Một số đề xuất để phát triển du lịch tỉnh Bến Tre

THANG VĨNH PHÚ (Học viên cao học Khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Trong Đề án Phát triển du lịch Bến Tre đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, và các quyết nghị liên quan đã chỉ rõ: “Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu doanh thu du lịch tăng bình quân 20%/năm, lượng khách du lịch đến Bến Tre tăng 12%/năm”. Vì vậy, việc đưa ra những khuyến nghị để địa phương này đạt được mục tiêu nêu trên và phát triển kinh tế du lịch là rất cần thiết. Bài viết này bàn về một số đề xuất để phát triển du lịch của tỉnh Bến Tre.

Từ khóa: du lịch, tỉnh Bến Tre, du lịch xứ dừa.

1. Đặt vấn đề

Bến Tre là một trong 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được hợp thành bởi 3 dải cù lao: Cù lao Minh, Cù lao Bảo và Cù lao An Hóa. Với lợi thế là vùng đất được ôm bởi 4 dòng sông, gồm: Sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên.

Những điểm du lịch tại Bến Tre được nhiều du khách biết đến như sân chim Vàm Hồ, cồn Phụng, cồn Ốc, cồn Tiên, các vườn cây ăn trái tại Cái Mơn, Châu Thành, bãi biển Thừa Đức, bãi biển Tây Đô, bãi Ngao,…

Bến Tre còn có nhiều di tích Phật giáo, các khu lăng mộ của các nhân vật lịch sử nổi tiếng, hội đình Phú Lễ, lễ hội Nghinh Ông, đặc biệt là lễ hội Dừa,… Từ những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, kết hợp với những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch MICE, du lịch nông nghiệp, du lịch kết hợp các làng nghề thủ công truyền thống,...

Phát triển du lịch là một trong những giải pháp đem lại lợi ích kép thúc đẩy xây dựng và phát triển mô hình nông thôn mới, hình thành cơ sở kinh tế, dịch vụ, du lịch, đem lại lợi ích kinh tế cho chủ thể tham gia nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nói chung.

Vấn đề đặt ra là, hiện nay do ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, Bến Tre đang phải đối mặt với tình hình xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề đối với việc nuôi trồng thủy sản và cây ăn trái, từ đó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vì vậy phát triển du lịch là hướng đi hiệu quả trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Thời gian qua có nhiều nghiên cứu về phát triển du lịch tại Bến Tre, như: Nghiên cứu phát triển du lịch ở tỉnh Bến Tre (2009) của tác giả Phan Văn Thạch, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tỉnh Bến Tre (2014) của tác giả Đỗ Thu Nga; Nghiên cứu “Phát triển du lịch sinh thái miệt vườn tại tỉnh Bến Tre” của Phạm Thị Thanh Hòa (2016); Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre, Luận án tiến sĩ của Nguyễn Thành Long (2016); Luận án tiến sỹ “Marketing địa phương nhằm phát triển du lịch tỉnh Bến Tre” của Đặng Thanh Liêm (2018), ,…

Qua khảo sát, nghiên cứu cho rằng, Bến Tre có nhiều lợi thế về nguồn thủy văn, biển, các khu chuyên canh cây ăn trái rất phù hợp cho mô hình phát triển du lịch sinh thái. Với việc đánh giá thực trạng du lịch Bến Tre qua doanh thu, lượng khách, sức tải và chứa, hệ thống cơ sở hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu đã đề xuất các định hướng phát triển du lịch sinh thái của Bến Tre. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đề cập đến các chiến lược thực hiện và cách thức thực hiện.

G. Cazes - R. Lanquar - Y. Raynouard (2005) đã tổng hợp các nghiên cứu về quá trình kế hoạch hóa và phát triển du lịch trên thế giới, đặc biệt chỉ ra kỹ thuật kế hoạch hóa và quy hoạch du lịch với một số nguyên tắc và thủ pháp. Trong đó, có chú ý đến những cộng đồng có ý nghĩa chiến lược, phải đánh giá lợi nhuận kinh tế và xã hội của một đề án đến hệ lụy kinh tế, xã hội, môi trường, phần trình bày quy hoạch du lịch ở vùng biển, nông thôn và ven đô.

