Các giải pháp lựa chọn chương trình vay vốn phù hợp cho sinh viên trong năm học mới 2022 - 2023

NGUYỄN PHƯỚC BÌNH (Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng)

TÓM TẮT:

Năm học 2022 - 2023, theo Nghị định số 81/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021 về cơ chế thu chi, quản lý đối với cơ sở giáo dục, các trường đại học đã đồng loạt tăng học phí, có trường đã tăng học phí gấp 2 lần. Trong hoàn cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, giá cả ngày càng tăng, chi phí sinh hoạt và học tập trở thành một gách nặng rất lớn của các gia đình có con em học đại học. Để có thể tiếp tục con đường học tập, việc tham gia các chương trình vay vốn đã trở thành giải pháp tốt nhất cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bài viết nêu lên các hình thức cho vay của ngân hàng, khó khăn của sinh viên khi vay vốn và đề xuất các giải pháp hỗ trợ giúp sinh viên an tâm khi tham gia các chương trình này.

Từ khóa: Nghị định số 81/NĐ-CP của Chính phủ, sinh viên, học phí, chi phí, vay vốn, khó khăn, giải pháp, Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Trong 2 năm gần đây, do tác động của đại dịch Covid-19, tốc độ phát triển nền kinh tế nước ta có dấu hiệu chững lại, thu nhập của phần lớn người dân bị giảm sút rõ rệt, giá cả ngày càng tăng lên.

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên áp dụng Nghị định số 81/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu chi, quản lý đối với cơ sở giáo dục. Vì vậy, đa số các trường đại học trong cả nước đã đồng loạt áp dụng mức học phí kịch trần theo hướng dẫn của Nghị định.

Như vậy, tiếp theo đà tăng của chi phí sinh hoạt hàng ngày, còn là mức học phí đại học cũng tăng theo, gây áp lực về học phí cho các gia đình có con em vào đại học.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các ngân hàng đưa ra nhiều chương trình cho vay vốn khác nhau để hỗ trợ các sinh viên. Các chương trình vay vốn này nhằm giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập, sinh hoạt trong suốt thời gian theo học tại các trường. Nhìn chung, sinh viên và các bậc phụ huynh có thể lựa chọn trong 4 hình thức sau để lo cho việc học tập:

+ Vay trả góp học phí - không lãi suất

+ Vay vốn từ quỹ tín dụng xã hội

+ Vay tín chấp theo tiền lương

+ Vay thế chấp sổ đỏ.

2. Nội dung

2.1. Vay trả góp học phí - không lãi suất

Đây là chương trình tín dụng mà số tiền vay vốn sẽ được ngân hàng trực tiếp nộp cho trường đại học sinh viên theo học, phụ huynh trả góp hàng tháng cho ngân hàng với lãi suất là 0 đồng.

Chương trình này được nhiều trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng như: Trường Đại học Hồng Bàng, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Đại học Gia Định thuộc Tập đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng, các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Kinh tế - Luật,…)

2.1.1. Đối tượng cho vay

+ Đối với các sinh viên trường đại học thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng 

 Sinh viên năm thứ nhất có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận vào học của trường.

+ Đối với các sinh viên của các trường thành viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Sinh viên năm thứ nhất có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận vào học của trường.

Sinh viên từ năm thứ 2 trở lên có học lực và kết quả điểm rèn luyện từ khá trở lên.

2.1.2. Phương thức cho vay

Trả góp qua thẻ tín dụng ngân hàng.

2.1.3. Lãi suất

Lãi suất cho vay ưu đãi 0%/tháng.

2.1.4. Thời hạn vay

Thời hạn cho vay là ngay sau khi sinh viên làm thủ tục nhập học.

Thời hạn trả nợ tiền vay là 12 tháng.

Hạn mức cho vay là mức học phí 1 học kỳ, hoặc cả năm học.

2.2. Vay vốn từ quỹ tín dụng xã hội

Đối với hầu hết các trường công lập và cả một số trường ngoài công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh, đều áp dụng chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên vay quỹ tín dụng xã hội của Nhà nước (theo Quyết định số 107/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên) tại Ngân hàng Chính sách Xã hội ở các địa phương mà sinh viên sinh sống.

 Sinh viên có thể vay vốn theo chương trình này tại Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố Hồ Chí Minh hay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo các nội dung sau đây:

2.2.1. Đối tượng cho vay

+ Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không còn khả năng lao động.

+ Sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

+ Sinh viên mà gia đình khó khăn về tài chính trong các trường hợp đặt biệt do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

2.2.2. Phương thức cho vay

Việc cho vay đối với sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có tránh nhiệm hoàn trả nợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

2.2.3. Lãi suất

Lãi suất cho vay ưu đãi 0,55 %/tháng. Lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

2.2.4. Thời hạn vay

Thời hạn cho vay là khoảng thời gian được tính từ ngày đối tượng được vay vốn bắt đầu nhận vốn vay cho đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi) được ghi trong hợp đồng tín dụng.

Thời hạn phát tiền vay là khoảng thời gian tính từ ngày đối tượng được vay vốn nhận món tiền đầu tiên cho tới ngày sinh viên kết thúc khóa học.

Hạn mức cho vay tối đa 4 triệu đồng/tháng.

Thời hạn trả nợ là khoảng thời gian từ ngày đối tượng được vay vốn trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ (gốc và lãi).

2.3. Vay tín chấp theo tiền lương

Đối với các sinh viên đang đi học nhưng đã đi làm, muốn tự chủ trong vấn đề học phí, giúp gia đình đỡ bớt gánh nặng thì chọn cách tham gia các chương trình cho vay trả góp tín chấp. Hầu hết các ngân hàng thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có chương trình này, như: Vietcombank, BIDV, VPBank, OCB, MSB, Sacombank, Techcombank, TPBank, LienVietPostBank.

2.3.1. Đối tượng cho vay

Là công dân Việt Nam từ 20 - 60 tuổi.

Có hộ khẩu/bằng lái xe.

Chứng minh thu nhập ổn định từ 3 triệu đồng/tháng trở lên và nhận lương chuyển khoản qua ngân hàng.

2.3.2. Phương thức cho vay

 Vay tín chấp, trả góp hàng tháng.

2.3.3. Lãi suất

Từ 15%/năm, tuy nhiên khi sinh viên chậm trả mà không có giấy gia hạn của ngân hàng sẽ phải chịu mức phạt chậm bằng 130% lãi suất cho vay ban đầu.

2.3.4. Thời hạn vay

Thời gian cho vay linh hoạt lên tới 60 tháng.

Phương thức trả nợ là gốc trả hàng tháng hoặc hàng quý, lãi trả hàng tháng theo dư nợ giảm dần.

Hạn mức cho vay lên tới 400 triệu đồng.

2.4. Vay thế chấp sổ đỏ

Đối với các gia đình chỉ khó khăn tạm thời do tác động của dịch bệnh Covid-19 lên nền kinh tế, nhưng trong nhà vẫn còn tài sản có giá trị như bất động sản, thì phụ huynh thường vay thế chấp sổ đỏ để vay số tiền lớn, nhằm đảm bảo việc học tập cho con em mình. Các ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về chương trình cho vay này gồm: Vietinbank, Sacombank, VPBank, ACB, BIDV, Đông Á Bank. 

2.4.1. Đối tượng cho vay

Là công dân Việt Nam hay người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam từ 20 - 60 tuổi.

Có hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú của khách hàng.

Có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của ngân hàng.

Có thu nhập và công việc ổn định theo tháng.

2.4.2. Phương thức cho vay

Vay thế chấp bằng sổ đỏ.

2.4.3. Lãi suất

Lãi suất chỉ từ 6 - 9%/năm.

2.4.4. Thời hạn vay

Hạn mức vay từ 80% tới 100% giá trị tài sản đảm bảo.

Thời hạn cho vay tối đa 10 năm, ân hạn thời gian trả nợ lên tới 5 năm.

Phương thức trả nợ là lãi trả hàng tháng, gốc trả hàng tháng hoặc cuối kỳ.

3. Các khó khăn của gia đình sinh viên khi tham gia các chương trình tín dụng

3.1. Khó khăn khi vay trả góp học phí - không lãi suất

+ Đối với sinh viên các trường đại học thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng 

 Chương trình này chỉ dành cho sinh viên năm thứ nhất, các sinh viên năm từ năm thứ 2 trở đi không thể vay được cho dù rất khó khăn và phải bảo lưu do chưa có tiền đóng học phí.

+ Đối với các sinh viên của các trường thành viên Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Các sinh viên từ năm thứ 2 trở lên có học lực trung bình không thể vay được, mặc dù gia đình gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn chung là thời hạn hoàn trả khoản vay của chương trình quá ngắn, phải trả trong vòng 12 tháng, trong khi sinh viên vẫn chưa ra trường, chưa thể kiếm tiền để trang trải hết các khoản nợ trả góp.  

3.2. Khó khăn khi vay vốn sinh viên từ quỹ tín dụng xã hội

Thủ tục vay vốn trong trường hợp này còn quá phức tạp. Đại diện hộ gia đình đứng ra vay phải gia nhập tổ tiết kiệm và vay vốn, sau đó viết giấy đề nghị vay vốn kèm theo giấy xác nhận của nhà trường để gửi lại cho tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ tiết kiệm và vay vốn kiểm tra xong sẽ gửi cho UBND cấp phường/xã xác nhận. Sau khi có xác nhận của UBND cấp phường/xã, tổ tiết kiệm và vay vốn mới gửi toàn bộ hồ sơ cho vay tới Ngân hàng Chính sách Xã hội phê duyệt. Ngân hàng Chính sách Xã hội duyệt xong mới thông báo gửi lại UBND cấp phường/xã. Lúc này UBND cấp phường/xã mới thông báo cho tổ tiết kiệm và vay vốn cùng người vay tới nhận tiền.

Có những gia đình đến Ngân hàng Chính sách Xã hội không được cho vay, với lý do không đạt chuẩn hộ nghèo. Theo quy định từ năm 2022, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân từ 1,5 triệu đồng/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Chuẩn nghèo ở khu vực thành thị là 2 triệu đồng/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Mức vốn vay hiện nay còn thấp đối với các sinh viên theo học tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Số tiền 4 triệu đồng/tháng không đủ để sinh viên trang trải hết học phí, chi phí sinh hoạt, chi phí học tập phát sinh. Với mức vay vốn hiện tại, sinh viên vẫn phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống, vì mức chi tiêu sinh hoạt ở các thành phố lớn quá đắt đỏ.

Với chính sách áp dụng cho thời gian trả lãi và gốc vay của Ngân hàng Chính sách xã hội không quá 12 tháng là quá ngắn, vì không phải sinh viên nào ra trường cũng kiếm được việc làm ngay để trả nợ. Thực tế, có những sinh viên ra trường 4 - 5 năm vẫn thất nghiệp, phải trở về quê và trông chờ vào sự giúp đỡ của gia đình.

3.3. Khó khăn khi vay tín chấp theo tiền lương

Mức lãi suất cho vay tín chấp là hình thức vay không cần thế chấp tài sản hoặc bảo lãnh, nên sẽ có mức lãi suất cao hơn nhiều các hình thức khác. Đơn vị cho vay sẽ dựa hoàn toàn vào uy tín cá nhân người vay và năng lực trả nợ để quyết định hạn mức, thời gian vay. Nên nếu sinh viên nào có lịch sử trả nợ vay đúng hạn, thu nhập cao, sẽ được cho vay với lãi suất thấp. Ngược lại, nếu sinh viên có nợ xấu, nghĩa là từng trả nợ không đúng hạn, chưa tất toán các khoản vay cũ, thì sinh viên đó sẽ phải chịu mức lãi suất rất cao, thậm chí không còn cơ hội vay tiền tại bất cứ ngân hàng nào nữa.

Khi vay tín chấp theo tiền lương, sinh viên phải ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng cho vay. Theo đó, các tổ chức cho vay sẽ được phép dùng các biện pháp nghiệp vụ để thu hồi nợ nếu tới hạn mà sinh viên không trả đủ và đúng hẹn số tiền đã vay. Các biện pháp nghiệp vụ mà ngân hàng áp dụng bao gồm cả thủ tục khởi kiện ra tòa án nếu sinh viên vẫn không trả đủ tiền vay theo hợp đồng tín dụng đã ký.

3.4. Khó khăn khi vay thế chấp sổ đỏ

Khi vay thế chấp, gia đình sinh viên phải chuyển giao sổ đỏ cho nhân viên ngân hàng trong thời gian vay tiền. Nếu gia đình sinh viên chưa hoàn tất nghĩa vụ trả nợ, tài sản sổ đỏ đang thế chấp đang tạm là tài sản của ngân hàng. Ngân hàng sẽ chỉ hoàn trả lại sổ đỏ khi khách hàng hoàn tất đáo hạn vay. Bên cạnh sổ đỏ, gia đình cũng cần chứng minh thu nhập hàng tháng để chứng minh khả năng trả nợ.

Gia đình cũng sẽ mất khá nhiều thời gian để cung cấp chứng từ, cụ thể là sổ đỏ, giấy tờ chứng minh thu nhập, phương án vay vốn. Rồi sau đó cũng phải chờ đợi thêm một thời gian để hồ sơ được phê duyệt và nhận được kết quả sau cùng. Cũng có nhiều gia đình tốn rất nhiều công sức và thời gian chờ đợi để rồi nhận được kết quả hồ sơ không đủ điều kiện duyệt khoản vay ngân hàng thế chấp sổ đỏ.

4. Kiến nghị đối với các chương trình cho vay

4.1. Đối với chương trình vay trả góp học phí - không lãi suất

+ Đối với các sinh viên trường đại học thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng 

Nên mở rộng đối tượng cho cả các sinh viên từ năm thứ 2 trở lên để các em có cơ hội hoàn tất việc học khi gia đình gặp khó khăn.

+ Đối với các sinh viên của các trường thành viên Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Đối với sinh viên từ năm thứ 2 trở lên, nhà trường xem xét hạ điều kiện xuống để mọi sinh viên đều có điều kiện tiếp cận chương trình.

Thời gian trả góp 12 tháng quá gấp, ngân hàng cho vay cần xem xét điều chỉnh thời gian trả nợ theo hướng kéo dài hơn, để tạo điều kiện cho sinh viên có khả năng trả nợ đủ và đúng thời hạn theo quy định.

4.2. Đối với chương trình vay vốn từ quỹ tín dụng xã hội

Đây là chương trình dành cho các sinh viên có hoàn cảnh thật sự khó khăn, nên dù lãi suất hiện nay của chương trình này là 0,55 %/năm là thấp so với mặt bằng xã hội, tuy nhiên đối với các em sinh viên đang đi học, chưa có việc làm, thì mức lãi suất này vẫn cao. Vì vậy, kiến nghị Nhà nước xem xét hỗ trợ mức lãi suất thấp hơn nữa, để tạo thêm cơ hội cho các em sinh viên có thể tiếp cận với các trường đại học.

Với mức cho vay 4 triệu đồng/tháng/sinh viên thật sự không đủ cho các em đóng học phí và trang trải các nhu cầu thiết yếu như nhà trọ, đi lại, ăn uống, mua sắm trang thiết bị học tập. Vì vậy, Ngân hàng nên xem xét tăng số tiền vay, để chính sách này thật sự hỗ trợ cho cuộc sống của các sinh viên khi xa nhà.

Bên cạnh đó, thời gian trả lãi và gốc không quá 12 tháng còn quá ngắn. Vì hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế cần một thời gian để hồi phục, nên cơ hội để sinh viên mới ra trường đi làm, kiếm tiền trả hết nợ và đúng thời hạn rất khó khăn. Như vậy, Ngân hàng Chính sách Xã hội cần xem xét điều chỉnh theo hướng kéo dài hơn thời gian trả nợ để tạo điều kiện cho sinh viên có khả năng trả nợ đủ và đúng thời hạn theo quy định.

Quy trình và thủ tục cho vay vốn còn quá phức tạp, nên ngân hàng cần phối hợp với các bên liên quan để rút ngắn trình tự, đơn giản hóa thủ tục vay vốn cần thiết. Kèm theo đó là các hướng dẫn chi tiết cũng cần được phổ biến rộng rãi và thống nhất với các bên liên quan. Từ đó, gia đình các sinh viên có thể hoàn tất hồ sơ chính xác và đúng thời gian.

4.3. Đối với chương trình vay tín chấp theo tiền lương

Sinh viên chỉ nên vay tín chấp khi có công việc ổn định, tạo ra nguồn tài chính vững chắc cho việc trả nợ. Đồng thời, sinh viên đó phải biết quản lý tốt chi tiêu của cá nhân như có kế hoạch dành tiền hàng tháng cho việc trả khoản vay. Nếu công việc bấp bênh không ổn định, sinh viên rất khó thanh toán các khoản lãi định kỳ.

Khi sinh viên có ý định vay tín chấp, nên tìm kiếm các ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín và độ tin cậy cao. Sinh viên có thể tham khảo thông tin qua bạn bè, người thân hay mạng internet để xem xét những đánh giá về độ uy tín, tính chuyên nghiệp của ngân hàng hay tổ chức tín dụng đó có thật sự an toàn không, có mang lại sự tin tưởng cho mình hay không.

Do mức lãi suất cho vay tín chấp theo tiền lương sẽ cao hơn các hình thức cho vay khác, nên sinh viên cần có sự tính toán kỹ lưỡng để tránh phải trả mức lãi cao hơn dự kiến ban đầu, dẫn tới việc mất khả năng chi trả. Sinh viên cần có một phương án thanh toán đúng hạn và kế hoạch trả nợ hợp lý.

4.4. Đối với chương trình vay thế chấp sổ đỏ

Gia đình cần đọc kỹ hợp đồng, nắm rõ thông tin và xác định quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nhằm tránh những khoản chi phí không đáng có, như mức phí phạt khi trả nợ trước hạn và trả nợ trễ hạn.

Gia đình nên dành nhiều thời gian để tìm hiểu sự khác biệt của các chương trình vay vốn khác nhau giữa các ngân hàng. Từ đó, các gia đình sẽ chọn chương trình vay vốn nào hấp dẫn và phù hợp nhất với khả năng thanh toán của mình. Hầu như mọi ngân hàng đều đưa ra mức lãi suất xung quanh khung lãi suất do Nhà nước quy định, nên tiêu chí chủ yếu để các gia đình lựa chọn sẽ là tiêu chí chất lượng phục vụ.

Gia đình cần phải tự xây dựng cho mình một kế hoạch trả nợ rõ ràng và chi tiết, vì ngân hàng luôn giám sát, kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn vay của người đi vay, nhằm đảm bảo khả năng thu nợ. Gia đình phải luôn đảm bảo mục đích vay đúng với cam kết theo hợp đồng và đảm bảo luôn chi trả theo đúng kỳ hạn đã ký kết.

5. Kết luận

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn do tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19 và quá trình tăng học phí của các trường đại học, rất nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần. Để đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của sinh viên, các trường đại học và các ngân hàng đã có nhiều chương trình tín dụng phù hợp, nhằm hỗ trợ kịp thời cho phụ huynh và sinh viên trong quá trình học. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế cần cải tiến khắc phục, nhưng nhìn chung, các chương trình tín dụng đã phát huy được vai trò, đem lại nhiều kết quả tích cực, trở thành một điểm tựa vững chắc giúp cho hàng triệu sinh viên đạt được ước mơ học tập và lập nghiệp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đức Lộc (2020). Triển khai chương trình cho sinh viên vay ưu đãi để học tập. Truy cập tại: https://vnuhcm.edu.vn/tin-tuc_32346864/trien-khai-chuong-trinh-cho-sinh-vien-vay-uu-dai-de-hoc-tap/333230336864.html.
  2. Minh Thi (2021). NHG hỗ trợ sinh viên với chương trình “nhập học 0 đồng”. Truy cập tại: https://tphcm.chinhphu.vn/nhg-ho-tro-sinh-vien-voi-chuong-trinh-%E2%80%9Cnhap-hoc-0-dong%E2%80%9D.
  3. Đặng Lê (2021). Các tiêu chí để xác định có thuộc diện hộ nghèo hay không. Truy cập tại: https://plo.vn/ban-doc/cac-tieu-chi-de-xac-dinh-co-thuoc-dien-ho-ngheo-hay-khong-972736.html.
  4. Nguyễn Liên (2022). Sinh viên được vay vốn học tập, thủ tục như thế nào? Truy cập tại: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/sinh-vien-duoc-vay-von-hoc-tap-thu-tuc-the-nao-20220528080353515.htm.
  5. Phạm Mai (2022). Đại học đồng loạt tăng học phí, thí sinh cân nhắc chọn trường. Truy cập tại: https://www.vietnamplus.vn/dai-hoc-dong-loat-tang-hoc-phi-thi-sinh-can-nhac-chon-truong/811828.vnp.

 

SOLUTIONS FOR STUDENTS TO CHOOSE THE BEST

STUDENT LOAN PROGRAM FOR THE 2022 - 2023 SCHOOL YEAR

NGUYEN PHUOC BINH

Hong Bang International University

ABSTRACT:

After the Government promulgated Decree 81/ND-CP on August 27, 2021 on tuition fees of education institutions affiliated to national education program and collection, management thereof; policies on tuition fee exemption, reduction, and financing for learning fees; service fees in education and training sectors, higher-educational institutions have simultaneously increased their tuition fees for the 2022 - 2023 school year. Against the backdrop of prolonged severe economic impacts from the COVID-19 pandemic and other economic difficulties, the increase in tuition fees has become a huge burden for many families. Student loan programs have been considered as the best solutions for students in difficult circumstances. This paper points out the difficulties faced by students when borrow money from student loan programs, and proposes solutions to help students feel secure when taking a student loan.

Keywords: Decree 81/NĐ-CP of the Government, student, tuition fees, cost, loan, difficulty, solution, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20, tháng 8 năm 2022]