọng hơn với những dự báo về nhiệt độ bề mặt trái đất tăng khoảng 2,9 độ, mực nước biển tăng từ 39 đến 54 cm vào cuối thế kỷ này. Vì vậy, các hậu quả do nó gây ra rất lớn như hiện tượng băng tan, nước biển dâng, các hiện tượng khí hậu thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Theo dự báo, Việt Nam có thể chịu thiệt hại khoảng 10 tỷ đô la do sự phá hủy các công trình, hệ thống cơ sở vật chất ven biển [10]. Hiện tại, tuy rằng mức phát thải của các nước đang phát triển còn thấp so với các nước phát triển, nhưng mức tăng của các nước đang phát triển được dự báo sẽ tăng rất nhanh trong tương lai. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Theo số liệu về kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam, năm 1994, Việt Nam phát thải 103 triệu tấn CO2 tương đương; đến 1998 đã tăng lên 121 triệu tấn CO2 tương đương và tăng gấp đôi 247 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2010. Trong đó, ngành Năng lượng là ngành phát thải nhiều khí nhà kính chiếm đến 50% tổng phát thải KNK của Việt Nam vào năm 2010 [1], [2]. Rõ ràng các nước đang phát triển như Việt Nam mặc dù cường độ phát thải KNK thấp so với các nước phát triển nhưng lại là những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu. Do vậy, chúng ta cần có những hành động để giảm bớt việc gia tăng nhanh chóng lượng KNK phát thải toàn cầu để giảm thiểu các hậu quả do biến đổi khí hậu. Bên cạnh các giải pháp có thể áp dụng để giảm lượng phát thải KNK về mặt công nghệ như sử dụng thiết bị hiệu suất cao, thay đổi loại năng lượng sử dụng từ năng lượng hóa thạch sang các dạng năng lượng tái tạo có mức phát thải thấp, đứng từ góc độ chính sách, việc áp dụng thuế các bon cũng là một giải pháp được nhiều quốc gia quan tâm. Về bản chất, thuế các bon được sử dụng như là giá phải trả để phát thải một đơn vị khí nhà kính ra không khí. Thuế các bon khuyến khích các bên phát thải KNK (khai thác, vận chuyển, biến đổi và sử dụng năng lượng) áp dụng các giải pháp để đảm bảo mức phát thải tối ưu.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phần mềm MARKAL để xây dựng mô hình cho Việt Nam với mục tiêu xem xét tác động của chính sách thuế đến sự thay đổi cơ cấu ngành Năng lượng (Hình 1). Cách tiếp cận sử dụng trong MARKAL là cách tiếp cận từ dưới lên (bottom-up). MARKAL là mô hình quy hoạch tuyến tính ứng dụng cho lĩnh vực năng lượng [11].

Các số liệu đầu vào bao gồm dữ liệu chung như hệ số chiết khấu, chia khoảng thời gian trong ngày; số liệu về năng lượng (loại năng lượng, giá năng lượng); số liệu về nhu cầu về năng lượng hữu ích; số liệu về công nghệ (các công nghệ khai thác, biến đổi năng lượng cũng như các thiết bị sử dụng năng lượng cuối cùng); số liệu về phát thải (loại phát thải, hệ số phát thải); số liệu về chính sách thuế (nếu có). Kết quả đầu ra là các số liệu về cơ cấu năng lượng, cơ cấu công nghệ sử dụng năng lượng, phát thải và chi phí hệ thống. Do đặc thù của nghiên cứu, các số liệu sử dụng trong nghiên cứu đều là số liệu thứ cấp, các số liệu trong nghiên cứu được thu thập từ các nguồn tin cậy như Viện Năng lượng, Tổng cục Thống kê, Tập đoàn Điện lực Việt Nam [5], [6], [7], [8].

Để đánh giá tác động của thuế các bon đến cơ cấu ngành Năng lượng, hai kịch bản được xây dựng để so sánh gồm kịch bản gốc (BASE) và kịch bản thuế các bon (T650).

2.1. Kịch bản gốc

Kịch bản gốc mô tả xã hội theo phương án phát triển bình thường, được ký hiệu là BASE. Trong kịch bản này không xét đến ràng buộc về phát thải KNK.

Các số liệu đặc biệt trong ngành Năng lượng thường được điều chỉnh sau khi thống kê, do vậy để có số liệu đầy đủ nhất để có thể sử dụng trong việc hiệu chỉnh mô hình, năm cơ sở được lựa chọn là 2010. Thời kỳ nghiên cứu giai đoạn 2010 - 2030 được chia thành các thời đoạn với độ dài bằng nhau, mỗi thời đoạn là 5 năm.

