Đào tạo nhân lực cho ngành “công nghiệp không khói” trong bối cảnh đại dịch Covid-19

ThS. VŨ LAN HƯƠNG (Khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Trong các ngành kinh tế, ngành Du lịch hay còn được gọi với cái tên “ngành công nghiệp không khói” được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và lớn nhất vì dịch bệnh. Nhân lực du lịch vốn đang thiếu cả về chất và lượng, nay càng thiếu hụt trầm trọng hơn do nhiều lao động có tay nghề hiện đã chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra những xáo trộn và khó khăn trong tổ chức thực hiện các học phần thực hành của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tạo ra những xu hướng mới trong kinh doanh du lịch. Thực tế đó đặt ra vấn đề phải đổi mới trong đào tạo nhân lực du lịch để thích ứng với tình hình mới, trong đó, cần phải có những thay đổi cả về nội dung và về phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo.

Bài viết đã khái quát một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các hình thức đào tạo được triển khai trong các cơ sở giáo dục có đào tạo về du lịch trong thời gian qua và tổng kết kinh nghiệm chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực du lịch trong điều kiện mới. Bài viết có sử dụng thông tin từ một số bài báo khoa học trong các hội thảo quốc gia và các tạp chí có liên quan.

Từ khóa: đào tạo, nhân lực du lịch, ứng dụng công nghệ, Covid-19.

1. Covid-19 và những tác động đến nhân lực ngành Du lịch Việt Nam

Trong những năm gần đây, du lịch là ngành kinh tế quan trọng, được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm phát triển. Để tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành Du lịch, nhiều thể chế, chính sách đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý cho phát triển du lịch nói chung và phát triển nguồn nhân lực du lịch nói riêng. Nghị quyết số 08-NQ/TW ra đời ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã xác định “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đồng thời cũng khẳng định: “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch”.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 6,2% trong giai đoạn 2010-2015 và đến giai đoạn 2016-2020, con số này đạt mức 7%/năm. Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành Du lịch đòi hỏi mỗi năm cần thêm 40.000 lao động, nhưng các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch mới chỉ cung ứng được khoảng 15.000 người. Nhận thức được nhu cầu xã hội về nhân lực du lịch được đào tạo, hệ thống cơ sở đào tạo du lịch được hình thành, phân bổ khá đều trên phạm vi cả nước. Cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng (gồm 10 trường chuyên đào tạo về du lịch, các trường còn lại có đào tạo ngành Du lịch) và 75 trường trung cấp, trung tâm dạy nghề.

Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy năm 2019 là năm tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử của ngành Du lịch với hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt đến 750.000 tỷ đồng (gồm 421.000 tỷ đồng từ khách quốc tế và 334.000 tỷ đồng từ khách nội địa). Tuy nhiên, khi du lịch đang  trên đà phát triển, sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% (mức giảm tương đương 19 tỷ USD). Chưa dừng lại ở đó, trong năm 2021, lượng khách nội địa trên cả nước chỉ đạt 40 triệu lượt và khoảng 3.800 lượt khách quốc tế đến, tổng thu từ khách du lịch chỉ đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động, nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%; khoảng 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công.

Không chỉ tác động ảnh hưởng đến nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực du lịch, đại dịch Covid-19 còn tác động đến nguồn nhân lực du lịch trong tương lai. Thực tế cho thấy có khá nhiều phụ huynh và người học năm cuối bậc trung học phổ thông bày tỏ sự e ngại khi đăng ký tuyển sinh vào ngành Du lịch vì lo lắng về cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Đây tiếp tục là một khó khăn đặt ra cho sự phát triển của ngành Du lịch, do nguy cơ thiếu hụt nhân lực du lịch có khả năng trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, Covid-19 còn tác động ảnh hưởng đến nhu cầu đi du lịch của người dân, với các xu hướng như: du lịch gần nơi cư trú, du lịch không chạm, ứng dụng công nghệ hiện đại trong du lịch,... Điều này đòi hỏi đào tạo nhân lực du lịch cũng cần có những thay đổi tương ứng.

2. Thực trạng đào tạo nhân lực du lịch ở Việt Nam hiện nay

Đào tạo tại trường lớp là hình thức đào tạo truyền thống, được áp dụng tại hầu hết các cơ sở đào tạo. Giảng viên là người trực tiếp lên kế hoạch bài giảng và sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau để truyền đạt kiến thức, rèn luyện kỹ năng và thái độ cho người học. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giảng viên có thể sử dụng đa dạng các phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá người học ngay ở tiết học trên lớp, tạo nên sự tập trung, thống nhất cho quá trình học tập và rèn luyện bản thân người học. Thông qua hình thức đào tạo truyền thống, giảng viên có thể định hướng việc tìm hiểu, học tập cho người học, đồng thời khái quát lại những vấn đề cơ bản, nòng cốt cho việc tự học của học viên. Trao đổi giữa giảng viên và người học được diễn ra trực tiếp, tạo nên sự gần gũi trong mối quan hệ thầy - trò trong nhà trường, người học có thể nêu ý kiến phản hồi và tranh luận với các thành viên khác trong lớp và giảng viên. Với hình thức đào tạo tại lớp đơn thuần, phương pháp truyền thụ và thông báo là phương pháp chiếm ưu thế, nặng về truyền đạt thông tin, người học tiếp thu kiến thức một cách thụ động, phù hợp với các môn học thiên về lý thuyết.

Để phù hợp với đào tạo nhân lực du lịch - mảng đào tạo đòi hỏi có kỹ năng thực hành tốt, các cơ sở đào tạo đã kết hợp lồng ghép đào tạo tại trường lớp với hình thức đào tạo trải nghiệm bằng việc thiết kế các nội dung thực hành lồng ghép trong chương trình đào tạo. Việc tiến hành đào tạo trải nghiệm có thể được tiến hành theo nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và quan điểm đào tạo của cơ sở đào tạo, bao gồm thực tập, thực hành tại khu phòng thực hành của cơ sở đào tạo, tại khách sạn - trường học hoặc liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo cho sinh viên. Cụ thể:

Thứ nhất, mô hình đào tạo với phòng thực hành: Các cơ sở đào tạo phải hình thành nên hệ thống phòng thực hành mô phỏng các không gian, bối cảnh thực tế - nơi diễn ra các hoạt động nghề nghiệp theo lĩnh vực đào tạo. Chẳng hạn trong đào tạo ngành Khách sạn, cơ sở đào tạo cần phải có phòng thực hành nghiệp vụ lễ tân với quầy lễ tân đảm bảo một số quy định theo tiêu chuẩn, phòng thực hành nghiệp vụ buồng mô phỏng buồng khách lưu trú, phòng thực hành nghiệp vụ bàn - bar với cơ sở vật chất phù hợp để thực hành pha chế và phục vụ khách ăn uống,... Đào tạo theo mô hình này hiện có một số trường, như: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh Bắc - Bắc Ninh, Đại học Nguyễn Tất Thành - Thành phố Hồ Chí Minh, Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng, Cao đẳng Sài Gòn,... Ưu điểm của mô hình này là có thể chủ động sắp xếp tiến trình đào tạo. Tuy nhiên, các phòng thực hành chỉ mang tính chất mô phỏng thực tế chứ không phải thực tế.. Sinh viên thực hành chỉ mang tính vận dụng lý thuyết đã được học vào các thao tác kỹ thuật trong công việc mà không có sự tương tác trực tiếp với khách hàng, trong khi chính sự tương tác với khách hàng mới là điều quan trọng nhất trong công việc.

Thứ hai, mô hình khách sạn/công ty - trường học: Một số cơ sở đào tạo đã triển khai mô hình đào tạo bằng việc xây dựng và đưa vào vận hành các khách sạn, công ty lữ hành, đồng thời là nơi đào tạo trải nghiệm cho sinh viên. Với mô hình này, sinh viên được thực hành, thực tập ở đa dạng các lĩnh vực, bao gồm cả marketing, kinh doanh,... thay vì chỉ là thực tập nghiệp vụ phục vụ khách như mô hình đào tạo với phòng thực hành. Hoạt động kinh doanh tại khách sạn/công ty - trường học không phải là mô phỏng mà hoạt động kinh doanh thực tế, sinh viên có điều kiện tương tác trực tiếp với khách hàng, giúp rèn luyện khả năng ứng xử, ứng biến, kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh trong công việc. Một số trường thực hiện đào tạo theo mô hình này như Đại học Đại Nam - Hà Nội với hệ thống 3 khách sạn thực hành (1 khách sạn thực hành 3 sao ở Hà Nội, 1 khách sạn thực hành 4 sao ở Bắc Ninh, 1 khách sạn thực hành 5 sao ở Đà Nẵng) và 1 công ty lữ hành (ở Hà Nội), Đại học Duy Tân - Đà Nẵng, Trường Cao đẳng khách sạn du lịch quốc tế Imperial (IIHC),...

Thứ ba, mô hình liên kết đào tạo nhà trường - doanh nghiệp: Cơ sở đào tạo gửi người học đến doanh nghiệp để thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế. Doanh nghiệp tham gia trong mô hình này vừa thể hiện được trách nhiệm đối với xã hội, đồng thời vừa có thể sử dụng lao động với chi phí thấp và tạo được nguồn tuyển dụng tốt cho tương lai. Đây là mô hình đang được vận dụng rất hiệu quả trong đào tạo tại Khoa Khách sạn - Du lịch, Trường Đại học Thương mại. Ưu điểm là cơ sở đào tạo không phải đầu tư chi phí về nhân lực, vật lực cho cơ sở vật chất phục vụ việc thực hành, thực tập cho người học, tận dụng được cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp để đào tạo sinh viên, môi trường thực hành, thực tập lý tưởng, gắn liền với hoạt động kinh doanh thực tế nên rất thiết thực. Điểm hạn chế là thiếu cơ chế chung cho việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, nhu cầu giữa 2 bên trong việc gửi và tiếp nhận thực tập sinh không phải lúc nào cũng khớp nhau dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Ba mô hình đào tạo nêu trên vẫn đang tồn tại song song cùng nhau trong hoạt động của các cơ sở đào tạo du lịch. Mỗi mô hình đều có những ưu nhược điểm riêng và đều đem lại hiệu quả tích cực trong hoạt động đào tạo nhân lực du lịch - ngành đào tạo đòi hỏi hàm lượng học phần thực hành cao, tỷ lệ học phần thực hành tùy thuộc vào các chương trình mà cơ sở đào tạo áp dụng.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 vào cuối năm 2019 đầu năm 2020 và sự bùng phát của nó đến nay đã làm thay đổi cục diện kinh tế - xã hội nói chung, ngành Du lịch và đào tạo nhân lực du lịch nói riêng. Đại dịch Covid-19 thực sự đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo về du lịch phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến, trong khi các môn học chuyên ngành khách sạn, lữ hành, sự kiện cần sự tương tác, thực hành. Bên cạnh đó, các môn học thực tập bị hoãn lại hoặc không thực hiện được theo đúng tiến trình đào tạo, người học tốt nghiệp trong 2 năm 2020, 2021 khó tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành do các công ty du lịch, khách sạn đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động; các sự kiện không được tổ chức,… Đứng trước khó khăn đó, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch đã và đang tìm những giải pháp vượt khó; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, đề ra định hướng phát triển về đào tạo nhân lực du lịch để thích ứng với bối cảnh mới.

3. Giải pháp đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Trong thời gian qua, để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, các cơ sở đào tạo đã phải triển khai đồng thời nhiều giải pháp mang tính tình thế và cấp bách để đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đến kết quả và hiệu quả đào tạo. Các giải pháp bao gồm: chuyển đổi đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến, thay đổi linh hoạt kế hoạch giảng dạy, ứng dụng đa phương tiện trong hoạt động giảng dạy,… Cụ thể:

