Các yếu tố tác động đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ của người tiêu dùng tại Hà Nội trong thời kỳ Covid-19

TS. LÊ HẢI HÀ1 - TRẦN THỊ THANH HIỀN2 - PHẠM THỊ VÂN ANH3 - VŨ HƯƠNG GIANG4( 1Giảng viên Trường Đại học Thương mại ( 2,4Sinh viên Lớp K55E3 - Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Tại Việt Nam, thuật ngữ “kinh tế chia sẻ” được đưa ra bàn luận nhiều hơn trên nhiều diễn đàn kể từ khi dịch vụ đi xe chung Uber chính thức có mặt từ năm 2014. Trong dịch vụ vận tải, không riêng lĩnh vực vận chuyển, mà giao nhận đồ ăn cũng trở nên phát triển, nhất là từ khi dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, không phải tất cả người tiêu dùng đều chọn đặt đồ ăn qua ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, do những lý do cá nhân, hoặc do những quan ngại trong chất lượng đồ ăn hay vệ sinh an toàn thực phẩm. Bài viết này được thực hiện để làm rõ những yếu tố tác động đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ (KTCS) của người tiêu dùng tại Hà Nội.

Từ khóa: kinh tế chia sẻ, hành vi người tiêu dùng, Covid-19.

1. Tổng quan về kinh tế chia sẻ

Mô hình KTCS được định nghĩa là một hoạt động ngang hàng (peer - to - peer) nhằm mua lại, cung cấp hoặc chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ thông qua các nền tảng trực tuyến, dựa trên các dịch vụ cộng đồng. Về bản chất, mô hình KTCS có thể hiểu là “một mô hình kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông quan các nền tảng số”.

KTCS được chia ra làm 3 loại bao gồm:

- Mô hình nền tảng phi tập trung: Doanh nghiệp cung cấp nền tảng chỉ tạo ra môi trường nền tảng, thành phần cung cấp dịch vụ là sở hữu tài sản và cũng quyết định giá dịch vụ.

- Mô hình nền tảng tập trung: Doanh nghiệp cung cấp nền tảng sở hữu tài sản và định giá dịch vụ.

- Mô hình nền tảng hỗn hợp: Đối tượng sở hữu tài sản cung cấp vai trò dịch vụ với giá do nền tảng đưa ra và đối tượng cung cấp nền tảng đóng một phần vai trò trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm.

2. Kết quả nghiên cứu

Nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp khảo sát và thang điểm Likert 5 điểm để thực hiện nghiên cứu. Xếp hạng từ 1 đến 5 được sắp xếp theo thứ tự tăng dần sự đồng ý của người được hỏi. Đối tượng nghiên cứu được xác định người tiêu dùng sử dụng các ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tàng KTCS ở địa bàn Hà Nội.

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả lấy mẫu theo nguyên tắc từ mô hình TAM, UTAUT và bổ sung một số nhân tố khác. Số liệu thu tập từ 301 người tiêu dùng, kết quả thu được sẽ được làm sạch và xử lý với sự trợ giúp của phần mềm SPSS 20.

2.1. Cronbach ’alpha

Kết quả phân tích hệ số Cronbach'alpha cho thấy, biến Nhận thức kiểm soát hành vi có hệ số Cronbach’s Alpha dưới 0,6 và bị loại, các biến còn lại đều có hệ số tương quan của tổng biến> 0,3 và Hệ số Cronbach'alpha> 0,6. (Bảng 1)

2.2. KMO và Kiểm tra của Bartlett

Sau khi thực hiện các kiểm định ở bước phân tích nhân tố và đánh giá độ tin cậy, dữ liệu thu được từ các nhân tố trong mô hình đã đảm bảo độ tin cậy và hoàn toàn có cơ sở để sử dụng trong quy định phân tích hồi quy nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng KTCS. Trong nghiên cứu này, biến phụ thuộc được xác định bằng điểm trung bình của các câu hỏi đánh giá cho 4 nhóm chỉ tiêu thể hiện quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng KTCS. (Bảng 2)

Kết quả từ Bảng 2 cho thấy biến tổng phương sai trích = 63,23% đạt yêu cầu, giá trị Eigenvalue > 1 và trích được 4 nhân tố mang ý nghĩa thông tin tốt nhất. Kết quả ma trận xoay cho thấy, 20 biến quan sát được gom thành 4 nhân tố, tất cả các biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố Factor Loading lớn hơn 0.5.

2.3. Phân tích hồi quy đa biến

Giá trị hiệu chỉnh bằng 0.573 cho thấy biến độc lập đưa vào chạy hồi quy ảnh hưởng 57,3% sự thay đổi của biến phụ thuộc, còn lại 42,7% là do các biến ngoài mô hình và sai số ngẫu nhiên. Hệ số Durbin-Waston = 1.807, nằm trong khoảng 1.5 đến 2.5 nên không có hiện tượng tương quan chuỗi bậc nhất xảy ra, có nghĩa là phần dư ước lượng tuyến tính độc lập, không có mối quan hệ tuyến tính với nhau trong mô hình.

Sig. kiểm định F bằng 0.000 < 0.05, như vậy, mô hình hồi quy tuyến tính bội phù hợp với tập dữ liệu và có thể sử dụng được. (Bảng 3)

Kết quả hồi quy cho thấy, các biến độc lập đều có ảnh hưởng có ý nghĩa thống kê lên biến độc lập. Hệ số phóng đại phương sai VIF của các biến đều nhỏ hơn 5, do vậy không có cộng đa tuyến xảy ra.

Các hệ số hồi quy đều lớn hơn 0. Như vậy, tất cả các biến độc lập đưa vào phân tích hồi quy đều tác động cùng chiều đến biến phụ thuộc. Hàm hồi quy được viết như sau: Y = 0.195*LI + 0.331*TC + 0.231*UD + 0.184*XH.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các thang đo được xây dựng trong mô hình có độ tin cậy cần thiết khi tiến hành đánh giá sơ bộ thông qua hệ số Cronbach Alpha và phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA. Điều này cho thấy, các yếu tố đang ảnh hưởng đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng KTCS người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.

3. Thảo luận kết quả

Từ kết quả phân tích hồi quy, tất cả các giả thuyết được chấp nhận.

Mức độ tin cậy tác động mạnh nhất đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng KTCS của người tiêu dùng tại Hà Nội trong thời kỳ Covid-19. Sự tác động này được lý giải bởi sự bùng nổ của Covid-19, người tiêu dùng đã có sự tin tưởng hơn vào việc đặt đồ ăn qua ứng dụng.

Chất lượng ứng dụng tác động mạnh thứ hai đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng KTCS của người tiêu dùng tại Hà Nội trong thời kỳ Covid-19. Hiện nay, trên thị trường giao nhận đồ ăn trực tuyến, có rất nhiều ứng dụng về giao đồ ăn như Shopee, GrabFood, Baemin,... Những ứng dụng này ngày càng thỏa mãn độ hài lòng của người tiêu dùng và hoạt động an toàn, hiệu quả trong thời gian Covid-19 diễn ra.

Nhận thức lợi ích tác động mạnh thứ ba đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng KTCS của người tiêu dùng tại Hà Nội trong thời kỳ Covid-19. Dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, người tiêu dùng cảm nhận được lợi ích của việc đặt đồ ăn qua ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến như cảm thấy an toàn hơn, thời gian mua hàng nhanh hơn so với mua trên website và mua trực tiếp,...

Ảnh hưởng của xã hội tác động yếu nhất đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng KTCS của người tiêu dùng tại Hà Nội trong thời kỳ Covid-19. Kết quả này đã ngược lại kỳ vọng của nhóm (kỳ vọng đứng thứ hai), dù trước hay trong Covid-19, người tiêu dùng cũng đã/đang sử dụng các dịch vụ giao nhận trực tuyến, đặc biệt là lĩnh vực đồ ăn.

Nhận thức kiểm soát hành vi Cảm nhận về giá không có sự tác động đến quyết định sử dụng ứng dụng giao đồ ăn dựa trên nền tảng KTCS của người tiêu dùng tại Hà Nội trong thời kỳ Covid-19. Nguyên nhân có thể được lý giải bởi nhóm đã không đưa ra các biến quan sát phù hợp, người tiêu dùng điền khảo sát không kỹ lưỡng.

4. Đề xuất kiến nghị và giải pháp

4.1. Kiến nghị phía Nhà nước

Thứ nhất, Nhà nước cần xây dựng - rà soát - sửa đổi/bổ sung các quy định trong hành lang pháp lý, cơ chế vận hành chặt chẽ, linh hoạt cho phát triển KTCS, cần bổ sung những quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư,... nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và KTCS, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến dựa trên mô hình KTCS đang/sẽ hoạt động tại Việt Nam.

