Hội nghị do ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương và ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đồng chủ trì, cùng tham dự có hơn 100 đại biểu, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương,…
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 với sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đã triển khai thành công và về đích trước 1 năm, Chương trình đã trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể như: Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt; nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao.
“Đây là chương trình mang tính tổng thể, toàn diện và có chiến lược lâu dài, “có điểm đầu, nhưng không có điểm kết thúc”, Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.” - Ông Dương Quốc Trịnh nhấn mạnh.
Theo đó, các nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu của Chương trình được triển khai trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành trong năm 2022: Quyết định số 263/QĐ-TTg; Quyết định số 318/QĐ-TTg; Quyết định số 320/QĐ-TTg. Thực hiện các Quyết định này, Bộ Công Thương đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn các tiêu chí, chỉ tiêu, nội dung nông thôn mới thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng Chương trình mục tiêu quốc gia trong xây dựng nông thôn mới đến từng người dân nông thôn, từng cộng đồng tiếp tục hiểu rõ về chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới, nhất là nội dung các Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Thành phố cũng triển khai ban hành, hướng dẫn các Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng dựa trên các Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của Trung ương và căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương. So với Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đầy đủ, trọng tâm, nâng cao các tiêu chí hơn.
“Đến nay, toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã và đang được triển khai thực hiện một cách khá hiệu quả, đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.” - Ông Nguyễn Văn Trừ thông tin.
Trong đó, đối với các tiêu chí thuộc lĩnh vực Công Thương phụ trách, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng thường xuyên triển khai, hướng dẫn, thẩm định 2/19 Tiêu chí và 1 chỉ tiêu gồm: Tiêu chí số 4 về điện, Tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và chỉ tiêu số 13.5 thuộc tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn của xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đảm bảo tiến độ, đúng định hướng theo chỉ đạo của Trung ương và địa phương.
“Đáng chú ý, việc đầu tư phát triển điện nông thôn trong giai đoạn vừa qua đã làm cho bức tranh cung cấp điện nông thôn được thay đổi, mức độ được đáp ứng với chất lượng ngày càng cao; bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình hạ tầng thương mại thiết yếu theo tiêu chí nông thôn mới đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn mua bán, trao đổi hàng hóa được dễ dàng hơn. Việc thực hiện tốt các tiêu chí nêu trên đã góp phần tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.” - Ông Nguyễn Văn Trừ nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trừ nhận định, những năm đầu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị dành phần lớn thời gian tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời huyện Hòa Vang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch trong thời gian dài nên có phần ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình nông thôn mới và các hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển sản xuất, thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho điện cũng như xây dựng chợ rất lớn, trong khi khả năng ngân sách địa phương có hạn, cũng làm ảnh hưởng ít nhiều đến tiến độ và định hướng kế hoạch đề ra.
Trên cơ sở đó, Hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện nội dung nông thôn mới thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương phụ trách giai đoạn 2021 - 2025 khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ là tiền đề để các cán bộ, đại diện các địa phương gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các đơn vị có liên quan sẽ tham luận về (i) hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí điện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; (ii) báo cáo tình hình triển khai Tiêu chí điện trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao (cấp xã, huyện) của Khu vực; (iii) hướng dẫn chi tiết chỉ tiêu về cụm công nghiệp thuộc tiêu chí Kinh tế trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; (iv) hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và (v) hướng dẫn triển khai các mô hình thí điểm về xã thương mại điện tử.
Hội nghị là cơ hội để các địa phương trong khu vực nhận thức được thực chất, đầy đủ hơn về thực trạng của các Chương trình, là cơ sở quan trọng để đổi mới toàn diện, đẩy mạnh triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân…