Đổi mới phương pháp dạy học tích cực tại Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung: Thực trạng và giải pháp

TS. TRẦN THỊ NGUYỆT CẦM - ThS. PHẠM THỊ VÂN (Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung)

TÓM TẮT

Đào tạo theo phương pháp dạy học tích cực là cách tiếp cận mới trong giảng dạy, được sử dụng để đào tạo các khả năng thực hiện thành công một công việc cụ thể, thay vì lý thuyết chung chung, trừu tượng. Đào tạo theo phương pháp dạy học tích cực có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Giáo dục - Đào tạo nói chung và Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) nói riêng. Bài viết tập trung phân tích những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực tại Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung học và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng phương pháp dạy học này trong thời gian tới.

Từ khóa: phương pháp dạy học tích cực, đào tạo nhân lực.

1. Đặt vấn đề

Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (MITC) trực thuộc Bộ Công Thương, có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và các trình độ thấp hơn trong lĩnh vực công nghệ: Kỹ thuật địa chất, hóa chất, thông tin, kỹ thuật điện, kỹ thuật điện tử, cơ khí, kinh tế, môi trường,... theo quy định của pháp luật; là cơ sở nghiên cứu, triển khai khoa học công nghệ phục vụ quản lý, sản xuất - kinh doanh của ngành công nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội. Thế mạnh của Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung hiện nay là có đội ngũ cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề, có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm quản lý lâu năm, có đội ngũ giảng viên cơ hữu trẻ đầy nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn vững vàng. Nhà trường có các chương trình đào tạo được xây dựng theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và được điều chỉnh theo hướng hiện đại phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế thị trường.

Hiện nay, Nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu, kỹ năng giải quyết công việc. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường là đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong quá trình áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào giảng dạy, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đã gặp cả thuận lợi và khó khăn. Bài viết phân tích những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung trong thời gian tới.

2. Những thuận lợi và khó khăn khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực tại MITC

2.1. Thuận lợi

Thứ nhất, đa số giáo viên trong Nhà trường đã nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết về việc đổi mới phương pháp dạy học: Để áp dụng phương pháp dạy học tích cực có hiệu quả, ngoài tâm huyết với nghề nghiệp và có kiến thức sâu rộng, mỗi giáo viên phải tự mình ý thức việc tự học, tự rèn để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ, giảng viên cần đầu tư chiều sâu cho chuyên ngành của mình giảng dạy. Trước mỗi buổi dạy, tiết dạy cần cân nhắc nên sử dụng những phương pháp nào cho bài giảng và sau đó tự rút kinh nghiệm, nhằm không ngừng hoàn thiện chuyên môn. Thứ hai, sau khi được trang bị kiến thức, một số giáo viên đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực vào quá trình giảng dạy: Từ dạy và học bị động sang dạy và học tích cực, giáo viên không còn đóng vai trò thuần túy là người truyền đạt tri thức, giáo viên trở nên người thiết kế, tổ chức, chỉ dẫn các hoạt động độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để học trò tự lĩnh hội nội dung học. Trên lớp, học trò hoạt động là chính, nhưng trước đó, khi soạn giáo án, giáo viên đã phải đầu tư công sức, thời gian rất nhiều so với kiểu dạy và học bị động. Giáo viên phải có trình độ chuyên môn sâu rộng, có trình độ sư phạm lành nghề mới có khả năng tổ chức, chỉ dẫn các hoạt động của học trò mà nhiều khi diễn biến ngoài tầm dự kiến của giáo viên.

Thứ ba, Nhà trường tăng cường khả năng tự học, phối hợp với học tập hợp tác: Trong các phương pháp học, vấn đề then chốt là phương pháp tự học. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kỹ năng, thói quen tự học thì sẽ khơi dậy nội lực vốn có trong mỗi học sinh, kết quả học tập sẽ được nhân lên. Hiện nay, Nhà trường đang đào tạo đối tượng 9+, đối tượng tốt nghiệp THCS. Do tư duy của học sinh không đồng đều nên khi vận dụng phương pháp tích cực buộc phải chấp thuận sự phân hóa về cường độ, tiến độ hoàn tất nhiệm vụ học tập, nhất là khi bài học được thiết kế thành một chuỗi công việc độc lập. Tuy nhiên, trong học tập, không phải mọi kiến thức, tài năng, thái độ đều được hình thành bằng những hoạt động độc lập cá nhân. Lớp học là môi trường tiếp xúc giữa thầy với trò, trò với trò, tạo nên mối quan hệ hợp tác giữa các cá nhân cùng học hỏi, lĩnh hội nội dung học hỏi. Thảo luận, tranh luận trong tập thể, quan điểm mỗi cá nhân được thổ lộ, tự tin tuyên bố hay bác bỏ, qua đó người học nâng mình lên một trình độ mới. Bài học ứng dụng được vốn hiểu biết và kinh nghiệm của người thầy.

Thứ tư, nhà trường kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò: Trong dạy học, việc đánh giá học trò không chỉ nhằm mục đích nhận định thực trạng và sắp xếp hoạt động học của trò, mà còn đồng thời tạo hoàn cảnh nhận định thực trạng và sắp xếp hoạt động giảng dạy của thầy. Trong phương pháp dạy học tích cực, giáo viên phải chỉ dẫn học trò phát triển tài năng tự đánh giá để tự sắp xếp cách học. Giáo viên cần tạo điều kiện thuận lợi để học trò được tham gia đánh giá lẫn nhau. Tự đánh giá đúng và sắp xếp hoạt động kịp thời là năng lực rất cần cho sự thành đạt trong cuộc sống mà nhà trường đang trang bị cho học sinh.

Thứ năm, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của Nhà trường ngày hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy của giáo viên. Cơ sở vật chất của Nhà trường được đầu tư khang trang, hiện đại, để phục vụ các hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, như: thư viện, phòng đọc, giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, phòng học chuyên đề và các trang thiết bị dạy học, thiết bị văn phòng, thiết bị phục vụ khác. Thư viện của Trường có từ ngày thành lập trường (1978) và đã được tin học hóa, hình thành Thư viện điện tử. Hệ thống phòng chuyên dụng và hệ thống máy tính kết nối mạng nội bộ và mạng Internet của Trường, đáp ứng được nhu cầu cơ bản và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học sinh - sinh viên.

Những thuận lợi trên đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học của giáo viên và học sinh - sinh viên nhà trường.

2.2. Khó khăn

Thứ nhất, do hạn chế về trình độ ngoại ngữ, hạn chế trong việc sử dụng các phương tiện công nghệ nên nhiều giảng viên chưa tiếp cận được với các mô hình dạy học mới sẽ làm hạn chế khả năng chuyển đổi từ các hình thức giảng dạy truyền thống sang các hình thức giảng dạy áp dụng công nghệ tiên tiến do sự phát triển của công nghệ 4.0 mang lại.

Thứ hai, hiện nay, nhà trường mới áp dụng phương pháp dạy học tích cực đối với ngành cắt gọt kim loại. Do sĩ số học sinh trong lớp khá đông, mỗi lớp có từ 40 - 50 học sinh. Với số lượng như vậy, việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực cũng phần nào bị hạn chế.

Thứ ba, về cơ sở vật chất, Nhà trường đã từng bước hoàn hiện hơn, tuy nhiên phòng học để đáp ứng cho việc giảng dạy phương pháp tích cực hiện nay chưa thể đáp ứng đầy đủ mà từng bước khắc phục dần theo kế hoạch.

Thứ tư, truyền thụ tri thức một chiều vẫn là phương pháp dạy học chủ đạo của nhiều giáo viên. Số giáo viên sử dụng các phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, tự lực và sáng tạo của học sinh còn chưa nhiều. Dạy học vẫn nặng về truyền thụ kiến thức lý thuyết.

3. Một số đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng phương pháp dạy học tích cực tại MITC

Về phía giáo viên: Giáo viên phải có kiến thức chuyên môn sâu, rộng, có nghiệp vụ sư phạm, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, biết sử dụng và ứng dụng công nghệ tin vào dạy học, biết định hướng phát triển của học sinh theo mục tiêu giáo dục, nhưng cũng đảm bảo được sự tự do của học sinh trong hoạt động nhận thức.

