Các nhân tố ảnh hưởng đến thiết kế hệ thống kế toán quản trị tại các doanh nghiệp dệt may tại tỉnh Bình Dương

ThS. NGUYỄN NHÃ QUYÊN (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị là một công cụ quản lý hiệu quả giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng các phương án sản xuất và kinh doanh, quản lý chi phí và ra các quyết định kinh doanh. Ngành công nghiệp dệt may là một ngành công nghiệp đóng góp cao trong nền kinh tế. Vì vậy, đòi hỏi việc thiết kế một hệ thống kế toán quản trị (HTKTQT) hiệu quả là yêu cầu thiết yếu. Muốn thiết kế được HTKTQT hiệu quả, cần biết được những nhân tố nào tác động đến nó. Do đó, bài viết phân tích và xác định những nhân tố quan trọng cần chú ý khi thiết kế một HTKTQT.

Từ khóa: hệ thống kế toán quản trị, doanh nghiệp dệt may, hội nhập quốc tế, tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Ngành công nghiệp dệt may là một ngành sản xuất có truyến thống từ lâu đời ở Việt Nam, là ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta hiện nay. Đặc biệt là khi đất nước ta trong quá trình gia nhập TPP, ngành Công nghiệp dệt may có nhiều thuận lợi hơn nhưng đồng thời cũng nảy sinh nhiều cạnh tranh hơn nữa đòi hỏi các nhà quản trị của các công ty ngành Dệt may có những chiến lược và tư duy nhạy bén để ra những quyết định nhanh và chính xác nhằm không bỏ lỡ cơ hội cho doanh nghiệp. Để đáp ứng mục tiêu này đòi hỏi những thông tin cung cấp cho nhà quản trị phải nhanh, kịp thời, chính xác và hiệu quả ngày càng được chú trọng. Muốn làm được những điều đó đòi hỏi các công ty sản xuất nói chung, các công ty sản xuất ngành Dệt may nói riêng phải thiết kế HTKTQT tốt để cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ việc ra quyết định của nhà quản lí. Do đó, nghiên cứu này sẽ thông qua mô hình định lượng để xác định nhân tố nào là quan trọng khi thiết kế một HTKTQT, để nhà quản trị có thể điều chỉnh sự tập trung và nguồn lực của doanh nghiệp mình cho phù hợp khi tiến hành thiết kế một HTKTQT.

2. Cơ sở lý thuyết

Theo Chenhall (2003, trang 129): “HTKTQT là sử dụng một cách có hệ thống kế toán quản trị để đạt được các mục tiêu của tổ chức”. Có nhiều khái niệm khác nhau về HTKTQT, nhưng tựu chung lại thì có thể thấy HTKTQT được thiết lập để tạo thành hệ thống và hoạt động một cách có mục đích rõ ràng là hướng đến mục tiêu mà nhà quản trị đang hướng tới.

Chenhall (2003, trang 144) hàm ý rằng các nghiên cứu xem xét sự ảnh hưởng của Cơ cấu tổ chức (CCTC)  tới HTKTQT thì rất ít và đây là định hướng để thực hiện nghiên cứu này cũng như cho các nghiên cứu trong tương lai. Theo Bouwens & Abernethy (2000) và Thompson (1967) thì phụ thuộc lẫn nhau giữa các phòng ban được định nghĩa là phạm vi hay khu vực mà các phòng ban nhờ vào nhau để hoàn thành công việc của họ. Như vậy, có thể hiểu sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các phòng ban là cách thức liên lạc và hỗ trợ lẫn nhau giữa các phòng ban để hoàn thành công việc.

