Giải pháp chuyển đổi số lĩnh vực kế toán trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0

THS. HOÀNG KIM OANH (Học viện Hành chính Quốc gia)

Tóm tắt:

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định mục tiêu kép là “vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu” [6]. Thực hiện mục tiêu trên, các ngành, các lĩnh vực trong đó có lĩnh vực kế toán cần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, góp phần nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích những lợi ích, chỉ rõ thực trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động này trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Từ khóa: chuyển đổi số, giải pháp, cách mạng công nghiệp 4.0, kế toán.

1. Đặt vấn đề

Kế toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động sâu sắc, toàn diện từ cuộc CMCN 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Việc thực hành kế toán tại doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số được tiến hành thông qua các công nghệ, như: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), Chuỗi khối (Blockchain). Những công nghệ này giúp quy trình kế toán được thực hiện theo thời gian thực, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và bảo mật hơn, tổ chức kế toán trong doanh nghiệp cũng trở nên linh hoạt hơn và các báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin đa chiều có giá trị. Nhận thức đúng những lợi ích của chuyển đổi số, hiểu rõ những thách thức đặt ra và có giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực kế toán Việt Nam hiện nay là yêu cầu cấp thiết.

2. Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán

Trên thế giới, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Tại Việt Nam, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2018. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia vào ngày 03/6/2020 và bắt đầu diễn ra ở một số doanh nghiệp tư nhân lớn, vừa và nhỏ cũng như ở một số ngành: Viễn thông, Truyền thông, Y tế, Tài chính, Giao thông, Du lịch...

Theo Thomas M. Siebel, chuyển đổi số là sự hội tụ của 4 công nghệ đột phá: điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) [7]. Sự hội tụ này khiến cho phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của chuyển đổi số hết sức rộng lớn. Nghiên cứu của Ustundag và Cevikcan khẳng định: “Kỷ nguyên chuyển đổi mà chúng ta đang sống khác các thời đại khác là không chỉ mang đến sự thay đổi quá trình kinh doanh cơ bản mà còn làm nổi bật quan niệm sản phẩm tương tác thông minh thể hiện qua các mô hình kinh doanh theo hướng dịch vụ” [1]. Ở Việt Nam, chuyển đổi số được hiểu là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số [3].

Chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán là việc áp dụng công nghệ số vào các nghiệp vụ kế toán như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (loT), Điện toán đám mây (Cloud)... nhằm tự động hóa các quy trình kế toán, giúp cho các nghiệp vụ kế toán được triển khai nhanh chóng, hiệu quả. Có thể nhận diện những lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán trên một số nội dung sau:

Chuyển đổi số thúc đẩy ứng dụng nhanh chóng các công nghệ hiện đại từ CMCN 4.0, nhằm cải thiện năng suất và hiệu quả của hoạt động kế toán: Theo John Peter Krahel, việc ứng dụng công nghệ số vào quản lý máy móc thiết bị sẽ giảm tải công việc của kế toán viên trong việc theo dõi giám sát hoạt động sản xuất, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm [8]. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ cao tạo ra nhiều công cụ và phần mềm hiện đại, công nghệ tự động thay thế con người trong nhiều công việc. Từ đó, làm cho thông tin được lưu trữ trong thời gian thực, khối lượng lớn và không bị giới hạn, thậm chí công nghệ có thể xử lý những nghiệp vụ phức tạp của kế toán. Nghiên cứu của Đặng Văn Thanh (2018) còn chỉ rõ: Việc sử dụng chứng từ điện tử thay vì kiểm tra trên hồ sơ giấy và được xử lý ngay trên các phần mềm xử lý dữ liệu trong môi trường tin học hóa sẽ đơn giản hơn cho việc phân loại chứng từ, ghi sổ kế toán hay xử lý từng nghiệp vụ riêng lẻ, qua đó tiết kiệm đáng kể chi phí quản lý cho doanh nghiệp [5].

Chuyển đổi số tăng cường tính hữu ích của hệ thống thông tin kế toán: Công nghệ số được ứng dụng trong kế toán sẽ giúp tăng cường tính hữu ích của hệ thống thông tin kế toán, người sử dụng báo cáo có thể đồng thời phân tích thông tin và đề ra quyết định trong kinh doanh. Hệ thống thông minh, Robot và các công cụ AI thay thế con người bằng các thực thể mềm sẽ cải thiện sự tuân thủ, hạn chế được các quyết định chủ quan. Shawnie Kruskopf chỉ rõ, dòng dữ liệu tài chính kế toán theo thời gian thực thay vì định kỳ kiểm tra, các quy trình kiểm toán sẽ được tự động hóa và sẽ có các công cụ tiên tiến để phát hiện rủi ro và gian lận [9].