Stephen J. Page và Don Getz (1997) bàn về kế hoạch, chính sách, các tác động của thương mại, du lịch ở nông thôn, bên cạnh đó cũng đưa ra một số mô hình mẫu tại các nước Mỹ, Đức, New Zeland, Canada, Ustralia, Trung Quốc,... Nghiên cứu về cách thức phát triển du lịch, Robert Lanquar và Robert Hollier (1992) đã phân tích cung, cầu du lịch và các nhu cầu khác của thị trường du lịch, đồng thời đưa ra khuyến nghị về mục tiêu cụ thể cho các nước muốn phát triển marketing.

Nandita Jain và Ronnakorn Triraganon (2003) cho rằng, các mô hình du lịch dựa trên cộng đồng nhằm giảm cuộc chiến đói nghèo, dựa trên sự hợp tác tự nguyện với tôn chỉ chung là bảo tồn, 2 tác giả cũng tập trung vào nhóm du lịch sinh thái dựa trên cộng đồng.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Trong bài báo này, tác giả sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ đạo sau:

- Phương pháp nghiên cứu thực địa, nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra, điều chỉnh lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích xử lý thực hiện đề tài.

- Phương pháp điều tra xã hội học, thông qua phỏng vấn và điều tra bằng hệ thống bảng hỏi về các đối tượng liên quan đến lực lượng nông dân tham gia phát triển du lịch. Việc xây dựng nội dung phỏng vấn sâu các hộ, cơ sở làm du lịch, nhà quản lý, cộng đồng địa phương, nhà khoa học, doanh nhân du lịch,... không chỉ đơn thuần là thao tác định lượng, mà còn bao hàm thao tác định tính như kỹ thuật tâm lý, kiến thức chuyên ngành và sự hiểu biết các tiêu chí khảo sát dành cho đối tượng theo mẫu phiếu.

- Phương pháp phân tích tổng hợp, chỉ ra những đối tượng có mối quan hệ đa chiều và biến động trong không gian và thời gian, như: phân tích đánh giá tiềm năng du lịch bản địa, nhận định xu hướng phát triển du lịch trên thế giới và nghiên cứu thực địa các điểm du lịch của tỉnh Bến Tre.

- Phương pháp chuyên gia, nhằm đánh giá tốt hơn tiềm năng phát triển du lịch tại Bến Tre, tác giả tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, xây dựng, kiến trúc,… trong quá trình thực hiện.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Đặc điểm chung của du lịch đến Bến Tre

Bến Tre đang là một trong những điểm đến hấp dẫn ở khu vực ĐBSCL. Về tài nguyên thiên nhiên, qua khảo sát của nghiên cứu thấy được rất nhiều tiềm năng của Bến Tre và được đánh giá rất cao. Điển hình như phong cảnh đẹp (38%), không khí trong lành (88%), nhiều cồn (cù lao), kênh, rạch (60%), sản phẩm thiên nhiên phong phú (44%). Bên cạnh đó, tài nguyên nhân văn cũng đang là những thế mạnh của địa phương, như: văn hóa đặc sắc (34%), sự giản dị mến khách của người dân (82%), ẩm thực đặc sắc (44%), nông thôn và nông dân có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch (78%), có nhiều làng nghề (42%), nhiều lễ hội và điểm du lịch tâm linh (30%).

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho thấy: Lượng khách quốc tế tăng từng năm: năm 2017 đạt 550.000 lượt, năm 2018 đạt 680.000 lượt, năm 2019 đạt 796.186 lượt, năm 2020 đạt 183.063 lượt, năm 2021 ước đạt 110.000 lượt (do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp). Thị trường khách nội địa đến Bến Tre tăng trưởng tương đối tốt (trừ dịch Covid-19). Theo đó, năm 2017, Bến Tre đón và phục vụ gần 750.000 lượt, năm 2018 đón và phục vụ gần 900.000 lượt và đến năm 2019, đạt khoảng 950.000 lượt.

Khảo sát của nghiên cứu cho thấy, thị trường khách du lịch mà doanh nghiệp phục vụ - chọn điểm đến là Bến Tre chủ yếu là ở khu vực Đông Nam Á, chiếm tới gần 27%. Kế đến là các thị trường, như: Tây Âu (gần 16%), Bắc Mỹ (13%), Úc, New Zealand (gần 14%), Đông Bắc Á (gần 11%). Còn lại là một số thị trường khác, như: Trung Đông, Ấn Độ (trên 7%), Đông Âu (gần 4%).

Về mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Bến Tre (tính chung cả khách quốc tế và khách nội địa), đạt khoảng 820.000 đồng/khách vào năm 2017 và tăng lên trên 844.000 đồng/khách vào năm 2018 và đạt khoảng 950.000 đồng/khách vào năm 2019.

Khách du lịch đến Bến Tre thường chọn các sản phẩm/loại hình du lịch, như: du lịch tham quan (chiếm 27%), du lịch xanh - du lịch sinh thái (15,5%), du lịch sức khỏe - nghỉ dưỡng (trên 10%), du lịch ẩm thực (trên 10%), du lịch nông nghiệp - nông thôn (11,5%), du lịch văn hóa - tâm linh (9,5%), du lịch MICE (7,4%), du lịch kết hợp với các loại hình khác (5,4%).

Khách du lịch đến Bến Tre chủ yếu vẫn là thông qua các công ty lữ hành, với các tour trọn gói (chiếm gần 46%), một bộ phận doanh nghiệp lữ hành tổ chức đưa đón khách và phục vụ ăn, ở, lưu trú; còn các sản phẩm dịch vụ khác do địa phương cung ứng (chiếm gần 21%), hay công ty tổ chức đưa đón, người dân phục vụ các dịch vụ còn lại (chiếm gần 19%).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 doanh nghiệp hoạt động lữ hành, trong đó có 5 công ty lữ hành quốc tế và 27 công ty lữ hành nội địa. Hình thức công ty đưa khách du lịch đến Bến Tre đa dạng nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào tour trọn gói, như minh họa tại Biểu đồ 1.

3.2. Đánh giá du lịch tại Bến Tre

-  Ưu điểm

Sau nhiều năm thực hiện Kế hoạch số 4573/KH-UBND, ngày 09/10/2017 của UBND tỉnh Bến Tre về thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, ngành Du lịch Bến Tre đã có bước chuyển biến tích cực, từng bước có vị trí quan trọng trong khu vực ĐBSCL và cả nước nói chung.

Thực tế cho thấy, năm 2015, du lịch Bến Tre thu hút được 1 triệu lượt khách và tổng thu từ khách du lịch đạt gần 700 tỷ đồng. Giai đoạn đến năm 2018, lượng khách tăng bình quân 13%/năm, doanh thu tăng bình quân 23%/năm. Riêng năm 2019 lượng khách đến Bến Tre tăng tốc là 1.882.025 lượt, tăng 20% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 796.186 lượt, chiếm 42,3%. Doanh thu từ khách du lịch năm 2018 là 1.329 tỷ đồng, năm 2019 là 1.791 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ - một con số ấn tượng.

Nhìn chung, về lượt khách đến du lịch tại Bến Tre trong thời gian gần đây có sự tăng trưởng ổn định, hầu hết du khách đều hài lòng và hứng thú với chuyến du lịch về với thiên nhiên, tận hưởng những gì dân dã, mộc mạc nhất của thiên nhiên. Du khách đến Bến Tre du lịch vừa được thưởng thức phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, vừa được thưởng thức các loại trái ngọt và được nghe câu chuyện dân gian đầy hứng thú, với mức chi tiêu chỉ trong khoảng 800.000 - 900.000 đồng/khách.

- Hạn chế

Dù tỉnh Bến Tre đã có nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động, kế hoạch,… để phát triển du lịch, tuy nhiên, còn đó rất nhiều rào cản, trở ngại, thách thức. Điển hình nhất là thiếu sự “chung tay” của cả hệ thống chính trị hỗ trợ, đồng hành để ngành Du lịch phát triển. Nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển kinh tế du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hệ thống chính trị ở Bến Tre đã được nâng lên, tuy nhiên, vẫn chưa đồng bộ, thiếu tính toàn diện. Từ đó, nhiều quyết sách vẫn chưa được ban hành kịp thời, nhất là công tác quy hoạch - dự báo.

Hiện địa phương cũng đã và đang triển khai nhiều mô hình phát triển du lịch, nhiều nhất trong đó là du lịch nông nghiệp, tuy nhiên, vai trò của cơ quản lý nhà nước tại các huyện/thị/thành phố,…à chưa thể hiện rõ, thậm chí còn chồng chéo.

Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên chưa hợp lý, dẫn tới du khách thấy nhàm chán, trùng lắp khi đến du lịch tại nơi đây. Các chương trình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại Bến Tre vẫn chưa được đẩy mạnh, chưa được nâng cao, để thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nguồn nhân lực chưa được tiếp xúc với cách thức đón tiếp, nên việc phục vụ du khách chưa phù hợp, chuyên nghiệp. Mặt khác, cộng đồng dân cư địa phương chưa được bồi dưỡng các kiến thức mới trong: cách đón tiếp khách, phục vụ khách, trình bày món ăn đẹp hướng dẫn du khách đi tham quan, hoặc kể những câu chuyện lịch sử một cách chi tiết nhất về vùng đất của mình.

Với những đánh giá về du lịch của tỉnh Bến Tre trên đây cho thấy việc cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho việc kinh doanh du lịch,… vẫn đang còn là rào cản, thách thức đối với địa phương.

4. Một số kiến nghị phát triển du lịch đến Bến Tre

4.1. Về công tác quy hoạch - dự báo

Công tác quy hoạch - dự báo có thể xem là chìa khóa để “mở cánh cửa” cho ngành Du lịch phát triển, hướng đến sự bền vững. Tác giả cho rằng, cần có quy hoạch một không gian quy mô lớn và có một nhà đầu tư chiến lược/khu vực (như khu vực Thạnh Phú, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc phải có một nhà đầu tư chiến lược) để phát triển cho những khu vực có tiềm năng về phát triển du lịch.

Mặt khác, công tác dự báo sẽ giúp cho các tổ chức/cá nhân tham gia thấy được tương lai của sản phẩm/dịch vụ cung ứng cho thị trường, cho khách du lịch. Thực tế, nghiên cứu cho thấy, tổ chức/cá nhân rất cần sự hỗ trợ của chính quyền khi làm du lịch, chủ yếu quy hoạch - định hướng (gần 35% lựa chọn). Còn các doanh nghiệp du lịch thường đưa khách đến Bến Tre được khảo sát cũng cho rằng, cần có chính sách khuyến khích phát triển du lịch từ cơ quan chức năng (30%), phải có quy hoạch định hướng phát triển (20%).

Khi có quy hoạch - dự báo tốt, được phê duyệt và triển khai, các ngành, huyện/thị/thành phố phải tổ chức thực hiện quyết liệt. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cơ sở (phòng ban, phường/xã/thị trấn,…) cùng tham gia đồng hành. Có như vậy, mới tránh được tình trạng chồng chéo, trên “nóng dưới nguội”, tạo nên sự thống nhất, đồng thuận trong triển khai thực hiện.

4.2. Về mời gọi - thu hút nhà đầu tư chiến lược

Tại Bến Tre chưa có các nhà đầu tư lớn/nhà đầu tư chiến lược về du lịch/dịch vụ, kể cả trong nước và quốc tế hiện diện tại đây. Vì vậy, từ thực hiện công tác quy hoạch, dự báo nêu trên, rất cần sự năng động, sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu (như Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh/huyện/thị/thành phố,…) trong việc tìm kiếm, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến với địa phương.

Song song đó, lãnh đạo tỉnh cũng cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, các huyện/thị/thành phố,… tổ chức thực hiện việc rà soát về quỹ đất cũng như các cơ chế, chính sách để vận dụng và làm đối sách, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư lớn/nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia hay là các tập đoàn có tiềm lực hùng mạnh trong nước đến Bến Tre.

Tuy nhiên, dù “trải thảm đỏ”, nhưng phải có sự chọn lọc, thẩm định kỹ lưỡng, tránh để các nhà đầu tư yếu năng lực “ngâm” dự án, dẫn tới dự án treo, dự án không khả thi.

4.3. Về phát triển - kết nối sản phẩm du lịch

Ngoài sản phẩm du lịch mũi nhọn đã được xác định là du lịch sinh thái, Bến Tre cần đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch tương đồng khác, như: du lịch cộng đồng, du lịch mua sắm, du lịch lễ hội kết hợp các gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống tại các điểm đến du lịch mà Bến Tre muốn xây dựng, phát triển,...

Thêm vào đó, Bến Tre cần có sự lồng ghép kết hợp giữa du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng, hoặc sự kết hợp giữa du lịch lễ hội với du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, giới thiệu với du khách các sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống và chia sẻ cách thức mua những sản phẩm thủ công lạ mắt để làm quà hoặc trưng bày trang trí vào các chương trình du lịch liên tuyến, liên tỉnh do các công ty du lịch trong và ngoài địa phương tổ chức.

