Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long

THS. NGUYỄN VƯƠNG (Giảng viên chính, Phó Trưởng khoa - Khoa Kinh tế - Du lịch, Trường Đại học Kiên Giang) - PGS.TS. NGUYỄN VĂN MẠNH   (Nguyên Trưởng khoa Khoa Du lịch và Khách sạn  - Trường Đại học Kinh tế quốc dân)

TÓM TẮT:

Bài viết nhằm công bố nghiên cứu việc xây dựng mô hình đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) bằng phương pháp thang đo điểm tổng hợp kết hợp với phương pháp phân tích thứ bậc (AHP). Theo đó, nghiên cứu đã phát hiện thực trạng của các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững vùng ĐBSCL. Nhờ vậy, các bên liên quan có thể tham khảo để xây dựng các chính sách và quy hoạch phát triển du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và công tác quy hoạch phát triển du lịch, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững du lịch vùng ĐBSCL.

Từ khóa: phân tích thứ bậc, du lịch bền vững, phát triển du lịch bền vững, Đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong 7 vùng trọng điểm về du lịch trong cả nước, gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long và Sóc Trăng; với diện tích khoảng 40.816,39 km2, dân số gần 17.273.630 người (Tổng cục Thống kê, 2020). Nơi đây gắn liền với lịch sử của một thời đi khai hoang, mở cõi của cha ông, vùng có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn phong phú,... Đây là những yếu tố giúp du lịch vùng ĐBSCL xây dựng được các sản phẩm du lịch đa dang, phong phú, hấp dẫn du khách [1].

Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, trong năm 2019, ngành Du lịch vùng ĐBSCL đã đón 46.305.832 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 13,65% so với năm 2018. Trong đó, số lượng du khách quốc tế là 3.505.777 lượt khách - tăng 2,50% so với năm 2018, số lượng du khách nội địa là 42.800.055 lượt khách - tăng 14,67% so với năm 2018. Doanh thu du lịch đạt 40.317 triệu đồng - tăng 69,52% so với 2018. Để đạt được kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của các bên liên quan trong ngành Du lịch đã liên kết, hợp tác nhằm tăng cường xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật,…. góp phần vào sự phát triển du lịch của vùng [2].

Tuy nhiên, ngành Du lịch vùng ĐBSCL đang gặp một số khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững của vùng. Cụ thể, số lượt du khách quốc tế đến vùng ĐBSCL chỉ đứng thứ 4 sau các vùng Đồng bằng sồng Hồng, vùng Đông Nam bộ và vùng duyên hải Nam Trung bộ. Các tour du lịch về miền Tây chiếm chưa tới 10% so với tổng tour nội địa, lượng khách nội địa chọn tour về ĐBSCL ngày càng sụt giảm nghiêm trọng so với cả nước (tốc độ tăng bình quân của du khách nội địa giai đoạn 2011 - 2016 chỉ đạt 9,9% so với 17,2% của cả nước). Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch, năm 2016, tổng doanh thu từ khách du lịch của toàn vùng ĐBSCL chỉ đạt 11.305 tỷ đồng - chiếm khoảng 2,83% so với cả nước. Kết quả này cho thấy, về số lượt du khách đến với ĐBSCL đạt mức trung bình so với các vùng du lịch khác; tuy nhiên, lại xếp ở vị trí cuối cùng về doanh thu từ ngành Du lịch. Chứng tỏ, chi tiêu của khách du lịch tại vùng còn rất thấp, ngành Du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Hiện nay, ngành Du lịch vùng ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức trong quá trình phát triển “nóng” như: Sản phẩm du lịch còn trùng lặp, chưa mang tính đặc thù; ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp; điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch chưa đáp ứng kịp thời; việc khai thác, bảo tồn và tôn tạo tài nguyên du lịch còn tồn tại nhiều yếu kém,... Đây là những thách thức đối với sự phát triển du lịch bền vững của vùng nếu không kiểm soát được các tiêu chí bền vững.

Trước những vấn đề thực tiễn đặt ra và nhằm đạt những mục tiêu phát triển bền vững ngành Du lịch, rất cần một nghiên cứu đánh giá sự phát triển du lịch bền vững vùng ĐBSCL, qua đó phát huy các nhân tố có tác động tốt, tác động tích cực; đồng thời hạn chế, khắc phục những tác động xấu đến sự phát triển của ngành Du lịch vùng ĐBSCL.

2. Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết về phát triển bền vững xuất hiện khoảng những năm 80 của thế kỷ XX. Theo quan điểm của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) đưa ra năm 1980, nội dung thuật ngữ “phát triển bền vững” rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế, mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học" [3].

Một trong những cơ sở đầu tiên cho việc đánh giá tính bền vững của du lịch là sự ra đời của Thước đo sự bền vững (Barometer of Sustainability), được phát triển bởi Prescott-Allen & IUCN (1996) [4]. Thang đánh giá của công cụ này được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu của Ko (2001), Tsaur (2005), Lin & Lu (2012) và các nghiên cứu đánh giá sự bền vững ở nhiều lĩnh vực khác. Các nhà nghiên cứu có nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá, trong đó có phương pháp giản đơn như sự áp dụng thang đo 5 điểm của D. Rio (2012) đến các lý thuyết và kỹ thuật khá phức tạp như: Lý thuyết mờ (Lin, 2012); Lý thuyết hệ thống xám (Wang, 2014); Dấu chân sinh thái (Li, 2011). Mặc dù có áp dụng cách đánh giá nào thì nhìn chung các nghiên cứu đều phải được thực hiện dựa trên một (hoặc nhiều) thang đo tính bền vững, được xác định rõ ràng các tiêu chí và các biến đo lường (biến thang đo).

Công trình “Principles and practice of sustainable tourism planning” (Nguyên tắc và thực hành kế hoạch du lịch bền vững) của Daniela Dumbraveanu: Tài liệu làm rõ một số nội dung lý thuyết chung về phát triển du lịch bền vững trong đó tập trung phân tích các quan điểm về phát triển du lịch bền vững, các khía cạnh cần có để du lịch được gọi là bền vững, phân biệt giữa du lịch bền vững và du lịch đại chúng; hệ thống và đề xuất 6 nhóm nguyên tắc của du lịch bền vững, bao gồm: (1) Giảm thiểu tác động đến môi trường; (2) Giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng địa phương để bảo đảm tính bền vững về xã hội; (3) Giảm thiểu tác động tiêu cực đến văn hóa, truyền thống của các địa phương để bảo đảm sự bền vững về văn hóa; (4) Tối đa hóa lợi ích kinh tế của cư dân địa phương; (5) Thông tin, giáo dục nhận thức đến doanh nghiệp, du khách, chính quyền và người dân địa phương để cải thiện thái độ đối với môi trường; (6) Phát huy vai trò tham gia, kiểm soát của cộng đồng địa phương đối với các hoạt động du lịch [5].

Cuốn sách “Indicators of Sustainable Development for Tourism Destinations” (Bộ chỉ số phát triển bền vững cho các điểm đến du lịch) do WTO ấn hành [6]: Nội dung tài liệu phân tích về sự cần thiết xây dựng và ứng dụng chỉ số phát triển bền vững cho các điểm đến du lịch; hướng dẫn một quy trình để có thể xác định các chỉ số đáp ứng tốt nhất các vấn đề của điểm du lịch cụ thể; đề xuất một bộ 13 nhóm với trên 40 chỉ số cụ thể phát triển bền vững tại các điểm đến du lịch, bao gồm các nhóm chỉ số liên quan đến an sinh, duy trì bản sắc văn hóa, sự hài lòng và tham gia của cộng đồng bản địa trong du lịch, yếu tố sức khỏe và an toàn, khả năng nắm bắt lợi ích kinh tế từ du lịch, công tác giám sát sử dụng tài nguyên và quản lý năng lượng, việc hạn chế tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch, trình độ kiểm soát và quản lý, việc thiết kế sản phẩm và dịch vụ, tính bền vững của các hoạt động và dịch vụ du lịch.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự phát triển du lịch bền vững tại ĐBSCL, dựa trên các tiêu chí phát triển du lịch bền vững của Hội đồng du lịch bền vững toàn cầu (Tiêu chuẩn du lịch bền vững GSTC, 2016) và thang đánh giá mức độ bền vững (Barometer of Sustainability), được đề xuất bởi Prescott-Allen và IUCN, 1996 [4],[7].

