Đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh trên thương mại điện tử

Đến nay lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra trên 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm trong kinh doanh trên thương mại điện tử xử phạt trên 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 40 tỷ đồng.
Lực lượng QLTT đột kích kho hàng lậu khủng có diện tích 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai
Lực lượng QLTT đột kích kho hàng lậu khủng có diện tích 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu, TP Lào Cai

 

Hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web thương mại điện tử (TMĐT), đặc biệt các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội,... đang đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về lĩnh vực này như Quyết định số 334/QĐ-BCT, Quyết định số 3304/QĐ-BCT, Quyết định số 2981/QĐ-BCT... chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Kết quả, đến nay lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra trên 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm, xử phạt trên 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 40 tỷ đồng. 

đối tượng kinh doanh TMĐT bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream)
Đây là kho hàng lậu mà đối tượng kinh doanh TMĐT bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream)

 

Có thể kể một vụ việc điển hình: Trong tháng 7/2020, Tổng cục QLTT đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại thành phố Lào Cai.

Đây là kho hàng mà đối tượng kinh doanh TMĐT bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook.

Tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa.

Dư luận đánh giá đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT lớn nhất từ trước tới nay mà cơ quan QLTT cùng các lực lượng chức năng phát hiện ra và xử lý thành công.

Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy đồng giá... Các đối tượng đầu tư trang thiết bị rẻ tiền, thô sơ để phục vụ việc livestream, bán hàng qua mạng
Tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, 3 nhân viên được thuê để thay nhau livestream trên các tài khoản Facebook như: Thảo Trần, Giầy đồng giá... Các đối tượng đầu tư trang thiết bị rẻ tiền, thô sơ để phục vụ việc livestream, bán hàng qua mạng

 

Nhằm tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển, thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Tổng cục QLTT và các đơn vị chức năng thuộc Bộ tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT.

Đặc biệt các nội dung liên quan tới: Điều kiện thiết lập các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh; minh bạch hóa thông tin sản phẩm, quản lý các mô hình kinh doanh mới, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hoặc hỗ trợ cho TMĐT như kho hàng, chuyển phát, thanh toán, v.v…

Kiểm tra rà soát, phân loại danh sách các website, ứng dụng TMĐT, từ đó đề xuất kế hoạch kiểm tra, xử lý phù hợp, đảm bảo hiệu quả.

Tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT; và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật.

Kỳ Anh