Du lịch tâm linh: Cơ hội và thách thức hậu đại dịch Covid-19 tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN MINH HƯƠNG (Khoa Du Lịch - Khách sạn, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:  

Du lịch tâm linh trên thế giới và ở Việt Nam đã và đang trở thành những xu thế phát triển mới của ngành Du lịch nói chung, du lịch tâm linh nói riêng. Những năm qua, du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó du lịch tâm linh có đóng góp to lớn và bền vững vào sự tăng trưởng này. Những lợi ích của du lịch tâm linh không chỉ về kinh tế mà hơn nữa là những giá trị tinh thần cho đời sống xã hội và có liên quan đến các cá nhân để khỏe mạnh về thể chất, lành mạnh về tinh thần và trải nghiệm ngày càng cao. Nhưng kể từ đầu năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã khiến ngành Du lịch phải lùi về phía sau, chờ cho đến khi cơn khủng hoảng qua đi. Các chuyến bay bị ngưng trệ, biên giới bị đóng cửa,… ngành Du lịch tạm “đóng băng” để đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Trong bài báo này, tác giả nghiên cứu khái niệm về du lịch tâm linh, cơ hội và thách thức về khai thác du lịch tâm linh trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.

Từ khóa: du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, hậu đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), hàng năm có khoảng 600 trăm triệu chuyến hành trình tôn giáo và tâm linh trong nước và quốc tế, trong đó 40% là ở châu Âu và hơn 50% ở châu Á (2011). Tôn giáo và tâm linh là động cơ quan trọng để nhiều người đến thăm những nơi linh thiêng, nhưng đây không phải là quy luật phổ biến, vì những người đến thăm những nơi linh thiêng không nhất thiết thuộc về tín ngưỡng liên quan. Một địa điểm được ghé thăm vì những lý do khác nhau, chẳng hạn như tôn giáo, văn hóa hoặc thậm chí là phiêu lưu.

Kể từ năm 2013, Tổ chức Du lịch thế giới đã tổ chức hội thảo “Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững” tại Ninh Bình. UNWTO đã đánh giá, du lịch tâm linh là loại hình du lịch có nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt ở tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam có 5 khu có định hướng phát triển gắn với khai thác giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh (Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch Núi Bà Đen, Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu di tích Cổ Loa và Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long) đã và đang được khai thác chính. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như đền, chùa, miếu,... tại các địa phương từ tỉnh cho đến xã.

Du lịch tâm linh thường diễn ra các hoạt động khai thác giá trị văn hóa phi vật thể về tín ngưỡng, tôn giáo để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người, mang đến cho du khách những cảm xúc thiêng liêng, sâu thẳm trong tâm hồn, rũ bỏ ưu phiền, khổ đau để có một tâm hồn tự do và hạnh phúc.

Trong bài báo này, tác giả nghiên cứu khái niệm về du lịch tâm linh; cơ hội và thách thức về khai thác du lịch tâm linh trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 nhằm hướng tới phát triển bền vững đối với du lịch và định hướng phát triển du lịch tâm linh đóng góp vào quá trình tăng trưởng bền vững cho du lịch Việt Nam.

2. Lý luận về du lịch tâm linh

a) Tâm linh

Theo từ điển Tiếng Việt, tâm linh là “Khả năng cảm nhận, đoán định trước các biến cố xảy ra với mình”.

Mặt khác, tâm linh được định nghĩa là tình yêu thiêng liêng được trải nghiệm như một sự khẳng định góp phần vào sự tự tin và cảm giác xứng đáng, sự cầu xin hoặc sự linh ứng của thần linh, nâng cao nhận thức liên quan đến nhiều hơn trạng thái thể chất, cảm xúc tâm lý và vai trò xã hội (Van Kamm, 1986). Ngoài ra, Van Kamm (1986) cho rằng, tâm linh cũng được coi là một dạng của niềm tin rằng có một cái gì đó hoàn toàn khác trong cuộc sống hơn những gì người ta có thể nhìn thấy hoặc hoàn toàn lĩnh hội, một cảm giác toàn vẹn, hài hòa nội tâm và bình an.

b) Du lịch tôn giáo và du lịch tâm linh

Du lịch tạo cơ hội cho mọi người thay đổi những thói quen hàng ngày, tìm kiếm sự thay đổi trong cuộc sống, hay đi tìm sự thư giãn, giải trí, hoạt động tôn giáo hoặc tâm linh. Trên thế giới có nhiều nhà nghiên cứu đã thảo luận về du lịch tâm linh dưới góc độ tôn giáo (Almuhrzi và Alsawafi, 2017) với phần lớn liên quan đến Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu tin rằng những cấu trúc này có liên quan nhưng không giống nhau và tâm linh có thể vượt ra ngoài bối cảnh tôn giáo.