Từ việc thực hiện tổng quan, nghiên cứu tiến hành thảo luận và tham khảo các chuyên gia để xác định những tiêu chí quan trọng trong sự phát triển du lịch bền vững của ĐBSCL sao cho các tiêu chí đó là phù hợp với lý luận chung và địa bàn nghiên cứu. Theo đó, 9 nhóm tiêu chí lớn đã được lựa chọn trong Bảng 1. Đối với việc lựa chọn các chỉ số, tác giả đã sử dụng phương pháp Delphi để phản ánh ý kiến của các chuyên gia.

Bảng 1. Bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững

vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Tiêu chí

Biến đo lường

Kinh tế

1. Phát triển du lịch được quy hoạch phù hợp với phát triển kinh tế chung của vùng

2. Phát triển du lịch của vùng góp phần hỗ trợ kinh tế địa phương phát triển

3. Phát triển du lịch mang lại lợi ích kinh tế cho địa phương

4. Phát triển du lịch có thể hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương

5. Phát triển du lịch góp phần xóa, giảm đói nghèo ở địa phương

Văn hóa - Xã hội

1. Người dân địa phương được đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng về du lịch

2. Nhiều người dân di cư đến các đô thị tìm việc làm

3. Phát triển du lịch bảo tồn được các đặc trưng văn hóa địa phương

4. Phát triển du lịch gia tăng mâu thuẫn văn hóa giữa cộng đồng địa phương và du khách

5. Du lịch truyền tải được các văn hóa địa phương cho du khách

6. Từ khi có hoạt động du lịch, các điểm di tích lịch sử - văn hóa càng được trùng tu và tôn tạo

7. Người dân địa phương thay đổi văn hóa truyền thống do tiếp nhận văn hóa của khách du lịch

8. Các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương bị thay đổi so với dạng nguyên thủy

Môi trường

1. Có nhiều danh lam, thắng cảnh tự nhiên nên hấp dẫn du khách

2. Phát triển du lịch vẫn duy trì được tính đa dạng của tự nhiên

3. Phát triển du lịch vùng không sử dụng quá mức tài nguyên và chất thải

4. Phát triển du lịch vẫn bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên

5. Phát triển du lịch của vùng có tầm nhìn dài hạn về bảo vệ môi trường

6. Môi trường nước và không khí đảm bảo sự yên tâm cho du khách

Cơ sở vật chất - kỹ thuật

1. Hệ thống giao thông của vùng thuận tiện cho phát triển du lịch

2. Hệ thống cung cấp phân phối điện và cung cấp nước của vùng đầy đủ

3. Hệ thống vệ sinh của vùng đáp ứng nhu cầu của du khách

4. Hệ thống cơ sở lưu trú của vùng đáp ứng nhu cầu của du khách

5. Các cơ sở vui chơi, giải trí và thư giãn đa dạng, phong phú

6. Hệ thống các nhà hàng ăn uống đáp ứng nhu cầu của du khách

7. Phương tiện vận chuyển du khách đa dạng, dễ tiếp cận

8. Hệ thống thông tin liên lạc của vùng đáp ứng nhu cầu của du khách

9. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt

Thể chế & Chính sách

1. Nhà nước luôn có chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn, rõ ràng và minh bạch trong phát triển du lịch

2. Quản lý nhà nước về du lịch luôn hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững

3. Nhà nước có chính sách cho mọi thành phần kinh tế tham gia vào phát triển du lịch

4. Người dân được tham gia giám sát các hoạt động du lịch tại địa phương

5. Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và người dân trong việc tổ chức các hoạt động du lịch

6. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích người dân phát triển du lịch theo hướng bền vững

An ninh & An toàn

1. Từ khi có hoạt động du lịch, tệ nạn xã hội có xu hướng tăng

2. Tình hình an ninh xã hội ổn định và an toàn tuyệt đối

3. An toàn vệ sinh thực phẩm

4. Hệ thống và quy định về an toàn của cơ sở kinh doanh du lịch đảm bảo và đúng tiêu chuẩn

5. Có hệ thống ứng phó cấp cứu, cứu hộ cứu nạn trên không, trên bộ và trên biển

6. An ninh, an toàn xã hội tại các điểm đến du lịch

Nhân lực du lịch

1. Nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn, kỹ thuật

2. Nguồn nhân lực du lịch có phong cách làm việc chuyên nghiệp

3. Nguồn nhân lực du lịch có kỹ năng giao tiếp tốt

4. Nguồn nhân lực du lịch có năng lực ngoại ngữ

5. Nguồn nhân lực du lịch được đào tạo nâng cao

Cộng đồng & Các bên liên quan

1. Doanh nghiệp đáp ứng tức thì nhu cầu của du khách

2. Các hoạt động xúc tiến du lịch của doanh nghiệp rất đa dạng

3. Giá cả dịch vụ cung cấp hợp lý

4. Khả năng hiểu và đáp ứng nhu cầu của du khách rất tốt

5. Các tổ chức cung cấp dịch vụ rất uy tín (đảm bảo về thời gian, số lượng, dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng,...)

6. Du khách có thể tiếp cận dịch vụ du lịch thuận tiện

7. Khách du lịch sẵn sàng trở lại địa phương du lịch lần tiếp theo

8. Cộng đồng dân cư địa phương hài lòng với sự phát triển du lịch mang lại

Biến đổi khí hậu

1. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn

2. Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch

3. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sự phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch

4. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến các đơn vị cung ứng hoạt động du lịch

5. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của du khách

6. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến nghề nghiệp và sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương

Nguồn: Tổng hợp và đề xuất của tác giả

Bảng câu hỏi được thiết kế riêng cho từng đối tượng để thu thập số liệu sơ cấp theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện ở các doanh nghiệp du lịch vùng ĐBSCL trong khoảng thời gian từ tháng 09/2019 đến 12/2019. Cụ thể, nghiên cứu tiến hành khảo sát 128 du khách đã đi du lịch vùng ĐBSCL, 236 người dân và 15 cán bộ du lịch của địa phương.

3.2. Phương pháp phân tích thứ bậc

Phương pháp phân tích thứ bậc (Analytic Hierachy Process - AHP) được đề xuất bởi Thomas L.Saaty vào năm 1977 nhằm giải quyết các vấn đề ra quyết định đa tiêu chí và đã được mở rộng, bổ sung cho đến nay. Phương pháp AHP là một phương pháp trực quan và tương đối dễ dàng để xây dựng và phân tích quyết định (Harker, 1989), một công cụ cho phép nhìn rõ các tiêu chí thẩm định và cũng là một phương pháp quyết định nhiều thuộc tính, trong đó đề cập đến một kỹ thuật định lượng (DeSteiguer, 2003). Phương pháp AHP giải quyết những vấn đề không có cấu trúc trong hoạt động kinh tế, xã hội và khoa học quản lý. Nó cung cấp một phương pháp ra quyết định đa tiêu chuẩn đơn giản, nhưng có cơ sở lý thuyết trong việc đánh giá các phương án. Nó giúp phân loại mức độ ưu tiên tương đối cho các phương án được đưa ra dựa trên một mức tỉ lệ. Mức tỉ lệ này dựa trên phán đoán của người ra quyết định và mức độ quan trọng của các phán đoán đó, cũng như tính nhất quán trong việc so sánh các phương án trong quá trình ra quyết định. Tuy nhiên, trong khuôn khổ nghiên cứu này, AHP được sử dụng để xác định mức độ ưu tiên (trọng số) cho các tiêu chí đã có [8].