Thứ hai, điều chỉnh các quy định về nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể tham gia mô hình KTCS nhằm đảm bảo công bằng với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thống và tránh thất thu thuế.

Thứ ba, tận dụng các thành tựu khoa học của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo nền tảng thúc đẩy phát triển KTCS. Cần tập trung đầu tư phát triển mạng lưới Internet để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh doanh chia sẻ.

4.2. Kiến nghị cho phía doanh nghiệp cung cấp nền tảng

Doanh nghiệp cung cấp nền tảng nên giám sát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm và nguồn gốc đồ ăn của các cơ sở kinh doanh. Đảm bảo đồ ăn luôn đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, tạo dựng niềm tin cho khách hàng về đồ ăn được bán trên ứng dụng cũng như chất lượng dịch vụ của ứng dụng.

Các doanh nghiệp cần cung cấp một kênh thông tin tốt giúp người tiêu dùng dễ dàng hiểu và sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến dựa trên nền tảng KTCS. Doanh nghiệp cần liên tục cập nhật thông tin rõ ràng, chính xác về sản phẩm, đưa ra các gợi ý khác nhau về sản phẩm, để người tiêu dùng có những quyết định đúng đắn trong việc mua hàng.

Trong kết quả nghiên cứu, đa phần người sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến là 18-29 tuổi, đây là những người tiêu dùng trẻ, thường dành nhiều thời gian để truy cập internet, thích những sự độc đáo, mới lạ. Doanh nghiệp cung cấp ứng dụng giao đồ ăn cần xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt trên các mạng xã hội, phù hợp xu hướng đặt đồ ăn trong thời kỳ Covid-19.

4.3. Giải pháp với phía người tiêu dùng

Thứ nhất, người tiêu dùng nên chủ động tìm hiểu và thích nghi với những công nghệ mới. Việc làm quen với những công nghệ mới cũng giúp cho người tiêu dùng tiếp cận gần hơn nền khoa học hiện đại, dễ dàng kết nối phục vụ cho cuộc sống của mình.

Thứ hai, Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, thậm chí còn tăng nhiều trong những năm tới, ở đó có rất nhiều thông tin về nhà hàng, quán ăn, món ăn, người giao hàng,... người tiêu dùng cần xem xét kỹ lưỡng các thông tin để tìm được nhà hàng, quán ăn uy tín, món ăn hợp khẩu vị, người giao hàng tận tâm,…

Thứ ba, người tiêu dùng nên sẵn sàng chia sẻ cảm nhận trải nghiệm của mình với doanh nghiệp cung cấp nền tảng dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến. Doanh nghiệp luôn không ngừng thay đổi từng ngày để đáp ứng mong muốn và nhu cầu của người tiêu dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Bích Thủy (2020), Sách tham khảo “Kinh tế chia sẻ dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Trường Đại học Thương mại.
  2. Reputa - Social Listening (2021), “Báo cáo thị trường dịch vụ giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam năm 2020”.
  3. Md Al Amin et al. (2021), Using mobile food delivery applications during Covid-19 pandemic: An extended model model of planned behavior, Journal of Food Products Marketing, 27 (2), 105-126.
  4. Sing Su SAN and Omkar DASTANE (2021), Key factors affecting intention to order online food delivery (OFD”, Journal of Industrial Distribution & Business, 12(2), 19-27.

 Factors affecting the decision of consumers in Hanoi to use a food delivery application based on the sharing economy during the COVID-19

Ph.D Le Hai Ha1

Tran Thi Thanh Hien2

Pham Thi Van Anh2

Vu Huong Giang2

1Lecturer, Thuongmai University

2Student, Thuongmai University

Abstract:

In Vietnam, the "sharing economy" term has been discussed on many forums since the official launch of Uber in 2014.  In the transportation field, the food delivery service had experienced a strong growth rate during the COVID-19 pandemic. However, not all consumers choose to use the food delivery service due to personal reasons, and concerns about food quality, food hygiene and safety. This paper is to clarify factors affecting the decision of consumers in Hanoi to use a food delivery application based on the sharing economy.

Keywords: sharing economy, consumer behavior, COVID-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 8  năm 2022]