Sự biến động trên thị trường giao dịch vàng dưới góc nhìn từ học thuyết giá trị của Karl Marx

Đề tài Sự biến động trên thị trường giao dịch vàng dưới góc nhìn từ học thuyết giá trị của Karl Marx do tác giả Ngô Quế Lân (Khoa Lý luận Chính trị - Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện.

Tóm tắt:

Thời gian qua, giá vàng trên thế giới tăng cao, giá vàng tại Việt Nam cao hơn mặt bằng thế giới, đồng thời còn có sự chênh lệch lớn giữa vàng miếng SJC và vàng trang sức mỹ nghệ. Sử dụng lý luận của Karl Marx để lý giải quy luật vàng ngày càng có giá trước các đồng tiền pháp định (currency). Quy luật đó hoạt động qua các diễn biến cụ thể về kinh tế, chính trị trên thế giới và chính sách quản lý của Nhà nước. Từ đó, khuyến nghị việc đa dạng hóa nguồn cung vàng nguyên liệu, đồng thời thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giải tỏa những nút thắt thể chế, và phối hợp linh hoạt với công cụ lãi suất, để ổn định thị trường vàng tại Việt Nam.

Từ khóa: học thuyết giá trị, Karl Marx, thị trường vàng, tiền tệ, bản vị vàng.

1. Đặt vấn đề

Vàng (gold) là tài nguyên quan trọng của thế giới, đồng thời là phương tiện cất trữ phổ biến của các quốc gia. Vì vậy, thị trường giao dịch vàng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, vàng cũng được giao dịch trên thị trường như một loại hàng hóa mỹ nghệ và trang sức.

Sự đa dạng về chức năng của vàng trên thị trường, cùng với diễn biến phức tạp về kinh tế và chính trị trên thế giới đã tạo nên những tác động, khiến cho giá cả giao dịch vàng có những đột biến trong giai đoạn 2020-2024.

Như vậy, cần có phân tích các vấn đề lý luận về vai trò của vàng trong hoạt động kinh tế, mối quan hệ giữa vàng với tiền pháp định, để chỉ ra những xu thế mang tính quy luật của thị trường giao dịch vàng, từ đó đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm ổn định thị trường.

2. Lý luận của Karl Marx về vai trò của vàng và tiền pháp định

2.1. Vàng là thứ mang bản chất của tiền

Sự xuất hiện của tiền là do sự phát triển của sản xuất và trao đổi hàng hóa. Khi sự trao đổi hàng hóa phát triển đến phạm vi rộng khắp trong xã hội, thì cần có 1 vật ngang giá chuẩn trong toàn xã hội. Tức là cần 1 đơn vị đo lường giá trị chuẩn, gắn với 1 loại hàng hóa đặc biệt mà xã hội tín nhiệm và sẽ được gọi là tiền (money).

Theo Karl Marx, bản chất tiền là 01 hàng hóa đặc biệt, được xã hội chọn làm vật ngang giá chuẩn duy nhất, dùng để đo lường giá trị của các hàng hóa khác và làm phương tiện lưu thông trao đổi [2]. Thực tiễn chỉ ra rằng bản chất của tiền gắn với vàng, vì xã hội tín nhiệm 2 thuộc tính vật chất của vàng là: thứ nhất, giá trị cao (do hao phí lao động xã hội để thăm dò, khai thác và chế tác vàng rất lớn); thứ hai, giá trị sử dụng cao (do các tính chất vật lý và hóa học ưu việt của vàng).

2.2. Vàng là thước đo giá trị chuẩn, tiền pháp định là phương tiện lưu thông phổ biến

Karl Marx đã chỉ ra nguyên nhân lịch sử dẫn đến sự ra đời của tiền là do cần 1 vật ngang giá chuẩn để đo lường giá trị trong quá trình lưu thông, trao đổi hàng hóa. Lịch sử nhân loại đã tín nhiệm vàng là thứ mang bản chất của tiền, là thước đo chuẩn mực của giá trị.

