Chế định các biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ Luật tố tụng hình sự 2015: một số vấn đề lý luận và thực tiễn

PHẠM THANH TÚ (Khoa Luật, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Các biện pháp điều tra đặc biệt là chế định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015). BLTTHS 2015 quy định về các loại biện pháp, những trường hợp áp dụng, thẩm quyền, thủ tục, thời hạn,… trong quá trình áp dụng. Để hoàn thiện hơn các biện pháp điều tra đặc biệt, cần có hướng dẫn và xem xét sửa đổi một số vấn đề cụ thể về chế định này.

Từ khóa: biện pháp điều tra đặc biệt, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, dữ liệu điện tử, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

1. Đặt vấn đề

BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003 có nhiều quy định đã được sửa đổi và bổ sung mới. Đặc biệt có một chế định lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam đó là các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trên thực tế, những biện pháp điều tra đặc biệt vẫn được áp dụng và do lực lượng trinh sát ngành Công an, Quân đội thực hiện trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, những thông tin thu được từ những biện pháp này không được coi là chứng cứ. Chế định về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định trong BLTTHS 2015 đã hợp pháp hóa quá trình, từ đó những thông tin thu được từ các hoạt động này đã được coi là chứng cứ. Việc nghiên cứu chế định một cách đầy đủ để thấy được lý do cho lần pháp điển hóa cũng như quy định cụ thể ở mỗi biện pháp, từ đó làm rõ một số hạn chế hoặc khó khăn trong áp dụng để hướng đến hoàn thiện BLTTHS là cần thiết.

2. Cơ sở để quy định các biện pháp điều tra đặc biệt trong BLTTHS 2015

Thứ nhất, việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật Tố tụng hình sự lần này là cần thiết, nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”; tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng và để tránh nhầm lẫn thì không nên quy định cả biện pháp nghiệp vụ trinh sát thông thường và biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; tạo cơ sở pháp lý để thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm hiện nay, mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định và áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt sẽ ít nhiều tác động vào quyền con người, như quyền bí mật thư tín điện tín,… Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng cho tất cả các tội danh, mà chỉ thực hiện ở một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm ma túy, tham nhũng, rửa tiền,… Đây là những tội phạm gây ra những hậu quả rất lớn cho xã hội. Vì vậy, có những giá trị cần được bảo vệ lớn hơn so với những quyền nói trên của con người, nên nhà làm luật đã cân nhắc và quyết định cho phép áp dụng các biện pháp này trong BLTTHS.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay, quá trình điều tra theo Luật hiện hành tỏ ra không thật sự hiệu quả, nhất là đối với một số loại tội phạm như tham nhũng. Tham nhũng rất nhiều, nhưng phát hiện, xử lý được rất ít, nhất là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Một trong những lý do đó có lẽ là thiếu thiết chế đặc thù để phát hiện, thu thập chứng cứ đưa ra ánh sáng những vụ việc tham nhũng. Do đó, cần quy định các biện pháp điều tra đặc biệt này.

Việc thu thập chứng cứ qua các biện pháp như ghi âm, ghi hình bí mật, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật dữ liệu điện tử,... là nguồn chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm trực tiếp trong nhiều trường hợp. Trước đây, các biện pháp này không quy định trong Luật, nên phải tiến hành thủ tục chuyển hóa chứng cứ. Nhưng trong nhiều trường hợp không thể chuyển hóa được, như vậy đã từ chối một nguồn chứng cứ hết sức thuyết phục, thậm chí còn khiến người phạm tội phải tâm phục, khẩu phục ngay. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là nguồn chứng cứ rất quý để chứng minh tội phạm.

Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước của Liên hợp quốc, trong đó có Công ước về đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, ma túy, chống tội phạm có tổ chức.

Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) cũng đòi hỏi mọi quốc gia phải áp dụng các biện pháp cần thiết, đủ mạnh và biện pháp này cũng là một biện pháp đặc biệt. Các biện pháp điều tra đặc biệt được UNCAC nhấn mạnh về tầm quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống các tội phạm, đặc biệt là các tội phạm ma túy, các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tội phạm tham nhũng. Theo thống kê, xu hướng áp dụng các biện pháp này của các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng, do tính chất, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng; thủ đoạn, hành vi phạm tội ngày càng tinh vi; người phạm tội trong các vụ án tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, nên thường tìm mọi cách che giấu hành vi, can thiệp vào quá trình xử lý;...

Theo UNCAC và kinh nghiệm của nhiều quốc gia thành viên, các biện pháp điều tra đặc biệt bao gồm: kiểm soát vận chuyển (thường áp dụng trong các trường hợp qua biên giới và trong các vụ án ma túy); giám sát, theo dõi điện tử (theo dõi điện thoại, thư điện tử,...); giám sát, theo dõi đối tượng (theo dõi đối tượng tình nghi); hoạt động tình báo, hoạt động “chìm”; kiểm tra liêm chính; giám sát giao dịch tài chính và một số biện pháp khác. Qua đánh giá không đầy đủ, các biện pháp này rất có hiệu quả trong việc thu thập thông tin, đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại một số quốc gia. Việc áp dụng các biện pháp này cũng giúp xử lý “sớm” hành vi có dấu hiệu tham nhũng và giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có được thông tin và chủ động trong việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, tạm giữ, kê biên để thu hồi tài sản tham nhũng (từ năm 2013 đến năm 2020, thu hồi kiến nghị xử lý hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất trong các vụ tham nhũng,... kết quả thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt hơn 32%). Trước khi thông qua BLTTHS năm 2015, pháp luật Việt Nam cũng có quy định trong một số luật chuyên ngành cho phép áp dụng biện pháp này đối với một số loại tội là các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm ma túy. Tuy nhiên, biện pháp điều tra đặc biệt (biện pháp nghiệp vụ) mới chỉ được đề cập có tính nguyên tắc trong các luật chuyên ngành (Luật An ninh quốc gia, Điều 24; Luật Phòng, chống ma túy (Điều 13). Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu lực pháp lý, các biện pháp điều tra đặc biệt phải được quy định trong BLTTHS 2015.

Chúng ta đã cam kết sẽ luật hóa biện pháp điều tra đặc biệt này, cho nên việc quy định biện pháp điều tra đặc biệt trong BLTTHS là một đòi hỏi tất yếu của việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Các biện pháp này có phần nào hạn chế quyền con người, mà trực tiếp nhất là quyền bí mật đời tư. Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc các điều kiện cụ thể của nước ta về mọi mặt, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các cam kết quốc tế của Việt Nam và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, việc đưa các quy định này vào Luật Tố tụng là cần thiết, vì đó là nơi quy định tốt nhất các quy trình, thủ tục, biện pháp tố tụng để làm sáng tỏ sự thật vụ án và để bảo vệ quyền con người tốt nhất.

3. Quy định của BLTTHS 2015 về biện pháp điều tra đặc biệt

3.1. Các biện pháp điều tra đặc biệt

Căn cứ quy định tại Điều 223 BLTTHS 2015 về các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

“Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:

  1. Ghi âm, ghi hình bí mật;
  2. Nghe điện thoại bí mật;
  3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.”

Như vậy, có 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, đó là: ghi âm, ghi hình bí mật; Nghe điện thoại bí mật; Thu thập bí mật dữ liệu điện tử. Những biện pháp này đều được tiến hành điều tra một cách bí mật, vừa để đảm bảo bí mật trong quá trình điều tra, vừa giúp quá trình thu thập chứng cứ diễn ra một cách khách quan, đối phó với những tội phạm có tính chất nghiêm trọng, thủ đoạn tinh vi. Các biện pháp này chính là các biện pháp trinh sát kỹ thuật trước đây đã được sử dụng trong ngành Công an, Quân đội. Đây thuộc trường hợp bí mật nghiệp vụ, nay được đưa vào Bộ luật, nghĩa là được thực hiện một cách công khai và thông tin từ các biện pháp này trở thành chứng cứ mà không cần phải qua bước chuyển hóa như trước đây cơ quan điều tra phải làm khi muốn sử dụng.

3.2. Những trường hợp được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Điều 224 BLTTHS 2015 quy định:

“Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp:

  1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;
  2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Những biện pháp điều tra đặc biệt này thực tế là sẽ tác động đến quyền bí mật đời tư của người khác, vì thế phạm vi áp dụng của nó phải được thu hẹp để tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra. Các loại tội phạm có thể áp dụng những biện pháp điều tra này là: tội xâm phạm an ninh quốc gia (khách thể quan trọng nhất), tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, rửa tiền, tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3.3. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Điều 225 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:

“1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.

2. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

3. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện Kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.

Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

4. Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.”

Điều 225 BLTTHS 2015 đã quy định rõ chỉ Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên mới được quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, cấp khu vực không có quyền quyết định áp dụng mà chỉ được quyền đề nghị lên cấp trên trực tiếp. Mặt khác, để tránh tùy tiện trong việc áp dụng, tránh bị lạm dụng, nên quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt của những người có thẩm quyền trên phải được Viện trưởng Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện Kiểm sát hủy bỏ nếu xét thấy không còn cần thiết.

Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt và các nội dung quy định trong Bộ luật này.

3.4. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Căn cứ quy định tại Điều 226 BLTTHS 2015:

“1. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện Kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này.

2. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.”

Căn cứ quy định tại Điều 227BLTTHS 2015, việc sử dụng thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện như sau:

“1. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời.

Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.

2. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng Viện Kiểm sát đã phê chuẩn.”

