Tính cấp thiết
Minh bạch thông tin hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung chính được bàn luận tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thương mại điện tửc(Nghị định 52). Hội thảo diễn ra sáng nay (3/11) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng tham dự và chủ trì Hội thảo.
Nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản trực tiếp điều chỉnh các hành vi kinh doanh trên môi trường điện tử. Sau 7 năm thực hiện Nghị định, cùng với sự phát triển và lan tỏa của công nghệ số, thương mại điện tử Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần tạo ra diện mạo và phương thức vận hành mới cho thương mại nói chung và nền kinh tế số nói riêng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2013 đến nay, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ.
Hiện nay, Việt Nam có trên 59,4 triệu người dùng internet, chiếm 66% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 60%, trong đó khoảng 44,8 triệu dân đã từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm.
Thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 10,08 tỷ USD năm 2020, đóng góp 4,9% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Không chỉ vậy, hoạt động thương mại điện tử ngày càng đa dạng, không chỉ trên máy tính, mà còn trên các thiết bị hiện đại khác như điện thoại thông minh, máy tính bảng; không chỉ diễn ra trên các website thương mại điện tử, mà còn qua các ứng dụng trên nền tảng di động.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên khắp thế giới và có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của người dân, thương mại điện tử đang thể hiện vai trò ưu việt trong việc duy trì vận hành chuỗi sản xuất, kinh doanh, phân phối bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng - Trưởng ban soạn thảo Nghị định sửa đổi cho biết, để đạt được những kết quả nêu trên, có sự đóng góp rất lớn của khuôn khổ pháp lý về thương mại điện tử được hình thành từ khá sớm và mang tính đón đầu.
Trong đó, nổi bật là Nghị định 52/2013/NĐ-CP với vai trò là văn bản mang tính định hướng, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, với bản chất là hoạt động thương mại ứng dụng các thành tựu công nghệ số, lĩnh vực thương mại điện tử cũng đang chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng.
Nhiều mô hình thương mại điện tử mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động và chủ thể tham gia, đặc biệt các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch thương mại điện tử phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh; các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội.
Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức; và một số vấn đề khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung thêm một số điều của của thương mại điện tử là hết sức cần thiết, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Nói về những bất cập của thương mại điện tử, ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương bổ sung, tại thời điểm này không ít mạng xã hội ứng dụng thương mại điện tử cũng đang bị các đối tượng sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát, thiệt hại cho người tiêu dùng.
Ông Minh nêu ví dụ, vụ việc phát hiện kho hàng lậu khủng ở Lào Cai là một điển hình. Các đối tượng không cần chuyển về Hà Nội mà đặt ngay trụ sở giáp tỉnh biên giới, bởi khi hàng hóa đi qua biên giới sẽ được hợp thức hóa nhanh chóng, cùng với đó chi phí mặt bằng, trả lương nhân viên cũng thấp hơn nhiều so với đặt tại Hà Nội.
Đáng chú ý, đối với vụ việc ở Lào Cai không cần cửa hàng, showroom trưng bày và được hỗ trợ trực tiếp của các công ty vận chuyển, giao nhận hàng bình thường mỗi ngày nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu bán lẻ hàng tháng đạt hơn 10 tỷ đồng; sao kê giao dịch qua ngân hàng cho thấy, trong chưa đầy 2 năm qua các đối tượng đã bán lượng hàng trị giá hơn 649 tỷ đồng.
Từ thực tế công việc quản lý thị trường, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT nhận định, trách nhiệm minh bạch hóa của người bán hàng là vô cùng quan trọng.
“Hơn nữa, đơn vị làm trung gian đều phải có trách nhiệm liên quan đến thương mại điện tử (Nghị định 52 mới quy định chung chung về mô tả hàng hóa, nhưng quan trọng những vấn đề liên quan đến chứng từ hàng hóa mới là yếu tố để xác định hàng giả, hàng nhái). Quan trọng hơn, hiện sự tham gia của các chủ sàn rất tích cực, do vậy chống hàng giả, đặc biệt trên mạng nếu không có cách nào để kiểm soát truy xuất xuất xứ hàng hóa sẽ rất khó”, ông Nguyễn Kỳ Minh phân tích cụ thể.
Sửa đổi hướng đến minh bạch hóa
Năm 2018, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị sơ kết Nghị định số 52. Hội nghị được lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ đó, tổng kết đánh giá và đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định.
Vừa qua, ngày 7/10/2020, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52 về thương mại điện tử.
Nghị quyết đã thông qua 04 chính sách lớn, là những bổ sung mới so với Nghị định 52 trước đó như: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; Quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.
Nêu ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 52, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP hướng đến hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử là hoạt động thương mại hiện đại có tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ góp phần hướng đến phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Đặc biệt, khi sửa đổi, bổ sung, Nghị định 52 sẽ khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 52 hướng đến đảm bảo môi trường lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng cho hoạt động thương mại điện tử. Qua đó, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử; không để thương mại điện tử bị lợi dụng trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật.
Đóng góp vào việc sửa đổi Nghị định 52, đại diện Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động thương mại điện tử theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về thông tin vận chuyển và giao nhận; bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng (gọi chung là dịch vụ logistics) về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.
Ngoài ra, Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định đối với quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội: Với mục tiêu thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho thương mại điện tử trên mạng xã hội hoạt động với định hướng tạo sân chơi công bằng, bình đẳng giữa các phương thức hoạt động thương mại điện tử dù trong lãnh thổ Việt Nam hay xuyên biên giới; hạn chế hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng.