Các yếu tố rào cản ảnh hưởng việc học online của sinh viên đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. NGUYỄN THỊ BÍCH LIÊN (Khoa Quản trị kinh doanh - Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định các rào cản chính ảnh hưởng việc học online của sinh viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ những kết quả thu được, chúng tôi đề xuất một số giải pháp giúp điều chỉnh việc dạy và học trực tuyến một cách phù hợp và hiệu qủa. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, có 4 rào cản chính ảnh hưởng đến việc học online của sinh viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Rào cản kinh tế; Rào cản tâm lý; Rào cản tương tác và rào cản môi trường.

Từ khóa: rào cản, học online, Covid-19, sinh viên đại học.

1. Đặt vấn đề

Từ năm 2019 đến nay, cả thế giới phải gồng mình để chống lại đại dịch Covid-19 và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Từ năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh, thành phố đã quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học nhằm hạn chế sự tiếp xúc và lây lan dịch bệnh. Thực hiện phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng việc học", Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai đồng bộ các giải pháp về dạy và học phù hợp với tình hình thực tế, trong đó, giải pháp dạy học online được xem là tối ưu nhất. Với ưu thế là sự linh hoạt về mặt thời gian và tiện lợi về mặt địa lý, người học có thể học mọi lúc mọi nơi bất kỳ địa điểm nào thuận tiện, điều mà các phương pháp giáo dục truyền thống không có được. Trước đó, để thích ứng với thời đại 4.0, các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh đã có sự tiếp cận, đầu tư phương thức học tập này. Tuy nhiên, việc thay đổi từ hình thức giảng dạy truyền thống sang giảng dạy online trong bối cảnh hiện tại phần nào cũng gây ra những khó khăn cho sinh viên trong việc tiếp nhận tri thức. Với những thực trạng từ việc đào tạo online trong suốt thời gian qua, nghiên cứu “Các yếu tố rào cản ảnh hưởng đến việc học online của sinh viên các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh” được thực hiện, nhằm xác định những rào cản mà sinh viên gặp phải trong quá trình học online, trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp để điều chỉnh việc học online hiệu quả hơn với người học.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

2.1. Các công trình nghiên cứu có liên quan

Rào cản học online là những trở ngại gặp phải trong quá trình học online (khi bắt đầu, trong quá trình và khi đã hoàn thành khóa đào tạo), có thể tác động tiêu cực đến trải nghiệm học tập của người học (Mungania, 2004). Các yếu tố rào cản ảnh hưởng đến học online rất đa dạng như: Renu Balakrishnan và cs (2012) chỉ ra 4 yếu tố rào cản chính ảnh hưởng đến việc học online, gồm: tâm lý, kinh tế, xã hội và kỹ thuật. Trong đó, yếu tố công nghệ tác động mạnh nhất đến việc học online. Cronje (2006) nhận thấy việc thiếu hỗ trợ tài chính từ gia đình và sự hợp tác giữa người học và giáo viên là một trong những rào cản có ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình học online. Berge (2003) cho rằng, rào cản kỹ thuật, rào cản tâm lý, rào cản xã hội, rào cản văn hóa và các rào cản liên quan đến bối cảnh chính là những thách thức chính mà người học online phải đối mặt. Với Rabiee và cs (2013), các yếu tố văn hóa xã hội, cấu trúc, giáo dục, kinh tế và luật pháp là những yếu tố nổi bật nhất gây trở ngại đối với việc học online. Muilenberg và Berge (2005) xác định các yếu tố chính đại diện cho các rào cản đối với sự phát triển của học online là các vấn đề tâm lý, giảng viên, tương tác xã hội, kỹ năng học tập, kỹ năng kỹ thuật, động lực của người học, thời gian và hỗ trợ cho nghiên cứu, chi phí và truy cập Internet và các vấn đề kỹ thuật. Trong số sự tương tác xã hội là rào cản đáng kể nhất; tiếp theo là các vấn đề hành chính và người hướng dẫn, thời gian và hỗ trợ và động lực của người học. Shirkhani, Zahra, Vahedi, Marjan, & Arayesh, Mohamad Bagher (2016) xác định 5 yếu tố rào cản của chương trình học trực tuyến bao gồm: rào cản về cơ sở hạ tầng, rào cản liên quan đến thái độ của người học, rào cản về chuyên môn kỹ thuật, rào cản con người (xã hội), rào cản về kỹ năng và trình độ.

Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đề cập đến những rào cản của việc học online của sinh viên. Một số nghiên cứu bắt đầu tập trung khám phá nhu cầu người học nhằm cung cấp các chương trình E-learning phù hợp và hiệu quả, bên cạnh đó cũng có một số nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến đào tạo online nhưng chỉ dừng lại ở mức độ tổng hợp tài liệu để đưa ra những khó khăn của phương thức học online.

2.2. Mô hình nghiên cứu

Thông qua sự so sánh các mô hình, kết quả nghiên cứu trước cùng với kết quả điều tra thử nghiệm, mô hình nghiên cứu chính thức được đề xuất như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu các yếu tố rào cản ảnh hưởng
đến việc học online của sinh viên đại học

việc học online

(1) Rào cản công nghệ: Một trong những rào cản lớn đối với việc sử dụng chương trình học online theo Wong (2007) đó là yếu tố công nghệ. Những rào cản này không những đến từ phía nhà trường mà còn từ phía người học. Đối với người học, cần có các yêu cầu phần cứng cơ bản cho chương trình học online như máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay và máy in. Do đó, một trong những hạn chế lớn về công nghệ của việc sử dụng chương trình học online là có thiết bị để học. Theo Renu Balakrishnan và cs (2012), công nghệ vẫn là rào cản chính đối với việc thúc đẩy học online và sự lan rộng của nó.

(2) Rào cản xã hội: Liên quan đến những lo lắng về chất lượng của học online (Berge, 2003). Việc thay đổi từ các lớp học truyền thống tại các địa điểm trực tiếp sang các lớp học online sẽ gây ra nhiều cảm giác lo lắng cho người học.

(3) Rào cản về tâm lý: Đề cập đến việc người học cảm thấy bối rối, lo lắng hoặc thất vọng và muốn nhận được các phản hồi nhanh hơn từ giảng viên về nội dung, bài tập, nhiệm vụ của lớp học online (Sun và cs 2008). Cảm giác thiếu động lực khi học online, thiếu tự tin về năng lực và kỹ năng của bản thân về công nghệ là các yếu tố gây cản trở về mặt tâm lý của người học khi tham gia chương trình học online (Muilenburg và cs 2005).

(4) Rào cản về kinh tế: Người học, thiếu sự hỗ trợ tài chính từ gia đình là rào cản đối với việc sử dụng chương trình học online (Cronje, 2006). Theo Ali và Magalhaes, (2008), công nghệ là yếu tố cốt lõi của việc học online và nó rất đắt tiền, vì vậy đây được xem là một trong những rào cản đáng kể.

(5) Rào cản về tương tác xã hội: Theo Muilenburg and Berge (2005), tương tác xã hội liên quan mạnh mẽ đến sự thích thú khi học online, hiệu quả của việc học online và khả năng tham gia một lớp học online khác của người học. Người học có thể gặp khó khăn khi giao tiếp trong các lớp học online, cảm giác thiếu sự kết nối và cảm xúc. Sự khác biệt về tương tác xã hội diễn ra online và trực tiếp trở thành mối quan tâm, là rào cản của người học đối với việc cách thức học này.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện bằng 2 phương pháp:

- Phương pháp nghiên cứu định tính sử dụng kỹ thuật thảo luận nhóm tập trung với sự tham gia của 2 nhóm (mỗi nhóm 10 người), nhằm thẩm định mô hình các yếu tố rào cản ảnh hưởng đến việc học online của sinh viên và thang đo các yếu tố này.

- Phương pháp nghiên cứu định lượng được thực hiện nhằm đánh giá độ tin cậy và giá trị của thang đo các khái niệm nghiên cứu; kiểm định mô hình nghiên cứu; đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đối với việc học online. Mẫu được chọn theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện với kích thước n = 424.

Bảng 1. Thông tin mẫu nghiên cứu

việc học online

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Các yếu tố rào cản chính ảnh hưởng đến việc học online

Kết quả nghiên cứu định tính khẳng định, các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được tác giả đề xuất là những yếu tố chính ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên, đồng thời phát triển thang đo các khái niệm nghiên cứu (thang đo Likert 5 bậc; 1 là hoàn toàn không đồng ý; 5 là hoàn toàn đồng ý) gồm 20 biến quan sát.

Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo và các biến đo lường cho thấy Cronbach's Alpha của 20 biến quan sát là 0,899 và không có hệ số tương quan biến tổng nào dưới 0,3 nên các biến phù hợp để đưa vào phân tích nhân tố khám phá (EFA).

Kết quả phân tích EFA các biến độc lập và biến phụ thuộc bằng phương pháp trích Principal components và phép quay Varimax cho thấy 3 biến: “Hạn chế mối quan hệ xã hội”, “Không đủ kinh phí để thuê các thiết bị, phương tiện phục vụ việc học online (học ở quán net)” và “E rằng xã hội không đánh giá cao kết quả” có hệ số tải nhân tố nhỏ hơn 0,5.

Bảng 2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá các yếu tố rào cản
của việc học online

việc học online

Kết quả phân tích EFA lần 2 sau khi đã loại bỏ 3 biến trên cho thấy hệ số KMO = 0,919 thỏa mãn điều kiện 0,5 < KMO < 1, do đó, phân tích nhân tố khám phá là thích hợp cho dữ liệu điều tra. Kiểm định Bartlett's có Sig. = 0,000 (<0,05), cho thấy các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Trị số phương sai trích là 0,6415 có nghĩa là 64,15% thay đổi của các biến nhân tố được giải thích bởi các biến quan sát.

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy có sự thay đổi so với mô hình đề xuất ban đầu, từ 5 nhóm nhân tố được rút xuống thành 4 nhóm nhân tố rào cản chính ảnh hưởng đến việc học online, gồm: Rào cản kinh tế; Rào cản tương tác; Rào cản tâm lý và Rào cản môi trường.

4.2. Ảnh hưởng các yếu tố rào cản đến việc học online

Chú thích: Mức độ ý nghĩa P: Ns: p-value (sig.) > 0,1: không có sự khác biệt; 0,05 < Sig. (Value) < 0,1 (*): Khác biệt có ý nghĩa thống kê thấp; 0,01< Sig. (Value) < 0,05 (**): Khác biệt có ý nghĩa thống kê trung bình; Sig. (Value) < 0,01 (***): Khác biệt có ý nghĩa thống kê cao.

Bảng 3. Kết quả khảo sát

việc học online

Bảng 3 cho thấy:

Rào cản kinh tế: Sinh viên đánh giá ở mức độ trung bình (2,90 đến 3,10), tức là họ không thấy yếu tố kinh tế là rào cản quá lớn khi tham gia học online. Cũng không có sự khác biệt trong việc đánh giá giữa sinh viên các trường và các khóa học khác nhau đối với rào cản này.

Rào cản tương tác: Ảnh hưởng của nhóm rào cản này đến việc học online được sinh viên đánh giá khá cao (3,42 đến 3,90). Kết quả phân tích cho thấy có sự khác nhau trong việc đánh giá các yếu tố rào cản tương tác đối với những sinh viên các trường và khóa học khác nhau.

Rào cản tâm lý: Yếu tố “Khó tập trung” được đánh giá cao nhất (3,87). Đây cũng là vấn đề chung mà hầu hết các đơn vị triển khai dạy online đều gặp phải. Kết quả phân tích cũng cho thấy có sự khác nhau trong việc đánh giá các yếu tố rào cản tâm lý đối với những sinh viên học ở các trường và khóa học khác nhau.

Rào cản môi trường: Một điểm hạn chế của việc học online là hoàn toàn phụ thuộc vào điện và kết nối Internet, vì vậy việc mất điện hay tốc độ đường truyền Internet không đảm bảo sẽ làm gián đoạn quá trình học và ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình dạy và học được xem là rào cản lớn nhất khiến sinh viên cảm thấy khó khăn khi học online (4,12).

5. Kết luận

Việc tìm hiểu và phân tích các yếu tố rào cản trong việc học online của sinh viên hỗ trợ cho các đơn vị đào tạo đưa ra những giải pháp phù hợp góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng giảng dạy, hoàn thiện cơ chế quản lý đào tạo. Nghiên cứu cho thấy, có 4 nhóm rào cản ảnh hưởng đến việc đào tạo online: Rào cản kinh tế, rào cản tâm lý, rào cản tương tác và rào cản môi trường. Từ kết quả đã phân tích, tác giả đề xuất một số biện pháp góp phần tháo dỡ những rào cản trở ngại mà sinh viên gặp phải trong quá trình học online.

Thứ nhất, tháo dỡ Rào cản về kinh tế cho người học bằng cách hỗ trợ trang bị phương tiện học trực tuyến (máy tính, điện thoại thông minh,…) hoặc hỗ trợ các gói dịch vụ internet để giúp sinh viên tiếp cận được với các lớp học online.

Thứ hai, nhóm giải pháp nâng cao sự tương tác giữa giảng viên - sinh viên và sinh viên - sinh viên: (1) đưa ra các phương pháp học tập mới thú vị hơn, sát thực với thực tế hơn, đặc biệt là đối với các ngành cần các kiến thức thực tế và kỹ năng thực hành cao; học tập theo hướng phối hợp nhằm tăng cường tương tác với người học nhiều hơn bằng các câu hỏi, các bài thảo luận và bài tập tình huống, bài tập tìm hiểu thực tế,… ; (2) áp dụng kết hợp nhiều phương pháp học tập để sinh viên chủ động trong quá trình học tập.

Thứ ba, nhóm giải pháp khắc phục rào cản tâm lý của người học: (1) đào tạo những kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, về sử dụng máy tính và các ứng dụng dạy học online cho sinh viên ngay từ năm thứ nhất; (2) thường xuyên bồi dưỡng cán bộ giảng viên trong việc sử dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học; (3) truyền thông về lợi ích của học online.

Thứ tư, nhóm giải pháp khắc phục Rào cản về môi trường trong việc học online: (1) nêu rõ hình thức đánh giá và kết quả đạt được sau quá trình học tập trực tuyến; (2) tạo điều kiện để sinh viên thể hiện bản thân qua việc làm bài tập, biểu dương các cá nhân, nhóm làm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ali, G. E. and Magalhaes, R. (2008). Barriers to implementing e-learning: a Kuwaiti case study. International journal of training and development, 12(1), 36-53.
  2. Balakrishnan, R., Wason, M., Padaria,R. N., Singh, P. and Varghese, E. (2012). An analysis of constraints in e-learning and strategies for promoting e-learning among farmers. Economic Affairs, 59(186), 727-734.
  3. Berge, Z. L. (2003). Barriers to communication in distance education. [Online] Avalabile at https://files.eric.ed. gov/ fulltext/ED495699.pdf
  4. Cronje, J. C. (2006). Who killed e-learning. [Online] Avalabile at https://www.academia.edu/ 48022459/Who_killed_e_learning
  5. Muilenburg, L. Y. and Berge, Z. L. (2005). Student barriers to online learning: A factor analytic study. Distance education, 26(1), 29-48.
  6. Mungania, P. (2004). Employees' perceptions of barriers in e-Learning: the relationship among barriers, demographics, and e-Learning self-efficacy. [Online] Avalabile at https://ir.library.louisville.edu/cgi/ viewcontent.cgi?article=2026&context=etd
  7. Rabiee, A., Nazarian, Z. and Gharibshaeyan, R. (2013). An explanation for internet use obstacles concerning e-learning in Iran. International Review of Research in Open and Distributed Learning, 14(3), 361-376.
  8. Shirkhani, Z., Vahedi, M., & Arayesh, M. B. (2016). Identifying barriers of e-learning implementation by M. Sc. Students in Agricultural Faculty of Islamic Azad University, Ilam Branch. International Journal of Agricultural Management and Development, 6(3), 353-362.
  9. Sun, P. C., Tsai, R. J., Finger, G., Chen, Y. Y. & Yeh, D. (2008). What drives a successful elearning? An empirical investigation of the critical factors influencing learner satisfaction. Computers & education, 50(4), 1183-1202.

 BARRIERS AFFECTING STUDENTS’ ONLINE LEARNING

IN HO CHI MINH CITY

Master. NGUYEN THI BICH LIEN

Faculty of Business Administration, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This study is to identify the main barriers affecting students’ online learning in Ho Chi Minh City. The study finds out that there are 4 main barriers affecting students' online learning, including: economic barriers, psychological barriers, interaction barriers and environmental barriers.Based on these results, some solutions are proposed to adjust online teaching and learning appropriately and effectively.

Keywords: barriers, online learning, Covid-19, university students.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]