Chuyển đổi số thúc đẩy đổi mới các phương thức quản lý và hoạt động trong lĩnh vực kế toán: Thông qua hệ thống kỹ thuật số mô hình kinh doanh có thể được tự động hóa, sắp xếp hợp lý và được tiêu chuẩn hóa toàn cầu. Chuyển đổi số toàn diện sẽ làm thay đổi các kênh và phương thức huy động, phương thức tiếp cận vốn, quy trình thực hiện công tác kế toán và tổ chức thông tin kế toán. Theo đó, sự phát triển của các loại đồng tiền kỹ thuật số và các đồng tiền điện tử buộc các tổ chức tài chính, ngân hàng thay đổi phương thức thanh toán, thay đổi chức năng tiền tệ và cách thức điều hành chính sách tài chính [5].

Chuyển đổi số bảo đảm tính toàn vẹn của các hồ sơ tài chính: Nghiên cứu của Jun Dai và cộng sự (2016) cho thấy, công nghệ Blockchain được xem như một sổ cái phân quyền, có khả năng ghi chép lại và xác minh các giao dịch, hồ sơ kế toán sẽ không thể chỉnh sửa hay thay đổi một khi đã được lưu vào Blockchain [10]. Thông tin kế toán được cập nhật liên tục và được lưu trữ trên nền dữ liệu lớn theo thời gian thực, kiểm soát nội bộ có thể đảm bảo kiểm soát và đề ra chính sách bảo mật dữ liệu.

3. Một số vấn đề đặt ra cho chuyển đối số trong lĩnh vực kế toán Việt Nam

Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam đã bước đầu có sự chuyển biến tích cực.

Về hành lang pháp lý. Các quy định của pháp luật có liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán từng bước được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông,... đang trong tiến trình sửa đổi theo hướng khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư, tài trợ cho chuyển đổi số; nghiên cứu, sửa đổi các quy định về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cho các nội dung chuyển đổi số của doanh nghiệp. Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung năm 2015 đã đề cập đến các quy định về ứng dụng công nghệ thông trong công tác kế toán như: Các quy định về chứng từ điện tử, chữ ký trên chứng từ, xác lập và lưu trữ các chứng từ, mở - ghi - khóa sổ và công tác lưu trữ,... Các văn bản pháp luật dân sự, hình sự và các luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức và hình phạt cho các hành vi lừa đảo, gian lận khi giao dịch trên không gian mạng cũng như các hành vi lợi dụng, khai thác trái phép thông tin riêng, cá nhân trên mạng để người dùng an tâm khi thực hiện các giao dịch số.

Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số tiếp tục được phát triển, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán. Thông báo số 16/TB-VPCP 25/12/2022 của Văn phòng Chính phủ chỉ rõ những thành tựu nổi bật của nền tảng số Việt Nam: Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới; các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ, tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...). Đặc biệt, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...[11]

Nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán nói riêng được nâng lên một bước. Tính đến hết tháng 3/2022, cả nước đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. Có 100% bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số [13]. Đến ngày 30/3/2022, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước cho lĩnh vực công nghệ thông tin khoảng 10.157 tỷ đồng, trong đó 8.312 tỷ đồng bố trí cho một số cơ quan trung ương, 1.845 tỷ đồng bố trí cho một số địa phương [4]Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 cho thấy, có 48.8% doanh nghiệp đã từng sử dụng một số giải pháp chuyển đổi số, 35.3% doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu, quy trình (chủ yếu đưa các dữ liệu, văn bản, giấy tờ từ “bản cứng” thành “bản mềm” lưu trữ trên hệ thống, 7.6% đã từng bước xây dựng kế hoạch trong ngắn và dài hạn để chuyển đổi số, 6.2% đã hoàn thành xác định mục tiêu chuyển đổi số và 2.2% đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hóa để đưa ra các quyết định trong sản xuất kinh doanh). Trên 40% các doanh nghiệp có ngân sách để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số từ mức trung bình đến đầy đủ để tiếp nhận các tư vấn và giải pháp chuyển đổi số. Nghiệp vụ kế toán là nơi diễn ra mức độ chuyển đổi số cao hơn cả với trên 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ số ở mức độ cao và thường xuyên [2].

Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một là, vướng mắc về hành lang pháp lý liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán. Quá trình số hóa và chuyển đổi số, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán không chỉ đòi hỏi việc ứng dụng tại các đơn vị kế toán, mà còn phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về kế toán phù hợp với môi trường điện tử. Ví dụ quy định về chữ ký, quy định về ghi chép kế toán, về việc in, lưu giữ chứng từ điện tử, in và lưu giữ sổ kế toán cần đảm bảo phù hợp, nhằm tiết kiệm tránh lãng phí trong khâu in, ấn nhưng phải hiệu quả, an toàn.

Hai là, sự hòa hợp của chuẩn mực và các nguyên tắc kế toán Việt Nam với thế giới. Trên nền dữ liệu lớn, kế toán sẽ thay đổi cơ bản về phương thức thực hiện, thông tin kế toán được truyền tải với tốc độ cao, từ thu thập, xử lý và cung cấp thông tin qua báo cáo tài chính. Các nghiệp vụ kế toán được thực hiện qua chứng từ điện tử, ghi sổ kế toán bằng các phần mềm tổng hợp, xử lý dữ liệu, chuẩn mực và nguyên tắc kế toán ở Việt Nam hiện nay chắc chắn không phù hợp trong điều kiện tự động hóa. Bên cạnh đó, công nghệ số tác động trên phạm vi toàn cầu khiến cho việc rà soát điều chỉnh các chuẩn mực, nguyên tắc kế toán không chỉ phát sinh từ yêu cầu quản lý trong nội bộ nền kinh tế, mà còn xuất phát từ yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới cho việc hôi tụ chuẩn mực kế toán quốc tế. Đây là vướng mắc lớn đòi hỏi các chuẩn mực và các nguyên tắc kế toán Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.

Ba là, trình độ công nghệ thông tin của kế toán viên. CMCN4.0 tác động mạnh mẽ đến vai trò của kế toán, theo đó, kế toán học hỏi để làm chủ công nghệ, khám phá cách để quản lý dữ liệu trên nền tảng công nghệ số, phát huy khả năng của họ trên vai trò là những chuyên gia cố vấn về tài chính hơn là thuần túy ghi chép nghiệp vụ. Hơn nữa, thời đại công nghệ thông tin không ngừng phát triển đòi hỏi kế toán viên khả năng thích nghi nhanh và cập nhật công nghệ mới, am hiểu các công nghệ tiên tiến như hệ thống nhận dạng tự động, lập trình phân tích và khai thác dữ liệu, bởi vì đây là những gì tương lai trong lĩnh vực này sẽ hướng tới. Trong điều kiện thực hiện quy trình tự động kế toán viên cần tập trung vào bảo trì kỹ thuật của hệ thống và việc phân tích, bởi vì công nghệ số đã định hình lại mô hình kế toán. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trình độ của kế toán viên Việt Nam chưa thực sự đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi số.

Bốn là, vấn đề bảo mật thông tin kế toán. Các công nghệ mới như nền tảng điện toán đám mây, dữ liệu lớn, công nghệ di động,... mang lại những thay đổi cho nghề kế toán. Tuy nhiên, một thách thức chung mà mỗi công nghệ phải đối mặt đó là bảo mật dữ liệu nhạy cảm của kế toán. Nguyên nhân của sự cố bảo mật thông tin có thể từ cuộc tấn công bên ngoài, hệ thống không phù hợp, nhân viên thiếu kỹ năng,... Trong một nghiên cứu về thực trạng an toàn thông tin toàn cầu cho thấy, có tới 44% doanh nghiệp không có chiến lược tổng thể về an toàn thông tin; 48% không có chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho nhân viên; 54% không có cơ chế đối phó với tấn công mạng [12]. Rủi ro an ninh mạng có thể xảy ra khi chính sách quản trị và bảo mật thông tin, pháp luật liên quan đến quy định an ninh chưa được thiết lập chặt chẽ, hạn chế trong phân quyền truy cập hoặc kết xuất dữ liệu, chưa có phương án hoặc không duy trì việc phòng chống vi rút hay ngăn chặn phần mềm độc hại. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội của thời đại kỹ thuật số, họ cần phải đảm bảo các khoản đầu tư vào bảo mật thông tin bắt kịp với việc áp dụng công nghệ. Đây là thách thức đối với quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán ở Việt Nam.

Năm là, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán nói riêng nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp là thực sự cần thiết trong giai đoạn tiếp theo.

4. Một số kiến nghị

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và doanh nghiệp về chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán. Chuyển đổi số nói chung, trong lĩnh vực kế toán nói riêng vẫn là vấn đề mới, khó, phức tạp. Do đó, cần có sự chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân; từ đó tạo sự thống nhất trong hành động để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán.

Thứ hai, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán. Chú trọng bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động nguồn đầu tư, xây dựng lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán một cách đồng bộ.

Thứ ba, hoàn thiện chuẩn mực và nguyên tắc kế toán Việt Nam. Khác hẳn với kế toán truyền thống, trên nền dữ liệu lớn, thông tin được truyền tải theo thời gian thực, với tốc độ cao, các nghiệp vụ kế toán được xử lý qua phần mềm tiên tiến, các chuẩn mực và nguyên tắc kế toán hiện nay không còn phù hợp trong điều kiện tự động hóa. Chuẩn mực và nguyên tắc kế toán được xây dựng trong thời đại số hóa phải ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn cho người dùng, vừa xem xét yếu tố đặc thù của quốc gia, vừa phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế (IFRS). Áp dụng IFRS sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế của Chuẩn mực báo cái tài chính Việt Nam (VAS) hiện hành, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, đáp ứng yêu cầu quá trình cải cách thể chế, hội nhập quốc tế.

Thứ tư, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực kế toán. Các cơ sở đào tạo cần nhận thức đúng xu hướng số hóa để đổi mới chương trình đào tạo. Để đạt được sự kỳ vọng về năng lực của kế toán viên, giảng viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng trang bị cho sinh viên kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu công nghệ số. Cùng với đó, phải coi trọng đào tạo, bồi dưỡng năng lực hành vi như: hành động đạo đức, thái độ và ý thức trách nhiệm xã hội, cùng kỹ năng chuyên nghiệp, thái độ và đạo đức nghề nghiệp cho kế toán viên.

Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán. Chú trọng hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo, thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực kế toán, nhất là nhân lực chất lượng cao, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám.

5. Kết luận

Hiện nay, chuyển đổi số ở nước ta là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị. Lĩnh vực kế toán là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ cuộc CMCN 4.0 nói chung và xu hướng chuyển đổi số nói riêng. Chuyển đổi số làm cho lĩnh vực kế toán có sự thay đổi căn bản và toàn diện từ các hoạt động, nghiệp vụ chuyên môn đến các phương pháp kế toán… Với sự hỗ trợ từ công nghệ số, các nghiệp vụ kế toán sẽ được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn mà vẫn tối ưu tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Nhận thức rõ những lợi ích và thách thức từ chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, các chủ thể có liên quan cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động để triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số, nhằm phát triển hệ thống kế toán hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alp Ustundag and Emre Cevikcan (2018). Industry 4.0: Managing Digital Transformation. Springer Series in Advanced Manufacturing. DOI: 10.1007/978-3-319- 57870-5.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển Doanh nghiệp (2023). Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022. Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.
  3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021). Cẩm nang chuyển đổi số, Tái bản có chỉnh sửa, cập nhật, bổ sung năm 2021. Nxb Thông tin và Truyền thông.
  4. Trần Chí Nam (2022). Nguồn lực đầu tư công cho chuyển đổi số. Cổng thông tin điện tử Cục chuyển đổi số quốc gia.
  1. Đặng Văn Thanh (2018). Đổi mới quy trình kế toán trong thời đại công nghệ số. Báo Đầu tư chứng khoán.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020, Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội.
  3. Thomas M. Siebel (2019). Chuyển đổi số (Digital Transformation). Phạm Anh Tuấn dịch. Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  4. John Peter Krahel (2012). On the Formalization of accounting Standards. A dissertation submitted to the Graduate School - Neward. Available at: https://rucore.libraries.rutgers.edu/rutgers-lib/38677/PDF/1/play/.
  5. Shawnie Kruskopf, S., Lobbas, C., Meinander, H., Söderling, K., Eds. Martikainen M. and Lehner OM. (2019). Opportunities, Threats and the Human Factor. ACRN Oxford Journal of Finance and Risk Perspectives, 8(2019) Special Issue Digital Accounting, 1-15.
  6. Jun Dai and Miklos A. Vasarhelyi (2016). Imagineering Audit 4.0. Journal of Emerging Technologies in Accounting, Spring 2016, 13(1), 1-15.
  7. Văn phòng Chính phủ (2022). Thông báo số 16/TB-VPCP kết luận Hội nghị sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022.
  8. Cao Thị Cẩm Vân, Lang Thị Minh Thảo (2020). Những nhân tố tác động đến kế toán trong thời đại kỹ thuật số của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Số 46, tr.46-61.

Solutions to promote the accounting field’s digital transformation in the context of Industry 4.0

Master. Hoang Kim Oanh

National Academy of Public Administration

Abstract:

The dual goal of Vietnam’s National Digital Transformation Program is to both develop a digital government, a digital economy, and a digital society, and to increase the capacity of Vietnamese digital technology enterprises in order to enter the global market. To achieve this dual goal, it is necessary for industries and fields, including the accounting field, in Vietnam to accelerate the digital transformation process to facilitate Vietnam to become a digital, stable and prosperous country. This study analyzes the benefits of digital transformation and the current digital transformation of the accounting field in Vietnam. Based on the study’s analysis, some solutions are proposed to promote the accounting field’s digital transformation in the context of the Fourth Industrial Revolution.

Keywords: digital transformation, solutions, the Fourth Industrial Revolution, accounting.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8  tháng 4 năm 2023]

Tạp chí Công Thương