Trong kịch bản gốc, giả thiết không có bất cứ sự can thiệp (chính sách) mới nào trong lĩnh vực năng lượng liên quan đến giảm phát thải KNK. Sự thay đổi các công nghệ sẽ vẫn như trong quá khứ. Về nhu cầu năng lượng hữu ích được dự báo dựa trên tốc độ tăng trưởng của các ngành sử dụng năng lượng tương ứng.

2.2. Kịch bản thuế các bon

Thuế các bon là loại thuế được thu trên lượng khí nhà kính phát thải. Do thuế các bon được thu đối với các ngành phát thải KNK nên kịch bản thuế các bon xem xét tác động của việc đánh thuế các bon đến hệ thống năng lượng. Mỗi quốc gia phát thải KNK đều đóng góp chung vào sự thay đổi nồng độ các bon trong khí quyển toàn cầu. Do vậy nghiên cứu của thế giới đã sử dụng mô hình toàn cầu để đưa ra mức thuế đảm bảo việc ổn định nồng độ các bon trong khí quyển ở các mức 650 ppmv, 550 ppmv, 450 ppmv. Với nồng độ càng thấp thì mức thuế đưa ra lại càng cao. Đối với quốc gia chưa áp dụng thuế các bon, tác giả xem xét thuế ở mức thấp trước, do vậy, trong kịch bản thuế các bon xem xét mức thuế tương ứng với mức thuế để ổn định nồng độ các bon trong khí quyển ở mức 650 ppmv. Số liệu về thuế các bon được lấy từ nghiên cứu về ổn định nồng độ các bon trong khí quyển toàn cầu (Bảng 1) và bắt đầu từ năm 2020.

3. Kết quả và bàn luận

Trong phần này tác động của việc đánh thuế các bon sẽ được phân tích thông qua việc so sánh kết quả của kịch bản thuế các bon T650 với kịch bản gốc.

3.1. Phân tích về cơ cấu năng lượng

Tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp giảm trong khi áp thuế các bon. Có thể thấy rằng, khi mức thuế các bon càng cao khiến cho tiêu thụ năng lượng sơ cấp (NLSC) giảm càng nhiều. Với mức thuế 40 USD/tấn CO2 vào năm 2020, tiêu thụ năng lượng sơ cấp giảm 64 PJ nhưng với mức thuế cao hơn vào năm 2030 là 88 USD/tấn CO2, tiêu thụ năng lượng sơ cấp giảm đến 404 PJ (Bảng 2).

Xét về cơ cấu năng lượng, trong kịch bản thuế các bon, loại năng lượng có hệ số phát thải cao như than có xu hướng giảm, thay vào đó là loại năng lượng phát thải ít các bon như điện nguyên tử và năng lượng tái tạo. Tiêu thụ than giảm 865 PJ, 1828 PJ và 3627 PJ vào năm 2020, 2025 và 2030. Tiêu thụ khí tăng 514 PJ, 523 PJ (25.9%), 1549 PJ vào các năm tương ứng. Mức tăng của năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) khá khiêm tốn do năng lượng hạn chế về khả năng khai thác cũng như chi phí sử dụng các dạng năng lượng này vẫn cao so với năng lượng hóa thạch. Mặc dù có sự sụt giảm trong tiêu thụ của năng lượng hóa thạch nhưng tổng hòa chung, năng lượng hóa thạch vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp, đến trên 60%. Tiêu thụ năng lượng tái tạo và thủy điện chỉ chiếm từ 20% đến 35% (Hình 2).

Xét về điện sản xuất, cơ cấu điện sản xuất có sự dịch chuyển mạnh từ nhiệt điện than sang khí. Tỉ trọng điện từ năng lượng tái tạo (không gồm thủy điện lớn) cũng có chiều hướng gia tăng (Hình 3) trong kịch bản thuế các bon T650. Tỉ trọng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo từ 6% đến 10% tổng điện sản xuất so với mức 5% trong kịch bản gốc. Tỉ trọng điện sản xuất từ thủy điện lớn cũng tăng từ 23% (kịch bản gốc) lên 28% (kịch bản T650) vào năm 2020, 17% lên 19% vào năm 2025 và 11% lên 13% vào năm 2030.

