Lời giải nào cho bài toán tái cơ cấu dự án đóng tàu Dung Quất?

Sáng 19/10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, đã họp về phương án xử lý đối với Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu hoàn thiện phương án, đảm bảo khả thi, đúng pháp luật để xử lý dứt điểm dự án DQS. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu hoàn thiện phương án, đảm bảo khả thi, đúng pháp luật để xử lý dứt điểm dự án DQS. Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Tập đoàn PVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các bộ ngành, ngân hàng, căn cứ các quy định của pháp luật và các ý kiến chỉ đạo, phải thống nhất phương án để dứt điểm, bảo đảm hợp lý, hài hòa, có sự đồng thuận giữa các bên liên quan.

Các ý kiến đều cho rằng phương án tái cấu trúc Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) để doanh nghiệp này tiếp tục sản xuất kinh doanh, phát huy giá trị tài sản vẫn đang còn là phương án hợp lý hơn cả, vừa đỡ thiệt hại nhất cho ngân sách nhà nước, đồng thời cũng tạo lập cơ sở quan trọng cho hoạt động của PVN cũng như công nghiệp đóng tàu, phát triển kinh tế biển sau này.

Đại diện Ngân hàng VDB bày tỏ mong muốn có phương án tái cơ cấu DQS thực sự khả thi, đúng pháp luật và hài hòa lợi ích. Đây cũng là phương án đỡ tổn thất hơn so với phương án phá sản, thanh lý tài sản,… Tuy nhiên, để đảm bảo khả thi, thì giải pháp xử lý tài chính gặp vướng mắc về quy định pháp luật, cơ sở pháp lý không chặt chẽ, khó xử lý. Đề nghị PVN và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nghiên cứu, đề xuất phương án tái cơ cấu phải thực sự hợp lý, hợp pháp và khả thi.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, tái cơ cấu lại DQS là cần thiết. Về vấn đề thanh lý tài sản, đại diện Bộ Tài chính đề nghị DQS và PVN làm việc với các chủ nợ để thống nhất phương án xử lý bảo đảm hợp pháp và hài hòa.

Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS) do Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) thành lập từ 2006, vốn điều lệ hơn 3.700 tỷ đồng.

Trong thiết kế, nhà máy đóng tàu có công suất thiết kế giai đoạn I (đến năm 2010) với mục tiêu đóng mới khoảng 600 nghìn tấn tàu/năm (tương đương với đóng 6 con tàu 100.000 DWT); giai đoạn II (từ năm 2010-2015) nâng công suất đóng mới lên 1.100.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đúng vào giai đoạn đó, thị trường đóng tàu suy giảm, nhà máy phải chuyển hướng từ đóng mới sang sửa chữa. Vì vậy, nhiều hạng mục đang đầu tư dở dang phải dừng lại. 

Tháng 7/2010, DQS được chuyển giao từ Vinashin sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo Quyết định số 926/QĐ-TTg ngày 18/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin.

Sau khi tiếp nhận DQS, Hội đồng Thành viên PVN đã có Nghị quyết 1781/NQ-DKVN ngày 29/7/2010 về tổ chức và cơ cấu lại DQS theo ngành nghề kinh doanh chính: Đóng mới, sửa chữa tàu thủy, giàn khoan và các phương tiện nổi. 

PVN đã cấp 1.915 tỷ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ hơn 3.400 tỷ đồng để DQS thanh toán các khoản nợ vay, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, tài chính, sản xuất… duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

DQS đã chuyển giao các công ty con sang các doanh nghiệp thành viên PVN, gồm: Công ty TNHH MTV Vận tải thủy bộ sang PVTrans; Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình Dung Quất sang PVC-MT, Công ty TNHH MTV Cung ứng dịch vụ Hàng hải Vinashin sang PETROSETCO.

Phương án tái cơ cấu DQS là hoàn toàn phù hợp, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của PVN nói chung cũng như sự phát triển của công nghiệp đóng tàu đất nước. Ảnh: VGP
Phương án tái cơ cấu DQS là hoàn toàn phù hợp, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của PVN nói chung cũng như sự phát triển của công nghiệp đóng tàu đất nước. Ảnh: VGP

Xem thêm: "Xem xét, thống nhất giải pháp xử lý dứt điểm Dự án Bột giấy Phương Nam" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Báo cáo hồi tháng 4/2023 của PVN cho thấy, từ 2010 đến nay, số lượng tàu được Nhà máy Đóng tàu Dung Quất sửa chữa, đóng mới, hoán cải là 182, trong đó gồm 68 dự án trong ngành, 30 dự án nước ngoài, tổng doanh thu trên 8.000 tỷ đồng. Về nhân sự, từ hơn 2.000 lao động DQS đã được sắp xếp lại còn hơn 600 người, hiện tại thu nhập bình quân của công nhân 10 triệu đồng/tháng; tái cấu trúc lại thị trường và sản xuất…

Riêng năm 2022, DQS đã thực hiện 49 đơn hàng với giá trị 612,68 tỷ đồng, trong đó 45 đơn hàng ngoài ngành (28 đơn hàng trong nước và 17 đơn hàng nước ngoài), chiếm 92% tổng số đơn hàng, với giá trị thực hiện 467,5 tỷ đồng/612,68 tỷ đồng, chiếm 76% giá trị đơn hàng. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 của DQS ước đạt 654,29/484,75 tỷ đồng, bằng 137% so với kế hoạch doanh thu năm 2022 PVN giao và bằng 141% so với năm 2021.

