Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, liên quan đến việc Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST 24, ST 25 kèm nội dung là “Gạo, Gạo ngon nhất thế giới”. Mặc dù hiện nay cơ quan của Úc vẫn đang ở giai đoạn xem xét kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên, Thương vụ đã triển khai các biện pháp khẩn cấp.
Cụ thể, Thương vụ đã trao đổi với ông Hồ Quang Cua và đề nghị phối hợp hành động.
Thứ hai, Trưởng cơ quan Thương vụ, ông Nguyễn Phú Hoà đã chủ động trao đổi với Lãnh đạo Công ty T&L Global foods Supply PTY LTD. Lãnh đạo Doanh nghiệp rất có thiện chí và cho biết sẽ kiểm tra lại sự việc với bộ phận thương hiệu của Công ty. Thương vụ vẫn tin ở những điều tốt đẹp.
Thứ ba, Thương vụ đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh kèm theo đến Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Úc (IP Australia) để làm rõ giống lúa tên ST 24, ST 25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam. Gạo ST24, ST25 là sản phẩm được chế biến từ giống lùa cùng tên, được mang đi thi và đoạt giải quốc tế. Sản phẩm đã được lưu hành trên thị trường, được nhận biết rộng trãi, kể cả tại Úc. Đây là một sự thật không thể chối cãi.
Đề nghị IP Australia xem xét sự việc, tránh những tranh chấp có thể xảy ra; làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo ST 24, ST 25 từ Việt Nam sang Úc.
Thứ tư, Thương vụ đang trao đổi với các luật sư tại Úc để chuẩn bị các bước tiếp theo quy định của IP Australia.
Thứ năm, nếu sự việc diễn biến xấu đi, Thương vụ sẽ kết hợp vận động mạng lưới doanh nghiệp Úc, các hiệp hội, cả báo chí tại Úc và các kênh trao đổi với Bạn theo quy định để thực hiện phương án tổng thể.
Điểm mấu chốt, Thương vụ sẽ cùng với ông Hồ Quang Cua đẩy nhanh các thủ tục liên quan, vì không có Công ty T&L thì sớm hay muộn cũng sẽ có Công ty khác thực hiện các việc làm tương tự.
Theo Bộ Công Thương, sau 3 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Úc tăng 66% so với cùng kỳ đạt hơn 4,7 triệu USD.
Trước đó, chia sẻ với báo chí liên quan đến việc thương hiệu gạo ST25 ngon nhất, nhì thế giới đã và đang bị doanh nghiệp ngoại nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Cục Xúc tiến thương mại đã đề nghị giới thiệu một số chuyên gia có hiểu biết, có năng lực về vấn đề này để giúp doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành hồ sơ đăng ký với cơ quan Mỹ.
Tuy nhiên, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho rằng, để bảo vệ thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước cần sự chủ động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ thông tin chứ không can thiệp được.
Đây không phải là câu chuyện mới, mà là chuyện khá phổ biến ở trong thương mại quốc tế. Một khi thương hiệu, sản phẩm đã nổi tiếng và có giá trị, có chất lượng thì luôn luôn có nguy cơ bị xâm hại ở trên thị trường. Bài học, kinh nghiệm rút ra đó là các doanh nghiệp khi có sản phẩm có giá trị, có thương hiệu tốt thì luôn luôn phải có ý thức bảo vệ thương hiệu của mình.