Chuyển đổi học trực tiếp sang trực tuyến: Trong thời gian dịch bệnh, nhiều cơ sở đào tạo nhân lực du lịch cũng phải chuyển đổi sang hình thức đào tạo trực tuyến trên các nền tảng như Zoom, MS Team, Trans, Google Meet,… giúp quá trình dạy và học được diễn ra thông suốt, không bị ngưng trệ, ngắt quãng như nhiều hoạt động khác. Người dạy và người học ở các không gian khác nhau có thể tập trung lại trên không gian mạng trong một khoảng thời gian nhất định để cùng nhau trao đổi các vấn đề cần thiết. Để triển khai đào tạo theo hình thức này, điều kiện cần đối với người học là phải có thiết bị di động thông minh có thể kết nối mạng (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính,…) và mạng internet được phủ sóng. Tuy nhiên, điều này cũng là một khó khăn đối với một số người học có hoàn cảnh đặc biệt hoặc ở vùng sâu, vùng xa. Sự linh hoạt, tiện dụng của hình thức đào tạo này cũng dẫn tới một thực tế là nhiều người học vừa thực hiện học tập, vừa tranh thủ làm những việc cá nhân khác, nên hiệu quả đào tạo không cao. Để nâng cao hiệu quả đào tạo, giảng viên thực hiện giảng dạy trực tuyến phải thay đổi cách thức, phương pháp giảng dạy, cũng như cách thức quản lý lớp học trực tuyến, nhằm khắc phục phần nào những hạn chế của nó. Thêm vào đó, hình thức đào tạo trực tuyến phù hợp với các học phần lý thuyết, việc triển khai các học phần thực hành vẫn đang là một bài toán khó đặt ra đối với các cơ sở đào tạo.

Với quan điểm đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo ngày càng được tăng cường các học phần thực hành, thực tập. Dịch bệnh bùng phát và kéo dài trong suốt 2 năm qua làm cho việc triển khai học tập các học phần thực hành, thực tập này gặp nhiều khó khăn cho dù cơ sở đào tạo đang áp dụng mô hình đào tạo với phòng thực hành, mô hình khách sạn/công ty - trường học hay mô hình liên kết đào tạo. Nhiều cơ sở đào tạo đã phải thực hiện linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giảng dạy - học tập bằng cách thay vì tổ chức đào tạo xen kẽ thì đẩy các học phần lý thuyết lên trước, chờ dịch bệnh lắng xuống rồi mới tiếp tục cho người học đi thực hành, thực tập. Tuy nhiên, giải pháp này cũng gặp phải vướng mắc nếu dịch vẫn tiếp diễn và hoạt động học tập tập trung chưa được phục hồi, các học phần lý thuyết đã được thực hiện hết mà vẫn không thể tổ chức triển khai các học phần thực hành còn tồn đọng, tiến độ học tập và thời gian hoàn thành khóa học chắc chắn cũng bị ảnh hưởng theo.

Trước bối cảnh đó, một số cơ sở đào tạo đã mạnh dạn thí điểm hình thức học thực hành trực tuyến. Theo đó, cơ sở đào tạo sẽ hợp tác với các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho người học thông qua các nền tảng đào tạo trực tuyến. Các kỹ năng nghề nghiệp sẽ được tái hiện một phần bởi các đào tạo viên là nhân viên đang làm việc thực tế tại doanh nghiệp, thực hiện trong môi trường doanh nghiệp và sử dụng các trang thiết bị, công cụ thực hiện công việc thực tế tại doanh nghiệp. Cuối mỗi buổi đào tạo là phần hỏi đáp - chia sẻ thông tin giúp người học hiểu rõ hơn về lĩnh vực nghề nghiệp. Việc tổ chức lớp học thực hành trực tuyến không mang tính thay thế hoàn toàn cho thực hành tại doanh nghiệp mà chỉ là một phần của quá trình học thực hành, giúp người học đảm bảo tiến độ học tập theo kế hoạch. Trong những giai đoạn tiếp theo, các cơ sở đào tạo cần linh hoạt trong việc tổ chức đan xen học tập lý thuyết và thực hành, xem xét việc chia nhỏ nội dung thực hành để kịp thời tổ chức trong những khoảng thời gian dịch bệnh lắng xuống và các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận thực tập sinh.

