Người dân trực tiếp vận chuyển hàng lậu
Trực tiếp kiểm tra, khảo sát tại cột mốc 183 ở xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các khu vực biên giới ngày càng tinh vi, phức tạp, gây hệ lụy lớn đối với một số mặt hàng sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và sản xuất nội địa lẫn nguồn thu quốc gia.
“Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT là đầu mối phối hợp các cơ quan công an, bộ đội biên phòng... tấn công trọng tâm các điểm trung chuyển, buôn lậu qua biên giới", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Báo cáo tình hình gian lận buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả tại các khu vực biên giới, ông Phạm Đức Chinh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Long An, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, từ tháng 1/2019 đến 30/8/2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 799 trường hợp buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu; thu giữ 1.340.320 gói thuốc lá ngoại; 31,5 tấn đường cát và nhiều hàng hóa điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, quần áo... trị giá trị giá khoảng 3 tỷ đồng.
Mặc dù số vụ bắt giữ, xử lý về buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá ngoại có giảm mạnh so với năm 2016 (từ thu giữ 2.530.043 gói thuốc lá trong 2.246 vụ việc tính đến tháng 9/2018 đã giảm còn thu giữ 882.470 gói thuốc lá trong 799 vụ việc).
Nhìn nhận về kết quả này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đây mới chỉ là kết quả bước đầu, bởi tình hình buôn lậu thuốc lá tại Long An vẫn diễn biến rất phức tạp.
Ông Phan Đức Chinh thông tin thêm, ngoài mặt hàng thuốc lá ngoại, thời gian qua, trên tuyến biên giới của tỉnh còn có nhiều hàng hóa được đối tượng buôn lậu vận chuyển qua biên giới, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, như: quần áo, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng và cả ma túy.
Hàng hóa nhập lậu được một số đối tượng vận chuyển thuê (người dân địa phương), mang, vác hoặc sử dụng xe gắn máy 2 bánh vận chuyển qua biên giới, sau đó được đưa lên các ô tô (xe tải, ô tô loại 4 chỗ, 7 chỗ) vận chuyển vào các tỉnh nội địa tiêu thụ.
Đối tượng buôn lậu lợi dụng nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới; cho người bám sát các lực lượng chống buôn lậu; hoạt động chủ yếu vào ban đêm (từ 21h đến 3h) hoặc lúc có nhiều phương tiện lưu thông qua lại nhằm qua mắt, tránh sự truy đuổi của các lực lượng chức năng.
“Một số đối tượng vận chuyển hàng lậu thường sử dụng ma túy đá khi điều khiển phương tiện. Do đó, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thường rất manh động, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ để tẩu tán tang vật”, ông Chinh cho biết.
Cũng theo ông Phạm Đức Chinh, tình hình vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu có giảm nhưng vẫn còn phức tạp và tinh vi hơn so với trước đây. Công tác chống buôn lậu thời gian qua gặp khó khăn do đối tượng buôn lậu rất manh động, chống đối để tẩu tán tang vật vi phạm.
Thủ đoạn của các đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu ngày càng tinh vi hơn, chúng lợi dụng việc ký gửi hàng hóa theo các phương tiện vận tải hành khách để vận chuyển hàng lậu, thuốc lá điếu nhập lậu được đựng trong các loại bao bì hàng hóa thông thường và người gửi hàng chỉ cung cấp số điện thoại người nhận nên khi bị lực lượng kiểm tra phát hiện, việc xác minh chủ lô hàng gặp nhiều trở ngại.
Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên, ông Chinh cho biết, đó là do khoảng cách vận chuyển từ biên giới Campuchia vào nội địa các tỉnh lân cận ngắn nên lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn lậu tương đối cao. Từ biên giới Campuchia, qua Long An về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chỉ khoảng 40 km, các đối tượng vận chuyển hàng hóa qua biên giới khá dễ dàng cả đường thủy và đường bộ.
Thêm vào đó, các đối tượng vận chuyển các mặt hàng lậu này chủ yếu lại là người dân địa phương, tập trung chủ yếu vào những đối tượng không có việc làm ổn định, dễ bị lợi dụng, lôi kéo, móc nối để tiếp tay, vận chuyển thuê hàng hóa nhập lậu.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, những đối tượng chỉ cần giắt thuốc lá lậu quanh người và đi bộ qua đồng rộng vào khoảng thời gian 1-3h sáng là có thể được hưởng chênh lệch 300.000-400.000 đồng nên nhiều người dân bị các đối tượng buôn lậu dễ dàng lợi dụng.
Chống buôn lậu qua biên giới, quản lý thị trường phải là chủ công
Đại diện lực lượng Công an tỉnh Long An cho biết, một trong những khó khăn khiến tình hình buôn lậu tại đây vẫn tái diễn ở mức cao đó là tình trạng bắt được hàng lậu nhưng không xử lý được đối tượng.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá ngoại nhập lậu có số lượng 1.500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng trong thực tế, lực lượng chức năng bắt các vụ từ 1.500 bao trở lên nhưng không bắt được đối tượng thực hiện hành vi vi phạm.
Các trường hợp này khởi tố theo quy định. Tuy nhiên, do không xác định được đối tượng nên sau khi hết hạn điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, khiến số các vụ án bị tạm đình chỉ tăng cao.
Thêm vào đó, việc xử lý tang vật là thuốc lá ngoại nhập lậu trong các vụ án hình sự tạm đình chỉ và các vụ án đang trong giai đoạn điều tra chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
“Chúng tôi rất mong muốn sớm có hướng dẫn việc xử lý tang vật trong các vụ án buôn lậu, vận chuyển thuốc lá tạm đình chỉ điều tra”, đại diện lực lượng Công an tỉnh Long An cho biết.
Nhìn nhận, đánh giá tình trạng buôn lậu, gian lận phức tạp trên địa bàn tỉnh Long An, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, các lực lượng phải triển khai nhiều nhiệm vụ đồng bộ, phối hợp giữa các cơ quan chức năng với nhau mới có thể thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu qua biên giới.
“Quản lý thị trường phải là lực lượng chủ công kết nối với công an biên phòng, bộ đội biên phòng, bộ đội kinh tế, hải quan để triển khai đồng bộ các hoạt động từ biên giới đến các địa bàn “nóng” tại Long An.
Chúng ta phải rà soát lại những việc đã làm để đánh giá được hiệu quả trong việc phối hợp và phân cấp thời gian vừa qua, bởi đây đều là những mặt hàng quan trọng, không phải mặt hàng nhỏ lẻ, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới cả một ngành sản xuất, đời sống người dân”, Bộ trưởng yêu cầu.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu, Chi cục QLTT Long An tập trung triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020. Trong đó, chỉ đạo các lực lượng tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu theo chuyên ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; xác lập các chuyên án, kế hoạch tập trung vào những đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn nhấn mạnh đến việc phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, phát huy vai trò của cơ quan thông tin, báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu các lực lượng công an, QLTT, biên phòng... cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có biểu hiện thiếu trách nhiệm tiếp tay, “bảo kê” cho các hoạt động buôn lậu. Bên cạnh đó, xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để cán bộ, chiến sỹ quản lý địa bàn để xảy ra tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp, kéo dài.