Kinh tế Việt Nam năm 2023 và một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát trong năm 2024

Đề tài Kinh tế Việt Nam năm 2023 và một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát trong năm 2024 do PGS.TS. Phan Thế Công (Trường Đại học Thương mại) -ThS. Trang Lê Xuân Đào (Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết này phân tích kết quả tăng trưởng kinh tế và biến động giá cả năm 2023, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm 2024, đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát năm 2024 và các năm sau. Theo đó, các giải pháp cơ bản là: đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, thực hiện đồng thời kích cầu tiêu dùng - đầu tư - xuất khẩu, duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động, linh hoạt, thúc đẩy đầu tư công, những giải pháp quan trọng này đều là những động lực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát.

Từ khóa: kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, năm 2023, năm 2024, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Những năm qua, kinh tế - xã hội Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và diễn biến tiêu cực của kinh tế thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hành động quyết liệt của Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, đất nước đã từng bước vượt qua những khó khăn và có bước phát triển khả quan, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được giữ vững và bảo đảm. Các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng ổn định, khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu. Đầu tư công được đẩy mạnh về số vốn thực hiện, tốc độ tăng tỷ lệ giải ngân ở mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả.

Trong năm 2023, tình hình thế giới mặc dù có một số tín hiệu tích cực, nhưng về tổng thể kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi giai đoạn khó khăn, có tính bất định cao, diễn biến phức tạp, nhanh chóng cùng nhiều yếu tố mới, bất ngờ, xuất hiện các rủi ro trong cả ngắn hạn và dài hạn (bất thường hơn, bấp bênh hơn và rủi ro hơn, điều mà giới kinh doanh vẫn gọi là thế giới VUCA - viết tắt của 4 đặc tính trong thế giới hiện đại: Volatility (Biến động) - Uncertainty (Không chắc chắn) - Complexity (Phức tạp) - Ambiguity (Mơ hồ). Thị trường hàng hóa thế giới năm 2023 có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Xung đột quân sự Nga - Ucraina vẫn tiếp diễn cùng với bất ổn gia tăng tại Trung Đông. Nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu suy yếu, kinh tế tăng trưởng chậm trong khi thị trường tài chính tiền tệ, bất động sản tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình trạng thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai ở các quốc gia làm cho sản xuất và tiêu dùng lương thực mất cân đối. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm.

Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích kết quả tăng trưởng kinh tế và biến động giá cả năm 2023, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước năm 2024, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát năm 2024 và các năm sau là rất cần thiết.

2. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023

2.1. Tăng trưởng kinh tế

Trong năm 2023, kinh tế và chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP là 5,05%. Quy mô nền kinh tế Việt Nam theo giá hiện hành đạt 430 tỷ USD đến cuối 2023. GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, tăng 160 USD so với cùng kỳ năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế khoảng 8.380 USD một lao động, tăng 274 USD. Dịch vụ vẫn là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế, trên 62%. Theo Tổng cục Thống kê (2023), các hoạt động thương mại, du lịch duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào đà đi lên của dịch vụ. Nhờ đó, giá trị tăng thêm khu vực này vượt 6,82% so với năm trước và cao hơn các năm 2020-2021. Trong khi đó, công nghiệp và xây dựng tiếp tục đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chỉ đạt 3,02%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62% - mức thấp nhất 13 năm. Xuất nhập khẩu giảm 6,6% so với năm 2022 nhưng là kết quả của nhiều nỗ lực mở rộng thị trường mới, xúc tiến thương mại trong bối cảnh cầu thế giới giảm sâu, đạt 693 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD.

Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% (Hình 1) so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng của 2020 và 2021 - thời điểm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việt Nam được xem như là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp. Mặc dù không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% như Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra, nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. (Hình 1)

Lạm phát

2.2. Biến động giá cả

Theo GSO (2023), CPI năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kỳ 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4,5%). Các yếu tố làm tăng CPI trong năm 2023: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85% tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Trong đó, giá gạo tăng 6,77% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,33%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,5 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,58% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao. Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,65% so với năm trước, tác động làm CPI tăng 0,16 điểm phần trăm, chủ yếu do từ tháng 7/2023, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,46 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế năm 2023 tăng 1,23% so với năm 2022 do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế. Chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86%, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm do nhu cầu sử dụng điện tăng và EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,29% so với năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, do nguyên liệu sản xuất và chi phí nhân công tăng. (Hình 2)

Lạm phát

 

Tuy nhiên, không phải tất cả các mặt hàng đều tăng giá. Một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2023, như: Chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động của giá thế giới, làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm; dầu hỏa giảm 10,02%. Chỉ số giá nhóm gas giảm 6,94% so với năm 2022, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. (Hình 3)

Lạm phát

 

Cũng theo GSO (2023), các yếu tố làm giảm CPI trong năm 2023 bao gồm: Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,81% so với năm trước do giá điện thoại di động thế hệ cũ giảm. Chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động của giá thế giới, làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm; dầu hỏa giảm 10,02%. Chỉ số giá nhóm gas giảm 6,94% so với năm 2022, làm CPI chung giảm 0,1 điểm phần trăm. Để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và qua đó giúp kiềm chế lạm phát của năm 2023.

3. Dự báo về biến động của giá cả năm 2024

3.1. Dự báo kinh tế thế giới năm 2024

Ngày 24/12/2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 chỉ ở mức 2,7%. Tuy nhiên, OECD nhận định kinh tế toàn cầu có thể “hạ cánh mềm”, đặc biệt là tại các nước phát triển, thay vì rơi vào suy thoái như các lo ngại trước đây. OECD cho biết: "Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu và lạm phát tăng cao. Tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại một chút trong năm tới, chủ yếu do việc thắt chặt chính sách tiền tệ cần thiết được thực hiện trong 2 năm qua". OECD hiện dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2024 đạt 1,5% (so với mức ước tính 2,4% của năm 2023). Nhu cầu tiêu dùng, đầu tư và tăng trưởng việc làm tại Mỹ được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn kể từ nửa cuối năm 2024 khi lạm phát hạ nhiệt, thúc đẩy Fed có động thái giảm lãi suất. (Hình 4)

Lạm phát

Đồng quan điểm với OECD, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, sự bấp bênh trong nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại đã giảm xuống đáng kể so với hồi đầu năm 2023. Tuy nhiên, các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át các động lực tăng tốc của nền kinh tế trong năm 2024. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định nền kinh tế châu Âu có khả năng sẽ sớm ngăn chặn được suy thoái kinh tế và "hạ cánh mềm". Tiền lương tăng là yếu tố chính hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của châu Âu. IMF lưu ý, mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực xuất hiện, hoạt động đầu tư trên toàn cầu vẫn đang thấp hơn so với trước đại dịch, trong đó các doanh nghiệp đều ngại mở rộng sản xuất - kinh doanh và không muốn dấn thân vào rủi ro trong bối cảnh lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị, và nhiều chính phủ ngừng các biện pháp kích cầu tài khóa. Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của IMF, các nền kinh tế được dự báo tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2024 nằm ở khu vực châu Á và châu Phi Cận Sahara. Ấn Độ - đất nước đông dân nhất thế giới, có thể đạt mức tăng trưởng 6,3%. Trên phạm vi toàn cầu, IMF dự báo mức tăng trưởng GDP bình quân năm 2024 là 2,9%. Tăng trưởng GDP của Mỹ, theo dự báo mới, sẽ là 2,4% năm 2023 và 1,5% năm 2024. Hồi tháng 9/2023, OECD dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ lần lượt là 2,2% và 1,3%. Còn nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng 0,6% vào năm 2023 (không thay đổi) và 0,9% vào năm 2024 (trước đó dự báo là 1,1%). Các chuyên gia đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 lên 5,2%, so với mức 5,1% dự kiến trước đó và số liệu tương ứng của năm 2024 lên 4,7% so với mức dự báo trước đó 4,6%. Năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3%.

Theo báo cáo của IMF (2023), dự báo lạm phát toàn cầu năm 2024 ở mức 5,8%, lạm phát ở nhiều quốc gia vẫn duy trì trên mức lạm phát mục tiêu cho đến năm 2025 khiến lãi suất có thể hạ nhưng vẫn ở mức cao trong thời gian tới, cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thị trường tài chính và tiền tệ thế giới vẫn tiềm ẩn rủi ro và bất ổn, tác động đến gia thay đổi lớn giữa tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ và USD.

Như vậy, nhìn chung, các tổ chức tài chính quốc tế đều đưa ra con số dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 ở mức từ 2,6% đến 2,9%. Các con số cho thấy “cũng không khá hơn là bao” so với năm 2023, khi mức dự báo là từ 2,1% đến 2,7%. Dự đoán tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại do nhiều nguyên nhân như cú sốc nguồn cung, già hóa dân số, hiệu ứng tích lũy từ việc tăng lãi suất của các ngân hàng,... Môi trường kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ duy trì tính nhạy cảm cao. Sự thay đổi sâu sắc của hệ thống kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra đồng thời với sự chuyển đổi giữa động lực tăng trưởng cũ và mới. Rủi ro và cơ hội đồng thời tồn tại, với hơn 30% các nước trên thế giới dự kiến sẽ đối diện với rủi ro nợ tăng. Thị trường mới cũng phải đối mặt với thách thức từ thị trường lao động, gây rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội.

3.2. Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024

Năm 2024, dự báo tình hình kinh tế, chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Mặc dù kinh tế toàn cầu có thể “bình thường” hơn trong năm mới so với 3 năm trước, nhưng nhiều khả năng vẫn đang tìm kiếm sự cân bằng, đó là sự cân đối, cân bằng giữa lãi suất, tiền lương và giá cả so với mức trước đại dịch Covid-19. Nhiều rủi ro vẫn có thể xảy ra, như căng thẳng xã hội và chính trị, xung đột địa chính trị, sự bất ổn về chi phí sinh hoạt, sự mất giá của tiền tệ, bất kỳ yếu tố nào trong số đó đều có khả năng làm giảm hoặc xác định lại triển vọng của nền kinh tế. Bối cảnh có thể nghiêng về phương án trao quyền cho người tiêu dùng với lạm phát vừa phải, tăng trưởng kinh tế thực ổn định, với việc các thành viên thị trường thúc đẩy tìm kiếm những động lực tăng trưởng ở các khu vực khác nhau. Bức tranh lạm phát năm 2024 đan xen các yếu tố gia tăng và kiềm chế lạm phát.

Các yếu tố gây áp lực gia tăng lạm phát và gây biến động về giá cả ở Việt Nam:

Thứ nhất, giá nguyên, vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, dự báo cũng sẽ ở mức cao. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất và từ đó đẩy giá hàng hóa trong nước tăng lên. Những bất ổn địa chính trị, xung đột leo thang ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm khoảng 2,2 triệu thùng/ngày ngay từ đầu năm 2024 là những yếu tố khiến các chiến lược gia của Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo dầu Brent có nhiều lý do để tăng giá vào năm 2024 (dự đoán giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 70 - 100 USD/thùng, tương đương giá dầu tăng tới 19% so với năm trước). Điều này tác động khá lớn tới giá xăng dầu trong nước, gia tăng áp lực lạm phát đối với nền kinh tế; dự báo, tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 sẽ chậm lại khi giai đoạn cuối trong tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch kết thúc, kết hợp với sự phát triển của các loại xe điện và một số yếu tố khác.

Thứ hai, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI. Các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch… dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá thời gian tới.

Thứ ba, giá các mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý như: dịch vụ y tế, giáo dục có thể tăng sau nhiều năm kìm giữ; tác động của tăng lương và giá các mặt hàng tiêu dùng gia tăng theo yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sẽ làm gia tăng tổng cầu, gây áp lực lạm phát của nền kinh tế. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với những quyết định quan trọng về chi tiêu và đầu tư. Áp lực lạm phát năm 2024 còn đến từ khả năng điều chỉnh tăng giá theo lộ trình đối với dịch vụ giáo dục, y tế. Trong cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình, giáo dục chiếm tới 6,17%; trong đó, dịch vụ giáo dục chiếm 5,45% nên biến động giá học phí có tác động lớn tới lạm phát.

Thứ tư, đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước. Trong khi đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ lại do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí sẽ tác động làm tăng CPI. Giá vàng cũng được dự kiến tăng cao trong năm 2024.

Thứ năm, EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng, dầu, than đều đang ở mức cao. Điện là một mặt hàng năng lượng quan trọng phục vụ cho sản xuất - kinh doanh và phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày của người dân, nên biến động về giá điện có tác động không nhỏ tới lạm phát. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây nên thời tiết cực đoan, dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao, đẩy chỉ số giá điện sinh hoạt tăng, tạo áp lực khá lớn cho lạm phát.

Thứ sáu, việc cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên. Ngoài ra, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp lễ, Tết.

Thứ bảy, giá gạo trong nước dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng theo giá gạo thế giới do những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Nga, UAE hạn chế hoặc cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước do tác động của El Nino gây sụt giảm sản lượng lương thực.

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới - WB (2023), dự báo mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 là 5,5% và tăng lên 6,0% vào năm 2025. Các chính sách hỗ trợ nhu cầu ngắn hạn, dỡ bỏ các rào cản trong việc thực hiện đầu tư công và giải quyết các hạn chế về cơ sở hạ tầng có thể giúp nền kinh tế đạt được các mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Theo WB (2023), nền kinh tế Việt Nam đang bị thử thách bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính phủ có thể hỗ trợ tổng cầu thông qua đầu tư công hiệu quả, từ đó tạo việc làm và kích thích hoạt động kinh tế. Ngoài các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, Chính phủ không nên bỏ qua các cải cách thể chế cơ cấu - bao gồm cả trong lĩnh vực Năng lượng và Ngân hàng. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm 2024, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Danh sách dẫn đầu với Macau (Trung Quốc) tăng trưởng 27,16%, Guyana 26,56%, Palau 12,40%, Niger 11,14%, Senegal 8,82%. Đông Nam Á có Campuchia (6,13%) và Philippines (5,88%) có dự báo tăng trưởng cao hơn Việt Nam. Các chuyên gia IMF bày tỏ lạc quan về triển vọng trong trung hạn, với mức dự báo tăng trưởng GDP đạt 5,8% vào năm 2024 và 6,9% vào năm 2025. Đó là do nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam chịu nhiều tác động của nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài trong năm 2024, song nền tảng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có được từ trước thời kỳ đại dịch Covid-19 vẫn được duy trì.

Ngày 09/11/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Mục tiêu năm 2024 là đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,0 - 6,5%. Nghị quyết đề cập đến việc ưu tiên tăng trưởng kết hợp với củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tạo ra chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế. Để đạt được mục tiêu đề ra của Quốc hội Việt Nam không phải đơn giản. Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế, có thể đưa ra các kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2024 như sau:

- Kịch bản cơ sở: Kịch bản cơ sở là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất. Với kịch bản cơ sở, các dự báo chỉ tiêu sẽ ở mức phù hợp với xu hướng phục hồi kinh tế và các giả thiết bên ngoài đã đặt ra. Tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức tăng 5,78% năm 2024. (Bảng 1)

Bảng 1. Các kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam năm 2024

Các chỉ tiêu

2023

2024

KB thấp

KB cơ sở

KB cao

I. Tốc độ tăng trưởng GDP

5,05

5,21

5,78

6,21

- Nông Lâm nghiệp Thủy sản

3,83

3,21

3,45

3,51

- Công nghiệp - xây dựng

3,74

4,44

5,56

6,24

- Dịch vụ

6,82

6,63

6,82

7,09

- Thuế trợ cấp trừ sản phẩm

3,41

3,78

4,36

5,02

II. Vốn đầu tư toàn xã hội/GDP

33,49

33

33,5

34,0

III. CPI bình quân so với cùng kỳ

3,25

3,34

3,71

4,23

                                                                     Nguồn: Tính toán của nhóm nghiên cứu

- Kịch bản tăng trưởng cao: Đây là kịch bản cũng có thể xảy ra nếu những diễn biến sắp tới về địa chính trị trên thế giới tích cực hơn. Diễn biến kinh tế trong nước có nhiều thuận lợi. Kinh tế của các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam phục hồi tích cực, thúc đẩy sản xuất trong nước. Trong kịch bản này, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,21% năm 2024.

