Kế toán tại đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng

ThS. NGUYỄN TẤT THẮNG (Khoa Tài chính - Học viện Hậu cần)

TÓM TẮT:

Bài báo trình bày về đặc điểm đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng, phương pháp hạch toán kế toán tại đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là những nội dung làm cơ sở tham khảo cho những người làm công tác kế toán ở đơn vị dự toán trong Quân đội và cho học viên chuyên ngành Tài chính trong các học viện, nhà trường tham khảo.

Từ khóa: đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng, chế độ kế toán 5555, kế toán.

1. Đặt vấn đề

Năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Kế toán, cùng với đó, các cơ chế tài chính áp dụng cho đơn vị hành chính sự nghiệp cũng thay đổi như Luật Ngân sách nhà nước 2015 thay thế Luật Ngân sách nhà nước năm 2002; Luật Phí, lệ phí năm 2015 thay thế Pháp lệnh Phí, lệ phí năm 2001… Vì vậy, chế độ kế toán hành chính sự nghiệp (HCSN) cũng phải sửa đổi để phù hợp với sự đổi mới của cơ chế tài chính, ngân sách và lập báo cáo tài chính theo Luật Kế toán.

Ngày 10/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 107/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán HCSN thay thế cho Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC và Thông tư số 185/2010/TT-BTC.

Sau khi được sự chấp thuận của Bộ Tài chính, ngày 31/8/2018, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 3585/QĐ-BQP ban hành Chế độ kế toán đơn vị dự toán, sự nghiệp trong Bộ Quốc phòng, trong đó giao Cục Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán đơn vị dự toán, sự nghiệp trong Bộ Quốc phòng áp dụng từ 01/01/2019.

Ngày 25/9/2018, Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng ban hành Văn bản số 5555/CTC-CĐQLHL hướng dẫn Chế độ kế toán đơn vị dự toán, sự nghiệp trong Bộ Quốc phòng (sau đây viết gọn là Chế độ kế toán 5555) thay thế Quyết định số 709/QĐ-CTC ngày 11/3/2015 của Cục trưởng Cục Tài chính ban hành Chế độ kế toán đơn vị dự toán trong Quân đội (sau đây viết gọn là Chế độ kế toán 709).

So với Chế độ kế toán 709, Chế độ kế toán 5555 đã có những thay đổi căn bản về hệ thống tài khoản kế toán và phương pháp kế toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Kế toán phải hạch toán nhiều bút toán đồng thời hơn so với trước đây như: Hạch toán đồng thời chi phí với doanh thu; kế toán tài chính (trong bảng) đồng thời với kế toán phục vụ quyết toán kinh phí (ngoài bảng)... Sự thay đổi này một mặt phù hợp với các quy định của Luật Kế toán, Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp của Bộ Tài chính, mặt khác còn phù hợp với đặc thù của công tác quản lý tài chính, tài sản của Bộ Quốc phòng.

Đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ quốc phòng bao gồm: Bộ tổng tham mưu, các tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, quân đoàn, Bộ tư lệnh Biên phòng, Bộ tư lệnh Thủ đô, Cảnh sát biển, Ban Cơ yếu chính phủ. Các đơn vị này quan hệ trực tiếp với đơn vị dự toán cấp 1 là Bộ Quốc phòng.

Chế độ kế toán 5555 đã trình bày những nghiệp vụ kinh tế chủ yếu phát sinh tại đơn vị dự toán quân đội. Tuy nhiên, chưa có nội dung trình bày cụ thể cho từng cấp đơn vị dự toán trong quân đội, trong đó có đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

2. Đặc điểm của kế toán đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng

* Nguồn kinh phí lớn, đa dạng

Các đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và nguồn thu ngoài ngân sách lớn, đa dạng, bao gồm:

