TÓM TẮT:
Trong bài nghiên cứu này, trên cơ sở nghiên cứu các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch; các Nghị quyết, văn bản của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Phú Yên, tác giả hệ thống hóa và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch Phú Yên trong thời gian vừa qua. Qua phân tích cho thấy được những hạn chế, khó khăn mà ngành Du lịch Phú Yên đang gặp phải. Kết quả này gợi mở về một số giải pháp khuyến nghị đối với vấn đề phát triển du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
Từ khóa: kinh tế mũi nhọn, du lịch, Phú Yên, phát triển du lịch.
1. Giới thiệu
Du lịch, ngành công nghiệp không khói, đã được đánh giá là có một vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, không chỉ đối với các quốc gia phát triển mà ngay cả ở những quốc gia đang và kém phát triển. Thành công của ngành Du lịch ở nhiều quốc gia đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ.
Nằm trong chiến lược phát triển vùng du lịch Nam Trung Bộ và cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Yên đang từng bước thúc đẩy du lịch phát triển, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, những kết quả mà du lịch Phú Yên đạt được vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng hiện có.
Bài viết này giúp nhận dạng những hạn chế của ngành Phú Yên, trên cơ sở đó khuyến nghị một số giải pháp để phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
2. Hiện trạng phát triển ngành Du lịch Phú Yên giai đoạn 2011 - 2020
2.1. Cơ cấu thị trường khách du lịch
Lượng khách du lịch đến Phú Yên đã có sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này, lên đến 1.830 nghìn khách vào năm 2019, gấp 2 lần so với năm 2015, tăng 19% 1 năm trong giai đoạn 2015 - 2019. Tuy nhiên, khi so với tổng lượng khách du lịch nội địa và quốc tế trên toàn quốc, số lượng này chỉ chiếm lần lượt 2,1% và 0,3% trong năm 2019. Khách đến với Phú Yên vẫn chủ yếu là khách nội địa, chiếm đến 97,5% trong tổng lượng khách năm 2019. Trong số đó, có khoảng 60% lượng khách đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Khách quốc tế chỉ chiếm 2,5% tổng lượng khách, phần lớn là khách ghé thăm từ các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, với đa dạng các quốc tịch như Mỹ, Trung Quốc, Úc, v.v.
2.2. Ngày lưu trú trung bình
Khách du lịch ở qua đêm với thời gian ngắn so với các tỉnh lân cận. Hiện tại, thời gian lưu trú qua đêm của khách du lịch đến Phú Yên thấp hơn hẳn so với các tỉnh du lịch khác như Đà Nẵng hay Nha Trang. Khách du lịch nội địa chỉ ở trung bình 1,5 ngày, so với 2,0 ngày của Nha Trang và 2,4 ngày của Đà Nẵng. Khách quốc tế đến Phú Yên chỉ ở 2,2 ngày, so với 4,0 ngày của Nha Trang và 2,9 ngày của Đà Nẵng. Phú Yên chưa tạo được đủ sức hút về các điểm tham quan, ăn uống vui chơi và giải trí để kích thích nhu cầu du khách lưu trú lại ban đêm.
2.3. Doanh thu du lịch
Theo thống kê, thu nhập từ du lịch tại Phú Yên tăng bình quân khoảng 30%/năm, đến năm 2015, doanh thu du lịch thuần túy khoảng trên 850 tỷ đồng, gấp 3,4 lần năm 2010. Đến năm 2019, doanh thu du lịch thuần túy ước đạt 1.940 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2015.
Về tỉ trọng cơ cấu doanh thu du lịch, doanh thu dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao 45%, tiếp đến là doanh thu lưu trú 34%, doanh thu dịch vụ lữ hành và các dịch vụ khác không đáng kể. Do vậy, khách lưu lại ở đây thường không lâu, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của ngành Du lịch và cho thấy khả năng đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm ở Phú Yên còn hạn chế.
Mặc dù được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp GRDP của ngành Du lịch vẫn còn rất thấp, ở mức 3,7% vào năm 2019. So với các tỉnh lân cận và trung bình của cả nước, GRDP của mảng du lịch của tỉnh còn khá khiêm tốn. Cụ thể hơn, đóng góp GRDP của cả nước là ở mức 9,2% trong năm 2019, trong khi đó của Bình Định và Khánh hòa lần lượt ở mức 7,2% và 10,21%.
2.4. Mức chi tiêu của khách
Trong giai đoạn 2016 - 2019, khách nội địa đến Phú Yên chi tiêu trung bình 715.000 VNĐ một ngày, so với trung bình cả nước ở mức 1.124.000 VNĐ một ngày. Ngoài ra, chi tiêu khách quốc tế đến Phú Yên cũng ở mức 1.200.000 VNĐ một ngày, chỉ bằng khoảng 44% chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế trên cả nước. Thời gian tới, Phú Yên còn rất nhiều cơ hội để tăng trưởng hơn nữa lượng chi tiêu của du khách đến đây.
2.5. Đầu tư du lịch
Những năm gần đây, các nguồn vốn đầu tư vào ngành Du lịch tỉnh Phú Yên (đầu tư vào Dịch vụ lưu trú và ăn uống) tăng mạnh, đạt 1,946 nghìn tỷ vào năm 2019 và chiếm đến 10% tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh. Các dự án lớn rải rác ở các huyện dọc biển Phú Yên, chủ yếu vào thị xã Sông Cầu, Tuy An và TP. Tuy Hòa. Ngoài các dự án về lưu trú và ăn uống, các dự án trong lĩnh vực bất động sản như xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse hay condotel cũng lên đến 1.853 tỷ đồng vào năm 2019, đóng góp 10% vào tổng vốn đầu tư.
2.6. Cơ sở hạ tầng du lịch
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng đường bộ ở các trục đường chính của tỉnh nhìn chung đảm bảo được tính kết nối cơ bản, với độ bê tông hóa đạt đến 70%. Các con đường dẫn vào những điểm tham quan chính như Gành Đá Đĩa, Hòn Yến, chùa Thanh Lương chủ yếu là đường làng, rất nhỏ và dễ gây ra tắc nghẽn giao thông vào mùa cao điểm.
Thứ hai, mạng lưới xe buýt công cộng hiện tại không thân thiện với khách du lịch; số chuyến, tần suất lưu thông còn ít (5 tuyến xe buýt toàn tỉnh với thời gian chờ cách nhau từ 30 phút đến 1 tiếng). Lối đi dành cho người đi bộ ở Phú Yên thường bị cản trở bởi các chướng ngại vật khác nhau, gây ảnh hưởng cho người dân địa phương và khách du lịch khi muốn sử dụng toàn bộ không gian của lối đi một cách thuận tiện.
2.7. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
2.7.1. Cơ sở lưu trú du lịch
Cả tỉnh Phú Yên hiện tại có 385 cơ sở lưu trú, trải dài từ các cơ sở 3-5* xuống đến nhà nghỉ, homestay và các cơ sở lưu trú chưa xếp hạng. Số lượng cơ sở lưu trú đã tăng mạnh trong những năm gần đây ở mức trung bình 14% mỗi năm. Công suất sử dụng phòng của các cơ sở này giao động ở mức 53% - 62% trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19 năm 2020, với lượt khách ở mức 637.800 khách vào năm 2019. Tuy nhiên, số lượng nơi lưu trú còn nhiều hạn chế, thiếu các khách sạn và resort cao cấp từ 3-5 sao so với Đà Nẵng (304 cơ sở) và Khánh Hòa (226 cơ sở).
2.7.2. Cơ sở vật chất dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí…
Theo thống kê, hiện Phú Yên có khoảng trên 120 phòng ăn (restaurant) nằm trong các cơ sở lưu trú với khoảng 40.500 chỗ ngồi có quy mô và chất lượng cao phục vụ các món ăn khác nhau đáp ứng nhu cầu của khách lưu trú; bên ngoài khách sạn có trên 350 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đáp ứng khoảng 20.000 chỗ ngồi. Đã hình thành một số khu ẩm thực, như: Khu ẩm thực đường Bạch Đằng, khu ẩm thực đầm Ô Loan, đầm Cù Mông,… bước đầu đã đáp ứng nhu cầu của khách. Các điểm vui chơi giải trí còn hạn chế, chỉ có một số cơ sở như: Vin com Plaza Tuy Hòa, Trung tâm giải trí và sinh thái Thuận Thảo, Câu lạc bộ Phù Đổng, Khu du lịch sinh thái Sao Việt,…
2.8. Cơ chế chính sách du lịch
Phú Yên đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, kế hoạch,… nhằm đưa ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Tuy nhiên, cơ chế pháp lý hiện nay vẫn còn thiếu; chính sách về đất đai, đầu tư còn nhiều chồng chéo gây cản trở, chậm trễ việc đầu tư của doanh nghiệp; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong phát triển du lịch còn lúng túng, chưa hiệu quả; nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa đầu tư phát triển ngành Du lịch còn hạn chế; việc hỗ trợ đầu tư, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án du lịch còn chậm và thiếu đồng bộ.
