Tóm tắt:
Bài viết tìm hiểu về thực trạng vải vụn, quy trình xử lí tái chế vải vụn thành các bộ trang phục và phụ kiện thời trang ở các xưởng may tại thành phố Hải Phòng, qua đó đề xuất một số giải pháp để đem lại hiệu quả về kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt là hiệu quả kinh tế cho các xưởng may tại thành phố cảng biển này.
Từ khóa: ngành Dệt may, tái chế vải vụn, trang phục, hiệu quả kinh tế, thành phố Hải Phòng.
1. Tổng quan về thị trường dệt may thành phố Hải Phòng
Với vị trí địa lý thuận lợi, gần thủ đô Hà Nội, có cảng lớn nhất miền Bắc và sân bay quốc tế Cát Bi, cơ sở hạ tầng phát triển từ hệ thống đường bộ với mệnh danh là thành phố của những cây cầu, đường thủy và cả đường hàng không hiện đại, Hải Phòng là trung tâm dệt may đứng thứ 2 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh với hơn 150 doanh nghiệp dệt may, trong đó có những doanh nghiệp lớn như May Hai, Comtec, May 10 đóng góp 20% GDP của thành phố. Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu năm 2023 là 7,7 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản, cùng một số thị trường tiềm năng như Hàn Quốc và ASean.
Nhu cầu dệt may toàn cầu ngày càng tăng trưởng, Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký như EVFTA (Việt Nam và EU gồm 27 thành viên), UKVFTA (Việt Nam và Vương Quốc Anh), CPTPP (Việt Nam và Canada, Mexico, Peru, Chi Lê, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia, Vương quốc Anh (ký Nghị định thư gia nhập ngày 16/07/2023)) hay gần đây nhất là VIFTA (Việt Nam và Isael khi khởi động đàm phán tháng 12/2015 và chính thức ký kết vào 25/07/2023) đã mang đến cho Việt Nam và Hải Phòng nhiều cơ hội mới. Ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ cao vào sản xuất đồng thời gắn với phát triển bền vững hướng đến sản phẩm thân thiện với môi trường.
Dự báo ngành Dệt may Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, từ nay tới năm 2030, ngành Dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
2. Thực trạng xử lý vải vụn của ngành Dệt may tại thành phố Hải Phòng
2.1. Thực trạng vải vụn tại thành phố Hải Phòng
Theo khảo sát thực tế, có hàng triệu tấn vải vụn được tập kết trái phép ven đê tả sông Cấm thuộc địa bàn xã Hoa Động, Thủy Nguyên thời gian dài nhưng không được xử lý. Có những đống đã bạc màu, chứng tỏ thời gian tập kết đã khá lâu nhưng lạ thay việc tập kết trái phép này chưa từng bị xử lý. Vải vụn được chia thành nhiều bọc chất thành nhiều đống lớn nhỏ trên một bãi đất rộng cả ngàn mét vuông, không có bạt che. Ở Hải Phòng cũng có nhiều đơn vị chuyên thu mua vải vụn. Các đơn vị phải kể đến như: Chi nhánh Hải Phòng - Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Phát Thành Nam (xóm 13, Hoa Động, Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng, Việt Nam); Công ty Cổ phần Sản xuất Bảo hộ lao động và Thương mại Sơn Linh (Số 2, Đường số 1, KDC An Trang, X. An Đồng, H. An Dương, TP. Hải Phòng)… Tuy nhiên, các đơn vị này hoạt động không quá mạnh mẽ và ít được biết tới.
Nhìn chung, phương thức xử lý vải vụn của ngành Dệt may Hải Phòng hầu hết dừng lại ở việc thải vải vụn ra môi trường, đốt hoặc chôn lấp mà không qua xử lý. Điều đó làm gia tăng ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho những hộ dân xung quanh khu vực tập kết vải vụn trái phép. Có một vài đơn vị thu mua vải vụn nhưng không đáng kể. Việc tồn đọng vải vụn của ngành Dệt may Hải Phòng vẫn chưa được chú trọng đúng mức và cần phải có những biện pháp phù hợp để xử lý vấn đề nêu trên.