3.2. Phân tích về phát thải Khí nhà kính

Việc đánh thuế các bon làm lượng tiêu thụ năng lượng sơ cấp giảm xuống và gây ra sự dịch chuyển từ dạng năng lượng phát thải nhiều KNK sang dạng năng lượng phát thải ít KNK hơn. Điều đó khiến cho lượng KNK phát thải từ ngành Năng lượng giảm xuống, mức phát thải là 231 triệu tấn CO2 tương đương so với mức 290 triệu tấn CO2 ở kịch bản cơ sở vào năm 2020, 518 triệu tấn CO2 tương đương so với mức 791 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 (Bảng 3).

3.3. Phân tích về chi phí và chi phí giảm phát thải

Tổng chi phí trong kịch bản thuế các bon cao hơn trong kịch bản gốc. Chi phí giảm phát thải trung bình trong kịch bản T650 là 6.68 USD/tấn CO2 giảm được (Bảng 4).

4. Kết luận

Qua phân tích có thể thấy áp thuế các bon có thể làm giảm lượng KNK khá lớn. Như vậy, việc đánh thuế các bon là cần thiết để có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải KNK. Tác động của đánh thuế các bon đối với ngành Năng lượng có thể thấy rõ ở việc giảm sử dụng năng lượng và dịch chuyển sang các loại năng lượng có mức phát thải thấp hơn.

Với mức thuế 40 USD/tấn CO2, mức thuế tương đương cho 1 tấn than sẽ là 11 USD/tấn than. Vậy khi áp thuế sẽ khiến chi phí liên quan đến sử dụng than tăng lên 10% lần so với mức giá nếu không áp thuế các bon. Đối với các sản phẩm dầu, mức thuế này sẽ khiến chi phí liên quan đến sử dụng sản phẩm dầu tăng thêm là 0.13 USD/lít sản phẩm. Với mức thuế 80 USD/tấn CO2, mức thuế tương đương cho 1 lít sản phẩm dầu sẽ vào là 0.26 USD/lít sản phẩm. Mức thuế môi trường hiện tại là 3000 VNĐ/lít xăng (tương đương 0.15 USD/lít [3] và dự kiến đánh thuế tăng đến mức cao nhất là 8.000 VNĐ (tương đương 0.4 USD)/lít [4]. Mức thuế môi trường hiện nay đối với than là khá thấp khoảng 1.5USD/tấn than (30.000VNĐ/tấn than). Như vậy, với mức thuế các bon để đảm bảo mức độ ổn định các bon trong khí quyển là 650 ppmv là có thể chấp nhận được. Như vậy để đạt được các mức giảm phát thải lớn, việc đánh thuế các bon cao là không thể tránh khỏi nhưng cần phải có lộ trình tăng thuế phù hợp để tránh gây ra các biến động về giá khiến ảnh hưởng đến các ngành kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010), Thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam trong khuôn khổ Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2014), Báo cáo cập nhật hai năm một lần Lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Nhà xuất bản Tài nguyên - Môi trường và bản đồ Việt Nam.

3. Quốc hội Việt Nam (2010), Luật Thuế môi trường số 57/2010/QH12, kí ngày 15/11/2010, Việt Nam.

4. Quốc hội Việt Nam (2017), Dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Thuế môi trường, Việt Nam.

5. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam (2016), Quy hoạch phát triển ngành Than đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 (điều chỉnh). Quyết định số 403/QĐ-TTg ban hành ngày 14/03/2016.

6. Tổng cục Thống kê (2016), Số liệu thống kê hàng năm.

7. Viện Năng lượng (2013), Thống kê năng lượng Việt Nam.

8. Viện Năng lượng (2016), Các số liệu về giá, cân bằng năng lượng.

9. Edmonds, J. et al. (2006), The role of technology in a low carbon society, Expert Worshop on Developing visions of a low carbon society through sustainable development.

10. Intergovernmental Panel on Climate Change - IPCC (2001) Climate change 2001: Impacts, adaptation and vulnerability.

11. Loulou, R. et al. (2004) Documentation for the MARKAL family of models. Energy Technology Systems Analysis Programme.

Impact of carbon tax policy on Vietnam's Energy sector

Nguyen Hoang Lan - Tran Van Binh

Department of Industrial Economics, School of Economics and Management,

Hanoi Universtiy of Scicence and Technology.

Abstract:

The article discusses the impact of carbon taxation on the structure of the energy sector and on carbon emissions of Vietnam. Through analysis, research shows that applying carbon taxes will change the structure of the energy sector, reduce greenhouse gas emissions and increase system costs. The study then provides policy implications for policymakers in assessing the impact of carbon taxes on Vietnamese energy sectors targets on reducing greenhouse gas emission.

Keywords: Model, greenhouse gases, carbon tax, energy.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây