Bồi dưỡng công chức ngành nội vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính

ThS. NGUYỄN VĂN SƠN (Phân hiệu Trường Đại học Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam)

TÓM TẮT:

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã và đang đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức: Xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Vấn đề này đặt ra những yêu cầu đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng công chức của các bộ, ngành, địa phương. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích thực trạng bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ. Với việc xác định phạm vi nội dung bồi dưỡng là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc đối với công chức, tác giả thiết kế phiếu khảo sát và tiến hành khảo sát 190 công chức ngành Nội vụ của 5 địa phương đại diện cho 3 miền đất nước, là: TP. Hải Phòng, tỉnh Nam Định, TP. Đà Nẵng, tỉnh Phú Yên, tỉnh Bình Dương.

Từ khóa: công chức ngành Nội vụ, bồi dưỡng công chức, cải cách hành chính.

1. Cải cách hành chính và yêu cầu đặt ra đối với việc bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ

Ở Việt Nam, cải cách hành chính được tiến hành từ đầu những năm 1990 trước những đòi hỏi của công cuộc đổi mới đất nước và tiếp tục được triển khai thực hiện theo từng giai đoạn cho đến ngày nay. Thời kỳ đầu, khi công cuộc đổi mới đất nước đang ở giai đoạn bắt đầu triển khai, sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường đã phá vỡ những quy trình, thủ tục, lề lối làm việc của thời kỳ bao cấp, cho nên, cải cách hành chính chủ yếu tập trung vào cải cách thủ tục hành chính[1]. Đến các giai đoạn sau (2001-2010[2] và 2011-2020[3]), cải cách hành chính thực sự mang tính toàn diện và đồng bộ hơn, bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách tài chính công; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức;... Các nội dung cải cách hành chính trên tiếp tục được kế thừa cho dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Một trong những mục tiêu được kế thừa là: Xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước. Mục tiêu này đã đặt ra nhiệm vụ bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bao gồm cả bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc; bồi dưỡng chính trị, tư tưởng, đạo đức. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm việc đối với công chức của ngành Nội vụ - nhân lực đóng vai trò là chủ thể cải cách hành chính, thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp và tổ chức triển khai thực hiện chương trình cải cách hành chính. Nội dung bồi dưỡng này được quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và các văn bản liên quan, bao gồm:

a) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm: Nội dung này bao gồm những kiến thức, kỹ năng chung cần được cập nhật, bổ sung thường xuyên để đáp ứng những yêu cầu cơ bản của hoạt động công vụ, gồm kiến thức pháp luật, kiến thức tin học, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp hành chính, kỹ năng soạn thảo văn bản, kỹ năng lập hồ sơ,...

b) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành bắt buộc hàng năm: Nội dung bồi dưỡng này khá đa dạng theo tất cả cách lĩnh vực chuyên môn trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành Nội vụ. Các nội dung này được thiết kế theo những chuyên đề chuyên môn sâu và được triển khai đến công chức theo hướng cập nhật, bổ sung thường xuyên để công chức kịp thời nắm bắt tình hình và vận dụng trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị. Việc bồi dưỡng này được pháp luật quy định tối thiểu 5 ngày/1 năm, trong đó mỗi ngày học tập 8 tiết.

c) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cải cách hành chính: Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cải cách hành chính do Bộ Nội vụ xây dựng và ban hành năm 2012[4] và được kế thừa, phát triển đến thời điểm hiện nay, trong đó xác định đối tượng bồi dưỡng là công chức chuyên trách cải cách hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước. Việc bồi dưỡng nhằm trang bị, cập nhật, bổ sung những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết về cải cách hành chính; tăng cường năng lực cho đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu tham mưu, hướng dẫn triển khai, theo dõi công tác cải cách hành chính của Chính phủ, cụ thể là:

- Về kiến thức cải cách hành chính: Công chức nắm vững các quan điểm, chủ trương, đường lối của Chính phủ về công tác cải cách hành chính nhà nước; nắm vững các nội dung, nhiệm vụ chính của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước.

