Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens về chuyển đổi số trong công nghiệp. Hội thảo còn có sự tham gia của các đơn vị tư vấn là Công ty TÜV SÜD, Công ty Tư vấn McKinsey và nhiều doanh nghiệp công nghiệp tại Việt Nam.
"Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu" với doanh nghiệp Việt
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, nhằm khai thác những lợi thế và kinh nghiệm của các các doanh nghiệp Đức nói chung và Tập đoàn Siemens nói riêng, tháng 4/2019, Bộ Công Thương đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Siemens về phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam, trong đó, thúc đẩy số hóa các lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam thông qua giới thiệu các công nghệ tự động hóa và số hóa hiện đại trong một số ngành công nghiệp tiêu biểu được cả hai bên quan tâm đã trở thành một trong những nội dung ưu tiên hợp tác giữa hai bên.
Để triển khai nội dung này, Bộ Công Thương và Tập đoàn Siemens đã thống nhất lựa chọn việc áp dụng thí điểm Bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (Smart Industry Readiness Index – SIRI) do Chính phủ Singapore xây dựng, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận và triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Khảo sát của Bộ Công Thương thực hiện năm 2017 – 2018 đã chỉ ra rằng năng lực tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam bị hạn chế bởi những vấn đề có tính chất hết sức cơ bản. Trong đó, khả năng số hóa dữ liệu, kết nối dữ liệu trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp và các đối tác trong chuỗi còn rất hạn chế, dẫn đến khả năng tự vận hành theo thay đổi, tự động quản trị của doanh nghiệp rất thấp, chỉ ở mức 2% (ở phạm vi toàn doanh nghiệp); 11-12 % (ở các khu vực riêng lẻ trong doanh nghiệp); các mô hình quản trị doanh nghiệp dựa trên dữ liệu có tỷ lệ áp dụng rất hạn chế, chỉ ở mức trên dưới 5%.
Đơn cử như, các hệ thống Quản lý chuỗi cung ứng (SCM), Quản lý vòng đời sản phẩm (PLM), Hệ thống thiêt lập kế hoạch sản xuất (PPS), Quản lý dữ liệu sản phẩm (PDM) … đều có mức độ áp dụng chỉ ở mức 2-3%,…
Có thể thấy, mức độ ứng dụng các công nghệ chủ yếu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế.
Bởi vậy, đại diện Bộ Công Thương cho rằng việc có một Bộ chỉ số đánh giá cho công nghiệp thông minh mang tính định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất trong tiến trình số hóa hoạt động của mình là hết sức cần thiết.
Từ phía doanh nghiệp, kết quả đánh giá sẽ cung cấp một bức tranh toàn diện về hiện trạng doanh nghiệp so với các yêu cầu phát triển sản xuất thông minh.
Từ phía đơn vị tư vấn, kết quả này là thông tin đầu vào quan trọng hỗ trợ đơn vị tư vấn đưa ra phương án toàn diện và lộ trình hay cách đi phù hợp cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
“Thách thức đi liền với cơ hội khi chúng ta có thể nhanh chóng nắm bắt và biến những khó khăn trước mắt trở thành lợi thế. Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, trong đó, mỗi doanh nghiệp cần tìm ra cho mình những hướng đi phù hợp”, ông Trần Việt Hòa nhấn mạnh.
Đồng hành cùng doanh nghiệp đến cuối lộ trình chuyển đổi số
Cũng tại Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã được nghe các chuyên gia giới thiệu nhiều nội dung, thông tin hữu ích, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp như: Đánh giá thực trạng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua Bộ chỉ số Mức độ sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh (SIRI) do đại diện Công ty TÜV SÜD trình bày; các chuyên gia của Tập đoàn Siemens giới thiệu về các công nghệ của công nghiệp 4.0 phục vụ quá trình chuyển đổi số, đồng thời cũng chỉ ra nhưng thách thức cho quá trình này; các Chuyên gia đến từ Công ty tư vấn McKinsey giới thiệu về Ba chuyển đổi lớn trong kỷ nguyên số
Ngay sau phần trình bày của các chuyên gia, Bộ Công Thương đã triển khai phần thảo luận và đăng ký tham gia thí điểm khảo sát và đánh giá xác định chỉ số sẵn sàng cho sản xuất công nghiệp thông minh. Từ đây, 15 doanh nghiệp phù hợp đã được lựa chọn để nhận sự hỗ trợ của Chương trình.
Dự kiến, ngay sau Hội thảo này, Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Siemens, Hội đồng phát triển kinh tế của Chính phủ Singapore, Công ty TÜV SÜD sẽ khảo sát và hỗ trợ tư vấn áp dụng bộ chỉ số SIRI tại các doanh nghiệp miễn phí ngay trong tháng 11 và tháng 12 năm 2019. Qua các bước đánh giá đầu tiên, 7 trong số 15 doanh nghiệp tham gia đánh giá SIRI sẽ được lựa chọn để tiếp tục nhận tư vấn sâu về giải pháp và phương án đầu tư chuyển đổi số. Các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng nhà máy theo hướng công nghiệp 4.0 sẽ được ưu tiên lựa chọn.
“Phát triển nhà máy số chính là tâm điểm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đây cũng là định hướng ưu tiên lớn của ngành Công Thương trong phát triển một nền sản xuất hiện đại trong tương lai”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, đồng thời bày tỏ hy vọng, cùng với sự đồng hành Siemens và các đơn vị tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số, công nghệ của công nghiệp 4.0 hàng đầu của thế giới, các doanh nghiệp của ngành Công Thương sẽ đi từng bước đi vững chắc trên con đường xây dựng một nền công nghiệp hiện đại.
Với việc triển khai Chương trình này, Bộ Công Thương khẳng định khả năng kết nối doanh nghiệp với các nhà cung cấp dịch vụ về chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi công nghệ, xây dựng nền sản xuất với các nhà máy thông minh, hướng tới phát triển bền vững.