Tuy nhiên, lượng vàng có trong thực tế sẽ không thể đáp ứng sự phát triển không ngừng của lưu thông hàng hóa trên thị trường. Do đó, xã hội cần sử dụng phương tiện gọn nhẹ hơn vàng, không hao tổn tài nguyên như vàng, không bị giới hạn số lượng như vàng, để làm phương tiện lưu thông thay cho tiền vàng. Mặt khác, trong lịch sử, các nhà nước quân chủ chuyên chế luôn muốn kiểm soát hoạt động kinh tế thông qua việc kiểm soát tiền

Như vậy, từ nhu cầu của xã hội và nhu cầu của các nhà nước, đều hướng đến giải pháp lịch sử là không sử dụng tiền vàng trong lưu thông nữa. Thay vào đó là một hình thái chứng chỉ của giá trị, do nhà nước phát hành, để sử dụng trong lưu thông, còn được gọi là tiền pháp định (hoặc tiền chứng chỉ, tiền phù hiệu). Chất liệu của tiền pháp định (currency) có thể là giấy in, polyme hoặc kim loại.

Nhưng vì nguyên lý “vàng là thước đo giá trị chuẩn”, nên thuở ban đầu, các đơn vị tiền pháp định đều phải được các nhà nước cam kết quy đổi ra một lượng vàng cố định tương ứng. Tức là xét đến cùng, đơn vị tiền pháp định vẫn phải dựa vào vàng, được gọi là chế độ “bản vị Vàng”. Sau Thế chiến II, Chính phủ Mỹ đã chủ trì xây dựng hệ thống Bretton Wood, quy đổi cố định các đồng tiền dựa vào USD, đồng thời cam kết bán vàng với mức quy đổi cố định 35 USD/ounce. 

Các nền kinh tế Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản… đều phải phụ thuộc vào USD và nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi mạnh, hàng hóa trên toàn thế giới tạo ra ngày càng lớn, mức cung USD mà các quốc gia trên thế giới nắm giữ ngày càng nhiều. Nếu xuất hiện làn sóng đem USD quay về Mỹ mua vàng, thì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ không thể có đủ vàng để cung cấp theo cam kết 35 USD/ounce. Nên điều tất yếu là chế độ bản vị Vàng sẽ lại chấm dứt, với sự kiện ngày 18/7/1971, Tổng thống Nixon ra quyết định từ bỏ cam kết của nước Mỹ về việc quy đổi cố định USD theo vàng. (Hình 1)

Hình 1: Hệ thống Bretton Wood quy đổi các đồng tiền theo USD và vàng sau Thế chiến II

Tổng hợp lại, có thể thấy chức năng phương tiện lưu thông thì cần dựa trên các loại tiền pháp định vốn có tính linh động. Nhưng do quy luật lạm phát, các đồng tiền pháp định của Nhà nước sẽ luôn bị mất giá so với chuẩn giá trị. Tức là xét trong tổng thể dài hạn, tiền pháp định sẽ luôn mất giá so với vàng, nói cách khác là giá vàng ngày càng tăng là quy luật tất yếu.

2.3. Vàng là phương tiện cất trữ

Cất trữ tiền là nhu cầu của các chủ thể tham gia thị trường để ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Đối với các đồng tiền pháp định, sự mất giá theo thời gian là không thể tránh khỏi, do những tác động của quy luật lạm phát.

Theo Karl Marx, tiền vàng là phương tiện cất trữ bền vững. Khi bãi bỏ chế độ bản vị Vàng, điểm tựa của các đồng tiền pháp định chỉ còn là sức mạnh từ nền sản xuất, nền kinh tế của quốc gia phát hành ra nó. Tuy nhiên, khi có biến động đối với kinh tế - chính trị - xã hội, các đồng tiền pháp định sẽ gặp nhiều rủi ro, nên việc đầu tư vào vật ngang giá chuẩn như vàng sẽ trở thành một xu thế.

3. Thực trạng giá giá giao dịch vàng giai đoạn 2020-2024 tại Việt Nam

3.1. Diễn biến giá vàng trên thị trường thế giới

- Giá vàng tăng mạnh, thiết lập mặt bằng mới theo quy luật

Thực tiễn trên thị trường đã diễn ra đúng như lý luận của Karl Marx về quy luật trong tổng thể dài hạn, các đồng tiền pháp định sẽ ngày càng mất giá so với vàng (tức là giá vàng tăng). Như Hình 2 có thể thấy: giai đoạn 2020-2024 đã thiết lập nên một mặt bằng giá vàng mới, cao hơn 70% so với mặt bằng của 10 năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Giai đoạn này, điểm đáng chú ý giao dịch vàng trên thị trường thế giới là sự tăng cường các giao dịch có trao đổi vàng trực tiếp (OTC), trong khi các giao dịch trên tài khoản tại quỹ giao dịch hoán đổi thì theo chiều hướng bán ròng (ETF - dạng sàn giao dịch đặt lệnh trên tài khoản mà giới đầu cơ tài chính thường sử dụng). Như vậy hiện nay, sức mua vàng là nhu cầu thực sự chứ không đơn thuần là trào lưu đầu cơ tạo sóng. Nhóm khách hàng thực tế là các ngân hàng trung ương, các định chế tài chính lớn và công chúng tại các thị trường lớn như Trung Quốc. (Hình 2)

Hình 2: Biến động giá vàng thế giới giai đoạn 2013-2024 [4]

 

Nguồn: Thomas Andrieu, 2024 Outlook: Gold Heading Towards New Peaks?