- Về kỹ năng, nghiệp vụ cải cách hành chính: Công chức nắm vững kỹ năng xây dựng và triển khai kế hoạch cải cách hành chính; có khả năng hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai công tác cải cách hành chính của cơ quan; kiểm tra tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính; triển khai hệ thống theo dõi, đánh giá kết quả cải cách hành chính; kỹ năng xây dựng báo cáo thực hiện công tác cải cách hành chính định kỳ và đột xuất của đơn vị; nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính; nghiệp vụ khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

d) Bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế: Nội dung này được thực hiện nhằm cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức cho công chức về tình hình chung về hội nhập quốc tế của đất nước, hội nhập quốc tế đối với lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ; xây dựng, nâng cao năng lực của công chức về hội nhập quốc tế, thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nội vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

2. Thực trạng bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính

Theo đánh giá chung của nhiều cơ quan ngành Nội vụ, việc bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ được thực hiện hàng năm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành thông qua việc họ được học tập, cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng làm việc gắn với hoạt động nghiệp vụ chuyên môn trong bối cảnh cải cách hành chính nhà nước. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng vẫn còn hạn chế về phạm vi nội dung kiến thức, kỹ năng, chưa đồng bộ giữa các địa phương do nhiều nguyên nhân như: ngân sách nhà nước của từng địa phương cấp cho hoạt động bồi dưỡng có sự khác nhau và chưa tương xứng; đặc điểm công việc chuyên môn, cơ cấu công chức của từng cơ quan, địa phương[5].

Với việc xác định phạm vi nội dung bồi dưỡng công chức được đề cập trên đây, tác giả tiến hành khảo sát công chức cơ quan ngành Nội vụ của một số địa phương đại diện cho ba miền của đất nước. Việc khảo sát được thực hiện theo trình tự sau đây:

- Thiết kế phiếu khảo sát: Tác giả thiết kế phiếu khảo sát gồm 9 câu hỏi về những nội dung kiến thức, kỹ năng được cơ quan bồi dưỡng và 5 nội dung thể hiện nhu cầu/mong muốn được bồi dưỡng của công chức với thang đo 5 mức độ: 1 - Rất không đồng ý; 2 - Không đồng ý; 3 - Không ý kiến; 4 - Đồng ý; 5 - Rất đồng ý.

- Khảo sát chính thức: Tác giả tiến hành khảo sát 190 công chức của 5 địa phương đại diện cho ba miền đất nước là Hải Phòng, Nam Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Dương, trong đó có 182/200 phiếu trả lời hợp lệ (đạt tỷ lệ 95.7%). Kết quả khảo sát cũng góp phần minh chứng thêm những nhận định, đánh giá chung của các cơ quan ngành Nội vụ về hoạt động bồi dưỡng công chức, được thể hiện trong Bảng 1, Bảng 2.

Bảng 1. Thống kê kết quả bồi dưỡng công chức của cơ quan ngành Nội vụ một số địa phương

 

N

Minimum

Maximum

Mean

Std. Deviation

BD1. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật

182

3

5

4.25

.632

BD2. Bồi dưỡng kiến thức tin học đạt chuẩn theo quy định

182

3

5

4.25

.632

BD3. Bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định

182

3

5

4.33

.657

BD4. Bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp hành chính

182

2

5

2.85

.776

BD5. Bồi dưỡng kỹ năng soạn thảo văn bản

182

2

4

2.61

.654

BD6. Bồi dưỡng kỹ năng lập hồ sơ

182

2

4

2.48

.543

BD7. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành bắt buộc hàng năm

182

3

5

4.57

.559

BD8. Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cải cách hành chính

182

3

5

4.07

.791

BD9. Bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế

182

2

5

2.68

.728

Valid N (listwise)

182

 

 

 

 

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả năm 2021

Bảng 2. Thống kê kết quả khảo sát nhu cầu bồi dưỡng của công chức

ngành Nội vụ một số địa phương

 

N

Minimum

Maximum

Mean

Std. Deviation

NCBD1. Bồi dưỡng kỹ năng tham mưu

182

3

5

3.85

.742

NCBD2. Bồi dưỡng kỹ năng hoạch định

182

3

5

4.07

.532

NCBD3. Bồi dưỡng kỹ năng thu thập và xử lý thông tin

182

3

5

4.11

.555

NCBD4. Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng báo cáo tổng hợp

182

2

5

4.07

.645

NCBD5. Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

182

3

5

3.93

.613

Valid N (listwise)

182

 

 

 

 

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả năm 2021

Kết quả khảo sát trong Bảng 1, Bảng 2 cho thấy:

- Thứ nhất, các địa phương quan tâm đến việc bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ tập trung vào một số nội dung: Bồi dưỡng kiến thức pháp luật; bồi dưỡng kiến thức tin học, ngoại ngữ để đạt chuẩn theo quy định; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý chuyên ngành bắt buộc hàng năm; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cải cách hành chính (mức khẳng định trung bình 4.07-4.57 điểm). Đây là những nội dung kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất gắn với chức trách của mọi công chức, ngoại trừ nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cải cách hành chính gắn với đặc điểm riêng của công chức ngành Nội vụ.

