Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU EVFTA có hiệu lực

THS. PHẠM THỊ THÙY VÂN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết ngày 30/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 hứa hẹn mang lại những cơ hội vô cùng lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có các mặt hàng thủy sản. Tuy nhiên, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng phải nhìn nhận đúng và có những thay đổi kịp thời để tận dụng cơ hội và đối đầu với thách thức. Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Từ khóa: hiệp định thương mại tự do, Việt Nam - EU, EVFTA, cơ hội, thách thức, xuất khẩu, thủy sản.

1. Đặt vấn đề

Trong xu hướng toàn cầu hóa như hiện nay, việc đàm phán để ra nhập các tổ chức thương mại khu vực và thế giới là nỗi lực lớn của chính phủ Việt Nam, nhằm mang lại những cơ hội phát triển cho nền kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng. Đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương. Tính đến tháng 1/2021, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực, và 3 FTA đang đàm phán (Bảng 1). Việt Nam đã chủ động hơn trong việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định ngoài khuôn khổ của thành viên ASEAN như trước đây. Mức độ cam kết trong các hiệp định cũng ngày càng sâu rộng hơn. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kỳ vọng sẽ có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Cùng với da giày, dệt may và nông sản thủy sản là một trong những ngành sản xuất được kỳ vọng sẽ nhận được nhiều ưu đãi nhất từ EVFTA, từ đó sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với EU tăng lên khi hiệp định có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong những năm vừa qua, ngành Thủy sản đã đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đóng góp hiệu quả cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho trên bốn triệu lao động, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư khắp các vùng nông thôn, ven biển, đồng bằng, trung du, miền núi…, đồng thời góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc phòng trên vùng biển đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay, ngành Thủy sản của chúng ta cũng gặp phải những khó khăn nhất định: Biến đổi khí hậu diễn ra theo chiều hướng xấu làm cho việc nuôi trồng thủy sản khó khăn hơn dẫn đến khan hiếm nguồn nguyên liệu, các rào cản về thương mại như luật chống bán phá giá, các khâu kiểm định trước khi nhập khẩu vào các nước Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… ngày càng khắt khe, làm cho tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản gặp không ít khó khăn. Do đó, việc ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA với liên minh châu Âu EU được coi là một điểm sáng, và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản lượng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu với một loạt những ưu đãi chưa từng có ở những EVFTA đã ký kết trước đây rất nhiều. Theo thống kê hiện nay, những doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu lớn ở nước ta có hơn 200 doanh nghiệp thủy sản đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường châu Âu, trong đó phải kể đến top 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất. (Xem Bảng) 

Bảng. Top 10 DN xuất khẩu thủy sản lớn nhất hiện nay

Tên doanh nghiệp

Mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú

Tôm sú, tôm thẻ trắng

Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn

Cá tra, cá basa

Công ty Cổ phần Hùng Vương

Cá tra, cá basa

Công ty xuất nhập khẩu thủy sản An Giang

Cá tra, cá basa

Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam

Tôm sú, tôm thẻ trắng

Công ty Cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau

Tôm sú, tôm thẻ trắng

Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Quý

Cá tra, cá basa

Công ty TNHH MTV Nông súc sản xuất nhập khẩu Cần Thơ

Cá tra, cá basa

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Miền Trung

Tôm sú, tôm thẻ trắng

Công ty TNHH Kinh doanh chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt

Tôm sú, tôm thẻ trắng

Nguồn: VASEP

Trước khi ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA, EU cũng là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, đứng thứ 3 sau Mỹ và Nhật Bản. Thị trường này luôn chiếm trên 17-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam; trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%. (Xem Hình)

Tuy nhiên, vào ngày 23/10/2017, Việt Nam bị EU phạt thẻ vàng IUU, giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này đã giảm nhiều. Cụ thể năm 2018, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 390 triệu USD, giảm 7% so với năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hải sản sang EU đạt 251 triệu USD, giảm 0,3% so với cùng kì năm trước. Do đó, việc EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 được coi là một cú huých lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng.