2.2. Cách thức xử lý vải vụn cho ngành Dệt may ở thành phố Hải Phòng hiện nay
Từ tình hình thực tế hiện nay, nhóm tác giả đã nghiên cứu và đưa ra quy trình xử lý vải vụn thành các bộ trang phục và phụ kiện thời trang một cách phù hợp, hiệu quả. Quy trình này bao gồm 5 bước cơ bản như sau:
Bước 1: Thu thập và phân loại vải vụn
- Tìm kiếm và thu gom vải vụn từ các nguồn: doanh nghiệp may mặc, xưởng may, cửa hàng may mặc.
- Phân loại sơ bộ theo kích thước, chất liệu, màu sắc.
- Theo chất liệu:
- Jeans: Độ bền cao, độc đáo, trẻ trung, năng động.
- Cotton: Dễ thấm hút, mềm mại, phù hợp cho nhiều ứng dụng.
- Polyester: Bền, chống nhăn, khó thấm hút.
- Len: Ấm áp, mềm mại, co giãn tốt.
- Lụa: Sang trọng, mềm mại, thoáng khí.
- Vải tổng hợp: Pha trộn nhiều loại sợi, tính chất đa dạng.
- Theo kích thước: Vải vụn lớn, vải vụn nhỏ.
- Theo màu sắc: màu sắc cơ bản (trắng, đen,...) hoặc theo bảng màu.
Bước 2: Chuẩn bị và cắt vải
- Sử dụng kéo sắc hoặc dao cắt vải chuyên dụng để cắt vải vụn.
- Vẽ mẫu hoặc sử dụng khuôn để cắt vải vụn thành các hình dạng mong muốn.
- Cắt cẩn thận và chính xác để đảm bảo các mảnh vải được sử dụng hiệu quả.
Bước 3: Thiết kế và ghép vá
- Sử dụng keo dán vải, kim chỉ hoặc máy may để ghép nối các mảnh vải vụn.
- Đảm bảo các đường nối được khít và chắc chắn để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Bước 4: Đường may và hoàn thiện
- Thêm các chi tiết trang trí như cườm, ren, ruy băng,... để tạo điểm nhấn cho sản phẩm.
- Là phẳng sản phẩm sau khi hoàn thành.
Bước 5: Kiểm tra chất lượng
- Kiểm tra đường may:
- Đảm bảo các đường may được khít, chắc chắn và đều đặn.
- Không có đường may bị bung, xù hoặc lỗi.
- Kiểm tra xem các chi tiết được ghép nối đúng cách hay không.
- Kiểm tra chất lượng hoàn thiện:
- Sản phẩm không có các lỗi như thừa chỉ, keo dán vải lộ ra ngoài,...
- Bề mặt sản phẩm phẳng mịn, không có nếp nhăn.
- Sản phẩm có màu sắc đồng đều, không bị phai màu.
- Kiểm tra độ bền:
- Thử kéo, giật nhẹ sản phẩm để kiểm tra độ bền của đường may và chất liệu vải.
- Đảm bảo sản phẩm có thể chịu được lực tác động trong quá trình sử dụng.
- Kiểm tra tính thẩm mỹ:
- Đánh giá sản phẩm có đẹp mắt, thu hút hay không.
- Sản phẩm có phù hợp với sở thích và thị hiếu của khách hàng.
Hình 1: Quy trình xử lý vải vụn
Trên thực tế, nhóm nghiên cứu đã triển khai thực hiện và tạo ra được nhiều bộ sản phẩm khác nhau đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt nhóm hướng tới đối tượng khách hàng là nữ giới, ở độ tuổi 17 đến 26 do lứa tuổi này ưa thích sự tự do, sáng tạo, đa dạng phong cách.
Hình 2 là một số hình ảnh các mẫu quần áo được sản xuất từ vải vụn và đã được lưu thông, tiêu dùng tại thị trường Hải Phòng.
Hình 2: Các sản phẩm đã được cung ứng ra thị trường
2.3. Phân tích hiệu quả của quy trình xử lí vải vụn ngành Dệt may thành phố Hải Phòng
Thông qua quá trình tìm hiểu, phân tích, nghiên cứu, đánh giá và triển khai sản xuất tạo ra sản phẩm thực tế, nhóm tác giả đã nhận thấy những hiệu quả của quy trình xử lý vải vụn. Quy trình này giữ vai trò then chốt trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành Dệt may Hải Phòng.