- Nguồn ngân sách nhà nước cấp: Đây là nguồn chủ yếu, quan trọng nhất và có tỷ trọng lớn, dùng để bảo đảm cho hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của các ngành, đơn vị và thực hiện một số nhiệm vụ khác do Nhà nước giao. Đơn vị được sử dụng và quyết toán ngân sách trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

- Nguồn thu nội bộ: Được hình thành từ kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và các hoạt động có thu khác của đơn vị. Đây là nguồn tài chính chiếm tỷ trọng không lớn nhưng khá quan trọng, góp phần bổ sung kịp thời cho nhu cầu chi tiêu xây dựng đơn vị, mua sắm trang thiết bị; phúc lợi, cải thiện đời sống bộ đội.

- Các nguồn tài chính khác: Là nguồn tài chính ngoài các nguồn nêu trên, gồm: Phí được để lại theo quy định của pháp luật; các khoản tiền, tài sản được các tổ chức, cá nhân biếu, tặng, ủng hộ; nguồn tài trợ, viện trợ,…

* Được Bộ Quốc phòng cấp phát kinh phí dưới 2 hình thức: Giao dự toán và cấp vào tài khoản tiền gửi đơn vị dự toán tại kho bạc

Hàng năm, căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, Bộ Quốc phòng giao dự toán ra kho bạc nhà nước cho các đơn vị trực thuộc Bộ đối với một số nội dung kinh phí. Số còn lại được Bộ Quốc phòng cấp bằng tiền vào tài khoản tiền gửi của đơn vị tại Kho bạc nhà nước nơi đơn vị giao dịch.

Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, chủ tài khoản thực hiện rút dự toán từ tài khoản dự toán hoặc ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản tiền gửi để cấp phát, chi tiêu.

* Vừa cấp phát kinh phí cho cấp dưới, chi tiêu một số nội dung tại bản thân trong đó có mua sắm tập trung cấp hiện vật cho đơn vị cấp dưới.

Đơn vị dự toán cấp 2 rút dự toán hoặc ủy nhiệm chi chuyển tiền cấp phát kinh phí theo nhu cầu sử dụng trong năm và quyết toán thực chi cho đơn vị cấp dưới. Ngoài ra, đơn vị dự toán cấp 2 trực tiếp chi tiêu một số nội dung theo phân cấp, trong đó có chi tiêu mua sắm hiện vật để cấp cho đơn vị cấp dưới.

3. Kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu

A. Kế toán hoạt động sử dụng ngân sách nhà nước (trừ kinh phí xây dựng cơ bản)

A1. Nhận kinh phí

  1. Được Bộ Quốc phòng giao dự toán ra kho bạc

Nợ TK 008

  1. Rút dự toán chuyển tiền về TK TGKB để chi tiêu

Nợ TK 112

Có TK 337

Đồng thời: Có TK 008

  1. Nhận kinh phí Cục Tài chính cấp bằng UNC

Nợ TK 112

     Có TK 337

Đồng thời: Nợ TK 012

A2. Cấp kinh phí cho cấp dưới

  1. Rút dự toán cấp kinh phí cho cấp dưới

Nợ TK 142 (chi tiết đơn vị)

     Có TK 337

Đồng thời: Có TK 008

  1. Cấp kinh phí cho cấp dưới bằng UNC hoặc tiền mặt

Nợ TK 142 (chi tiết đơn vị)

     Có TK 111, 112

  1. Định kỳ Cục Tài chính xác nhận số đơn vị đã rút dự toán

Nợ TK 012

(sau bút toán này, toàn bộ kinh phí thực nhận của đơn vị đã được phản ánh bên Nợ TK 012 bao gồm cả số nhận bằng UNC và rút dự toán)

A3. Chi tiêu kinh phí tại bản thân đơn vị

Trường hợp Phòng Tài chính được phân cấp trực tiếp chi tiêu một số loại kinh phí hoặc chi tiêu đảm bảo cho khối cơ quan (không có tài chính khối cơ quan) thì có các nghiệp vụ tương tự như các đơn vị dự toán trực thuộc, chỉ khác là Phòng Tài chính có thể chi bằng rút dự toán. Một số nghiệp vụ như sau:

