FAPPI 34 là hoạt động thường niên lớn nhất của ngành Giấy Việt Nam và Đông Nam Á, được tổ chức luân phiên tại mỗi nước thành viên. Năm nay sự kiện diễn ra liên tục từ 31/10-2/11/2019 với nhiều phiên tọa đàm kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, thăm quan, tăng cường hợp tác giao lưu… giữa các Hiệp hội và doanh nghiệp ngành Giấy. Hiệp Hội Giấy và Bột giấy Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Hội nghị ngành công nghiệp Giấy và Bột giấy Đông Nam Á lần thứ 34.
Bên cạnh chủ nhà Hiệp Hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam (VPPA), FAPPI 34 có sự tham dự của 250 đại biểu đến từ 9 Hiệp hội Giấy và đối tác liên kết các nước Trung Quốc, Đài Bắc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia Thái Lan…
Giới thiệu Báo cáo của các Hiệp hội về tình hình phát triển ngành Công nghiệp Giấy tại các quốc gia, Hội nghị đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh từ Hiệp hội và chuyên gia quốc tế… đặc biệt là những Báo cáo chuyên đề từ chuyên gia đầu ngành quốc tế.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp Hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam nhấn mạnh: “ngành Công nghiệp Giấy và Bột giấy toàn cầu, khu vực châu Á đã trở thành trung tâm lớn sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu… tiềm năng tăng trưởng được dự báo sẽ lớn hơn bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những vấn đề cần phải giải quyết nhằm mục đích tăng trưởng bền vững, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng quy định môi trường...”
Ông Đức khẳng định Hội nghị sẽ là một cơ hội tuyệt vời để nắm bắt tình trạng hiện tại của ngành Công nghiệp Giấy và Bột giấy các Hiệp hội, tìm giải pháp cho những vấn đề đang phải đối mặt nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Báo cáo VPPA cho thấy ngành Giấy Việt Nam giai đoạn 2016 – 2019, trên cả năm yếu tố đều có sự tăng trưởng mạnh: Năng lực sản xuất giấy và các tông tăng trưởng bình quân 31%/năm; sản xuất các loại giấy và các tông tăng trưởng 25,7%/năm; tiêu dùng tăng trưởng 12,3%/năm; xuất khẩu tăng trưởng 65,1%/năm; nhập khẩu tăng trưởng 3,1%/năm. Tăng trưởng năng lực sản xuất chủ yếu là giấy bao bì, trong đó các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70%; tăng trưởng sản xuất cũng chủ yếu là từ giấy bao bì, tiếp theo là giấy in – viết và giấy tissue…