- Thứ hai, các địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ theo những kỹ năng tuy không phải là cơ bản nhất, nhưng lại rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ chuyên môn, đó là: Bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp hành chính; bồi dưỡng kỹ năng soạn thảo văn bản; bồi dưỡng kỹ năng lập hồ sơ; bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế (mức khẳng định trung bình 2.61-2.85 điểm).

- Thứ ba, còn nhiều nội dung kiến thức, kỹ năng khác mà công chức ngành Nội vụ có nhu cầu/mong muốn được bồi dưỡng, gồm: Bồi dưỡng kỹ năng tham mưu; bồi dưỡng kỹ năng hoạch định; bồi dưỡng kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; bồi dưỡng kỹ năng xây dựng báo cáo tổng hợp; bồi dưỡng kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (mức khẳng định trung bình 3.85-4.11 điểm).

3. Kết luận và khuyến nghị

Kết quả nghiên cứu, khảo sát trên cho thấy, việc bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ mới chỉ tập trung vào những nội dung kiến thức, kỹ năng cơ bản được quy định chung hoặc cần thiết đối với mọi công chức. Trong khi đó, còn nhiều kiến thức, kỹ năng khác xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của công chức tuy không phải là cơ bản nhất, nhưng lại rất quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ chuyên môn. Có thể thấy, đây là một hạn chế trong hoạt động quản lý bồi dưỡng công chức ngành Nội vụ, đã và đang đặt ra thách thức đối với nhà quản lý các cơ quan ngành Nội vụ địa phương trong bối cảnh cải cách hành chính.

Để giúp giải quyết hạn chế này và trên cơ sở kết quả nghiên cứu, khảo sát của bài viết đã đạt được, tác giả khuyến nghị: Các cơ quan ngành Nội vụ địa phương cần xây dựng và thực hiện chương trình khảo sát diện rộng để nắm bắt được nhu cầu thực tiễn của công chức trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng để nâng cao chất lượng, hiệu quả thi nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực của Ngành đáp ứng yêu cầu, mục tiêu cải cách hành chính nhà nước - Xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Chính phủ (1994), Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.

[2] Thủ tướng Chính phủ (2001), Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

[3] Chính phủ (2011), Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

[4] Bộ Nội vụ (2013), Quyết định số 859/QĐ-BNV ngày 31/7/2013 phê duyệt Chương trình bồi dưỡng công chức chuyên trách cải cách hành chính giai đoạn 2013-2015.

[5] Bộ Nội vụ (2020), Tài liệu Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành Nội vụ (Hội nghị ngày 30/12/2020).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Nội vụ (2013), Quyết định số 859/QĐ-BNV ngày 31/7/2013 phê duyệt Chương trình bồi dưỡng công chức chuyên trách cải cách hành chính giai đoạn 2013-2015.
  2. Bộ Nội vụ (2020), Tài liệu Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm giai đoạn 2016-2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành Nội vụ (Hội nghị ngày 30/12/2020).
  3. Chính phủ (1994), Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.
  4. Chính phủ (2011), Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
  5. Chính phủ (2017), Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2001), Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

 

IMPROVING THE QUALITY OF HOME AFFAIRS CIVIL SERVANTS TO MEET THE GOALS OF STATE ADMINISTRATIVE REFORM PROGRAM

Master. NGUYEN VAN SON

Hanoi University Of Home Affairs - Quang Nam Province Campus

ABSTRACT:

The program on state administrative reform sets the goals of improving the quality of cadres and civil servants including building a force of high-quality cadres and civil servants with sufficient capabilities and qualifications to meet new national development requirements. The program raises the needs for training and retaining civil servants of ministries, branches and localities to improve their quality. This study focuses on analyzing the current situation of improving the quality of civil servants of the Home Affairs sector. This study surveyed 190 Home Affairs civil servants working for 5 provincial authorities across the country including: Hai Phong City, Nam Dinh Province, Da Nang City, Phu Yen Province and Binh Duong Province.

Keywords: civil servants of the Home Affairs sector, training civil servants, administrative reform.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 8, tháng 4 năm 2021]