4.4. Về quảng bá, xúc tiến, ứng dụng công nghệ thông tin

Cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn trong các cấp, các ngành và nhân dân. Xây dựng các thiết kế đẹp mắt về Bến Tre thông qua những hình ảnh, những câu chuyện,… Đồng thời, xây dựng hệ thống các trung tâm h­ướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch Bến Tre, về con người Bến Tre cho khách du lịch ở những đầu mối giao thông quan trọng được biết, tiến tới kết hợp mở văn phòng đại diện du lịch Bến Tre tại các thị trường trọng điểm, cả ở nước ngoài.

Tăng cư­ờng ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch kết hợp với xây dựng chiến l­ược về thị trư­ờng - sản phẩm du lịch Bến Tre. Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng (cả trong nước và quốc tế); tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để xúc tiến quảng bá du lịch Bến Tre có hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, các cơ quan, tổ chức,… để thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá. Điển hình như liên kết và thông qua các trang mạng xã hội, như: Blogger (tiếng Việt và tiếng Anh), facebook và các diễn đàn về du lịch. Đặc biệt, cần tham gia sâu rộng hơn về các hội chợ, triển lãm về du lịch trong và ngoài nước, như: Hội chợ VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - ITE HCMC; Các kỳ festival tại các tỉnh bạn; các kỳ MDEC trong vùng ĐBSCL và các hoạt động khác của các tỉnh/thành trong cả nước và quốc tế. 

4.5. Về đào tạo nguồn nhân lực

Kết hợp với các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo,… cùng phối hợp tuyên truyền, thuyết phục, mở lớp đào tạo ngắn hạn,… để người dân địa phương, đặc biệt là thanh niên hiểu thêm một ngành nghề mới, khởi nghiệp, sáng tạo và phát triển kinh tế gia đình. Khuyến khích sinh viên đang học tập tại thành phố lớn trở về quê hương chung tay phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.

Mở những lớp tìm hiểu về du lịch cộng đồng, khuyến khích, động viên mỗi nhà có một thành viên tham gia lớp tập huấn để người nông dân được tiếp cận với phương án làm chủ tài chính, làm chủ cuộc sống của mình theo cách mới. Từ đó, mở thêm các lớp đào tạo ngắn hạn tổng hợp về cách đón tiếp khách, tâm lý tính cách từng nhóm du khách, cách phục vụ từng nhóm du khách, trang trí giường ngủ cho du khách,…

5. Kết luận

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội cho thấy, những lợi ích từ du lịch mang lại rất lớn. Trong bối cảnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Bến Tre là một trong những địa phương chịu tác động khá nặng nề, do đó, tỉnh cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài, nhằm phát triển bền vững trên mọi mặt, trong đó phát triển du lịch theo hướng mang tính hiệu quả, bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, (2019), Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre.
  2. HĐND tỉnh Bến Tre, (2020), Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế - văn hóa xã hội năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2020.
  3. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, (2019), Báo cáo tình hình hoạt động du lịch năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
  4. Tỉnh ủy Bến Tre, (2017). Chương trình Hành động số 22-CTr/TU ngày 20 tháng 7 năm 2017 của Tỉnh ủy Bến Tre về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  5. Phan Thị Ngàn (2020), Xây dựng cơ sở dữ liệu văn hóa ẩm thực trong du lịch tại tỉnh Bến Tre, đề tài nghiên cứu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
  6. Phan Thị Ngàn, Dương Thanh Tùng (2021), Đưa người nông dân thành chủ thể chính phát triển du lịch nông nghiệp, Tạp chí Du lịch, số tháng 5/2021, ISSN 0866-7373, tr.29.
  7. Phan Thị Ngàn. (2021). The Current Situation of Exploiting the Single Food Tourism Products in Ben Tre Province. Social Science and Humanities Journal.
  8. Phan Thị Ngàn. (2021). Agritourism - Sustainable tourism trend in Ben Tre province. Humanities and Social Science Research.

Some tourism developmnt solutions for Ben Tre Province

Thang Vinh Phu

Master’s student, Faculty of Tourism and Vietnamese Studies

Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

In the Ben Tre Province’s tourism development plan to 2020 and vision to 2030, tourism is clearly viewed as the key provincial economic sector, the tourism revenue is expected to grow by 20% per year and the number of tourists visiting Ben Tre Province is expected to increase by 12% per year. This paper makes some recommendations to help Ben Tre Province develop its tourism industry and achieve set tourism goals.

Keywords: tourism, Ben Tre Province, coconut tourism.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]