Về phía học sinh: Dưới sự chỉ đạo của giáo viên, học sinh cần có những phẩm chất và năng lực thích nghi với phương pháp dạy học tích cực, như: nắm bắt mục tiêu học tập; biết tự học và biết vận dụng kiến thức lý thuyết để thực hành, thử nghiệm trong thực tế; biết tư duy kỹ thuật, tư duy kinh tế,…

Về tài liệu học tập: Cần giảm bớt khối lượng kiến thức, tạo điều kiện cho thầy trò tổ chức những hoạt động học tập tích cực; tăng cường các bài tập nhận thức, tăng cường loại câu hỏi phát triển trí thông minh; giảm bớt những kết luận áp đặt, tăng cường những gợi ý để học sinh tự học hỏi phát triển bài học.

Về thiết bị dạy học: Thiết bị dạy học là điều kiện không thể thiếu cho việc triển khai các quy định, tài liệu học tập nói chung và đặc biệt cho việc triển khai đổi mới phương pháp dạy học hướng vào hoạt động tích cực, chủ động của học sinh.

Chú trọng thiết bị thực hành giúp học trò tự tiến hành các bài thực hành thử nghiệm. Những thiết bị đơn giản có khả năng được giáo viên, học trò tự làm góp phần làm sản vật phong phú thêm thiết bị dạy học của Nhà trường.

Đối với những thiết bị dạy học đắt tiền sẽ được sử dụng chung. Nhà trường cần lưu ý tới các chỉ dẫn sử dụng, bảo quản và căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của trường đề ra các quy định để thiết bị được giáo viên, học trò sử dụng tối đa.

Cải cách đánh giá kết quả học tập của học sinh: Đánh giá là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong quá trình giáo dục. Đánh giá thường nằm ở giai đoạn cuối của một giai đoạn giáo dục và sẽ trở nên khởi điểm của một giai đoạn giáo dục tiếp theo với đề nghị cao hơn, chất lượng mới hơn trong cả một quá trình đào tạo.

Hướng tới đề nghị kiểm tra đánh giá công bằng, khách quan kết quả học tập của học trò, bộ công cụ đánh giá sẽ được đưa thêm dạng câu hỏi, bài tập trắc nghiệm; chú ý hơn tới đánh giá cả quá trình lĩnh hội tri thức của học trò, quan tâm tới mức độ hoạt động hăng hái, chủ động của học trò trong từng tiết học, kể cả ở tiết lý thuyết lẫn tiết thực hành, thử nghiệm. Điều này đòi hỏi giáo viên bộ môn đầu tư nhiều công sức hơn cũng như công tâm hơn.

4. Kết luận

Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền giáo dục 4.0 là xu thế tất yếu trong tương lai. Mọi thứ đều được thay đổi theo hướng hiện đại. Mỗi tổ chức, cá nhân đều phải có nhận thức rõ ràng về sự thay đổi này và tự chuẩn bị cho mình những kiến thức và kỹ năng phù hợp. Giáo dục được coi là một trong những ngành phải tiên phong trong việc thay đổi để tiếp cận với sự thay đổi của cuộc CMCN 4.0.

Mục tiêu đào tạo cũng phải thay đổi hướng tới đào tạo không chỉ năng lực con người mà còn là những kỹ năng phát triển và tự phát triển bản thân. Người học sau khi ra trường phải có tư duy sáng tạo và dễ dàng tiếp cận với nền kỹ thuật hiện đại cũng như đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cao của xã hội. Với những thế mạnh của mình, đội ngũ giảng viên Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung đang cố gắng đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và nền giáo dục 4.0.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Lăng Bình (chủ biên), Đỗ Hương Trà (2019). Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kĩ thuật dạy học. Nhà xuất bản Đại học sư phạm, Hà Nội.
  2. Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung (2017). Chiến lược phát triển Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung giai đoạn 2017-2021 và tầm nhìn đến năm 2035, Phú Yên.

Innovating the active teaching method at Mien Trung Industry and Trade College: Current situation and solutions

Ph.D Tran Thi Nguyet Cam1

Master. Pham Thi Van1

1Mien Trung Industry and Trade College

Abstract:

Active teaching is a new teaching approach. This teaching method is used to help learners develop the ability to successfully perform a specific task rather than give them general theoretical and abstract knowledge. This teaching method plays a key role to the education sector in general and to Mien Trung Industry and Trade College (MITC) in particular. This paper analyzes the advantages and disadvantages of applying the active teaching method at the MITC and proposes some solutions to improve the effectiveness of this teaching method in the coming time.

Keywords: active teaching methods, human resource training.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2022]