Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các địa phương để triển khai các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại điện tử (TMĐT) và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT.
Trong đó, có nhiều giải pháp tiên tiến của TMĐT ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại địa phương giai đoạn 2014 – 2020.
Có thể kể một vài giải pháp điển hình:
Hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia KeyPay đã tiếp cận hỗ trợ thêm những bộ, ngành, tỉnh, thành phố như Bộ Xây dựng (Trung tâm công nghệ thông tin), Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm thông tin), Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự); Kết nối với trục liên thông Hệ thống nền tảng kết nối quy mô địa phương (LGSP) của thành phố Hải Phòng, thành phố Bắc Kạn.
Hệ thống Trục điện tử kết nối doanh nghiệp ERP Store (www.erpstore.vn) được Bộ Công Thương triển khai theo chương trình định hướng văn bản, chứng từ điện tử giúp doanh nghiệp giải quyết tất cả các khó khăn liên quan đến việc quản lý và kết văn bản, chứng từ với các đối tác.
Chương trình Một thẻ quốc gia (theViet) hướng tới xây dựng một hệ thống nền tảng kết nối các hệ thống thẻ liên kết thông minh, tích hợp thanh toán, quản lý giao dịch điện tử tại Việt Nam. Tổng số lượng thẻ đã phát hành trong năm 2019 đạt 107.216 thẻ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến TMĐT thông qua các phương tiện thông tin truyền thông đến người dân nhiều trường hợp và hành vi lừa đảo trong TMĐT, xây dựng tài liệu mua sắm trực tuyến an toàn, phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, lớp tập huấn cho đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân các nội dung liên quan đến pháp luật và triển khai kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.
Ngày 27 tháng 9 năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong đó Nghị quyết nêu rõ chủ trương “Tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao”, bao gồm lĩnh vực TMĐT (Mục III.6).
Thực hiện Nghị quyết 52 - NQ/TW, tiếp nối Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 và Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014 - 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020
Quyết định 645/QĐ-TTg đưa ra nhiều giải pháp tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử.
Cụ thể là, phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và và dịch vụ công; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp - doanh nghiệp (B2B), chính phủ - người dân (G2C), chính phủ - doanh nghiệp (G2B); Online - Offline (O2O);
Cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử; khuyến khích các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu tới chặng cuối; nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị;
Xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến các dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước mở rộng ra khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; ban hành hệ thống tiêu chuẩn cho dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng trong thương mại điện tử; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chỉ; phát triển nền tảng Bản đồ số Việt Nam để hỗ trợ phục vụ cho công tác quản lý trực tuyến dịch vụ bưu chính, vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc;
Phát triển các giải pháp chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phân phối bán lẻ, các giải pháp liên kết, chia sẻ thông minh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng và doanh nghiệp với chính phủ trên nền tảng di động, thẻ thông minh và dữ liệu lớn;
Xây dựng hạ tầng chứng thực hợp đồng điện tử và các chứng từ điện tử phục vụ giao dịch thương mại khác trên nền tảng xác thực thông tin ứng dụng công nghệ số bao gồm chữ ký số công cộng, chữ ký số cá nhân trên di động, lưu trữ block-chain…;
Xây dựng các hệ thống tra cứu, truy xuất, kiểm soát lưu thông hàng hóa trên nền tảng các giải pháp về chứng từ điện tử trong thương mại bao gồm hóa đơn điện tử, tem điện tử, chứng từ xuất kho điện tử và các chứng từ thương mại khác;
Xây dựng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong các hoạt động thương mại điện tử.
Khi các giả pháp này được hiện thực hóa, chúng ta sẽ có một hệ sinh thái cho thương mại điện tử Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa Việt Nam trong và ngoài nước thông qua ứng dụng thương mại điện tử; đẩy mạnh giao dịch, thương mại điện tử xuyên biên giới.