Linh hoạt thay đổi kế hoạch giảng dạy, đào tạo trực tuyến trong đào tạo nhân lực du lịch cho đến thời điểm này vẫn chỉ là các giải pháp tình thế giúp cơ sở đào tạo ứng biến trong điều kiện dịch bệnh. Để hoạt động đào tạo đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp hơn với bối cảnh mới, các cơ sở đào tạo cần cân nhắc việc bổ sung các học phần về chuyển đổi số, ứng dụng Edtech (công nghệ trong giáo dục và đào tạo) trong tổ chức hoạt động đào tạo. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo đã ứng dụng nền tảng Cesim Hospitality - Mô phỏng Quản trị kinh doanh Nhà hàng - Khách sạn. Mô phỏng khách sạn gồm 140 phòng và nhà hàng, mỗi nhóm người học sẽ điều hành khách sạn mô phỏng của nhóm mình trong môi trường cạnh tranh với các khách sạn của nhóm khác. Mỗi lần đưa ra quyết định cho hoạt động kinh doanh tương ứng với 2 tuần kinh doanh của khách sạn, các quyết định bao gồm quản lý doanh thu, bán hàng và các chính sách khuyến mãi, dịch vụ ăn uống, buồng phòng, quản lý nhân sự, quản lý thu chi,… dựa trên những tình huống cụ thể của thực trạng thị trường giả lập. Người học có thể thực hành với các tình huống kịch bản khác nhau, cũng như phân tích các kết quả của mỗi lần đưa ra quyết định để đánh giá khả năng, thế mạnh trong cạnh tranh với đối thủ.

Thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp đều đã và đang sử dụng các phần mềm quản lý như: Skyhotel, Ezcloud hotel, Tcsoft hotel, Smile, TravelMaster, MonaTravel, Faceworks,… Để gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn, các cơ sở đào tạo cần xem xét đầu tư mua các phần mềm hỗ trợ đào tạo và các phần mềm quản lý áp dụng trong kinh doanh để sử dụng trong hoạt động đào tạo, giúp người học làm quen với thực tiễn công việc và cũng là để nâng cao chất lượng đào tạo.

4. Kết luận

Đào tạo nhân lực du lịch có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Đứng trước cuộc khủng hoảng kép do cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 mang lại, các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch buộc phải có những thay đổi cơ bản trong hoạt động đào tạo của mình, trong đó không thể không kể đến sự thay đổi về hình thức tổ chức đào tạo. Để hoạt động đào tạo thích ứng với tình hình mới, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu đầu tư và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động đào tạo của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2020). Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH, ngày 13/3/2020 về việc triển khai công tác đào tạo thường xuyên ứng phó với dịch Covid-19.
  2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2020). Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia “Đào tạo nhân lực du lịch thích ứng với trạng thai bình thường mới sau đại dịch Covid-19”, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Võ Tấn Thắng (2020). Giáo dục đại học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Anh Tuấn, Lê Quang Đăng (2020). Phát triển nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghệ số. Truy cập tại http://vtr.org.vn/phat-trien-nhan-luc-du-lich-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghe-so.html

Tourism human resource training activities in the context of the COVID-19 pandemic

Master. Vu Lan Huong

Faculty of Hospitality and Tourism, Thuongmai University

Abstract:

The tourism industry, also known as the "smokeless industry", is considered the most impacted industry by the COVID-19 pandemic. Before the pandemic hit, the tourism industry had faced with the issues of poor quality human resource and labour shortage. Now, the industry has encountered more severe high-quality human resource shortage as many skilled workers changed their careers during the COVID-19 pandemic. The pandemic has also caused difficulties in the implementation of practical modules of tourism human resource training programs. In addition, the pandemic has created new tourism trends. As a result, it is essential for tourism human resource training programs to innovate their training approaches and curriculums.

This paper outlines a number of theoretical and practical issues about the forms of tourism human resource training programs in the past time and summarizes experiences in the digital transformation for tourism human resource training activities in the new development conditions. This paper uses information from a number of scientific papers of national conferences and journals.

Keywords: training, tourism human resources, technology application, Covid-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 9, tháng 5 năm 2022]