Hiện nay, DQS còn lỗ hơn 2.600 tỷ đồng, do giai đoạn trước bàn giao để lại.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh để phương án tái cơ cấu bảo đảm khả thi cho DQS cần làm rõ giải pháp về xử lý tài chính bảo đảm chặt chẽ; cần rà soát lại các cơ chế, quy định về xử lý tài chính (liên quan đến nợ gốc, lãi vay, lãi phạt) để có phương án phù hợp. Trong trường hợp có phương án khả thi tái cơ cấu DQS cũng cần làm rõ kế hoạch, lộ trình để triển khai thực hiện.

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cho rằng phương án tái cơ cấu DQS là hoàn toàn phù hợp, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của PVN nói chung cũng như sự phát triển của công nghiệp đóng tàu đất nước.

Cho rằng việc đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý là cần thiết, tuy nhiên PVN cần tiếp tục trao đổi với các bộ, ngành liên quan đề xuất các biện pháp theo các cơ chế đã có tiền lệ và dễ triển khai thực hiện… Đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh yêu cầu cần tiếp tục nghiên cứu đề hoàn thiện, trình phương án tái cơ cấu DQS thực sự thuyết phục.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Xây dựng… đề nghị PVN giải trình cụ thể, chi tiết các nội dung liên quan đến đề xuất giải pháp xử lý về tài sản, tài chính trong phương án tái cơ cấu, chứng minh được tính hiệu quả và khả thi của phương án đảm bảo thuyết phục, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo PVN làm rõ những nội dung chưa có căn cứ pháp lý để xin ý kiến cấp có thẩm quyền; về giải pháp xử lý tài sản phải có bằng chứng, luận chứng chi tiết, cụ thể cũng như đánh giá tiềm năng phát triển trong tương lai để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng tại cuộc họp đề hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Công ty Đóng tàu Dung Quất. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng tại cuộc họp đề hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Công ty Đóng tàu Dung Quất. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ chưa hài lòng khi hồ sơ, tài liệu chưa được chuẩn bị đầy đủ, các phương án được trình chưa được giải thích rõ ràng và làm rõ những căn cứ để cấp có thẩm quyền, xem xét cho ý kiến.

Về phương án, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, PVN nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng tại cuộc họp đề hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Công ty Đóng tàu Dung Quất.

Tập trung thời gian, hoàn hiện hồ sơ, đề án, trình sớm, để kịp thời gian Thường trực Chính phủ họp, cho ý kiến chỉ đạo. Trong đề án phải đánh giá chi tiến từng phương án (chuyển đổi chủ sở hữu; phá sản; cơ cấu lại DQS); giải trình rõ phương án nào có thể thực hiện, phương án nào không thể triển khai; đánh giá ưu, nhược điểm để đề xuất phương án tốt nhất.

Tại cuộc họp, đa số các ý kiến đều đồng tình lựa chọn phương án cơ cấu lại DQS, Phó Thủ tướng nêu rõ: Nếu lựa chọn phương án này thì phải đánh giá đầy đủ về sự cần thiết, tiềm năng, lợi thế phát triển, làm rõ các yếu tố vượt trội, xu hướng phát triển, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của phương án, đảm bảo thuyết phục, khả thi, đúng pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Về giải pháp xử lý tài chính khi thực hiện cơ cấu lại DQS, Phó Thủ tướng yêu cầu PVN và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải lý giải trực diện vào vấn đề, căn cứ vào các quy định của pháp luật phân loại rõ danh mục từng khoản (tài sản có và tài sản nợ) đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo quy định; số liệu, căn cứ phải rõ ràng, thuyết phục.

"Tinh thần là những tài sản nào không khai thác được thì thanh lý hoặc tạm thời khoanh lại chờ thanh lý sau; đảm bảo lợi ích hài hòa, khó khăn cùng chia sẻ", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nếu có giải pháp khả thi, giải quyết được vấn đề xử lý tài chính thì tái cơ cấu DQS là phương án tốt nhất, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị PVN phối hợp với các bộ chuyên ngành, các chủ nợ thống nhất, hoàn thiện đề án, đề xuất giải pháp khả thi để xử lý dứt điểm.

Phương Chi