Câu chuyện của CEO Paper Color
Trong một lần tham gia Chương trình Shark Tank Vietnam, chị Thiện Ngân CEO của Paper Color - nhà sản xuất thiệp nổi 3D được Shark Linh (Thái Vân Linh - Giám đốc Công ty Cổ phần Vingroup Ventures chuyên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp) khuyên: “Em thử bán hàng trên Amazon xem!”.
Nghe theo lời khuyên, Paper Color tạo tài khoản trên Amazon, tiến hành bán hàng. Kết quả là… ngã sấp mặt.
Có mặt hàng khách phản hồi không tốt, có mặt hàng khách không phản hồi. CEO Thiện Ngân sau một thời gian bình tâm rút ra kết luận: Amazon là một không gian mở, vô cùng rộng lớn, ai lên đó bán hàng cũng được, nhưng phần lớn là không thành công.
Vấn đề đau đầu nhất là có hàng trăm triệu sản phẩm được rao bán trên Amazon, làm sao để sản phẩm của mình hiển thị đến khách hàng?
Rất may CEO của Paper Color là người phụ nữ kiên cường, quyết không bỏ cuộc. Chị tập hợp xung quanh mình những chuyên gia thiết kế và digital marketing, giải mã được câu chuyện bán hàng trên Amazon.
Từ một công ty chỉ có 2 nhân viên, sau 4 năm “vật vã” với thương mại điện tử (TMĐT), Paper Color trở thành bạn hàng của hơn 120 đối tác là doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ trên 30 nước.
Nhưng nhiều doanh nghiệp giờ đây có cơ hội không phải trải qua giai đoạn “nhiều nước mắt” như CEO Thiện Ngân.
Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã bắt tay cùng Amazon hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng đến hàng trăm nước trên “chợ” TMĐT. Bước đi đầu tiên hai bên đã giúp 100 doanh nghiệp tạo tài khoản trên Amazon, tập huấn kỹ năng tiếp cận và sử dụng TMĐT trong xây dựng thương hiệu, bán hàng xuyên biên giới.
Amazon cũng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác triệt để các tính năng của sàn TMĐT thu hút người mua như công cụ hiển thị, công cụ từ khóa, sự phản hồi của khách hàng, hay tận dụng độ phủ quảng cáo đa nền tảng của sàn TMĐT để hiện diện ở những thị trường chủ chốt, tiếp cận với nhiều người tiêu dùng hơn.
100 doanh nghiệp nói trên được Cục XTTM và Amazon hỗ trợ là những doanh nghiệp đã có năng lực xuất khẩu. Hai bên đang đi bước tiếp theo, giúp đỡ những doanh nghiệp tiềm năng, tức đã có sản phẩm chất lượng, nhưng chưa từng xuất khẩu; và tổ chức gian hàng chung trên Amazon cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thể tự mở gian hàng.
Truyền cảm hứng cho công cụ mới
Sự hợp tác giữa Cục XTTM và Amazon nhằm mục đích đưa hàng xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận với thị trường thế giới. Nhưng động lực lớn hơn là từ thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ truyền cảm hứng đến đến mọi loại hình doanh nghiệp về một phương thức thương mại mới: TMĐT.
Đối với Việt Nam phương thức TMĐT ngày càng quan trọng, bởi 3 lý do sau. Thứ nhất, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 68% trong độ tuổi hoạt động kinh tế (từ 15-64 tuổi), trong đó, hơn một nửa dưới 34 tuổi, là độ tuổi ham thích trải nghiệm công nghệ mới.
Thứ hai, có nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển TMĐT: Việt Nam đứng thứ 13/20 nền kinh tế có tỷ lệ dân số sử dụng internet cao nhất thế giới với 66%; 57% dân số có tài khoản mạng xã hội; 71% người dân thành phố sử dụng điện thoại thông minh; 68% dân số nông thôn sử dụng điện thoại thông minh.
Thứ ba, đại dịch Covid -19 đã tác động đến cả 2 phía. Về phía người mua, dịch bệnh đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, “đẩy” họ tiếp cận với phương thức mua hàng online.
Một cuộc khảo sát thực hiện cuối tháng 5 của Nielsen cho kết quả: 63% số người cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến thường xuyên hơn sau đại dịch. Về phía người bán, xu hướng bán hàng đa kênh ngày càng thắng thế, từ bán hàng trực tiếp, gửi hàng qua siêu thị, đến lập website bán online rồi bán hàng qua sàn TMĐT.
Nhưng phát triển mạnh mẽ nhất là bán hàng qua sàn TMĐT. Vì lập website riêng có chi phí đầu tư và duy trì cao, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tài chính và nhân sự để làm.
Thứ nữa, trong số 700 ngàn doanh nghiệp nước ta, số doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, đủ uy tín thuyết phục người tiêu dùng mua online không nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp phải nhờ vào uy tín của sàn TMĐT để bán hàng. Hơn nữa, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm đa kênh.