- Kịch bản tiêu cực: Những diễn biến phức tạp của địa chính trị, kinh tế thế giới cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục khiến kinh tế thế giới rơi vào khó khăn. Kinh thế trong nước bị nhiều tác động tiêu cực và cộng thêm với những vấn đề nội tại của nền kinh tế có thể khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt thấp trong năm 2024. Theo đó, với kịch bản này, tăng trưởng năm 2024 được dự báo ở mức tăng 5,21%.

4. Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát năm 2024

4.1. Về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Để thực hiện thành công phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tiếp theo, Chính phủ và các địa phương cần thực hiện một số nhóm giải pháp sau:

Một là, tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường pháp lý, đưa ra giải pháp tháo gỡ, nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Hai là, thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động và linh hoạt, trong đó ưu tiên thực hiện chính sách tài khóa hợp lý hỗ trợ tăng trưởng. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Nỗ lực giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Ba là, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng, thực hiện vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp tăng trưởng cho các động lực khác. Chính phủ và các địa phương cần đổi mới công tác lập, phân bổ kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án trở thành công trình hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.

Bốn là, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hình lại chuỗi cung ứng. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ vẫn là động lực quan trọng không chỉ trong thập kỷ này mà cả trong thập niên tới. Ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, phát triển xanh là xu hướng tất yếu, kiến tạo động lực mới cho phát triển.

Năm là, các giải pháp đồng thời kích cầu tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, tác động đến 3 động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đó là: Giải pháp kích cầu tiêu dùng: Thực hiện chính sách này, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, chẳng hạn Chính phủ có thể trợ cấp cho người có thu nhập thấp, kể cả công chức, viên chức; Hỗ trợ người dân tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu như: trợ giá tiền điện, nước, lương thực thực phẩm, vé tàu xe đi lại, sách vở học sinh; Hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng núi khó khăn, thiên tai, bệnh dịch; Miễn giảm học phí với các mức độ khác nhau cho từng cấp, từng nhóm học sinh ở từng vùng; Hỗ trợ đào tạo, y tế, phúc lợi xã hội. Giải pháp kích cầu đầu tư: Thực hiện nhóm giải pháp này sẽ nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ cần tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, kho cảng, hạ tầng các khu công nghiệp. Đồng thời tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, tập trung đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và hệ thống truyền tải, phân phối điện. Đầu tư nhà ở, đặc biệt nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho thuê. Giải pháp kích cầu xuất khẩu: Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm vực lại ngành sản xuất hướng vào xuất khẩu. Đảm bảo giữ được những bạn hàng lớn, đồng thời tăng cơ hội tiếp thị các sản phẩm mới; đưa sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đến với toàn cầu. Xây dựng và thực thi chiến lược tăng cường xuất khẩu, giảm thiểu nhập khẩu dịch vụ, tiến tới xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ.

4.2. Về ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát

Quốc hội đã thông qua mục tiêu lạm phát năm 2024 ở mức từ 4 - 4,5%. Áp lực lạm phát trong năm 2024 vẫn khá lớn, theo đó để kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước. Kiến nghị một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát để có các biện pháp ứng phó phù hợp. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước cũng cần kiên định thực hiện chính sách tín dụng và lãi suất phù hợp, hài hoà với nhu cầu. Áp lực lạm phát bắt đầu giảm khi chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang đi đúng hướng. Các ngân hàng trung ương đang cho thấy khả năng đạt hoặc gần đạt mức lãi suất cao nhất.