Tác giả Norman (2012) thì cho rằng, du lịch tâm linh như một hiện tượng cá nhân nhằm khám phá cuộc sống bên ngoài bản thân để cân bằng thể xác - tinh thần - linh hồn, đạt được sự tự ý thức để cải thiện tinh thần và thực hiện mục đích của cuộc sống.

Một khái niệm khác, “du lịch tôn giáo” được hiểu gần nghĩa với “du lịch tâm linh” nhưng 2 khái niệm này không đồng nhất.

So sánh 2 khái niệm thì du lịch tôn giáo liên quan chặt chẽ đến trải nghiệm du lịch và những địa điểm có yếu tố linh thiêng và tín ngưỡng cụ thể, trong khi du lịch tâm linh vượt ra ngoài bối cảnh tôn giáo bao gồm môi trường tự nhiên, mối quan hệ giữa tâm trí, cơ thể và linh hồn và ý nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, các yếu tố của tâm linh được bao hàm trong tôn giáo và các yếu tố của tôn giáo có thể được nhìn thấy trong tâm linh.

Tại Việt Nam, mặc dù dưới gốc độ luật pháp không có khái niệm “du lịch tâm linh” nhưng có thể hiểu là một sản phẩm du lịch văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh. Trong nghiên cứu này, thuật ngữ “du lịch tâm linh” bao gồm các khía cạnh của tôn giáo và tâm linh.

3. Cơ hội và thách thức

3.1. Cơ hội

3.1.1. Cơ hội từ nhu cầu khách du lịch

Đại dịch tạo ra cơ hội phục hồi do tâm lý bị tác động của con người trong đại dịch.

Vấn đề tinh thần có vai trò quan trọng trong khái niệm sức khỏe. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 và có thể kéo dài đến hết năm 2022 theo dự báo, mỗi ngày chúng ta đều thấy vấn đề cách ly, mâu thuẫn gia đình, gây stress, gây ra nhiều rối loạn tâm thần.

Tình trạng kinh tế suy sụp kéo dài trong hơn 2 năm qua như du lịch, cơ sở tôn giáo mất doanh thu,… là nguyên nhân dẫn đến nhiều rối loạn tâm lý lo âu, trầm cảm. Họ đã phải đi khám bệnh, nằm viện điều trị của nhân viên, quản lý,...

Thực tế cho thấy, những du khách nữ và lớn tuổi cảm nhận Covid-19 là nghiêm trọng hơn. Theo báo cáo, người cao tuổi và phụ nữ cảm thấy sợ hãi hơn và tin rằng Covid-19 sẽ thay đổi cách đi nghỉ, tuy nhiên trở ngại nhận thức là như nhau đối với cả hai giới, họ cũng sẵn sàng áp dụng các chiến lược phòng ngừa hơn. Một nghiên cứu đã tuyên bố rằng mức độ nghiêm trọng được nhận thức của Covid-19 ảnh hưởng gián tiếp đến ý định đi du lịch. Hơn nữa, thái độ, chuẩn mực chủ quan và kiểm soát hành vi nhận thức, bên cạnh những cảm xúc tích cực và tiêu cực đều có thể có hiệu quả (*).

Các nghiên cứu trước đây đã xem xét mối quan hệ giữa niềm tin/hành vi tôn giáo  đã tìm thấy mối tương quan tích cực giữa việc thực hành tôn giáo và sự hài lòng trong cuộc sống (Clark & Lelkes, 2008; Myers, 2008). Phát hiện cũng cho thấy những người theo đạo có thể đối phó với căng thẳng trong cuộc sống và có khả năng tìm thấy ý nghĩa và bài học tích cực trong các sự kiện cuộc sống. Một nghiên cứu của Headey và cộng sự. (2010) đã xem xét mối quan hệ giữa việc thực hành tôn giáo và sự hài lòng trong cuộc sống, phát hiện ra rằng một người càng sùng đạo thì cuộc sống của họ càng trở nên hài lòng hơn theo thời gian. Hơn nữa, những người tham gia vào các hoạt động tôn giáo có khả năng đạt được sự hài lòng trong cuộc sống. Helliwell và Putman (2004) đã lập luận rằng những người tham gia vào các hoạt động tôn giáo có khả năng đánh đồng vốn xã hội với hạnh phúc và sự hài lòng trong cuộc sống.