Theo một khảo sát đồ sộ chưa từng có với 46.000 người của HBR - đơn vị cung cấp dịch vụ đánh giá hoạt động thực thi của doanh nghiệp, có 73% số người điều tra thích trải nghiệm mua sắm trên nhiều sàn TMĐT thay vì trung thành với 1 kênh duy nhất.
Những sàn TMĐT được doanh nghiệp tạo tài khoản bán hàng nhiều nhất là Lazada, Zalora, Shopee, Sendo, Tiki, Chodientu, Zanado...
Công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood) sau 2 tháng đổ bộ lên các sàn TMĐT doanh thu tăng 60%; chỉ riêng với sàn Lazada đã có đơn hàng gấp 40 lần trong 1 tuần chiến dịch ưu đãi.
Thú vị nhất là chợ Bình Điền, 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất tại TP.Hồ Chí Minh, dù đang vận hành một hệ thống khá cồng kềnh, vẫn muốn chuyển đổi số, mang một số mặt hàng đặc trưng lên các sàn TMĐT.
Cái lợi của doanh nghiệp lên sàn là được tập huấn, hỗ trợ công cụ từ khóa giúp sản phẩm của thương hiệu được ưu tiên xuất hiện ở trang Google kết quả tìm kiếm; được hưởng dịch vụ logistics chuyên nghiệp.
Cùng với đó, nhiều sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Sopee… còn cho phép doanh nghiệp tham gia tiếp thị liên kết với hàng ngàn đối tác của sàn.
Không chỉ bán hàng trong nội địa, nhiều doanh nghiệp trong nước thông qua các sàn TMĐT như Amazon, Alibaba, Lazada… xuất khẩu hàng ra nước ngoài với giá bán cao gấp 5-8 lần giá bán trong nước.
Những chiếc chổi đót, gáo dừa, lược sừng, hộp đựng bút… ở trong nước có giá vài chục nghìn, thì qua sàn thương mại điện tử ra nước ngoài có giá hàng trăm nghìn đồng, thậm chí hàng triệu đồng như chiếc giỏ mây hay đèn lồng.
Quan điểm xây dựng thể chế
Với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước và sự nhạy bén của doanh nghiệp, TMĐT đang phát triển nhanh chóng. Theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, doanh thu TMĐT B2C năm 2019 đạt khoảng 10,08 tỷ USD, tăng 30% so với năm trước, trong khi tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ là 4,9%.
Mặc dù vậy, TMĐT vẫn là kênh bán hàng mới mẻ và chịu nhiều thách thức. Trước hết tiềm lực tài chính, năng lực cung ứng, quản lý chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ ngoại ngữ, có hiểu biết về giao thương quốc tế không cao, gây trở ngại cho DNNVV tham gia các sàn giao dịch TMĐT.
Thứ hai, nhận thức của DNNVV về TMĐT chưa tới, khiến sự chuẩn bị chưa tốt. Doanh nghiệp thường nghĩ kinh doanh qua TMĐT không quá phức tạp, nhưng thực tế đây là một kênh bán hàng chịu sự kiểm soát về chất lượng và sự an toàn hết sức chặt chẽ, chi tiết để đảm bảo uy tín của chủ sàn TMĐT.
Thứ ba, do các yếu tố pháp lý chưa đủ mạnh, vẫn còn có hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT. Đặc biệt là hiện tượng mua bán tài khoản trên thị trường “chợ đen”.
Theo nhận định của Amazon Việt Nam, có tới 90% tài khoản Amazon bán trên “chợ đen” là lừa đảo. Những hiện tượng này làm suy giảm lòng tin người tiêu dùng, cản trở sự phát triển của TMĐT.
Tháo gỡ những khó khăn này, Bộ Công Thương đưa ra hai giải pháp. Một là tổ chức các chương trình huấn luyện đào tạo giúp doanh nghiệp mở, duy trì và quản lý tài khoản trên sàn TMĐT.
Cùng với tập huấn, Bộ tổ chức những buổi hội thảo theo chuyên đề từng ngành hàng đang “hot” trên sàn TMĐT như may mặc, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, trang trí nội thất, mỹ phẩm…
Mỗi buổi hội thảo đều mời đại diện các cơ quan liên quan đến hoạt động xuất khẩu gồm thuế, hải quan, vận tải, logistics và các đơn vị đã thành công trong TMĐT đến chia sẻ những kiến thức thực tế nhất, có thể ứng dụng được ngay.
Hai là hoàn thiện thể chế chính sách. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020.
Trong đó đưa ra một loạt nhóm giải pháp về nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng; tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT.
Những giải pháp này không chỉ giúp TMĐT - một hình thức thương mại của tương lai phát triển lành mạnh mà còn phản ánh một quan điểm rõ ràng về xây dựng thể chế, trong đó doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt triển khai, trong khi nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi.