Kết quả điều hành và điều chỉnh ngân sách nhà nước phòng chống đại dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2021

THS. HỒ DIỆU MAI (Phòng Ngoại ngữ - Tin học và Thông tin - Thư viện, Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra khắp cả nước, bùng phát mạnh mẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh, tác động sâu sắc đến hoạt động kinh tế - xã hội và sức khỏe của nhân dân. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động điều hành, điều chỉnh ngân sách nhà nước nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, duy trì ổn định chính sách tài chính và tài khóa trên địa bàn thành phố. Bài viết trao đổi một số kết quả điều hành, điều chỉnh ngân sách nhà nước phòng chống đại dịch Covid -19 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua.

Từ khóa: ngân sách nhà nước, phòng chống đại dịch Covid-19, Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020-2021.

1. Một số kết quả điều hành ngân sách nhà nước năm 2020

1.1. Dự toán thu - chi ngân sách

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và thành phố (TP) Hồ Chí Minh nói riêng. Thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa thực hiện phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh quyết tâm mạnh mẽ chuyển trọng tâm chiến lược sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” nhằm hạn chế tác động xấu tới sức khỏe nhân dân, phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện mục tiêu kép nêu trên, chính quyền thành phố đã chủ động, quyết tâm cao điều hành, điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa giai đoạn 2021-2022 để thành phố phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Năm 2019 khép lại với những kết quả đạt được tích cực, TP. Hồ Chí Minh đặt ra nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho các ngành, lĩnh vực trên địa bàn để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP trong năm 2020 từ 8,3 - 8,5%, điểm nhấn nổi bật trong bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh trong năm qua chính là hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá; đồng thời thành phố đã đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu đặt ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước đạt 1.347.369 tỷ đồng, tăng 8,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,78%; khu vực nông nghiệp tăng 6,01%. Về cơ cấu ngành trong GRDP, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 61,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 25,4%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,7%.

Kết quả điều hành phục hồi kinh tế và phòng chống dịch Covid-19 năm 2019 là tiền đề để thành phố điều hành, điều chỉnh NSNN năm 2020 để đạt được những mục tiêu cho những năm tiếp theo. UBND thành phố đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, cân nhắc nhiều mặt để trình Hội đồng nhân dân thành phố dự toán thu chi ngân sách. Dự toán thu - chi ngân sách (NS) năm 2020 đã được Hội đồng nhân dân HĐND) thành phố khóa IX kỳ họp thứ 17 Quyết nghị tại Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 với các chỉ tiêu chủ yếu như sau:

  • Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn: 405.828 tỷ đồng
  • Tổng thu ngân sách (NS) địa phương: 91.560, 859 tỷ đồng
  • Tổng chi NS địa phương: 102.048,059 tỷ đồng
  • Bội chi NS địa phương: 10.487,200 tỷ đồng.

Căn cứ Nghị quyết của HĐND, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5225/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 giao chỉ tiêu dự thu - chi NS cho các Sở/ngành, UBND quận/huyện. Đồng thời, chỉ đạo các biện pháp khai thác huy động các nguồn thu vào NSNN phục vụ các nhiệm vụ KT-XH trọng tâm.

Sau khi kết thúc năm NS, ngành tài chính đã thực hiện kiểm tra quyết toán của các đơn vị sử dụng NS, đối chiếu chỉnh lý quyết toán các cấp NS và tổng hợp số liếu quyết toán thu chi NS năm 2020 theo qui định. Số liệu thu chi NS đã được Kiểm toán Khu vực IV thực hiện kiểm tra. Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố báo cáo HĐND thành phố phê duyệt tổng Quyết toán NS năm 2020.

1.2. Một số kết quả thực hiện điều hành thu ngân sách năm 2020

Tổng quyết toán thu NSNN trên địa bàn là: 372.559,902 tỷ đồng đạt 91,8% dự toán (405. 828 tỷ đồng) và giảm 9,17% so với cùng kỳ (410.179,36 tỷ đồng).

Như vậy, có thể nhận thấy tổng thu NSNN trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh tính đến 17 giờ ngày 31/12/2019 được 409.923 tỷ đồng, đạt 102,71% dự toán và tăng 8,29% so với năm 2018. Đây là mức thu kỷ lục trong năm và cũng là lần đầu tiên TP. Hồ Chí Minh thu vượt trên mốc 400.000 tỷ đồng.

Năm 2020, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp đồng lòng thì dự kiến thành phố sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong thực tế, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tác động trên qui mô toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là đối với các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ ăn uống; các doanh nghiệp tạm dừng hoặc thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh; những chính sách của Quốc hội, Chính phủ về giãn, giảm thuế cũng là một trong những nguyên nhân làm cho một số chỉ tiêu thu không đạt dự toán năm 2020. Trước những thách thức, tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề nhằm rà soát và tìm kiếm các giải pháp kích thích, khắc phục kinh tế, nuôi dưỡng khai thác hiệu quả các nguồn thu trên địa bàn. Cụ thể: (1) Thực hiện tốt chính sách giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân để có thêm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh; (2) Đưa ra các giải pháp chống thất thu, gian lận thuế được tăng cường và đẩy mạnh công tác quản lý nợ thuế (Thu hồi trong năm 2020 là: 10.657 tỷ đồng).

Năm 2020 và 2021 có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 2021-2025 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thành phố tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Việc điều hành, điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa đã tác động đến hoạt động phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố, bước đầu hỗ trợ những đối tượng chủ yếu như sau:

Thứ nhất, hỗ trợ các doanh nghiệp từ qui mô lớn (hàng không...) đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (người tự kinh doanh, hộ nông dân) để họ hạn chế được tình trạng phá sản.

Thứ hai, hỗ trợ người lao động bị mất và giảm việc làm, để họ có thể sống được và tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp nơi họ đang làm việc.

Thứ ba, hỗ trợ người dân (người nghỉ hưu, trẻ em, người già, người không đi làm việc, người vô gia cư, người nuôi con nhỏ) có thu nhập cần thiết để ứng phó với khó khăn về thu nhập trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Thứ tư, hỗ trợ ngành Y tế và các nhân viên y tế để có thể mua sắm thiết bị, thuốc men, vật tư phục vụ phòng chống dịch.

Thứ năm, hỗ trợ các trường học để có kinh phí mua sắm thiết bị, vật tư để phòng chống dịch ở nhà trường và tiền lương cho các giáo viên.

Thứ sáu, hỗ trợ các cơ sở văn hóa, các tổ chức phúc lợi xã hội.

Với quyết tâm, được sự quan tâm trực tiếp chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ/ngành Trung ương, thực hiện các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm UBND thành phố đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chủ động điều chỉnh dự toán NSNN năm 2022 trình Hội đồng nhân cùng cấp. Ngày 11/01/2022, UBND thành phố tiếp tục ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND về tình hình thực hiện chuyên đề năm 2022, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Các ngành Thuế, Hải quan tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách thuế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý thu đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản phát sinh.

Với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, từ thành phố xuống cơ sở, sự phấn đấu, thống nhất, đoàn kết của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và người dân, thành phố đã đạt được kết quả về thu NSNN nêu trên.

2. Một số hoạt động điều hành, điều chỉnh dự toán chi ngân sách của thành phố năm 2021 phòng chống dịch bệnh Covid-19

Thành phố đã trải qua 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, kinh nghiệm và khả năng ứng phó của thành phố đã được nâng lên một bước. Tuy nhiên, sức chống chịu và nguồn lực của doanh nghiệp và người dân suy giảm rất nhiều. Dịch bệnh đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cân đối NSNN của thành phố. Thu NS giảm do kinh tế chịu tác động dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, thực hiện chính sách ưu đãi, miễn giảm, trong khi nhu cầu tăng chi lớn. Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách đã được thành phố điều chỉnh để điều hành NSNN chặt chẽ, linh hoạt, tiết kiệm, tập trung nguồn lực cho phòng chống dịch và hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Những điều chỉnh dự toán chi NS của thành phố như sau:

Thứ nhất, Cắt giảm chi thường xuyên: Kinh phí cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước; kinh phí cắt giảm do tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên; kinh phí cắt giảm đối với những nội dung chi chưa thật sự cần thiết, chậm triển khai, không thể triển khai do tình hình dịch bệnh covid-19, điều chỉnh cắt giảm dự toán chi thường xuyên của các Sở/Ban/ngành thành phố do thay đổi biên chế.

Thứ hai, Kinh phí điều chỉnh dự toán: Điều chỉnh giảm dự toán chi NS của các Sở/Ban/Ngành thành phố do cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại, tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên và các nội dung chi chưa thật sự cần thiết, chậm triển khai, không thể triển khai do tình hình dịch bệnh Covid-19, để bổ sung nguồn dự phòng cho NS thành phố phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Thứ ba, Chấp thuận chủ trương cắt giảm kinh phí của các đơn vị trên địa bàn 16 quận do cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại, tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên và các nội dung chi chưa thật sự cần thiết, chậm triển khai, không thể triển khai do tình hình dịch bệnh covid-19 trong năm 2021, dùng nguồn cắt giảm này để bổ sung nguồn dự phòng NS quận, tập trung NS cho phòng chống dịch covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Thứ tư, Điều hành, kiểm tra và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8%. Thuế GTGT hay còn gọi là VAT, được hiểu là thuế gián thu, được thu trên khoản giá trị gia tăng của hàng hóa và dịch vụ. Loại thuế này được phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng, sau đó nộp lại vào NSNN theo mức độ tiêu thụ. Chính vì vậy, thuế GTGT được gọi là thuế doanh thu. Điều hành loại thuế GTGT đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân, doanh nghiệp, tiếp tục tháo gỡ, hỗ trợ cho hộ gia đình, doanh nghiệp, cá nhân trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay ở thành phố.

3. Kết luận

Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, không chỉ làm xáo trộn đời sống kinh tế - xã hội, mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với người dân ở cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Thực hiện các chính sách, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động triển khai thực hiện có những kết quả về điều hành, điều chỉnh NSNN,  chủ động, thích ứng linh hoạt và tiết kiệm, phù hợp những biến động của đại dịch để tập trung phòng chống dịch bệnh vừa kích thích, phục hồi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, từng bước ổn định và thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội với những mục tiêu đã đề ra theo kế hoạch 2021-2025.

TÀI LIỆU THAM  KHẢO:

  1. UBND thành phố Hồ Chí Minh (2012), Tờ trình số 3992/TTr-UBND ngày 30/11/2012 Về Quyết toán ngân sách thành phố năm 2020. Cổng Thông tin điện tử thành phố.
  2. UBND thành phố Hồ Chí Minh (2021), Tờ trình số 4286/TTr-UBND ngày 17/12/2021 Về điều chỉnh dự toán chi ngân sách năm 2021. Cổng Thông tin điện tử thành phố.
  3. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015.
  4. Hồng Hải (2022), Thành phố Hồ Chí Minh chỉnh đốn ngân sách, đảm bảo điều hành ngân sách luôn ở thế chủ động, cân đối, ổn định và tiết kiệm. Tạp chí Xây dựng Đảng số 7/2022.
  5. Chính phủ (2022), Nghị định số 15/2022-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Some results of Ho Chi Minh City’s state budget management and adjustment for the prevention of the COVID-19 pandemic in the period from 2020 to 2021

Master. Ho Dieu Mai

National Academy of Public Administration – Ho Chi Minh City Campus

Abstract:

The COVID-19 pandemic had severely impacted the socio-economic activities and the public health in Ho Chi Minh City. The municipal government of Ho Chi Minh City had actively managed and adjusted the city’s state budget in response to the COVID-19 pandemic to ensure the city’s financial and fiscal stability. This paper presents some results of the city’s state budget management and adjustment for the prevention of the COVID-19 pandemic over the past time.

Keywords: State budget, COVID-19 pandemic prevention, Ho Chi Minh City, the period from 2020 to 2021.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26 tháng 12  năm 2022]