- Nguyên nhân trực tiếp

Diễn biến thị trường đang phản ánh những vấn đề phức tạp về kinh tế và chính trị trên thế giới, khiến cho vàng trở thành phương tiện cất trữ đáng tin cậy đối với các ngân hàng trung ương và giới đầu tư.

Thứ nhất, trong giai đoạn 2020-2024, cả thế giới hứng chịu tổn thất từ dịch Covid-19 và các vấn đề hậu Covid-19, gián đoạn chuỗi cung ứng, nền sản xuất bất ổn, lạm phát cao, các đồng tiền pháp định mất giá.

Thứ hai, khi dịch Covid-19 bắt đầu qua đi, xung đột Nga-Ukraine bùng phát từ tháng 2/2022, tiếp theo là xung đột tại Trung Đông giữa Hamas và Israel từ tháng 10/2023, thêm vào đó là những cuộc tấn công của Houthi vào tuyến vận chuyển hàng hải trên biển Đỏ. Lo ngại vì những căng thẳng chính trị và quân sự, nên một phần dòng đầu tư tài chính trên thế giới sẽ tìm đến điểm tựa cất trữ an toàn là vàng.

Thứ ba, mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa các quốc gia có nền kinh tế lớn. Tiếp nối xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc là những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga. Bối cảnh đó khiến cho các dòng vốn đầu tư toàn cầu bị cản trở, chính vì vậy, việc đầu tư vào vàng trở thành xu thế được lựa chọn nhiều hơn.

3.2. Diễn biến giá vàng trên thị trường Việt Nam

- Giá vàng trên thị trường Việt Nam tăng mạnh theo xu thế của thị trường thế giới

Trong xu thế chung của thị trường thế giới về tăng cường đầu tư vàng làm phương tiện cất trữ, thị trường Việt Nam cũng có diễn biến tương tự, giá vàng liên tục tăng cao. Thực tế, tại cùng một thời điểm, giá vàng tại Việt Nam còn cao hơn so với mặt bằng của thế giới.

- Tồn tại cơ chế “hai giá”, phân biệt giữa vàng miếng SJC đóng vai trò “tiền vàng” với vàng trang sức mỹ nghệ đóng vai trò hàng hóa tiêu dùng.

Nghị định số 24/2012/NĐ-CP quy định “Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ” [1]. Nhìn từ lý thuyết của Karl Marx, loại vàng miếng này đóng vai trò như “tiền vàng” có chức năng làm phương tiện cất trữ, vì vậy Nhà nước độc quyền sản xuất và cung ứng cho thị trường.

Cũng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, “Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật” [1]. Loại vàng trang sức, mỹ nghệ này đóng vai trò như hàng hóa để đáp ứng nhu cầu sử dụng, vì vậy sản xuất kinh doanh sản phẩm này thuộc dạng ngành nghề có điều kiện, phải được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước. 

Hình 3: Biến động giá vàng thị trường Việt Nam từ đầu năm 2024

Nguồn: Báo điện tử Vnexpress.net

Từ sự phân biệt 2 loại vàng trên thị trường (dù hàm lượng kim loại Au có thể như nhau), dẫn đến cơ chế “hai giá”. Số liệu tại Hình 3 cho thấy, tại Việt Nam giá vàng trang sức mỹ nghệ đã cao hơn giá vàng thế giới khoảng 5%, còn giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới khoảng 22% - 25%.

- Nguyên nhân trực tiếp (Hình 4)

Thứ nhất, do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vì Việt Nam không phải là quốc gia có nhiều trữ lượng vàng nguyên liệu. Đây là một yếu tố đẩy giá giao dịch vàng tại Việt Nam lên cao hơn so với mặt bằng thế giới.

Thứ hai, do ý thức xã hội, tại Việt Nam (cũng như nhiều quốc gia châu Á), sự tín nhiệm, ưa chuộng vàng là cao hơn so với các khu vực khác, nên nhu cầu mua vàng được đẩy lên, làm cho giá vàng cao hơn mặt bằng thế giới.

Thứ ba, do bối cảnh chung của thế giới có những mâu thuẫn kinh tế và chính trị phức tạp, làm gia tăng nhu cầu dùng vàng làm phương tiện cất trữ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vàng miếng SJC là dạng “tiền vàng” làm phương tiện cất trữ, nên thị trường và bản thân Ngân hàng Nhà nước đều có nhu cầu lớn, dẫn đến giá cả bị đẩy lên cao hơn nhiều so với vàng trang sức.

Thứ tư, do nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn trong tăng trưởng, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp. Hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh có phần trì trệ, khiến cho các dòng tiền ứ đọng. Dư cung tiền, nên dòng tiền luân chuyển sang thị trường vàng nhiều hơn, làm giá vàng tăng, VND mất giá so với vàng.

Thứ năm, do tính độc quyền trên thị trường vàng, sự quản lý độc quyền Nhà nước tại Việt Nam là rất nghiêm ngặt. Ngân hàng Nhà nước (hoặc doanh nghiệp được cho phép) độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và độc quyền sản xuất vàng miếng. Nguồn cung độc quyền và hạn chế trong khi nhu cầu lại tăng cao, khiến cho giá vàng miếng SJC chênh lệch quá nhiều so với giá vàng trang sức mỹ nghệ.

Hình 4: Mô hình các yếu tố trực tiếp tác động đến thị trường vàng                  tại Việt Nam

3.3. Thách thức từ những diễn biến trên thị trường vàng Việt Nam

- Rủi ro từ sự chênh lệch quá nhiều giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng trang sức mỹ nghệ và giá vàng thế giới

Mức chênh lệch 22% - 25% giữa giá nhập khẩu vàng với giá vàng đã được dập và đóng dấu SJC do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là một khoảng lợi ích quá lớn. Do cả hai khâu này đều được độc quyền bởi Nhà nước, nên về nguyên tắc sẽ không có sự thất thoát giá trị thặng dư. Tuy nhiên, đó là khoảng chênh lệch khiến cho doanh nghiệp được cấp phép độc quyền sẽ thu được quá nhiều lợi ích cá biệt. 

Mặt khác, nếu nền kinh tế lấy được đà tăng trưởng và các vấn đề kinh tế chính trị trên thế giới giảm căng thẳng, thì nhu cầu về vàng làm phương tiện cất trữ sẽ giảm nhanh chóng. Khi đó, sẽ có rủi ro rất lớn cho những ai đã mua vào lúc giá vàng miếng bị đẩy lên quá chênh lệch.

- Rủi ro từ việc dòng tiền bị hút vào đầu tư cất trữ vàng khi giá vàng miếng SJC tăng cao

Từ cuối tháng 4/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện 6 phiên đấu thầu và cung cấp ra 48.500 lượng vàng miếng SJC, nhưng không thể hạ nhiệt thị trường, nên đã phải công bố ngừng đấu thầu vào ngày 27/5/2024 [4]. 

Điều đó cho thấy dòng tiền bị hút vào đầu tư cất trữ vàng đang ngày một lớn. Xét về kinh tế vĩ mô, đó cũng là một trạng thái thiếu bền vững, vì nguồn lực đang dồn vào đầu cơ tích trữ, hơn là đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra tăng trưởng thực tế.

4. Một số khuyến nghị để điều tiết thị trường vàng tại Việt Nam

4.1. Về chính sách quản lý

- Giải pháp cụ thể về quản lý thị trường vàng là đa dạng hóa nguồn cung vàng nguyên liệu 

Bổ sung nguồn cung là giải pháp bình ổn thị trường, nguồn cung nguyên liệu được mở rộng thì nguồn cung thành phẩm ra thị trường sẽ tăng lên, để tạo nên sự cân đối cung - cầu. Tuy nhiên, nếu bỏ quy định Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, việc nhập khẩu vàng trở nên tự do hơn, thì tạo nên bài toán kiểm soát dòng ngoại tệ luân chuyển ra nước ngoài mua vàng, để cân đối cán cân thanh toán. Trường hợp duy trì quy định độc quyền Nhà nước nhập khẩu vàng, thì có thể chuyển thành việc cấp hạn ngạch và mở rộng đối tượng được trao quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu.

- Giải pháp tổng thể về kinh tế vĩ mô là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế để thu hút dòng tiền chuyển hướng vào nền sản xuất

Bài toán căn bản là chuyển hướng dòng tiền từ phương tiện cất trữ sang hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra của cải vật chất. Như vậy, chính sách tài khóa và thể chế là điểm đột phá. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều đang có sự khởi sắc, nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu... là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.

- Giải pháp phối hợp công cụ lãi suất

Từ năm 2023, lãi suất thấp là một yếu tố làm chuyển hướng dòng tiền sang thị trường vàng, sau khi thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản bão hòa. Tất nhiên, nếu nền kinh tế chưa lấy lại đà tăng trưởng tốt, ngân hàng chưa giải ngân tín dụng cho vay được mức cao cũng khó có thể đưa lãi suất lên cao. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu phục hồi tích cực của đầu tư và sản xuất, việc điều chỉnh tăng lãi suất kịp thời trong biên độ thích hợp sẽ có tác dụng bình ổn thị trường giao dịch vàng.

4.2. Về truyền thông

Truyền thông có vai trò quan trọng để định hướng hành vi của công chúng. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn duy trì cách đầu cơ theo phong trào, chứ không dựa trên nhận định về quy luật kinh tế.

Do đó, mạng lưới truyền thông cần truyền tải thông tin đúng đắn, giúp công chúng hiểu rằng: vàng có thể là phương tiện cất trữ, nhưng “không phải là phương tiện thanh toán” theo pháp luật; Nhà nước luôn bảo hộ quyền sở hữu vàng của người dân (bao gồm cả vàng miếng SJC và vàng trang sức, mỹ nghệ) [1]. Qua đó, hạn chế tâm lý đề cao thái quá vàng miếng SJC để hạ nhiệt sự đầu cơ. Như vậy, sẽ giảm bớt sự chênh lệch giá vàng miếng SJC với vàng trang sức mỹ nghệ, tạo nên sự cân bằng của thị trường.

5. Kết luận

Từ cơ sở lý luận là học thuyết giá trị của Karl Marx, cũng như cơ sở thực tiễn của thế giới và Việt Nam, đã giải thích việc tiền pháp định nói chung (bao gồm cả USD, VND…) ngày càng mất giá trước vàng, vốn là vật ngang giá chuẩn đo lường giá trị. Đó là quy luật phổ biến trong tổng thể dài hạn, được thúc đẩy trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay bởi những căng thẳng kinh tế và chính trị trên thế giới, sự gián đoạn đầu tư và sản xuất, tâm lý đầu cơ vàng, cùng với chính sách quản lý độc quyền của Nhà nước.

Như vậy, cần có biện pháp ứng phó thích hợp để ổn định thị trường. Trong đó, biện pháp  cụ thể là đa dạng hóa nguồn cung vàng nguyên liệu. Song biện pháp tổng thể vẫn là chính sách tài khóa, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, giải tỏa những nút thắt thể chế, và phối hợp linh hoạt với công cụ lãi suất.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2012). Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Công báo số tháng 5 năm 2012.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác-Lênin, NXB Chính trị Quốc gia, ISBN 978-604-57-6588-3. 

3. Ánh Hồng (2024). Ngân hàng Nhà nước bất ngờ dừng đấu thầu vàng, Báo Tuổi trẻ ngày 28/5/2024, ISSN 0868-3999.

4. Thomas Andrieu (2024) 2024 Outlook: Gold Heading Towards New Peaks? Bản tin sàn giao dịch vàng GoldBroker.com. Truy cập tại https://goldbroker.com/news/2024-outlook-gold-heading-towards-new-peaks-3253

 

Volatility in the gold market from the perspective of Karl Marx's theory of value

Ngo Que Lan

Faculty of Political Theory - Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT

Recently, the price of gold in the world has increased, and the price of gold in Vietnam is higher than the international price. In addition, there is also a large difference between SJC gold bars and jewelry gold. In this paper, Karl Marx's theory of value is employed to explain why the value of gold is increasing compared to legal currencies. This increase is caused by specific economic and political developments in the world and the state's management policies. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to stabilize Vietnam’s gold market, including diversifying the supply of raw gold, promoting the disbursement of public investment capital, solving institutional bottlenecks, and flexibly coordinating with interest rate management tools.

Keywords: value theory, Karl Marx, gold market, currency, Gold Standard.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, số 11 tháng 5 năm 2024]

Tap chi Công Thương