Thứ hai, cần đảm bảo đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tiêu dùng, tác động mạnh tới lạm phát. Đặc biệt, trong bối cảnh những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như: Ấn Độ, Nga, UAE hạn chế, cấm xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực, đẩy giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới. Bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị khó lường, phức tạp. Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Thứ ba, cần tập trung xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thứ tư, là tăng cường thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng. Các đơn vị liên quan cần chủ động cập nhật thông tin, dự báo chính xác động thái thị trường để nắm bắt cơ hội, giảm rủi ro trong bối cảnh tổng cầu thế giới còn yếu, đứt gãy chuỗi cung ứng. Kịp thời điều chỉnh sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm giá thành sản phẩm để kiềm chế lạm phát. Các cơ quan truyền thông cũng thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai lệch gây ra.

Cuối cùng, bên cạnh áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như sự hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng, dầu, giảm thuế VAT tiếp tục được thực hiện trong năm 2024. Chính phủ có kế hoạch và giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đồng thời, mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Để ứng phó với khủng hoảng năng lượng, không phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, tránh các tác động từ vấn đề địa chính trị toàn cầu khó dự đoán trước, doanh nghiệp tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, cắt giảm chi phí do giá năng lượng tăng cao, tăng lợi nhuận trong dài hạn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bảo Yến (2023), Nhìn lại diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Link truy cập: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=80684.

2. Đinh Văn Sơn (2023), Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam 2023, Trường Đại học Thương mại. NXB Thống kê.

3. Đức Minh (2023), ADB tiếp tục điều chỉnh dự báo GDP Việt Nam, Link truy cập: https://vnexpress.net/adb-tiep-tuc-dieu-chinh-du-bao-gdp-viet-nam-4688310.html

4. GSO (2011 - 2012), Niên giám thống kê. NXB Thống kê.

5. GSO (2023). Một số điểm sáng kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023. Link truy cập: https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2023/12/mot-so-net-diem-sang-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2023/

6. Lê Minh (2023), Kinh tế thế giới năm 2024: Vượt lên thách thức với triển vọng lạc quan hơn. Link truy cập: https://www.vietnamplus.vn/kinh-te-the-gioi-nam-2024-vuot-len-thach-thuc-voi-trien-vong-lac-quan-hon-post918829.vnp

7. Phương Ánh (2023), GDP năm 2023 tăng 5,05%, Link truy cập: https://vnexpress.net/gdp-nam-2023-tang-5-05-4694770.html

8. Thúy Hiền (2023), Kinh tế 2023, dự báo 2024: Dồn lực về đích. Link truy cập: https://www.gso.gov.vn/su-kien/2023/12/kinh-te-2023-du-bao-2024-don-luc-ve-dich/.

9. TTXVN/Vietnam+ (2023), Những yếu tố thách thức kinh tế thế giới trong năm 2024, Link truy cập: https://www.vietnamplus.vn/nhung-yeu-to-thach-thuc-kinh-te-the-gioi-trong-nam-2024-post918810.vnpOECD (2023), OECD Economic Outlook: Restoring growth. Link truy cập: https://www.oecd.org/economic-outlook/november-2023/

10. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

11. WB (2023), Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023

12. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám thống kê từ năm 2010-2023.

13. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (2023). Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024.

14. IMF (2023). World Economic Outlook.

Vietnam’s economy in 2023 and some solutions for economic growth and inflation control in 2024

Assoc.Prof.Ph.D Phan The Cong1

Master. Trang Le Xuan Dao2

1Thuongmai University

2Ba Ria - Vung Tau Customs Department

Abstract:

This paper analyzed Vietnam’s economic growth results and price fluctuations in 2023, the domestic and foreign economic context in 2024, and proposed solutions to promote economic growth, stabilize prices, and curb inflation in 2024 and the following years. Fundamental solutions are: strongly innovating the economic growth model; continuing to improve institutions and the legal environment to meet development requirements in the new context; simultaneously stimulating demand, investment, and exporting; maintaining an export-based growth model; implementing proactive and flexible fiscal and monetary policies; and promoting public investment. These important solutions are expected to create driving forces for Vietnam’s economic growth, price stability, and inflation control.

Keywords: Vietnam's economy, economic growth, inflation control, 2023, 2024, solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]

Tạp chí Công Thương