Nghiên cứu của Trần Thị Thu Hường và Nguyễn Ngọc Quang (2012) thì cho rằng có rất nhiều yếu tố chi phối tới việc thiết kế HTKTQT trong đó có 3 yếu tố là: văn bản pháp luật quy định của Nhà nước, môi trường kinh doanh và yếu tố con người. Các văn bản quy định của Nhà nước hoàn toàn chưa định hướng được cho các hoạt động kế toán quản trị cụ thể của các doanh nghiệp. Ngoài ra, môi trường kinh doanh là nhân tố tác động đến việc lựa chon và vận dụng một HTKTQT chi phí trong các doanh nghiệp sản xuất nói chung và các công ty ngành dệt may nói riêng. Bên cạnh đó, con người mà cụ thể là các nhà quản trị cấp cao và đội ngũ kế toán của doanh nghiệp, trong đó nhà quản trị cao cấp trong doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm cao nhất về hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp. Nghiên cứu của Chenhall (2003) đã khẳng định công nghệ sản xuất cũng có tác động đến thiết kế HTKTQT, bởi lẽ theo ông thì công nghệ sản xuất gắn với các giai đoạn của quá trình sản xuất là nơi tiêu hao các nguồn lực của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, nó gắn liền với các trung tâm chi phí hay điểm chi phí.

Theo Trần Thị Thu Hường và Nguyễn Ngọc Quang (2013), môi trường thông tin tích cực cũng là động lực tốt khuyến khích các doanh nghiệp vận dụng các giải pháp quản lý tốt doanh nghiệp của mình. Nghiên cứu của Omar A.A.Jawabreh (2012) khi nghiên cứu về thiết kế hệ thống kế và vận dụng kế toán quản trị vào các khách sạn ở Jodhpur - Ấn Độ thì nhân tố tác động trực tiếp là cơ sở vật chất. Bởi vì khi một HTKTQT được thiết kế có vận hành tốt hay không thì chịu ảnh hưởng bởi cơ sở vật chất.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Nghiên cứu sơ bộ

Từ kết quả nghiên cứu sơ bộ, mô hình nghiên cứu đề xuất cho nghiên cứu chính thức sẽ còn lại 8 nhân tố: Con người, Cơ cấu tổ chức, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các phòng ban, văn bản pháp luật quy định của Nhà nước, môi trường kinh doanh, công nghệ sản xuất, môi trường thông tin tích cực, cơ sở vật chất. (Sơ đồ 1)

Sơ đồ 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

mo_hinh_nghien_cuu_de_xuat

Nguồn: Tác giả tự xây dựng

3.2. Nghiên cứu chính thức bằng phương pháp nghiên cứu định lượng

Bảng 1. Mã hóa các yếu tố tác động đến thiết kế HTKTQT

tại các doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may tại TP.HCM

trong mô hình nghiên cứu đề xuất

STT

Mã hóa

Diễn giải

Cơ cấu tổ chức (CCTC)

 

1

 

CCTC 1

Những nguyên tắc, chính sách và thủ tục hướng dẫn các hoạt động, công việc được phối hợp và được điều hành trong công ty có được ban hành cụ thể không

2

CCTC 2

Quy mô tổ chức được đánh giá như thế nào

3

CCTC 3

Mức độ phân quyền ra quyết định tại công ty

4

CCTC 4

Mức độ phức tạp trong tổ chức

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các phòng ban (SPT)

5

SPT 1

Phạm vi hay khu vực giữa các phòng ban trong việc phối hợp giải quyết các công việc phát sinh

6

SPT 2

Cách thức liên lạc và hỗ trợ lẫn nhau giữa các phòng ban để hoàn thành công việc

Văn bản quy định của pháp luật (VBPL)

7

VBPL 1

Luật kế toán hướng dẫn định hướng cho hoạt động của KTQT thực sự rõ ràng giúp ích cho việc thiết kế HTKTQT

8

VBPL 2

Chuẩn mực kế toán hướng dẫn định hướng cho hoạt động của KTQT thực sự rõ ràng giúp ích cho việc thiết kế HTKTQT

9

VBPL 3

Thông tư hướng dẫn định hướng cho hoạt động của KTQT thực sự rõ ràng giúp ích cho việc thiết kế HTKTQT

Môi trường kinh doanh (MTKD)

 

10

 

MTKD 1

Môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh tạo động lực tích cực cho doanh nghiệp tìm các giải pháp quản lý tốt hơn.