Thứ nhất, về môi trường: giảm thiếu tối đa chất thải ra môi trường trong quá trình sản xuất của các xưởng dệt may, tránh được nguy cơ làm nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế ô nhiễm không khí khi đốt vải.
Thứ hai, về xã hội: giảm tỉ lệ thất nghiệp ở Hải Phòng tạo điều kiện cho những người không có thu nhập chính (phụ nữ nội trợ) có thêm nguồn thu nhập.
Thứ ba, về kinh tế: vải vụn từ các xưởng may, doanh nghiệp tưởng chừng như là bỏ đi, nhưng khi tái chế sẽ trở thành những bộ quần áo, phụ kiện độc đáo được bán trên thị trường, tạo nên một vòng tuần hoàn về thời trang, đem lại hiệu quả kinh tế. Kinh doanh theo mô hình nhỏ lẻ sẽ mất ít chi phí quản lí, chi phí nhân công, chi phí thuê nhà xưởng và đem lại lợi nhuận cao hơn.
2.4. Đánh giá chung về việc xử lý và tái chế vải vụn thành các bộ trang phục và phụ kiện đi kèm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các xưởng may tại thành phố Hải Phòng
2.4.1. Những lợi ích đạt được
Thứ nhất, tiếp nhận và tận dụng năng lực chuyển đổi số trên các nền tảng mạng xã hội: facebook, tiktok, instagram,… để lan tỏa và tăng độ nhận diện của sản phẩm.
Thứ hai, thiết kế tái chế vải vụn mang đến những sản phẩm độc đáo và cá nhân hóa, khác biệt với những gì đã có trên thị trường đáp ứng được nhu cầu thời trang của giới trẻ: tự do - sáng tạo - đa dạng phong cách.
Thứ ba, phù hợp và thiết thực với các bà mẹ nội trợ có khả năng may vá, các bạn trẻ có đam mê về thiết kế thời trang nhưng còn hạn chế về vốn, vì đây là mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, không tốn các chi phí quản lí, không cần đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị và dây chuyền sản xuất phức tạp mà vẫn đem lại lợi nhuận.
Thứ tư, thời trang tái chế từ vải vụn phản ánh xu hướng và yêu cầu của người tiêu dùng hiện đại về việc hướng tới một cuộc sống bền vững và trách nhiệm với môi trường, từ đó tạo nên một vòng tuần hoàn về thời trang.
2.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế
Thứ nhất, chỉ mô hình kinh doanh nhỏ lẻ mới có thể đem lại lợi nhuận và hiệu quả kinh tế như mong đợi. Vì nếu mở rộng mô hình kinh doanh, chi phí ban đầu sẽ tăng cao, dẫn đến giá bán sản phẩm tăng lên, lượng mua giảm.
Thứ hai, thời trang bền vững ngày càng chiếm lĩnh và trở thành xu thế toàn cầu. Chính vì vậy, trong tương lai gần rất có thể sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh về nguồn đầu vào, giá của vải vụn sẽ có xu hướng tăng. Nếu có thêm các mô hình kinh doanh tương tự, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, doanh thu và lợi nhuận của mô hình cũng sẽ bị thay đổi.
Thứ ba, đối tượng khách hàng tiềm năng chủ yếu là nữ giới từ 17-26 tuổi, do đó tệp khách hàng bị thu hẹp lại, nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
3. Một số giải pháp xử lý và tái chế vải vụn thành các bộ trang phục và phụ kiện đi kèm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các xưởng may tại thành phố Hải Phòng
Thứ nhất, cần cập nhật kịp thời nhu cầu của thị trường để không ngừng đổi mới, đa dạng hình thức mẫu mã, đồng thời tăng cường hoạt động marketing thông qua các kênh truyền thông, tổ chức các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng quà để thu hút khách hàng tiêu dùng sản phẩm.
Thứ hai, tăng cường đàm phán với nhà cung cấp, xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài, đáng tin cậy để có được mức giá ưu đãi và nguồn cung ổn định. Tham gia các hiệp hội ngành nghề để có cơ hội thuận lợi về trao đổi thông tin, hợp tác tìm kiếm nguồn cung và đàm phán giá cả.
Thứ ba, cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp, chu đáo tận tình và có chính sách đổi trả hàng hóa linh hoạt để khách hàng yên tâm, gắn bó lâu dài. Đồng thời, nhận thiết kế và may theo yêu cầu của khách hàng.
Thứ tư, nghiên cứu phát triển, đưa ra chiến lược kết hợp với các đối tác xanh tiêu biểu như: TimTay - Bền vững là theo đuổi tinh thần “zero-waste”; Môi Điên - Bền vững là sản phẩm chất lượng; Metiseko: Bền vững là kiên trì quảng bá văn hóa Việt; Fashion4Freedom - Bền vững là bảo tồn làng nghề thủ công; The 31 - “Sống chậm để yêu thương bản thân nhiều hơn”; PHẢI XANH: Leinné - Couture, bền vững để tôn vinh giá trị thủ công Việt.
Thứ năm, chú trọng kết hợp với các thương hiệu thời trang bền vững với tệp khách hàng tiềm năng là nam giới như: Archive Sashiko- Bền vững là “vá chằng vá đụp”, Kilomet109 - Giữ gìn và phát huy truyền thống của người Việt Nam để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thứ sáu, kết hợp với các cửa hàng chuyên về quà tặng, phụ kiện, đồ lưu niệm tại Hải Phòng để tăng độ nhận diện với khách hàng và mở rộng nguồn cung sản phẩm.
4. Kết luận
Cùng với sự phát triển của ngành Công nghiệp dệt may tại Hải Phòng, đặc biệt là xu hướng thời trang nhanh, bên cạnh những lợi ích về kinh tế - xã hội, trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp, xưởng may Hải Phòng đã thải ra một khối lượng lớn chất thải rắn công nghiệp, với thành phần chủ yếu là vải vụn. Bài toán để xử lý chất thải công nghiệp vải vụn từ các doanh nghiệp, xưởng may vẫn chỉ đang dừng lại ở việc thu gom, chôn lấp và trở thành mối nguy hại đe dọa đến môi trường. Những mảnh vải vụn tưởng chừng như vô giá trị, nhưng khi được nhóm nghiên cứu xử lý, tái chế thành những bộ trang phục và phụ kiện thời trang đi kèm đã trở thành những sản phẩm hữu ích, góp phần giảm rác thải tại địa phương, biến rác thành tài nguyên, tạo sinh kế đem lại lợi nhuận và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Kim - Giám đốc điều hành CL2B (2020). Hiện trạng quản lý vải vụn hướng tới kinh tế tuần hoàn. thuộc nghiên cứu: Waste stream mapping.
2. Lê Hùng Anh (2012). Tìm hiểu thu gom và tái chế vải sợi. Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Lê Thị Ngọc (2019). Giải pháp quản lí và hạn chế vải vụn, phế liệu trong ngành May mặc ở Việt Nam. Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
4. HN (2023). Dệt may Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Truy cập tại: https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/det-may-viet-nam-huong-toi-muc-tieu-xuat-khau-44-ty-usd-655637.html.
5. Tạp chí Tài chính Online (2023). Đẩy mạnh phát triển ngành Dệt may Việt Nam. Truy cập tại: Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 08 tháng 3/2023.
6. Quyen Hoang (2018). Môi Điên và những biên độ sáng tạo. Truy cập tại: https://vietcetera.com/vn/moi-dien-va-nhung-bien-do-sang-tao.
Solutions for processing and recycling fabric scraps into clothes and accessories
to improve the economic efficiency of garment plants in Hai Phong
Nguyen Thi Quynh Nga1
Tran Thi Tuyet Nhung1
Nguyen Tran Tram Anh1
Dao Hong Hanh1
1Vietnam Maritime University
Abstract:
This study explored the current fabric scrap recycling methods and the process of recycling fabric scraps into costumes and fashion accessories in garment plants in Hai Phong. Based on the study’s findings, some processing and recycling fabric scrap solutions were proposed to improve the economic, environmental, and social efficiency, especially the economic efficiency, of garment plants in Hai Phong.
Keywords: textile industry, recycling fabric scraps, clothes, economic efficiency, Hai Phong.