Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh

ThS. THÁI DOÃN HỒNG (Công ty TNHH MTV Du lịch Thanh Thanh, NCS. Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Bài viết đánh giá những mặt còn hạn chế, tồn tại của nguồn nhân lực du lịch (NNLDL) tại TP. Hồ Chí Minh, qua đó đưa ra một số giải pháp kiến nghị nhằm nâng cao công tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch Thành phố để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập quốc tế.

Từ khóa: du lịch, phát triển nguồn nhân lực, TP. Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực không ngừng, có những hành động thực tế trong việc xây dựng và sử dụng nguồn lực lao động. Đó cũng là lý do vì sao nhiều nhà khoa học kêu gọi phải tiến hành một cuộc cách mạng về con người, thực chất là cách mạng về chất lượng lao động. Mỗi bước tiến của “cách mạng con người” sẽ đem lại những thành công trong việc phát triển đất nước và giúp các doanh nghiệp thực hiện được mục tiêu, kế hoạch kinh doanh của mình. 

Do vậy, bài nghiên cứu đánh giá thực trạng NNLDL tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, từ đó đưa ra một số giải pháp kiến nghị nhằm phát triển và nâng cao NNLDL của Thành phố.

2. Thực trạng NNLDL TP. Hồ Chí Minh

2.1. Về số lượng nhân lực ngành Ddu lịch TP. Hồ Chí Minh

Về số lượng doanh nghiệp lữ hành: tính đến ngày 18/12/2020, TP. Hồ Chí Minh có 1.018 doanh nghiệp, trong đó có 759 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 163 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 76 đại lý lữ hành và 20 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài; chủ yếu tại các quận: 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận.

Về số lượng hướng dẫn viên: có 7.200 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, trong đó hướng dẫn viên quốc tế chiếm tỷ lệ 46,86% với 3.374 người và hướng dẫn viên du lịch nội địa là 3.826 người.

Xét theo phân ngành: ngành vui chơi, giải trí có tốc độ tăng lao động cao nhất, do việc hình thành nhiều khu vui chơi giải trí nên nhu cầu lao động làm việc cho ngành này tăng nhanh. Ngành khách sạn có tốc độ tăng thấp hơn so với các ngành còn lại. Ngành lữ hành có tốc độ tăng lao động khá cao 13,19%/năm, do những năm gần đây nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng tăng, một số thị trường khách được hình thành nên các hãng lữ hành có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động.

2.2. Về chất lượng NNLDL của Thành phố

Qua khảo sát, đánh giá, chất lượng NNLDL của Thành phố còn thấp và chưa đồng đều, chưa chuyên nghiệp.

Thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành Du lịch còn thiếu lao động lành nghề, một bộ phận lao động chưa qua đào tạo nhưng lại có kinh nghiệm và thạo việc, trong khi việc tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp chưa đáp ứng ngay được nhu cầu, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại. Trong những năm gần đây, dù tình hình đã được cải thiện, nhưng số lao động chưa qua đào tạo vẫn chiếm 10%. Tuy nhiên, việc chưa đảm bảo về chất lượng đào tạo đã gây những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng dịch vụ du lịch và khả năng cạnh tranh nguồn lao động với các nước.

Việc thiếu kỹ năng, nghiệp vụ và ngoại ngữ cũng là những hạn chế của các doanh nghiệp du lịch hiện nay.

2.3. Về hiện trạng đào tạo lao động du lịch của Thành phố

TP. Hồ Chí Minh có hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp đào tạo về chuyên ngành Du lịch quy mô lớn, với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp. Trung bình hàng năm, có khoảng hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học, nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành. Hiện Thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành Du lịch, 15% có trình độ đại học, 50% trình độ cao đẳng, trung cấp, 5.400 hướng dẫn viên du lịch.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực khối ngành Du lịch từ năm 2013 - 2020 chiếm 8% tổng số nhu cầu nhân lực (khoảng 21.600 người/năm).

Mặc dù thời gian qua, công tác đào tạo NNLDL được TP. Hồ Chí Minh quan tâm nhằm đáp ứng thực tiễn phát triển của ngành, song vẫn còn nhiều hạn chế, như: Cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo chưa thật hợp lý giữa các loại hình, các nghề của ngành Du lịch; Nguồn nhân lực được đào tạo chưa thật sự đạt chuẩn; Một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao; Chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu đào tạo về nhân sự, nhân viên du lịch mà chưa chú trọng đào tạo về nhân lực quản lý của ngành.

Bên cạnh đó, do sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch chưa đạt được hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng NNLDL vừa thừa lại vừa thiếu. Mặt khác, trên địa bàn Thành phố chưa có trường đại học chuyên đào tạo về du lịch mà chỉ có các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về ngành Du lịch nhưng không chuyên sâu, chưa đáp ứng yêu cầu của ngành, chưa gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo NNLDL. Chương trình đào tạo về du lịch của các trường cũng khác nhau, chưa có giáo trình đào tạo chuẩn về kiến thức nền và các kỹ năng dành cho nhân lực ngành Du lịch. Không chỉ vậy, còn xảy ra tình trạng mất cân đối trong đào tạo về ngành Du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch giữa chuyên ngành Khách sạn và Lữ hành.

Nhìn chung, NNLDL TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành về cả số lượng và chất lượng. Về số lượng, các cơ sở đào tạo của Thành phố mới đáp ứng được 60% nhu cầu. Về chất lượng, nguồn nhân lực được đào tạo còn yếu về ngoại ngữ và thiếu những kiến thức chuyên môn, chưa cập nhật kịp thời những kiến thức, hiểu biết về kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của ngành còn thấp, chưa có chính sách và chiến lược thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trong khi phải đối diện với sự cạnh tranh từ nguồn nhân lực của các quốc gia khác khi thực hiện các thỏa thuận về di chuyển dòng lao động tự do giữa các nước.

3. Định hướng phát triển ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh

Thực hiện các quan điểm, chủ trương phát triển du lịch của Trung ương, TP. Hồ Chí Minh xác định đến năm 2030, ngành Du lịch Thành phố thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh với các thành phố trong khu vực; đón 10 đến 11 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 33 đến 35 triệu lượt khách trong nước; doanh thu từ khách du lịch đạt 165.000 đến 170.000 tỷ đồng; Phấn đấu đưa TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm các thành phố có ngành Du lịch phát triển hành đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, ưu tiên phát triển các khu mua sắm tập trung, khu phố đi bộ đạt chuẩn quốc tế tại khu vực trung tâm thành phố, khu đô thị hóa, các trạm dừng của hệ thống tàu điện ngầm; Rà soát, quy hoạch 2 - 3 địa điểm xây dựng Trung tâm kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao (miễn thuế) phục vụ khách du lịch; Xây dựng Hệ thống du lịch thông minh tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Đề án đô thị thông minh trong tổng thể kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh đến năm 2025; Xây dựng và định vị thương hiệu điểm đến du lịch TP. Hồ Chí Minh phù hợp chiến lược phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030; Xây dựng và triển khai Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch, chú trọng tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch;…

4. Một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao công tác phát triển NNLDL của TP. Hồ Chí Minh

Trên cơ sở phân tích những lợi thế của TP. Hồ Chí Minh cũng như thực trạng về NNLDL nói riêng và các chủ trương, định hướng phát triển ngành Du lịch Thành phố, tác giả đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển NNLDL của Thành phố nói chung và của các doanh nghiệp du lịch nói riêng. Cụ thể như sau:

4.1. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực

Đây là nhóm giải pháp đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng. Cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu của ngành, của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập sẽ góp phần định hướng hoạt động phát triển ngành Du lịch nói chung và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch nói riêng.

Để định hướng phát triển nhằm đạt được mục tiêu đề ra cho ngành Du lịch Thành phố nói chung và tạo ra NNLDL chất lượng cao; cơ chế, chính sách quản lý của nhà nước cần tập trung các vấn đề sau:

- Cần thiết phải xây dựng chiến lược phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, trong đó, cần chú trọng tập trung nguồn lực phát triển du lịch.

- Ưu tiên phát triển NNLDL mang tính chuyên nghiệp bằng các chế độ ưu đãi để thu hút NNLDL có trình độ cao về công tác tại khu/điểm du lịch trên địa bàn Thành phố.

- Khuyến khích các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng NNLDL song song với việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch đối với tiêu chuẩn chất lượng nghề trong hoạt động quản lý, cũng như dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.

- Đối với du lịch mang tính cộng đồng, cần khuyến khích phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, ưu tiên phát triển lao động là người địa phương có điều kiện sống còn khó khăn, với những nghề giản đơn để dần xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực tại các khu/điểm du lịch trên địa bàn Thành phố.

4.2. Nhóm giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã nhấn mạnh “Đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Như vậy, để phát triển ngành Du lịch của Thành phố bền vững cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt các chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo phát triển NNLDL phải gắn với hội nhập quốc tế nói chung và yêu cầu nhân lực để thực thi cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ của các Hiệp định hợp tác.

Một số giải pháp đề xuất về đào tạo nhằm nâng cao chất lượng NNLDL:

- Trước hết, cần xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa NNLDL của Thành phố phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch. Theo đó ngành Du lịch của Thành phố cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đối với các chức danh và cấp, bậc, ngành nghề Du lịch. Thành phố có thể phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành để đánh giá lại và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn các chức danh và cấp, bậc ngành nghề Du lịch; áp dụng thí điểm, điều chỉnh và nhân rộng hệ thống tiêu chuẩn này trên toàn Thành phố.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về du lịch; trong đó, chú trọng các nội dung sau:

+ Thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển NNLDL của Thành phố để đặt hàng các cơ sở đào tạo và quy hoạch lại các cơ sở đào tạo phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

+ Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở đào tạo chuyên về Du lịch.

+ Quan tâm các cơ sở đào tạo khác có đào tạo ngành Du lịch. Theo đó, cần nâng cao năng lực các trường đào tạo ngành Du lịch khác, nhất là các trường văn hóa nghệ thuật, gắn đào tạo văn hóa nghệ thuật với đào tạo du lịch.

+ Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo Du lịch; cần khuyến khích mở các cơ sở đào tạo Du lịch ở các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo ngoài công lập và các cơ sở có vốn đầu tư của nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, trung tâm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về Du lịch.

+ Phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và đào tạo viên Du lịch phù hợp đáp ứng nhu cầu đào tạo; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên và giáo viên của các cơ sở đào tạo nghề Du lịch bằng nhiều hình thức ở cả trong và ngoài nước; thu hút các nhà quản lý, các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia đào tạo; tiếp tục đào tạo kỹ năng cho đội ngũ thẩm định viên, giám sát viên, đào tạo viên Du lịch và sử dụng hiệu quả đội ngũ này trong đào tạo Du lịch. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh đào tạo sau đại học ngành Du lịch; Thực hiện chế độ bồi dưỡng luân phiên cho giáo viên, giảng viên, đào tạo viên và thẩm định viên Du lịch.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ngành Du lịch. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ NNLDL, nhất là Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận của các doanh nghiệp Du lịch, khách sạn 1 - 3 sao và cho lực lượng lao động trực tiếp, gồm: hướng dẫn viên, thuyết minh viên, tài xế, tiếp tân, buồng, bàn, bếp, lực lượng bảo vệ khách du lịch,... Tăng cường tổ chức các lớp đào tạo du lịch cộng đồng.

+ Tăng cường đào tạo và tái đào tạo NNLDL đạt tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng. Thành phố có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp du lịch tăng cường đào tạo và tái đào tạo NNLDL.

+ Các cơ sở đào tạo đầu tư nâng cao chất lượng các trường du lịch đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng ngang bằng các nước trong khu vực, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng vào cộng đồng các nước mà Việt Nam là thành viên. Thành phố cũng nên có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở đào tạo du lịch đầu tư nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo.

Đặc biệt, các cơ sở đào tạo cũng phải thường xuyên đổi mới giáo trình đào tạo, kết hợp kiến thức nền và cập nhập thường xuyên kiến thức về thực tiễn, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội với tinh thần gợi mở cho người học. Bên cạnh đó, để góp phần phát triển ngành Du lịch Thành phố bền vững, cần trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp cho sinh viên; tích hợp các nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo chuyên ngành theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng - hình thành liên kết đào tạo giữa nhà trường và các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, quan tâm đến việc định hướng và khuyến khích sinh viên đổi mới trong cách tiếp cận nghề nghiệp với tinh thần sáng tạo.

+ Các cơ sở đào tạo đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố và các nước trong khu vực, đặc biệt là các loại hình du lịch được ưu tiên phát triển. Thành phố có cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài xây dựng các cơ sở đào tạo du lịch chất lượng cao.

+ Xây dựng dự án đào tạo NNLDL cho từng loại hình du lịch, gồm: du lịch MICE, du lịch truyền thống văn hóa lịch sử, du lịch mua sắm, du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe và thẩm mỹ,...

4.3. Nhóm giải pháp về thông tin, thị trường

Để hỗ trợ nhân lực du lịch nắm bắt kịp thời các thông tin về tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như các cam kết trong hợp tác quốc tế, từ đó cập nhật và bổ sung kiến thức nhằm nâng cao chất lượng phục vụ du khách nội địa và quốc tế, cần thiết phải có các ấn phẩm về du lịch, cập nhật kịp thời các thông tin tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng,  cũng như biên tập Cẩm nang chi tiết về các thị trường, các cam kết quốc tế (trong đó có lĩnh vực du lịch) với các quốc gia mà Việt Nam tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do để các nhân lực trực tiếp phục vụ du lịch nâng cao trình độ, kỹ năng và hòa nhập nhanh với môi trường du lịch hội nhập.

4.4. Nhóm giải pháp về các yếu tố nội tại của doanh nghiệp

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, góp phần tạo ra NNLDL chất lượng cao thúc đẩy phát triển ngành Du lịch Thành phố, ngoài sự điều hành của Nhà nước về các cơ chế, chính sách thì hơn ai hết, bản thân các doanh nghiệp du lịch phải không ngừng cải thiện các yếu tố nội tại của doanh nghiệp về: công tác đào tạo; thu hút, tuyển dụng lao động; chính sách đãi ngộ phù hợp; tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh, khuyến khích đội ngũ nhân viên du lịch phát huy năng lực, sáng tạo trong công việc.

5. Kết luận

Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn khẳng định là đầu tàu kinh tế của cả nước, có vai trò quan trọng trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Để phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh bền vững, hướng tới mục tiêu trở thành nhóm các thành phố có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, vai trò của nguồn nhân lực rất quan trọng, đặc biệt cần phải xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực, trình độ, kiến thức, kỹ năng đạt chuẩn quốc tế.

Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch Thành phố, đòi hỏi không chỉ có sự tham gia, nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp, doanh nghiệp trong ngành, mà còn của cộng đồng xã hội. Ngoài các cơ chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của Nhà nước; sự năng động, sáng tạo, không ngừng học hỏi, nâng cao chất lượng đào tạo của nhân lực du lịch Thành phố thì sự tích cực tham gia làm du lịch của người dân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, nét đẹp của TP. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, cần phải quan tâm đến các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển nguồn nhân lực và thực hiện tốt các giải pháp trên để góp phần tạo nên NNLDL chất lượng cao cho TP. Hồ Chí Minh, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhóm các thành phố có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Trung Lương - Viện Du lịch bền vững Việt Nam. (2016). Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh hội nhập. Kỷ yếu hội thảo “Brexit và cộng đồng kinh tế ASEAN dưới góc nhìn hội nhập”, tháng 8/2016, (88-96). Trường Đại học Văn Hiến.
  2. Trần Anh Tuấn. (2018). Nhu cầu nhân lực đối với khối ngành Du lịch của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 - 2015 - 2020. Truy cập tại http://www.dubaonhanluchcmc.gov.vn/tin-tuc/7168.nhu-cau-nhan-luc-doi-voi-khoi-nganh-du-lich-cua-tp-hcm-giai-doan-2013-2015-2020.html. - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh
  3. Lê Đức Viên. (2017). Phát triển du lịch TP. Đà Nẵng theo hướng bền vững. Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
  4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (2011). Quyết định số 3066/QĐ-BVHTTDL ngày 29 tháng 9 năm 2011 về Quy hoạch Phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 - 2020.
  5. Chính phủ. (2017). Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017 về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  6. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh. (2020). Báo cáo số 1933/BC-SDL ngày 18 tháng 12 năm 2020 về Tình hình hoạt động du lịch năm 2020 và các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021.
  7. Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. (2016). Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về nhiệm vụ phát triển ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.
  8. Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh. (2017). Quyết định số 2955/QĐ-UBND ngày 8/6/2017 về triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. TP. Hồ Chí Minh.

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

FOR IMPROVING HO CHI MINH CITY’S TOURISM

HUMAN RESOURCES DEVELOPMENT

• Master. THAI DOAN HONG

Thanh Thanh Tourism One-member Limited Liability Company

Ph.D student, Tra Vinh University  

ABSTRACT:

This paper assesses the limitation and shortcomings of Ho Chi Minh City’s tourism human resources. Based on the paper’s findings, some solutions and recommendations are proposed to improve the development of tourism human resources in order to meet the increasing requirements during Vietnam’s international integration process.

Keywords: tourism, human resources development, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]