 

11

 

MTKD 2

Các yếu tố độc quyền chi phối thị trường sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu vận dụng các phương pháp KTQT quản lý hiện đại

 

12

 

MTKD 3

Môi trường học tập liên tục là tốt đối với các cấp quản trị để các nhà quản lý tiếp cận, lựa chọn vận dụng KTQT thật sự tốt

Công nghệ sản xuất (CNSX)

13

CNSX 1

Dây chuyền sản xuất giúp ích cho việc quản lý của nhà quản trị

14

CNSX 2

Sự tiến bộ của công nghệ giúp ích  rất nhiều cho việc ra các quyết định quản trị

Con người (CN)

15

CN 1

Nhận thức của nhà quản trị quyết định hệ thống của bộ phận kế toán quản trị có cần thiết lập hay không

16

CN 2

Trình độ của đội ngũ kế toán doanh nghiệp quyết định đến tính hiệu quả của HTKTQT

Môi trường thông tin tích cực (MTTTTC)

17

MTTTTC 1

Những bài học kinh nghiệm, những tấm gương quản lý tốt tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cộng đồng doanh nghiệp cùng học tập và phát huy khi thiết kế KTQT

18

MTTTTC2

Môi trường học tập liên tục đối với các cấp quản lý tại các doanh nghiệp là kênh thông tin để các nhà quản lý tiếp cận với các thông tin, phương pháp quản lý mới để thiết kế HTKTQT

Cơ sở vật chất (CSVC)

19

CSVC1

Hệ thống thiết bị làm việc hiện đại

20

CSVC2

Hệ thống mạng internet đáp ứng được nhu cầu hoạt động của HTKTQT

21

CSVC3

Hệ thống bảo trì cơ sở vật chất để hoạt động của HTKTQT được vận hành tốt.

Hệ thống kế toán quản trị (HTKTQT)

22

HTKTQT 1

Thông tin của KTQT cung cấp kịp thời cho nhà quản trị sản xuất

23

HTKTQT 2

Tính tích hợp thành hệ thống của bộ phận KTQT cung cấp thông tin cho nhà quản trị sản xuất là thích hợp

24

HTKTQT 3

Tần suất báo cáo cho các nhà quản trị cấp cao và cấp trung là thường xuyên.

 

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Kết quả nghiên cứu

4.1.1. Kiểm định chất lượng thang đo

Thang đo được đánh giá chất lượng với các nhân tố có Alpha > 0,6. Tất cả các thang đo đều đảm bảo có hệ số Cronbah ‘s alpha > 0,6. Do đó, độ tin cậy của các thang đo được đảm bảo.

4.1.2. Phân tích nhân tố khám phá

- Kiểm định tính thích hợp EFA: KMO = 0,572 đã thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1, phân tích nhân tố khám phá là thích hợp cho dữ liệu thực tế. Kiểm định tương quan giữa các biến quan sát: Qua bảng KMO and Bartlett's Test, ta thấy Sig. < 0.01, các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Kiểm định mức độ giải thích các biến quan sát đối với các nhân tố: Cột Cumulative % cho biết trị số phương sai trích là 71.249%, hay nói cách khác là 71.249% thay đổi của các nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát.

  • Kết quả mô hình EFA: Kết quả EFA đã nhóm các biến quan sát thành 8 nhóm nhân tố.
4.1.3. Phân tích hồi quy bội

Bảng 2. Kiểm định hệ số hồi quy

kiem_dinh_he_so_hoi_quy

Biến CCTC, SPT, CN, CSVC có ý nghĩa, trong đó CCTC có sig. <0.05 nên có độ tin cậy 95%, SPT, CN, CSVC có Sig. <0.01 nên có độ tin cậy 99%. Các biến còn lại (MTKD, VBPL, MTTTTC và CNSX) không có ý nghĩa thống kê.

4.1.3. Kết quả

Hệ số hồi quy chuẩn hóa:

Hệ số này xác định vị trí ảnh hưởng của các biến độc lập. Các hệ số hồi quy được chuẩn hóa có thể chuyển đổi với dạng phần trăm như Bảng 3.

 Bảng 3. Hệ số hồi quy được chuẩn hóa

he_so_hoi_quy_duoc_chuan_hoa 5. Kết luận

Muốn đạt được hiệu quả, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà quản trị ra quyết định thì người thiết kế phải quan tâm đến các vấn đề sau: Thứ nhất, một HTKTQT muốn được thiết kế thành công hay không là phụ thuộc vào con người. Con người ở đây chính là các nhà lãnh đạo cấp cao hay chủ sở hữu doanh nghiệp khi họ thấy cần thiết và quyết tâm thiết kế một HTKTQT cho doanh nghiệp, trình độ và năng lực của đội ngũ kế toán vận hành tốt được HTKTQT. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với kết quả của Nguyễn Ngọc Quang và Trần Thị Thu Hường (2012). Thứ hai, một HTKTQT được thiết kế thành công thì cần phải quan tâm đến cơ sở vật chất cho phù hợp với HTKTQT đã lựa chọn, nhà quản trị cấp cao của doanh nghiệp phải có thái độ quan tâm đúng mức đến chất lượng và mức độ đầu tư vào cở sở vật chất của doanh nghiệp. Thứ ba, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các phòng ban và cơ cấu tổ chức cũng đóng góp một phần không nhỏ khi thiết kế một HTKTQT, bởi lẽ chính sự phức tạp và sự ràng buộc phối hợp giải quyết nhu cầu công việc đòi hỏi phải thiết kế và thiết kế như thế nào để nguồn thông tin có thể được sử dụng hiệu quả, chính hai nhân tố này xác định loại hình HTKTQT mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn khi thiết kế. Đây cũng chính là hai nhân tố mà nghiên cứu của Gerdin (2005) đã xác định là quan trọng nhất khi thiết kế HTKTQT.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Jonas Gerdin. (2005). Management accounting system design in manufacturing departments: An empirical investigation using a multiple contingencies approach. Accounting, Organizations and Society, 30, 99-126.
  2. Jan Bouwens& Margaret A. Abernethy .(2000). The consequences of customization on management accounting design. Accounting, Organizations and Society, 20, 241–258. Accounting, Organizations and Society, 25, 221-241.
  3. N. B. Macintosh & R. L. Daft. (1987). Management control systems and departmental interdependencies: an empirical study. Accounting, Organizations and Society, 12, 49-61.
  4. Robert H. Chenhall. (2003). Management control systems design within its organizational context: Findings from contingency-based research and directions for the future. Accounting, Organizations and Society, 28, 127-168.
  5. Trần Thị Thu Hường & Nguyễn Ngọc Quang (2012). Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến thiết kế mô hình kế toán quản trị tại các doanh nghiệp. Tạp chí Kinh tế & Phát triển, số 182, trang 64-67.

 

FACTORS AFFECTING THE DEVELOPMENT OF

MANAGEMENT ACCOUNTING SYSTEM IN TEXTILE ENTERPRISES

IN BINH DUONG PROVINCE

Master. NGUYEN NHA QUYEN

Van Lang University

ABSTRACT:

Management accounting is an effective management tool for Vietnamese enterprises in developing production and business plans, managing costs and making business decisions. The textile industry is one of major industries in Vietnam. Hence, it is essential for textile enterprises to have effective management accounting systems. In order to develop an effective management accounting system, it is important to understand factors affecting the system. This paper is to identify important factors of a management accounting system.

Keywords: management accounting system, textile enterprises, international integration, Binh Duong Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 13, tháng 6 năm 2021]