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Đánh giá chung sự phát triển du lịch bền vững vùng ĐBSCL

Dựa vào công thức tính điểm bền vững của mục tiêu (Goal) và các tiêu chí lớn (Criteria) đã được tính toán dựa trên kết quả đánh giá từ thang đo và trọng số của các tiêu chí [8]. Các tiêu chí thành phần và các chỉ số/thang đo cũng được đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu. (Hình 1)

Kết quả cho thấy, tất cả các mức điểm sự bền vững nằm trong 4 khoảng: (1) Từ 41- 60 (Trung bình); (2) Từ 61-80 (Bền vững tiềm năng); (3) Từ 81 – 100 (Bền vững); và (4) Từ 21 - 40 (Không bền vững tiềm tàng). Cụ thể, các tiêu chí Kinh tế có điểm bền vững là 85,86 - đạt trạng thái bền vững. Tiêu chí Văn hóa - Xã hội có điểm bền vững là 65,41; tiêu chí Cơ sở vật chất - kỹ thuật đạt 65,98; tiêu chí Nhân lực du lịch đạt 78,92; và tiêu chí Cộng đồng đạt 69,32. Theo đó, 4 nhóm tiêu chí này có điểm số nằm ở mức bền vững tiềm năng. Nhóm tiêu chí Biến đổi khí hậu đạt 42,66 - đây là mức bền vững trung bình. Cuối cùng, tiêu chí Môi trường đạt điểm rất thấp - 38,56 - điểm số này chứng tỏ sự phát triển du lịch vùng ĐBSCL không bền vững về môi trường.

Điểm bền vững chung của cả mô hình phát triển du lịch tại vùng ĐBSCL là 6,58. Từ đó có thể kết luận, mô hình du lịch này đạt trạng thái bền vững tiềm năng. Bền vững tiềm năng được hiểu là khả năng đạt được trạng thái bền vững trong tương lai và đang duy trì một cách ổn định các yếu tố tạo nên sự bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch vùng ĐBSL vẫn chưa chạm đến mức bền vững tiềm năng cần thiết (70 điểm).

4.2. Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của nhóm tiêu chí Kinh tế

Về khía cạnh Kinh tế có mức độ điểm bền vững chung là 85,86 điểm - đây là trạng thái bền vững. Điều này khẳng định sự phát triển du lịch vùng ĐBSCL đã và đang cho thấy những tác động thật sự tích cực đối với người dân sinh sống tại đây. Tất cả người dân địa phương được khảo sát đều cho biết du lịch giúp gia đình họ có thu nhập ổn định, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động.

Mặc dù lợi ích kinh tế của du lịch là chắc chắn nhưng theo khảo sát ý kiến của người dân địa phương về chính sách kinh tế lại chưa có được sự đồng thuận của đa số người dân. Sự hợp lý của chính sách thuế và phí cho du lịch chỉ được đánh giá ở mức trung bình và chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt kinh tế, sự phàn nàn của họ tập trung vào chính sách thuế, phí không hợp lý và cân xứng với sự hỗ trợ của Nhà nước cho việc làm du lịch, điều này dễ hiểu bởi Nhà nước bắt đầu thực hiện thu thuế chỉ khi du lịch tại đây đã phát triển, sự hỗ trợ của Nhà nước cho người dân phát triển du lịch là rất hạn chế.

4.3. Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của nhóm tiêu chí Văn hóa - Xã hội

Kết quả cho thấy, tất cả các mức điểm sự bền vững của nhóm tiêu chí Văn hóa - Xã hội là 65,41 điểm - đây là trạng thái bền vững tiềm năng. Điều này chứng tỏ, sự phát triển của du lịch đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư, tạo việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo, đóng góp kinh tế cho cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, danh lam, thắng cảnh; tạo nhiều cơ hội giáo dục cho cộng đồng cư dân địa phương.

Bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển du lịch cũng làm cho văn hóa đặc trưng của cộng đồng địa phương ngày càng mai một. Điều này phản ánh qua khảo sát ý kiến về mức độ bảo tồn văn hóa đặc trưng địa phương chưa được đánh giá cao, chứng tỏ sự phát triển du lịch vùng ĐBSCL không bền vững về bảo tồn văn hóa đặc trưng của cộng đồng địa phương.

4.4. Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của nhóm tiêu chí Môi trường

Điểm bền vững chung của tiêu chí Môi trường chỉ đạt 38,56 điểm điểm - đây là trạng thái không bền vững tiềm tàng. Cụ thể, các tiêu chí ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên tự nhiên đều đạt kết quả thấp.

Thực tế cho thấy, rất nhiều bãi biển, rừng phòng hộ,… đã bị lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng thành nhà hàng, khách sạn, bãi đỗ xe cho du khách và các công trình bê tông xuất hiện ngày càng nhiều làm ảnh hưởng lớn tới cảnh quan của huyện đảo, ngoài ra số lượng cây xanh giảm nhiều khiến hình ảnh du lịch vùng ĐBSCL không còn đẹp như trước đây. Ý thức của người dân và khách du lịch về môi trường chưa cao, hầu hết các ý kiến đều cho rằng khách du lịch nước ngoài có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung so với khách du lịch nội địa. Trong khi đó nhận thức về việc bảo vệ môi trường từ phía chính quyền và cộng đồng địa phương là khá tốt, người dân thường xuyên được nhắc nhở về vấn đề môi trường,...

4.5. Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của nhóm tiêu chí Cơ sở vật chất – kỹ thuật

Tất cả các mức điểm sự bền vững của nhóm tiêu chí Cơ sở vật chất kỹ thuật là 65,98 điểm - đây là trạng thái bền vững tiềm năng. Điều này chứng tỏ, sự phát triển của du lịch đã góp phần cải thiện hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật của Vùng. Hệ thống giao thông - vận tải phát triển đồng bộ, hiện đại, thuận tiện cho du khách dễ dàng tiếp cận các điểm đến. Bên cạnh đó, hệ thống bưu chính - viễn thông, liên lạc được đầu tư và xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời 4.0.  Theo khảo sát, hiện nay hệ thống cung cấp điện, nước của vùng tương đối đầy đủ, thuận tiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống - xã hội; hệ thống cung cấp các dịch vụ hỗ trợ gián tiếp như: Tài chính, thương mại, giáo dục, y tế,… đang từng bước đa dạng và có chất lượng cao hơn.

4.6. Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của nhóm tiêu chí Thể chế & Chính sách

Mức điểm sự bền vững của nhóm tiêu chí Thể chế & Chính sách là 82,58 điểm - đây là trạng thái bền vững. Điều này chứng tỏ, Nhà nước và các cơ quan quản lý luôn quan tâm đến sự phát triển du lịch của Vùng, công tác xây dựng đường lối, chính sách và quy hoạch phát triển du lịch được chú trọng. Tuy nhiên, theo khảo sát, trình độ quản lý của Nhà nước về du lịch còn yếu kém, các chính sách về thuế chưa phù hợp,... làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững của Vùng.

4.7. Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của nhóm tiêu chí An ninh và An toàn

Mức điểm sự bền vững của nhóm tiêu chí An ninh và An toàn là 52,58 điểm - đây là trạng thái bền vững ở mức trung bình. Điều này chứng tỏ, các tác động tiêu cực trong quá trình phát triển du lịch như: Vấn đề an ninh trật tự tại địa phương, vấn đề về người nhập cư, vấn đề về giá cả sinh hoạt… đã bắt đầu xuất hiện. Kết quả khảo sát cho thấy, du lịch đã làm hàng hóa trở lên khan hiếm và tăng giá gây khó khăn cho đời sống người dân địa phương, nhất là vào mùa du lịch cao điểm, có 63,1% người tham gia khảo sát đồng ý với nhận định này. Ý kiến của người dân về việc du lịch làm tăng tỷ lệ tội phạm cũng tương đối cao, với 74,7% số người đồng ý.