Như vậy, những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra đặc biệt được quản lý rất chặt chẽ. Những chứng cứ nếu có liên quan đến vụ án chỉ được sử dụng trong quá trình tố tụng. Những chứng cứ không liên quan thì sẽ buộc phải tiêu hủy để tránh việc thông tin bị rò rỉ, phát tán ra bên ngoài, ảnh hưởng đến đời sống của cá nhân bị điều tra. Trước đây, cơ quan điều tra nếu thu thập được những chứng cứ bằng các biện pháp điều tra đặc biệt, sẽ không được sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án, mà phải thông qua quá trình điều tra thông thường để thu thập những chứng cứ đó mới được sử dụng. Hiện nay, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể sử dụng những chứng cứ này mà không phải sử dụng biện pháp nào khác, vì chứng cứ thu thập được đã được hợp pháp hóa.

3.5. Về việc hủy bỏ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Căn cứ quy định tại Điều 228 BLTTHS 2015:

“Viện trưởng Viện Kiểm sát đã phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp:

  1. Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ quan điều tra có thẩm quyền;
  2. Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt;
  3. Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.”

Như vậy, nếu có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan điều tra có thẩm quyền hay nếu có căn cứ cho rằng có vi phạm trong quá trình điều tra đặc biệt hoặc nhận thấy không cần thiết để tiếp tục áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt thì Viện trưởng Viện Kiểm sát phải hủy bỏ quyết định việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

4. Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất, việc quy định và áp dụng biện pháp này sẽ có hai mặt của nó mà cơ quan áp dụng phải lưu ý, đó là: Quy định sẽ góp phần nâng cao khả năng, hiệu quả phát hiện, điều tra tội phạm, phòng, chống tham nhũng, nhưng phải làm thế nào để không lạm dụng biện pháp này, không xâm phạm quyền tự do riêng tư, quyền con người là vấn đề quan trọng.

Phải có hướng dẫn thật cụ thể đối tượng và trường hợp nào, bối cảnh nào cần áp dụng, nếu áp dụng tràn lan thì người dân sẽ bị xâm phạm quyền tự do riêng tư. Luật quy định ngắn gọn nên quá trình triển khai, cơ quan có trách nhiệm phải hướng dẫn cụ thể ngay, vì đây là chế định mới. Viện Kiểm sát phải tăng cường kiểm sát việc áp dụng những biện pháp này; Tòa án khi xét xử cũng vậy, cần xem xét các chứng cứ có trong vụ án có được thu thập theo đúng quy định hay không? Tuy nhiên, vai trò của người trực tiếp làm vẫn là quan trọng nhất. Các Điều tra viên, Kiểm sát viên căn cứ trường hợp cụ thể để có đề xuất áp dụng biện pháp này, tất nhiên không phải cứ đề xuất là được chấp nhận và người có trách nhiệm phải xem xét, xử lý vấn đề này.

Thứ hai, cần xem xét nên hay không nên bổ sung thêm hai biện pháp theo dõi bí mật và sử dụng cộng tác viên bí mật.

Chẳng hạn như trong vụ bắt cóc, người mẹ mang tiền ra điểm hẹn để đưa cho bọn bắt cóc để chuộc con thì phải bố trí theo dõi bí mật, tìm chứng cứ. Rồi đấu tranh chống các tổ chức tội phạm rất cần cộng tác viên trong chính tổ chức tội phạm ấy. Bộ luật Hình sự miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội nhưng tự thú và khai báo, góp phần tích cực phát hiện, điều tra tội phạm. Vậy có nên luật hóa biện pháp theo dõi bí mật và sử dụng cộng tác viên bí mật không? Đây là những biện pháp mà trên thực tế lực lượng chức năng đã và đang làm. Theo tác giả, cần nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp này vào BLTTHS vì tính hiệu quả,  cũng như sự cần thiết trong cuộc đấu tranh với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Kết luận

Mặc dù các biện pháp điều tra đặc biệt là một chế định mới, nhưng về cơ bản tương đối rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuận lợi trong quá trình áp dụng, vừa đảm bảo giải quyết vụ án đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, vừa đảm bảo quyền con người, các cơ quan chức năng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, cũng như nghiên cứu thêm để hoàn thiện chế định này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Luật số 101/2015/QH13: Bộ luật Tố tụng hình sự, ban hành ngày 27 tháng 11 năm 2015.
  2. Liên hợp quốc (2003). Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, ban hành ngày 31 tháng 10 năm 2003.
  3. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (2020). Báo cáo tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Hà Nội.

REGULATIONS ON SPECIAL INVESTIGATIVE MEASURES

IN THE 2015 CRIMINAL PROCEDURE CODE:

SOME THEORETICAL AND PRACTICAL ISSUES

• Master. PHAM THANH TU

Faculty of Law, Ho Chi Minh City Open University

ABSTRACT:

Special investigative measures are stipulated in new regulations of the 2015 Criminal Procedure Code. The law stipulates types of measures, types of case situation to use these special investigative measures, procedures, length of application, etc. In order to enhance the effectiveness of enforcing regulation on using special investigative measures, it is necessary to have guidances and make some amendments for these regulations.

Keywords: special investigative measures, secret video recording, secret phone call recording, electronic data, the 2015 Criminal Procedure Code.

 [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]