  1. Ứng tiền cho ngành nghiệp vụ, cá nhân bằng tiền mặt, tiền gửi

Nợ TK 141

     Có TK 111, 112

  1. Rút dự toán chuyển tiền tạm ứng

Nợ TK 141

Có TK 337

Đồng thời: Có TK 008

  1. Ngành nghiệp vụ, cá nhân thanh toán tạm ứng, chi trực tiếp (chi hội nghị, công tác phí, thanh toán tiền điện, nước, điện thoại) hoặc mua vật tư, hàng hóa về sử dụng ngay

Nợ TK 611 (chi trực tiếp: TK 61112, chi về vật tư hàng hóa: TK 61113)

Có TK 141

Đồng thời:

Nợ TK 337

Có TK 511

Đồng thời: Có TK 012

  1. Ngành nghiệp vụ, cá nhân thanh toán tạm ứng, mua hàng nhập kho

Nợ TK 152

Có TK 141

Đồng thời:

Nợ TK 337

Có TK 366 (36611)

Đồng thời: Có TK 012

  1. Ngành nghiệp vụ, cá nhân thanh toán tạm ứng, mua TSCĐ

Nợ TK 211

Có TK 141

Đồng thời:

Nợ TK 337

Có TK 366 (36612)

Đồng thời: Có TK 012

Trường hợp mua tài sản cố định để cấp cho cấp dưới (nhưng chưa cấp), kế toán hạch toán vào TK 241 (mua sắm), chuyển nguồn tạm thu sang TK 3664.

  • Khi mua

Nợ TK 241

Có TK 141

Đồng thời:

Nợ TK 337

Có TK 366 (3664)

Đồng thời: Có TK 012

  • Khi cấp cho cấp dưới ghi:

Nợ TK 366 (3664)

Có TK 241

  1. Ngành nghiệp vụ, cá nhân thanh toán tạm ứng, mua TSCĐ, nguyên vật liệu cấp ngay cho cấp dưới

Nợ TK 337

Có TK 141

Đồng thời: Có TK 012

  1. Rút dự toán chi trực tiếp

Nợ TK 611

Có TK 511

Đồng thời: Có TK 008

Đồng thời: Có TK 012

A3. Sử dụng vật tư hàng hóa, TSCĐ

  1. Xuất kho vật tư hàng hóa sử dụng tại bản thân

Nợ TK 611 (61113)

     Có TK 152

Đồng thời:

Nợ TK 366 (36611)

Có TK 511

  1. Nhận vật tư hàng hóa do cấp trên cấp, sử dụng ngay (không qua kho)

Nợ TK 611 (61113)

Có TK 511

  1. Tính hao mòn TSCĐ trong năm

Nợ TK 611 (61114)

     Có TK 214

Đồng thời:

Nợ TK 366 (36612)

Có TK 511

A4. Xác nhận chi kinh phí tháng, quý cho cấp dưới

  1. Nợ TK 337

Có TK 142 (chi tiết đơn vị)

Đồng thời: Có TK 012

A5. Kết chuyển doanh thu, chi phí cuối kỳ

Sau khi rà soát lại các nghiệp vụ hạch toán trong năm, phản ánh đầy đủ chi phí hoạt động, doanh thu trong năm, tại ngày 31/12, kế toán thực hiện kết chuyển doanh thu, chi phí để lập báo cáo tài chính.

  1. Kết chuyển doanh thu

Nợ TK 511

Có TK 911

  1. Kết chuyển chi phí

Nợ TK 911

Có TK 611

  1. Kết chuyển thặng dư, thâm hụt

- Trường hợp thặng dư:

Nợ TK 911

     Có TK 421

- Trường hợp thâm hụt:

Nợ TK 421

     Có TK 911

Kế toán lập báo cáo tài chính riêng kèm báo cáo bổ sung thông tin tài chính cho báo cáo tài chính riêng đó, trình Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị ký, đóng dấu lưu tại đơn vị và phục vụ lập báo cáo tài chính tổng hợp. Kết thúc năm tài chính N.

