Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) được tổ chức luân phiên tại tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) từ năm 2001 đến nay. Sau 3 năm gián đoạn do dịch COVID-19, Hội chợ năm nay dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tiếp từ ngày 10 - 15/11/2023, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Kim Thành, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Hội chợ có quy mô dự kiến 600 - 700 gian hàng, trên 2.000m2 đất trống. Trong đó, có 200 gian hàng của Trung Quốc, 24 gian hàng dành cho quốc gia và vùng lãnh thổ khác, số còn lại là gian hàng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hội chợ quy tụ các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm, dược liệu; máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, hóa chất, vật liệu xây dựng; hàng điện tử, điện lạnh, đồ điện gia dụng, dụng cụ gia đình; hàng giày dép; hàng tiêu dùng; đồ gỗ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ... các gian hàng triển lãm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trong đó ưu tiên các sản phẩm có nhu cầu xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai, các sản phẩm góp phần quảng bá du lịch Lào Cai.
Trong khuổn khổ Hội chợ sẽ diễn ra các sự kiện như Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt - Trung, Diễn đàn trao đổi cơ chế chính sách, thu hút đầu tư và hoạt động logistics; Hội đàm hợp tác kinh tế thương mại hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam.
Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng nhằm thúc đẩy sự hợp tác, phát trỉeen kinh tế, đầu tư, du lịch và dịch vụ giữa Lào Cai và các địa phương của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và các địa phương của Trung Quốc, góp phần tăng cường giao lưu thương mại giữa hai bên, đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, giúp các doanh nghiệp tìm hiểu, xâm nhập thị trường Vân Nam và tạo đà phát triển mở rộng ra các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc.
Phát biểu tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết, với tinh thần cầu thị và luôn mong muốn đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả, Hội chợ năm nay có 3 điểm nổi bật.
Cụ thể, toàn bộ các sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ và các ý tưởng thiết kế trưng bày tại Hội chợ đều hướng tới chủ đề “Phát huy vai trò cầu nối Lào Cai, Vân Nam - Thúc đẩy hợp tác toàn diện, phát triển bền vững”. Trong đó, Lào Cai đóng vai trò là trung tâm kết nối với hình ảnh cửa khẩu Lào Cai, cột cờ Lũng Pô gắn kết các tỉnh, thành của Việt Nam với vùng Tây Nam Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hoạt động chiêu thương, mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội chợ. Khai thác tối đa sự hỗ trợ của các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kết nối với các tổ chức xúc tiến thương mại và tập đoàn, doanh nghiệp uy tín tham dự hội chợ. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để quảng bá, giới thiệu thông tin về hội chợ.
Hội chợ năm nay không chỉ có kết nối về mặt thương mại mà còn thúc đẩy, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch với khu triển lãm lịch sử tuyến đường sắt Điền - Việt kết nối từ Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) tới Lào Cai (Việt Nam) với hơn 120 năm phát triển và khu vực du lịch Lào Cai - Vân Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người hai bên.
Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, nhiều năm qua, với lợi thế gần gũi về biên giới đất liền, Trung Quốc luôn giữ vững vị thế là một trong những thị trường lớn nhất của hàng hoá Việt Nam.
Để đẩy mạnh thương mại biên mậu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc, trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã thống nhất với các địa phương giáp biên của Trung Quốc để duy trì tổ chức các kỳ hội chợ thương mại Việt - Trung thường niên, luân phiên tại mỗi nước.
Trong đó, Hội chợ thương mại Việt - Trung tại Lào Cai (Việt Nam) được tổ chức vào năm lẻ và tại Hà Khẩu (Trung Quốc) vào năm chẵn; Hội chợ thương mại Việt - Trung tại Móng Cái - Việt Nam được tổ chức vào năm lẻ và tại Đông Hưng - Trung Quốc vào năm chẵn; Hội chợ thương mại Việt - Trung tại Lạng Sơn (Việt Nam) được tổ chức vào năm chẵn và tại Quảng Tây (Trung Quốc) vào năm lẻ.
Tỉnh Vân Nam có vai trò rất lớn trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Hiện tỉnh Vân Nam có chung đường biên giới với 4 tỉnh phía Bắc của Việt Nam là Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên. Đồng thời cũng là cửa ngõ giao thương quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Với vị trí thuận lợi như vậy, tỉnh Vân Nam là cầu nối hữu hiệu cho hàng hóa của Việt Nam có thể tiến sâu, vươn xa đến các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam của Trung Quốc, và là cửa ngõ quan trọng đưa các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc thông qua Việt Nam đến với thị trường khu vực ASEAN giàu tiềm năng.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 31,6 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 58,6 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.