2.9. Xây dựng thương hiệu và marketing
Nhìn chung, Phú Yên hiện đang còn chậm so với các tỉnh lân cận (Bình Định và Khánh Hòa) trong việc tăng nhận thức của khách hàng như một điểm đến du lịch. Kết quả sơ lược của trang đánh giá du lịch Tripadvisor và kết quả tìm kiếm trên Google cho thấy sự hiện diện online còn khiêm tốn của tỉnh Phú Yên. Có tổng cộng 66,2 triệu kết quả được trả về khi gõ keyword tìm kiếm "Du lịch Phú Yên" trên Google, cũng như 242 lượt đánh giá trên trang Tripadvisor. Kết quả còn hạn chế so với tỉnh lân cận như Bình Định với 170 triệu kết quả và 659 lượt đánh giá, hoặc Khánh Hòa với 127 triệu kết quả và 20.113 lượt đánh giá.
2.10. Nguồn nhân lực du lịch
Số lao động ngành Du lịch của Phú Yên tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong 3 từ 2018 - 2020 tăng trưởng 29,3% hàng năm, lên 6.350 lao động trong năm 2020. Nguồn lao động trong ngành Du lịch của tỉnh được khánh du lịch cũng như các giám đốc khách sạn đánh giá rất thân thiện, thật thà và mến khách. Tuy vậy, trình độ tiếng Anh và kỹ năng của nguồn lao động nhìn chung còn hạn chế, với trường hợp nhiều quản lý khách sạn tuyển nhân viên học chuyên tiếng Anh ở các trường đại học/cao đẳng để đào tạo du lịch hơn là tuyển nhân viên tốt nghiệp ngành Du lịch chính quy ra.
Trong tỉnh hiện tại có 4 trường đào tạo, trung tâm dạy nghề du lịch, bao gồm: Trường Cao đẳng Nghề Phú Yên, Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung, Trường Đại học Phú Yên và Trường Đại học Xây dựng miền Trung. Chất lượng của giáo trình dạy học ở những trung tâm này còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào lý thuyết và chưa có nhiều yếu tố thực hành. Do vậy, số lượng nhân viên ra trường cần nhiều huấn luyện trước khi thuần thục được công việc.
2.11. Số hóa ngành Du lịch
Hiện tại, việc số hóa ngành Du lịch của tỉnh vẫn còn ở giai đoạn rất sơ khai, phần lớn là do chưa đủ ngân sách và nguồn nhân lực để thực hiện những bước đi cần thiết. Ngân sách và nguồn nhân lực của tỉnh hạn chế, do vậy các kế hoạch số hóa chưa được biến thành hiện thực. Vào đầu năm 2021, Tỉnh đang hoàn thành dự thảo báo cáo về thiết lập một ứng dụng du lịch cho tỉnh, tích hợp những tính năng hữu ích, giúp khách du lịch có một cổng thông tin tập trung về ngành Du lịch nơi đây.
3. Giải pháp phát triển du lịch Phú Yên thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030
Để du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, cần thiết phải triển khai thực hiện một số giải pháp sau đây:
Trước hết, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát động phong trào mỗi người dân Phú Yên là một hướng dẫn viên du lịch; vận động nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học tại các điểm, khu du lịch.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch, trong đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quy hoạch tỉnh; lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương.
Thứ ba, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch. Tăng cường kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư hình thành một số khu du lịch tạo điểm nhấn của Phú Yên mang tầm quốc gia và quốc tế tại Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Vịnh Vũng Rô, Cao nguyên Vân Hòa...; tập trung nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa để đầu tư phát triển kết cấu, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông ven biển, đường hàng không, đường thủy, đường sắt.
Thứ tư, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên. Tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du lịch sinh thái, du lịch biển đảo làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững và chất lượng; kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp (du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi có thưởng,…); phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, trên cát,…; thu hút đầu tư sân golf và đầu tư các dịch vụ du lịch ban đêm (kinh tế đêm).
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động chuyển đổi số ngành Du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch và kết nối dữ liệu với các ngành khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý tài nguyên, môi trường du lịch và hỗ trợ du khách; nâng cao năng lực cơ quan hoạt động xúc tiến, quảng bá.
Thứ sáu, đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; phát huy hiệu quả công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, website, quảng bá trực quan, các ấn phẩm du lịch; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên; liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, thông tin truyền thông để xúc tiến, quảng bá du lịch.
Thứ bảy, đẩy mạnh hội nhập, đa dạng hóa hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển du lịch; xúc tiến ký kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương ở nước ngoài kết nghĩa với Phú Yên; kêu gọi, thu hút những tập đoàn, doanh nghiệp du lịch quốc tế lớn, có tiềm lực mạnh, để từng bước tạo dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh du lịch Phú Yên mang tầm quốc tế; tổ chức sự kiện có quy mô lớn hằng năm mang thương hiệu của Phú Yên, như: Festival thuyền buồm, Festival cá ngừ đại dương, Lễ hội thả diều,…
Thứ tám, có chính sách khuyến khích thúc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch; ưu tiên bố trí kinh phí thỏa đáng đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, hình thành đội ngũ hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch,…
Cuối cùng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, công tác quản lý cấp phép đầu tư và sau cấp phép đầu tư; kịp thời giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; kiên quyết xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai, không có khả năng thực hiện, vi phạm pháp luật, cam kết đầu tư.
4. Kết luận
Trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực, du lịch không những đóng góp một nguồn thu đáng kể trong ngân sách nhà nước mà còn góp phần đưa nền kinh tế đi lên; đồng thời, du lịch cũng là một sứ giả hòa bình, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết thân ái giữa các dân tộc. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, để thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Du lịch Phú Yên cần nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, đóng góp nhiều vào việc phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá hình ảnh đất nước, tài nguyên và con người Phú Yên đến du khách trong và ngoài nước.
Thông qua việc tìm hiểu thực trạng, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của hoạt động phát triển du lịch Phú Yên trong giai đoạn 2016 - 2020, bài viết đã đề xuất một số giải pháp giúp phát triển du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Cụ thể, Nhà nước và doanh nghiệp cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch; thành lập tổ tư vấn phát triển du lịch (mời các chuyên gia trong và ngoài tỉnh) để tham mưu cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch; tập trung xây dựng thương hiệu và marketing du lịch tỉnh Phú Yên; đẩy mạnh hội nhập, đa dạng hóa hợp tác quốc tế; có chính sách khuyến khích thúc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Những khuyến nghị nói trên được đưa ra trên cơ sở phù hợp với thực tế nhằm hướng đến việc phát triển du lịch Phú Yên thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
TÀI LIỆU THAM KHẢO :
- Bộ Chính trị (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011). Qui hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Cục Thống kê Phú Yên (2020). Niên giám thống kê tỉnh Phú Yên các năm từ 2006 đến 2020.
- Quốc hội (2017). Luật Du lịch Việt Nam.
- Nguyễn Văn Mạnh và Nguyễn Đình Hòa (2015). Giáo trình Marketing du lịch. Nhà xuất bản Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Philip Kotler, et al. (2002). Marketing Asian Places (Marketing địa phương châu Á). Bản dịch của Chương trình Fulbright. Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư (2020). Báo cáo tình hình triển khai thực hiện đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Roland Berger (2021). Thực trạng và xây dựng phương án phát triển ngành Du lịch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo.
- Tỉnh ủy Phú Yên (2021). Chương trình hành động số 09-CTr/TU về đầu tư PTDL giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.
- Tổng cục Du lịch (2014). Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Duyên hải Nam Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. NXB Dân trí.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên (2003). Địa chí Phú Yên. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- UBND tỉnh Phú Yên (2020). Báo cáo 5 năm thực hiện Kế hoạch 119 về phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2016 - 2020.
- UBND tỉnh Phú Yên (2012). Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Yên. Truy cập tại: phuyen.org.vn
- Du lịch Phú Yên. Truy cập tại: phuyentourism.gov.vn.
- Báo Phú Yên. Truy cập tại: baophuyen.com.vn.
- Thư viện Hải Phú. Truy cập tại: thuvienhaiphu.com.vn.
SOLUTIONS TO DEVELOP PHU YEN PROVINCE’S TOURISM INDUSTRY
INTO A PROVINCIAL SPEARHEAD ECONOMIC SECTOR BY 2030
Master. BUI THANH TOAN
Master. CAO HONG NGUYEN
Propaganda Department of Phu Yen Provincial Party Committee
Department of Culture, Sports and Tourism of Phu Yen Province
ABSTRACT:
By studying the policies of the the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam on tourism development, resolutions and documents of the Phu Yen Provincial Party Committee and authorities of Phu Yen Province, this paper reviews and analyzes the factors affecting Phu Yen Province’s tourism development in recent years. This paper points out shortcomings and difficulties that the provincial tourism has experienced. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to develop Phu Yen Province’s tourism industry into a provincial spearhead economic sector by 2030.
Keywords: spearhead economy, tourism, Phu Yen Province, tourism development.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 25, tháng 11 năm 2021]