4.8. Đánh giá sự phát triển du lịch bền vững của nhóm tiêu chí Nhân lực du lịch

Mức điểm sự bền vững của nhóm tiêu chí Nhân lực du lịch là 78,92 điểm - đây là trạng thái bền vững tiềm năng. Theo khảo sát, hiện nay nhu cầu lao động du lịch là rất lớn, tuy nhiên chất lượng lao động chưa đủ đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc. Các dự án du lịch có quy mô lớn và cơ sở lưu trú du lịch hạng sang đi vào hoạt động đã thúc đẩy hình thành đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, nhân viên nghiệp vụ lành nghề tại vùng ĐBSCL. Mặt khác, các dự án du lịch có vốn đầu tư nước ngoài đã thu hút một số lao động người nước ngoài có tay nghề cao, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm quản lý kinh doanh du lịch ở tầm quốc tế. Tuy nhiên, lao động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch tăng nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ cán bộ quản lý kinh doanh du lịch thiếu, không theo kịp nhu cầu. Chất lượng lao động nghiệp vụ ở các doanh nghiệp du lịch còn nhiều hạn chế. Lao động chưa được đào tạo chiếm tới 40,04% trong tổng số lao động. Trình độ ngoại ngữ nói chung còn thấp, tính chuyên nghiệp còn hạn chế.

4.9. Đánh giá trạng thái bền vững theo tiêu chí Cộng đồng & Các bên liên quan

Kết quả đánh giá cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện để giúp cho mô hình du lịch vùng ĐBSCL bền vững. Cụ thể, nghiên cứu đã phỏng vấn một số khách du lịch, theo đánh giá của họ người dân địa phương thường không chủ động trong việc tương tác với khách du lịch và không thể hiện được sự niềm nở cần thiết.

Theo đó, các vấn đề về năng lực thực hiện du lịch của cộng đồng địa phương đã được quan tâm một cách đúng mực. Người dân địa phương đánh giá cao về lợi ích của các khóa học này đối với công việc của gia đình họ với 73,45 điểm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức họp tiếp thu ý kiến người dân và nhận được phản hồi tích cực (73,45 điểm - Tốt). Ở khía cạnh này còn cho thấy một tiêu chí thành phần được đánh giá với số điểm cao nhất, đó là Sức tải du lịch với - 63,29 điểm, rất tốt. Thực tế, khách du lịch đến thăm quan vùng ĐBSCL ngày càng đông nhưng khả năng phục vụ một lượng khách rất lớn vào ngày cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ vẫn được đảm bảo. Cuối cùng, nằm trong nhóm các tiêu chí về hỗ trợ làm du lịch cho người dân địa phương thì Hỗ trợ khác của Nhà nước là chỉ tiêu được đánh giá ở mức thấp nhất - chỉ đạt 15,54 điểm (rất kém).

4.10. Đánh giá trạng thái bền vững theo tiêu chí Biến đổi khí hậu

Mức điểm sự bền vững của nhóm tiêu chí Biến đổi khí hậu là 42,66 điểm - đây là trạng thái bền vững ở mức độ trung bình. Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là một mối quan tâm lớn, ảnh hưởng đến phát triển du lịch, tác động của nó đến cảnh quan cũng ảnh hưởng đến nhu cầu của du khách và các bên liên quan. Theo khảo sát, hầu hết các loại hình du lịch tại vùng ĐBSCL hiện nay phần lớn đều phụ thuộc vào điều kiện khí hậu đặc biệt như các tour biển, du lịch MICE, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh,...Vùng ĐBSCL nói chung là một thị trường du lịch tiềm năng với nhiều cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên phong phú, hội tụ tinh hoa lịch sử và di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch khám phá,... Để ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Chính phủ đã triển khai hàng loạt các giải pháp hiệu quả, toàn diện cho sự phát triển du lịch nhằm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân địa phương, phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa vừa thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.

5. Kết luận

Nghiên cứu thực hiện đánh giá phát triển du lịch bền vững của du lịch vùng ĐBSCL nhằm phát hiện các khía cạnh thiếu bền vững. Từ đó, tác giả đề xuất phương án cải thiệncụ thể nhưsau:

Thứ nhất, sự phát triển du lịch vùng ĐBSCL là một mô hình khá thành công và có mức độ bền vững tiềm năng nhưng chưa đáp ứng tốt tất cả các yếu tố bền vững. Trong đó, yếu tố Môi trường được đánh giá là không bền vững, điều này cũng phù hợp với hiện trạng môi trường ĐBSCL ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. 3 tiêu chí đạt được mức độ bền vững tiềm năng là Kinh tế, Văn hóa - Xã hội và Cộng đồng & Phát triển du lịch. Các phương án cải thiện tính bền vững của các khía cạnh trên phải được quan tâm cả trong ngắn hạn và lâu dài.

Thứ hai, mặc dù 2 khía cạnh Kinh tế và Văn hóa - Xã hội được đánh giá là có khả năng bền vững trong tương lai nhưng điều cấp thiết vẫn phải cải thiện là các yếu tố chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển như chính sách thuế phí, hệ thống cấp tải điện và đóng góp kinh tế cho bảo tồn di sản nhân văn. Bên cạnh đó, các yếu tố văn hóa nguyên bản có nguy cơ mai một ngày càng nhiều khiến cho các khía cạnh này có thể trở nên thiếu bền vững về lâu dài.

Thứ ba, sự thành công và duy trì tốt sự phát triển bền vững của du lịch ĐBSCL phụ thuộc chủ yếu vào cộng đồng địa phương, người dân tại đây có nhận thức và kinh nghiệm làm du lịch tốt và sự tham gia của các bên liên quan như chính quyền, doanh nghiệp và du khách. Tuy nhiên, sự tham gia này là vô cùng hạn chế, hỗ trợ của Nhà nước yếu cả về vấn đề tài chính và phi tài chính, liên kết hợp tác với doanh nghiệp lữ hành chuyên nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng phát triển và sức hấp dẫn của điểm du lịch này. Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều thiếu sót, quy hoạch du lịch được thực hiện muộn, nhiều khi còn chưa được triển khai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Hà Nội, 2014.
  2. Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng hợp số liệu thống kê du lịch, 2015 -
  3. IUCN và WWF (1980). World conservation strategy: Living resource conservation for sustainable development, Nhà xuất bản Gland, Switzerland: IUCN, 1980.
  4. Prescott-Allen R. (1997). Barometer of Sustainability: Measuring and communicating wellbeing and sustainable development, Nhà xuất bản Gland, Switzerland and Cambridge UK.
  5. Daniela Dumbraveanu (2004). Principles and practice of sustainable tourism planning. Human Geographies: Journal of Studies and Research in Human Geography, 1, 77 – 80.
  6. WTO (2004). Indicators of Sustainable Development for Tourism Destinations, WTO, Madrid, Spain.
  7. Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu, (2016). Tiêu chuẩn du lịch bền vững GSTC,
  8. Cấn Thu Văn, Nguyễn Thanh Sơn, (2015). Xây dựng phương pháp tính trọng số để xác định chỉ số dễ bị tổn thương lũ lụt lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Tạp chí Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tập 31, Số 1S, 2015, trang 93 -

Assessing the sustainable tourism development in the

Mekong River Delta

Master. Nguyen Vuong

Senior Lecturer, Vice Dean, Faculty of Economics - Tourism, Kien Giang University

Assoc.Prof. Ph.D Nguyen Van Manh

Former Dean, Faculty of Hospitality, National Economics University

ABSTRACT:

This study is to develop a research model to assess the sustainable tourism development of the Mekong River Delta by using the point scale method combined with the Analytic Hierarchical Process (AHP). This study finds out the factors affecting the sustainable tourism development in the Mekong River Delta. This study’s results are expected to help stakeholders to develop policies and plans for tourism development, improve the quality of human resources in the tourism industry, encourage the environment protection and promote the sustainable tourism in the Mekong River Delta.

Keywords: the Analytic Hierarchical Process, sustainable tourism, sustainable tourism development, Mekong River Delta.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 3 năm 2021]