2. Những cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực

Thứ nhất, EU là một thị trường lớn và tiềm năng với 28 quốc gia thành viên và dân số trên 500 triệu người, tổng GDP trên 15.000 tỷ USD, chiếm khoảng 22% GDP của toàn thế giới. Bình quân thu nhập tính theo đầu người của các quốc gia EU khá cao so với thế giới, với đặc thù người dân rất thích dùng các mặt hàng thực phẩm từ thủy sản nên đây được xem như một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ. Thêm vào đó, việc EU áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác và đánh bắt thủy sản do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và tài nguyên biển thì chắc chắn rằng với Việt Nam, EU vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng lớn nếu sản phẩm thủy sản của chúng ta đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường này.

Thứ hai, việc EVFTA có hiệu lực đồng nghĩa với mức cắt giảm thuế về 0% tương ứng với 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Hiện nay, các mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế lên đến 10,8%. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, trong đó có mặt hàng thủy sản, sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU.

Thứ ba, việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa chiến lược của EU vào Việt Nam sẽ giúp nâng cao kỹ thuật ngành Công nghiệp và từ đó đẩy mạnh hiệu quả sản xuất và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp Việt Nam có được những sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp hơn và có nhiều lựa chọn hơn đối với các nhà cung cấp, trong đó có ngành Thủy sản.

Từ những nhận định trên có thể khẳng định, Hiệp định EVFTA sẽ tạo cơ hội đối với xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thủy sản Việt Nam phải chịu nhiều thách thức cam go khi thâm nhập thị trường này.

3. Những thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam phải đối mặt khi EVFTA có hiệu lực

Một là, EU chủ yếu gồm các quốc gia phát triển có mức sống cao, nhu cầu tiêu dùng, trong đó đặc biệt là thực phẩm, đang thay đổi mạnh. Tuy nhiên, các nước này lại có những yêu cầu về rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), quy định về vệ sinh dịch tễ và kiểm định vệ sinh động thực vật (SPS) rất khắt khe. Vì vậy, muốn xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ để đảm bảo sản phẩm đáp ứng những yêu cầu đó.

Hai là, hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt và khốc liệt hơn với hàng thủy sản tại chỗ của các nước EU như Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ,… và các nước xuất khẩu thủy sản mạnh và nhiều kinh nghiệm trong thị trường EU như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Canada, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).

Ba là, những đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ, vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng là trở ngại lớn đặt ra cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường EU. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) cần xây dựng hệ thống quy tắc xuất xứ đơn giản, linh hoạt, phù hợp với tình hình Việt Nam và cho phép Việt Nam được hưởng các lợi ích chính đáng từ EVFTA sẽ là điều kiện tiên quyết cần đảm bảo.

Như vậy, có thể thấy, EVFTA có hiệu lực chắc chắn sẽ đem lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói riêng. Tuy có nhiều thách thức, nhưng nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt và đầy đủ, việc vượt qua những khó khăn để tận dụng triệt để những ưu đãi mà EVFTA mang lại sẽ góp phần nâng cao thị phần thủy sản của Việt Nam ở thị trường EU và đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2020), Những điều cần biết về EVFTA.
  2. Tổng cục Hải quan (2019). Tình hình xuất khẩu thủy sản năm 2019.
  3. Trung tâm Thương mại WTO, Văn kiện Hiệp định EVFTA, EVIPA và các tóm tắt từng chương.
  4. Trung tâm WTO và hội nhập, Hóa giải thách thức và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA.
  5. VASEP (2019). Báo cáo thị trường thủy sản khu vực châu Âu năm 2019.

 Opportunities and challenges brought by the European Union - Vietnam Free Trade Agreement to Vietnamese seafood exporters

Master. Pham Thuy Van

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

The European Union - Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) which was signed on June 30, 2019 and came into force on August 1, 2020 is expected to bring enormous opportunities for Vietnam's exports, including the seafood sector. However, this free trade agreement also brings great challenges to Vietnamese companies, requiring Vietnamese exporters in general and seafood exporters in particular to recoginze and effectively tackle these challenges. This paper analyzes opportunities and challenges brought by the EVFTA to Vietnamese seafood exporters.

Keywords: free trade agreement, Vietnam - EU, EVFTA, opportunities, challenges, exports, seafood.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2021]