Các nghiệp vụ phát sinh sau ngày 31/12/N nhưng thuộc ngân sách năm N thì kế toán hạch toán như trên nhưng ghi vào tài khoản có chia theo niên độ (TK 142 và các tài khoản ngoài bảng) chi tiết “năm trước”. Việc chi tiêu ngân sách năm trước kéo dài đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán. Như vậy các nghiệp vụ phát sinh tại năm N+1 nhưng thuộc ngân sách năm N sẽ ảnh hưởng (nằm trong) đến Báo cáo quyết toán ngân sách năm N và Báo cáo tài chính năm N+1).

A6. Nghiệp vụ quyết toán ngân sách của Cục Tài chính với đơn vị

  1. Hàng năm, Cục Tài chính thông tri quyết toán

          Nợ TK 0121 (ghi âm)

                   Có TK 0121 (ghi âm)

          (Số liệu ghi vào nghiệp vụ này chỉ là số được của toàn bộ đơn vị, bao số được quyết toán của bản thân và các đơn vị cấp dưới)

A7. Xử lý thừa thiếu kinh phí với đơn vị cấp dưới sau quyết toán năm

  1. Đối với kinh phí được phép chuyển năm sau

Nợ TK 142 (năm nay, chi tiết đơn vị)

Có TK 142 (năm trước, chi tiết đơn vị)

Sau nghiệp vụ 25, kinh phí thừa, thiếu của các đơn vị cấp dưới thể hiện trên TK 142 “năm trước” (số thừa dư Nợ TK 142, số thiếu dư Có TK 142). Đơn vị cấp trên cấp kinh phí thừa hoặc thu kinh phí thiếu sau khi đã bù trừ thừa, thiếu cho từng đơn vị.

  1. Phản ánh số kinh phí thừa thu lại:

Nợ TK 138 (chi tiết đơn vị)

Có TK 142 (năm trước, chi tiết đơn vị)

  1. Phản ánh số kinh phí thiếu cấp bù:

Nợ TK 142 (năm trước, chi tiết đơn vị)

Có TK 338 (chi tiết đơn vị)

  1. Bù trừ thừa, thiếu

Nợ TK 338 (chi tiết đơn vị)

Có TK 138 (chi tiết đơn vị)

  1. Chuyển tiền trả kinh phí còn thiếu cho đơn vị hoặc giảm cấp năm nay

Nợ TK 338 (chi tiết đơn vị)

Có TK 112, 142

  1. Thu kinh phí bằng tiền hoặc chuyển cấp ngân sách năm nay

Nợ TK 112, 142 (năm nay, chi tiết đơn vị)

Có TK 138 (chi tiết đơn vị)

A8. Xử lý thừa thiếu kinh phí với Cục Tài chính sau quyết toán năm

Sau khi xử lý ngân sách thừa thiếu với cấp dưới, sau “bút toán số 27”, dư Nợ TK 012 “năm trước” là số kinh phí thừa (bao gồm số phải nộp trả và số được chuyển năm theo Nghị định số 165 và Nghị định số 01 sửa đổi Nghị định số 165) của toàn đơn vị; dư Có TK 012 “năm trước” (hoặc âm bên Nợ) là số kinh phí còn thiếu của toàn đơn vị.