Như vậy, tôn giáo có những tác động tích cực tới tâm lý với những đối tượng nhất định từ những nghiên cứu trên. Đây là cơ hội cho các đơn vị tổ chức tôn giáo tiếp thị du lịch tâm linh hay du lịch tôn giáo trong bối cảnh hậu Covid-19 tại Việt Nam.

3.1.2. Cơ hội từ tiềm năng là sự đa dạng của công trình tín ngưỡng - tôn giáo

Han và cộng sự. (2020) nhận thấy rằng ý định du lịch của khách hàng sau đại dịch sẽ chủ yếu hướng đến những nơi trong nước được coi là an toàn hơn và cho rằng rủi ro tâm lý liên quan đến du lịch ảnh hưởng đến thái độ và ý định của người tiêu dùng trong kinh doanh du lịch.

Tại Việt Nam với 54 dân tộc là nơi giao lưu của nhiều luồng văn hóa để trở thành một cộng đồng thống nhất tạo nên sự đa dạng văn hóa, tôn giáo. Cũng chính sự phong phú về thành phần tộc người đã dẫn đến sự đa dạng về hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, bên cạnh những tín ngưỡng dân gian như thờ trời đất, tổ tiên, bản mệnh, các tôn giáo khác, như: Đạo Khổng, Đạo Lão, Phật giáo,... đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, tín ngưỡng của người dân đất Việt.

Luật Di sản văn hóa, Luật tín ngưỡng tôn giáo quy định về các công trình văn hóa. Việt Nam hiện có 5 khu du lịch và di tích lịch sử có định hướng phát triển gắn với khai thác giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh như Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch Núi Bà Đen, Khu du lịch Mẫu Sơn, Khu di tích Cổ Loa và Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ngoài ra, còn rất nhiều các công trình tôn giáo ở các địa phương như đền, chùa, phủ,... đã góp phần tạo nên một tiềm năng du lịch rất lớn cho du lịch tâm linh.

3.1.3. Chính sách của Nhà nước.

Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ du lịch nói chung, du lịch văn hóa nói riêng và du lịch tâm linh. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị đã khẳng định rõ quan điểm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.

3.2. Thách thức

3.2.1. Khách du lịch

Khi đề cập đến nhận thức của người tiêu dùng về việc mua các sản phẩm của du lịch, một số nghiên cứu đã minh họa vai trò của các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh. Phần lớn các nghiên cứu cho rằng đợt bùng phát Covid-19 hiện tại đã có ảnh hưởng đáng kể đến các kế hoạch du lịch và hành vi liên quan đến an toàn cá nhân, sự tự tin, chi tiêu kinh tế và tác động tiêu cực đến tiêu dùng của ngành Du lịch. Chẳng hạn, Kourgiantakis và cộng sự. (2021) và Jiang và Wen (2020) cũng kết luận rằng người tiêu dùng trong ngành Du lịch đánh giá cao các mối quan tâm về an toàn như tiêu chuẩn vệ sinh khách sạn và quyền riêng tư bởi Covid-19.

Các kết quả tương tự với các yếu tố quyết định được báo cáo về nhận thức rủi ro của các hoạt động ngoài trời trong đại dịch, chẳng hạn như tác động của thời gian dành riêng cho việc tìm kiếm thông tin liên quan trên tin tức và phương tiện truyền thông xã hội, hoặc thậm chí là loại thông tin nguồn.

Bởi vậy, thách thức với truyền thông trong đại dịch rất lớn đối với các đơn vị khai thác du lịch tâm linh và quản lý nhà nước.

3.2.2. Đơn vị quản lý công trình văn hóa, tâm linh

Đối với các công trình văn hóa gặp một số thách thức như quản lý vấn đề trùng tu, xây dựng các di tích đền, phủ cũng có rất nhiều bất cập; vấn đề thương mại hóa tín ngưỡng, cách thức hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, sử dụng nhạc không phù hợp,…

Ngành Du lịch đã bị ảnh hưởng đáng kể do việc đóng cửa vào cuối năm 2020 và việc buộc phải đóng cửa các cửa hàng và khách sạn, địa điểm tôn giáo. Nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú, địa điểm tôn giáo bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 6/2021, nhưng các đơn vị phải tuân thủ một loạt các quy định về sức khỏe và vệ sinh kể từ khi Covid-19 vẫn còn tồn tại. Mặc dù các giới hạn nhất định về việc đi lại và vận chuyển giữa các tỉnh đã được nới lỏng, một số giới hạn vẫn được duy trì hoặc không được thuận lợi. Bởi vậy, đây là thách thức mà các đơn vị khai thác du lịch tâm linh cần phải linh hoạt khắc phục.

3.2.3. Chính sách của Nhà nước

Việc triển khai Nghị quyết 08, đưa các chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, thành các hành động cụ thể, phát huy cao các giá trị của Nghị quyết này trong thực tế đối với doanh nghiệp du lịch còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chính sách hỗ trợ cơ sở lưu trú, bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh còn chưa có quy định rõ hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều địa phương chưa thực sự nắm bắt được tinh thần của Nghị quyết; chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc; còn lúng túng trong thực hiện hoặc vào cuộc với quyết tâm không cao.

4. Kết luận và khuyến nghị

Bài viết đã làm rõ hơn khái niệm du lịch tâm linh trên thế giới và so sánh với quan niệm của Việt Nam. Mặc dù hiện nay du lịch tâm linh được quan niệm là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tôn giáo, tâm linh vừa là cơ sở vừa là mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Việc phát triển bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại. Du lịch tâm linh tại châu Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã và đang trở những chỗ đứng nhất định.

Bài viết đề xuất một số khuyến nghị để tăng cường du lịch tâm linh trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19:

Đối với các tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực du lịch tâm linh: Các tổ chức, đơn vị du lịch tâm linh cần nhận rõ cơ hội cũng như hiểu rõ thách thức nhằm thúc đẩy marketing, hoạt động du lịch nhằm tăng cường sự phát triển của du lịch tâm linh. Phát huy hết tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa truyền thống.

Không chỉ vậy, hiểu rõ những thách thức để nhằm hạn chế tác động tiêu cực của bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 vẫn còn nhiều điều khó khăn trước mắt. Đó là cần phòng tránh dịch bệnh bảo vệ du khách. Lý do khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh, như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn hóa truyền thống, lối sống địa phương có thể có những vấn đề về truyền nhiễm bệnh. Ở đó du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, cầu nguyện, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội,... Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối với chính sách của Nhà nước, cần có chính sách khai thác và tập trung các nguồn lực, tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh/du lịch tín ngưỡng tôn giáo.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

(*) Bona Kim (2019). The effect of religious tourism experiences on personal values. Singapore Institute of Technology, [email protected].

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Tuấn Anh (2013). Bài phát biểu khai mạc, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, Ninh Bình.
  2. Koenig, H. G., McCullough, M. and Larson, D. B. (2000). Handbook of Religion and Health, Oxford University Press, New York.
  3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Ninh Bình và Tổ chức Du lịch Thế giới (2013), Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, Ninh Bình.
  1. Lê Quang Đức (2018), Bài giảng Du lịch tâm linh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
  2. Smith, M.K. and Diekmann, A. (2017). Tourism and wellbeing, Annals of Tourism Research, Vol. 66, pp.1-13. https://doi.org/10.1016/j.annals.2017.05.006.
  3. Timothy, D.J. (2021). Cultural Heritage and Tourism: An Introduction (2nd edition). Bristol: Channel View Publication.
  4. Van Kamm, A. (1986). Fundamental Formation, Formative Spirituality Series, Vol. 1, Harper Crossroads, San Francisco.
  5. Wulff, D. M. (1997). Psychology of Religion: Classic and Contemporar, (2nd ed), Wiley and Sons, NewYork.

Spiritual tourism in Vietnam: Opportunities and challenges in the post-COVID-19 era

Master. Nguyen Minh Huong

Faculty of Tourism and Hotels

Ho Chi Minh City University of Foreign Languages - Information Technology

Abstract:

Spiritual tourism in the world and in Vietnam has become a new development trend of the tourism industry. In recent years, Vietnam's tourism has grown strongly, in which spiritual tourism has made a great and sustainable contribution to this growth. Spiritual tourism does not only bring economic benefits but also spiritual values ​​for social life, and experience for travellers. However, the COVID-19 pandemic has severely affected the tourism industry. This paper examines the concept of spiritual tourism, and points out opportunities and challenges faced by spiritual tourism in the post-COVID-19 era.

Keywords: spiritual tourism, cultural tourism, post-COVID-19.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]