Một số giải pháp phát triển dịch vụ Mobile Money của Viettel

ThS, NGUYỄN THỊ THANH NGA (Bộ môn Kinh tế Bưu chính viễn thông, Trường Đại học Giao thông vận tải)

TÓM TẮT:

Dịch vụ Mobile Money đã chính thức được nhà mạng Viettel cung cấp từ tháng 12/ 2021. Kết quả sau hơn 6 tháng triển khai, hiện nay, số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ đạt hơn 1 triệu thuê bao. Trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ, Viettel đã triển khai đồng bộ về hạ tầng, cũng như nhiều biện pháp hỗ trợ dịch vụ, tuy nhiên số thuê bao sử dụng dịch vụ cũng chưa đạt được kết quả mong muốn. Bài báo sẽ tìm hiểu về dịch vụ mobile money, các hoạt động triển khai kinh doanh dịch vụ cũng như cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển dịch vụ Mobile money cho Viettel.

Từ khóa: dịch vụ Mobile money, thuê bao, Viettel.

1. Đặt vấn đề

Chỉ với điện thoại di động, không cần tài khoản ngân hàng hoặc Internet, Mobile Money được kỳ vọng có thể trở thành công cụ hiệu quả giúp Chính phủ thúc đẩy phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Với mục đích như vậy,Chính phủ đã hỗ trợ các nhà mạng rất nhiều trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ, Viettel cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp viễn thông nói chung và Viettel nói riêng vẫn gặp rất nhiều khó khăn để phát triển dịch vụ. Vì vậy, nghiên cứu “Một số giải pháp phát triển dịch vụ Mobile Money của Viettel” là cần thiết, giúp doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội, thách thức, cũng như đưa ra giải pháp sớm đạt được mục tiêu của mình.

2. Mobile Money là gì?

Mobile Money (thanh toán di động) là một hình thức thanh toán trực tuyến trên điện thoại giúp cho khách hàng mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà không cần sử dùng đến tiền mặt. Tuy nhiên, khác với các ví điện tử trước đây, khi dùng dịch vụ Mobile Money khách hàng có thể không cần phải liên kết tài khoản ngân hàng để nạp tiền, sử dụng. Như vậy, với dịch vụ thanh toán điện tử dùng·tài khoản viễn thông - Mobile Money, người dùng chỉ cần tài khoản di động là có thể sử dụng trả tiền ngay cho mọi dịch vụ giá trị nhỏ một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Điều kiện đăng ký sử dụng Mobile Money, gồm: 

- Phải cung cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán định danh, xác thực;

- Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 03 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money;

- Mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

3. Thực trạng triển khai cung cấp dịch vụ Mobile money của Viettel

Viettel đã cung cấp dịch vụ Mobile cho hơn 40.000 nhân viên thử nghiệm sử dụng với các giao dịch nhỏ từ cuối năm 2020 và cũng đã triển khai Mobile Money tại 6 thị trường nước ngoài nên cách thức vận hành, chi phí, nhân lực đều đã được tính toán kỹ lưỡng. Hệ thống của Viettel có thể ngay lập tức đáp ứng 60 triệu thuê bao sử dụng Mobile Money. Lộ trình phát triển của Viettel đối với dịch vụ Mobile Money là đến năm 2025, Viettel dự kiến có khoảng 26 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó riêng dịch vụ thanh toán (với các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) với mức chi tiêu trung bình qua kênh này là 300.000 đồng/thuê bao. Như vậy, doanh thu trung bình với dịch vụ Mobile Money (chỉ riêng dịch vụ thanh toán) của Viettel vào năm 2025, ước tính khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng/tháng.

Hiện tại, hệ sinh thái thương mại, tài chính số Viettel Money đã và đang được Tập đoàn Viettel đầu tư nâng cấp hoàn thiện hơn, giúp người dùng thực hiện mọi giao dịch chuyển tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng chỉ với số điện thoại. Người dân có thể sử dụng Viettel Money mọi lúc, mọi nơi, với hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu, ngay cả khi không có smartphone, tài khoản ngân hàng hay kết nối internet. Với Viettel Money, chỉ cần số điện thoại, người dùng có thể chuyển tiền cho người khác và chuyển tiền tới mọi ngân hàng trên cả nước để chi trả các loại hóa đơn gia đình hàng tháng như tiền điện, tiền nước, truyền hình, internet, mua vé tàu xe, máy bay, đặt phòng khách sạn,… và hàng trăm các tiện ích mua sắm tiện lợi khác. Không dừng ở các tiện ích trên môi trường số, người dùng Viettel Money còn có thể mua bán không tiền mặt bằng cách quét mã QR tại hệ thống điểm chấp nhận thanh toán của Viettel và các đối tác do Viettel kết nối khắp 63 tỉnh, thành phố, với đa dạng ngành hàng từ ăn uống đến thời trang, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Ngoài ra, khách hàng có thể nạp/rút tiền mặt dễ dàng tại hơn 100 nghìn điểm giao dịch hoạt động 8 - 20 giờ từ thứ 2 tới chủ nhật, xuyên suốt lễ, tết. Và khi có nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ tài chính cao cấp hơn, người dùng có thể sử dụng tiện ích như gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng với thao tác rất đơn giản cùng mức lãi suất hấp dẫn trên ứng dụng Viettel Money.

Đối với vấn đề bảo mật, Viettel đã áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Với kinh nghiệm triển khai Viettel Pay, đội ngũ quản trị rủi ro của Viettel thực hiện theo dõi 24/24h về chất lượng sản phẩm, đảm bảo khách hàng sẽ không gặp rủi ro tài chính khi giao dịch. Do đó, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm giao dịch an toàn, thuận tiện với độ chính xác, minh bạch và bảo mật cao nhất. 

4. Cơ hội và thách thức khi kinh doanh dịch vụ mobile money của Viettel

4.1. Cơ hội khi kinh doanh dịch vụ Mobile Money

- Có sự chỉ đạo, định hướng rõ ràng từ Chính phủ

Thực tế đã chứng minh, các dịch vụ Mobile Money đã phát huy nhiều tác dụng ở nhiều quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Nắm bắt được xu thế đó, trong những năm gần đây, Việt Nam đã rất chú trọng vào việc phát triển các dịch vụ này, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này được thể hiện rõ trong chủ trương, chính sách và trong các văn bản quy phạm pháp luật

- Có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động cao

Việc sở hữu thiết bị di động là điều kiện cần để thực hiện các giao dịch Mobile Money. Hiện nay, Việt Nam có tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động khá cao, 145,6 triệu thuê bao/97 triệu dân. Như vậy, tỷ lệ thuê bao di động trên tổng số dân lên tới 152%, chưa kể tới những người dân sử dụng các thiết bị di động khác, trong đó, có tới 67% đang dùng internet, 57% đang sử dụng mạng xã hội một cách thường xuyên và 73% sử dụng điện thoại thông minh. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, với độ tuổi trung bình là 31, trong đó 69,3% từ 15-64 tuổi, là các phân khúc tập trung ứng dụng số và nhanh nhạy khi tiếp cận với công nghệ mới. Những yếu tố trên là điều kiện rất thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ Mobile Money

- Hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông và các dịch vụ hỗ trợ phù hợp

Hiện nay, hạ tầng viễn thông của nhà mạng Viettel phát triển rất mạnh mẽ và phù hợp với việc phát triển dịch vụ Mobie Money.

Dù mới chỉ trải qua 6 tháng triển khai cung cấp dịch vụ nhưng kết quả ghi nhận được cho thấy dịch vụ Mobile Money đã đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của người dân nhất là nhóm chưa tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ngân hàng. Theo số liệu thống kê của Viettel, 70% thuê bao kích hoạt dịch vụ này nằm ở vùng sâu, vùng xa, mỗi thuê bao phát sinh trung bình 10 giao dịch mua bán trực tuyến. Đây là một thị trường ngách, nhưng có rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp.

4.2. Thách thức khi kinh doanh dịch vụ Mobile Money

- Là dịch vụ mới được cung cấp tại Việt Nam cuối năm 2021, Viettel gặp thế khó khi kinh doanh dịch vụ này so với các dịch vụ như Internet banking, ví điện tử, mã QR,…

Mobile Money đã bỏ lỡ thời điểm tốt nhất để tiếp cận với người dân khi mà 70% người dân đã có tài khoản ngân hàng, các phương thức thanh toán khác như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR Code,... cũng ngày một phát triển nhanh chóng. Người dùng Việt Nam vẫn dùng nhiều tài khoản ngân hàng và thậm chí có thêm một vài ví điện tử và không trung thành với duy nhất một dịch vụ nào cả miễn là dịch vụ nào thân thiện, thuận lợi và khuyến mãi nhiều thì họ sử dụng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn chiếm tới 80% và nhiều người dân ở thành thị đã có tài khoản ngân hàng nhưng phần lớn giao dịch vẫn được thanh toán bằng tiền mặt. 

- Mobile Money thực sự chưa có nhiều ưu điểm hơn ví điện tử. Hạn mức 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money trong 2 năm thí điểm là khá nhỏ hay việc không thể chuyển khoản khác nhà mạng cũng là trở ngại với người dùng. 

Các ví điện tử với lợi thế người đi trước cũng đã gây dựng được hệ sinh thái khách hàng riêng đi kèm thói quen tiêu dùng. Trong khi đó, hạn mức giao dịch của Mobile Money chỉ bằng 10% ví điện tử sẽ là vấn đề với những người thường xuyên chi tiêu và mua sắm ở khu vực thành thị.

- Chi phí cho việc phát triển dịch vụ Mobile Money khá tốn kém vì là dịch vụ mới, trong giai đoạn đầu triển khai cần phải tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng để tuyên truyền, quảng bá lợi ích của dịch vụ nhằm thu hút, tạo thói quen cho khách hàng. Đồng thời, việc phát triển điểm kinh doanh tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tốn khá nhiều nguồn lực do khoảng cách địa lý và số lượng doanh nghiệp tại các khu vực này còn hạn chế.

- Thói quen, hành vi chi tiêu tiền mặt của người dân ở thị trường mục tiêu cụ thể là thị trường nông thôn cũng là một vấn đề khó đối với doanh nghiệp.

- Quản lý các điểm giao dịch (nạp, rút tiền): để hoạt động hiệu quả, các DN viễn thông cũng cần giải bài toán làm thế nào để hạ thấp chi phí nộp tiền vào tài khoản Mobile Money qua các điểm giao dịch (chi phí phát hành và phân phối mất vài phần trăm giá trị thẻ cào).

Khi nạp tiền mặt tại điểm giao dịch sẽ phát sinh chi phí quầy, két, bảo vệ, độ trễ của dòng tiền. Doanh nghiệp viễn thông phải giải được bài toán là làm sao để nạp tiền mặt vào Mobile Money tốn chi phí ít hơn thẻ cào.

Nếu việc định danh khách hàng, quản lý SIM rác và giao dịch ẩn danh không được thực hiện chặt chẽ, Mobile Money có thể là kênh để rửa giao dịch, ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền. Trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng lần đầu mở tài khỏa Mobile Money, nhà mạng phải xây dựng, ban hành quy trình đăng ký điện tử phù hợp quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền,... 

Do đó, đây cũng là một thách thức nhà mạng cần giải quyết, để tránh các hệ lụy xấu có thể xảy ra với cả doanh nghiệp và khách hàng. Với những người dùng chưa quen với thanh toán điện tử, các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải bỏ ra nhiều công sức và chi phí hơn để giáo dục người dùng. Ngoài ra, họ cũng khó lòng triển khai một mình mà cần sự phối hợp của các đơn vị trung gian thanh toán để phổ cập tới cả người dùng và điểm bán hàng.

5. Giải pháp phát triển dịch vụ Mobile Money

- Phải nhanh chóng và đơn giản hóa thủ tục cung cấp dịch vụ Mobile Money: việc xác minh thông tin thuê bao đăng ký còn quá khó khăn (khoảng 50% lượng đăng ký không thành công của 3 nhà mạng liên quan đến tình trạng sai lệch thông tin chứng minh thư và căn cước công dân, nhiều khách hàng phải ra tận quầy để xác thực thông tin), vì vậy đề xuất được phép kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực định danh khách hàng. Việc tiến tới mở tài khoản Mobile money cho toàn dân sẽ giúp đẩy nhanh quá trình giải ngân khoản thanh toán, hỗ trợ của Chính phủ hoặc dịch vụ công.

- Nên bỏ quy định phải là thuê bao hoạt động liên tục 3 tháng liền kề mới được sử dụng dịch vụ vì sẽ hạn chế những thuê bao không liên tục.

- Cần đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho đối tượng yếu thế thông qua Mobile Money giúp dịch vụ vừa là phương thức, vừa là động lực cải thiện kinh tế, kích thích sử dụng và đưa tiền di động đến gần hơn với người dân. Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục đưa ra định hướng, chính sách hỗ trợ mô hình thanh toán không tiền mặt, từ đó tạo thói quen chi tiêu trong xã hội.

- Truyền thông mạnh để đào tạo và thay đổi hành vi sử dụng tiền mặt: doanh nghiệp cần dành chi phí cho hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm đến các vùng nông thôn để người dân biết được tiện ích của dịch vụ và thay đổi hành vi sử dụng tiền mặt, có thể sử dụng khuyến mãi bằng cách tặng miễn phí data, phút gọi, tin nhắn,... cũng đủ để hấp dẫn người dùng tìm đến tài khoản tiền di động.

- Phát triển điểm chấp nhận thanh toán: tận dụng các điểm giao dịch sẵn có của nhà mạng Viettel để nạp, rút tiền cho dịch vụ Mobile Money. Để không phát sinh chi phí và thuận tiện cho khách hàng, doanh nghiệp cũng cần quản lý chặt chẽ, xây dựng được quy trình đồng bộ, đào tạo nhân viên chuyên nghiệp tại các điểm chấp nhận thanh toán.

- Có hình thức cạnh tranh với các hình thức thanh toán ví điện tử khác: để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ doanh nghiệp cần phải tung ra các chuỗi chương trình khuyến mại cũng như chiết khấu cho khách hàng để gia tăng kích thích khách hàng sử dụng dịch vụ. Doanh nghiệp cũng nên tính tới việc hợp tác tính năng trong nhiều lĩnh vực: thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, mua vé máy bay, tàu xe, mua bảo hiểm, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.hạn mức của dịch vụ này (tối đa 10 triệu đồng) thấp hơn ví điện tử rất nhiều, vì vậy đề xuất một số điều kiện của mobile money để giảm bớt sự bất cân xứng với các phương thức thanh toán.

- Đảm bảo an toàn: an toàn trong chi tiêu khi sử dụng dịch vụ Mobile Money là vấn đề doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm.

6. Kết luận

 Mặc dù việc triển khai dịch vụ Mobile Money còn có nhiều thách thức, tuy nhiên việc phát triển dịch vụ là xu hướng tất yếu, vì vậy Viettel cần tận dụng cơ hội để trở thành doanh nghiệp tiên phong trong cung cấp dịch vụ Mobile Money.

Lời cảm ơn: Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông Vận tải (ĐH GTVT) trong đề tài mã số T2022- KT-003.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bạch Đông (2019), Thanh toán điện tử - sẽ có cuộc đua mới, Tạp chí Tài chính, số tháng 2/2019, Upload ngày 18/02/2019 tại http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/thanh- toan-dien-tu-se-co-cuoc-dua-moi-303153.html
  2. Chính phủ (2016), Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
  3. Chính phủ (2021), Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
  4. Websites: Bộ Thông tin và Truyền thông: www.mic.gov.vn; Ngân hàng Nhà nước: www.sbv.gov.vn; Cục Viễn thông: www.vnta. gov.vn; www.vinaphone.com.vn; www.mobifone.vn; www.viettel.vn;

 Some solutions to develop mobile money services of Viettel

Master. Nguyen Thi Thanh Nga

Department of Economics, Posts and Telecommunications

University of Transport and Communications

Abstract:

Mobile Money service has been officially launched by Viettel since December 2021. Up to now, this service has more than one million subscribers. In the process of providing services, Viettel has implemented synchronously its service infrastructure and service support measures. However, Viettel’s Mobile Money service has not achieved its targert of the number of subscribers. This paper is to present an overview of mobile money services, opportunities and challenges faced by mobile money service providers. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help Viettel develop its mobile money services.

Keywords: mobile money service, subscriber, Viettel.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]