  1. Đối với số được chuyển năm

Nợ TK 012 (năm nay, ghi dương)

Nợ TK 012 (năm trước, ghi âm)

  1. Đối với kinh phí thừa, Cục Tài chính ra Thông tri thu lại

Nợ TK 012 (ghi âm, năm trước)

  1. Đối với kinh phí thiếu, Cục Tài chính ra Thông tri cấp bù:

Nợ TK 012 (ghi dương, năm trước)

  1. Bù trừ thừa thiếu kinh phí, trường hợp thừa phải nộp trả ghi:

Nợ TK 337

Có TK 338 (chi tiết Cục Tài chính)

  1. Bù trừ thừa thiếu kinh phí, trường hợp thiếu, chờ Cục Tài chính cấp bù

Nợ TK 138 (chi tiết Cục Tài chính)

Có TK 337

  1. Số kinh phí thừa sau bù trừ Cục Tài chính thu bằng cấp hợp thức sang ngân sách năm N+1

Nợ TK  338 (chi tiết Cục Tài chính)

          Có TK 337

Đồng thời:

Nợ TK 012 (ghi dương, năm nay)

  1. Số kinh phí thiếu sau bù trừ, Cục Tài chính cấp bù bằng giảm cấp năm nay

Nợ TK 337

          Có TK 138 (chi tiết Cục Tài chính)

Đồng thời:

Nợ TK 012 (ghi âm, năm nay)

B. Kế toán nhận, cấp, chi, quyết toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn (BHXH, BHYT, KPCĐ)

Trường hợp đơn vị được cấp BHXH, BHYT, KPCĐ vừa bảo đảm các chế độ bảo hiểm, chi KPCĐ tại đơn vị, vừa cấp và quyết toán loại kinh phí (quỹ này cho cấp dưới thì hạch toán một số nghiệp vụ phát sinh sau:

  1. Đơn vị nhận được tiền do cấp trên cấp để chi trả cho người lao động trong đơn vị được hưởng chế độ bảo hiểm, KPCĐ được để lại đơn vị chi tiêu

Nợ TK 111, 112 (nhận bằng tiền)

Nợ TK 332 (để lại số phải nộp lên cấp trên)

Có TK 338 - Phải trả khác (3381)

  1. Cấp tiền cho đơn vị cấp dưới để cấp dưới chi trả các khoản BHXH, BHYT, KPCĐ

Nợ TK 142 - Kinh phí hoạt động cấp cho cấp dưới

Có TK 111, 112

  1. Phản ánh các khoản phải trả cho người lao động trong đơn vị được hưởng chế độ bảo hiểm, chi KPCĐ

Nợ TK 338 - Phải trả khác (3381)

Có TK 334- Phải trả người lao động (chế độ BHXH, BHYT được hưởng)

Có TK 111, 112, 141, 331 (nếu chi KPCĐ)

  1. Khi đơn vị chi trả chế độ BHXH cho người lao động

Nợ TK 334- Phải trả người lao động

Có TK 111, 112.

  1. 5. Quyết toán các khoản chi BHXH, KPCĐ cho đơn vị cấp dưới:

Nợ TK 338 - Phải trả khác

          Có TK 142 - Kinh phí hoạt động cấp cho cấp dưới

  1. Khi được cơ quan BHXH, Công đoàn (hoặc cơ quan tài chính cấp trên trong trường hợp được ủy quyền) quyết toán kinh phí BHXH, KPCĐ, nếu có chênh lệch, đơn vị hạch toán như sau:

- Trường hợp số quyết toán lớn hơn số đơn vị đã hạch toán, kế toán ghi:

Nợ TK 338 - Phải trả khác (3381)

Có TK 111, 112 (nếu thanh toán ngay)

Có TK 334 - Phải trả người lao động (xác định số phải thanh toán bổ sung)

- Trường hợp số quyết toán bị giảm so với số đơn vị đã chi và đề nghị quyết toán, kế toán ghi:

Nợ TK 138 - Phải thu khác

Có TK 338 - Phải trả khác (3381)

  1. Nếu đơn vị sử dụng quỹ BHXH, KPCĐ để mua sắm hàng hóa, tài sản cố định phục vụ công tác quản lý quỹ thì tách riêng tài khoản con trong TK 3381 để theo dõi nguồn vật tư, hàng hóa và giá trị còn lại của TSCĐ.

Ví dụ: Mở các TK con của TK 3381 như sau:

- TK 33811 - Bảo hiểm xã hội

+ TK 338111 - BHXH phần tiền

+ TK 338112 - Trị giá VTHH

+ TK 338113 - Trị giá còn lại của TSCĐ

- TK 33812 - Kinh phí công đoàn

+ TK 338111 - BHXH phần tiền

+ TK 338112 - Trị giá VTHH

+ TK 338113 - Trị giá còn lại của TSCĐ

  • Khi mua TSCĐ bằng nguồn quỹ BHXH

Nợ TK 211

          Có TK 111, 112

Đồng thời:

Nợ TK 338111

          Có TK 338113

7.2. Tính hao mòn TSCĐ hình thành từ quỹ BHXH

Nợ TK 338113

          Có TK 214

7.3. Khi mua VTHH bằng nguồn quỹ BHXH nhập kho

Nợ TK 156

          Có TK 111, 112

Đồng thời:

Nợ TK 338111

          Có TK 338112

7.4. Xuất kho sử dụng VTHH hình thành từ quỹ BHXH

Nợ TK 338112

          Có TK 156

Số chi quỹ BHXH, KPCĐ đề nghị quyết toán là số đã thực chi tại bản thân và số quyết toán cho các đơn vị cấp dưới (ghi Nợ TK 338111).

3. Kết luận

Xây dựng và hoàn thiện nội dung kế toán ở từng cấp dự toán trong quân đội trong đó có đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng là một trong những vấn đề quan trọng giúp kế toán ở các đơn vị trong quân đội dễ dàng hơn trong quá trình phản ánh, ghi chép, phân tích, tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động. Nội dung trọng tâm của bài viết đã xây dựng đặc điểm, phương pháp kế toán đơn vị dự toán cấp 2 trực thuộc Bộ Quốc phòng. Tác giả hy vọng, nội dung này sẽ là tài liệu hữu ích cho người làm công tác kế toán và học viên chuyên ngành tài chính trong các học viện, nhà trường tham khảo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Luật Kế toán năm 2015.
  2. Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
  3. Bộ Quốc phòng (2018). Quyết định số 3585/QĐ-BQP ngày 31/8/2018 của Bộ Quốc phòng ban hành Chế độ kế toán đơn vị dự toán, sự nghiệp trong Bộ Quốc phòng.
  4. Bộ Quốc phòng (2018). Hướng dẫn số 5555/CTC-CĐQLHL ngày 25/9/2018 của Cục Tài chính/BQP về Chế độ kế toán đơn vị dự toán, sự nghiệp trong Bộ Quốc phòng.
  5. Bộ Quốc phòng (2018). Hướng dẫn số 6666/CTC-CĐQLHL ngày 08/12/2020 của Cục Tài chính sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán đơn vị dự toán, sự nghiệp trong Bộ Quốc phòng theo Hướng dẫn số 5555/CTC-CĐQLHL ngày 25/9/2018 của Cục Tài chính/BQP.
  6. Bộ Quốc Phòng (2019). Hướng dẫn số 5115/CTC-CĐQLHL ngày 06/9/2019 của Cục Tài chính/BQP về lập báo cáo tài chính tổng hợp của đơn vị dự toán cấp trên.

 

THE ACCOUNTING METHOD OF THE SECOND LEVEL BUDGET

ESTIMATING UNITS UNDER

THE MINISTRY OF NATIONAL DEFENSE OF VIETNAM

Master. NGUYEN TAT THANG

Faculty of Finance, Military Academy of Logistics

ABSTRACT:

This paper presents characteristics of the second level budget estimating units under the Ministry of National Defense of Vietnam and the accounting method of these units. This paper is expected to serve as a reference for accountants working at military units of Vietnam and for students studying in military academies and schools.

Keywords: second level budget estimating units under the Ministry of National Defense, 5555 - accounting regime, accountant.