Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Phí Mạnh Cường (Trường Đại học Mỏ - Địa chất)

TÓM TẮT:

Các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận thương mại điện tử (TMĐT) là bước phát triển tất yếu của thương mại truyền thống trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi thế giới đã bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0). Do các đặc trưng của TMĐT nên việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trong TMĐT khó khăn hơn rất nhiều so với thương mại truyền thống. Chính vì vậy, pháp luật bảo vệ quyền SHTT trong hoạt động TMĐT luôn nhận được sự quan tâm của các chủ thể trong giao dịch TMĐT. Vấn đề này còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp TMĐT bởi đối tượng trong các giao dịch TMĐT thường được số hóa và trong môi trường điện tử, bất kỳ ai cũng có thể nhanh chóng tạo ra bản sao (copy) mà khó có thể hoặc không thể phân biệt với bản gốc. Việc bảo vệ một cách hữu hiệu quyền SHTT trong TMĐT sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam. Do đó, bài viết này sẽ tập trung vào phân tích một số vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử.

Từ khóa: pháp luật, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay, các quốc gia đều thừa nhận TMĐT là bước phát triển tất yếu của thương mại truyền thống trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông. Mặc dù ra đời chưa lâu, nhưng sự phát triển của TMĐT lại rất mạnh mẽ và tiềm năng của nó được các chuyên gia đánh giá là vô cùng to lớn. Sự phát triển và tiềm năng của TMĐT được thể hiện thông qua giá trị và tốc độ tăng trưởng của các giao dịch điện tử. Theo eMarketer, doanh thu TMĐT bán lẻ trên thế giới năm 2021 dự kiến là 4,891 nghìn tỷ đô la Mỹ (USD) và đến năm 2024 con số này là 6,388 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, tiềm năng phát triển TMĐT còn được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ và tỷ trọng giữa doanh thu TMĐT bán lẻ với tổng giá trị thị trường bán lẻ. Về tốc độ tăng trưởng, cũng theo eMarketer, từ năm 2021 đến năm 2024, tốc độ tăng trưởng doanh thu TMĐT bán lẻ trên thế giới từ 8,1%/năm đến 10,9%/năm. Về tỷ trọng giữa doanh thu TMĐT bán lẻ với tổng giá trị thị trường bán lẻ, năm 2021 nếu doanh thu TMĐT bán lẻ chiếm 19,5% tổng giá trị thị trường bán lẻ trên thế giới, thì đến năm 2024 dự kiến con số này là 21,8%. (Xem Hình)

Hình : Doanh thu TMĐT bán lẻ trên thế giới

sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử

Nguồn: eMarketer, tháng 12/2020

Trong môi trường kinh doanh toàn cầu hóa, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng trở nên gay gắt. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển được cần phải tìm ra cách thức làm cho sản phẩm của mình trở nên khác biệt nhằm thu hút khách hàng tiềm năng. Việc giới thiệu sản phẩm mới hoặc sản phẩm được cải tiến là chiến lược mà các doanh nghiệp đang sử dụng để duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, bất cứ khi nào một sản phẩm mới, sản phẩm được cải tiến gia nhập thị trường và thu hút được khách hàng, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất sản phẩm giống hoặc có tính năng tương tự nhưng với giá bán rẻ hơn. Điều này sẽ tạo ra áp lực nặng nề đối với các doanh nghiệp sáng tạo ra sản phẩm, thậm chí là đẩy các doanh nghiệp này vào nguy cơ bị phá sản. Do các đặc trưng của TMĐT nên pháp luật về bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT có những đặc thù nhất định.

2. Một số vấn đề pháp lý về bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT

2.1. Thực trạng pháp luật về bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT

SHTT là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay khi hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng và thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Pháp luật SHTT có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ một cách hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể đối với kết quả là hoạt động sáng tạo, đồng thời bảo đảm sự lành mạnh của các mối quan hệ xã hội. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT ở Việt Nam, hiện tượng vi phạm quyền SHTT trên các trang web TMĐT diễn ra tràn lan và việc xử lý vi phạm lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề vi phạm quyền SHTT trong TMĐT không chỉ là nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển của TMĐT ở Việt Nam, mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Với giới hạn phạm vi của bài báo này, tác giả chỉ đề cập đến quyền SHTT trong môi trường Internet, đặc biệt là các quyền SHTT bị vi phạm phổ biến.

  • Quyền tác giả

Hiện nay, mặc dù pháp luật Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ quyền tác giả trong các điều ước quốc tế, nhưng thực trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường Internet tại Việt Nam vẫn còn ở mức rất phổ biến. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong đó, tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam đã bao trùm các lĩnh vực trong đời sống xã hội từ văn học, nghệ thuật đến khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Việt Nam: quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký. Căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, quyền tác giả không chỉ bao trùm nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội mà còn được bảo vệ ngay khi tác phẩm được hoàn thành, không yêu cầu tác giả phải tiến hành bất cứ thủ tục mang tính chất hành chính nào, cũng không phải  đáp ứng các điều kiện về hình thức hay nội dung.

Quyền tác giả đối với tác phẩm theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền nhân thân trong quyền tác giả đối với tác phẩm gồm có: quyền đặt tên cho tác phẩm; quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; quyền ông bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”. Quyền tài sản trong quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm các quyền sau đây: quyền làm tác phẩm phái sinh; quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; quyền sao chép tác phẩm; quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính. Quyền về tài sản do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của pháp luật về SHTT. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền trong nội dung quyền tác giả đối với tác phẩm theo quy định của pháp luật về SHTT thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Dưới góc độ của pháp luật về SHTT thì, chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Do chương trình máy tính là một sản phẩm có tính chất đặc thù nên quyền tác giả đối với chương trình máy tính cũng được pháp luật về SHTT quy định một cách cụ thể. Theo đó, chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Như vậy, theo quy định của pháp luật về SHTT của Việt Nam, chương trình máy tính tồn tại dưới dạng mã nguồn (code) hay mã máy (đã được dịch từ code) thì đều được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, pháp luật về SHTT của Việt Nam chỉ bảo hộ chương trình máy tính hoàn chỉnh chứ không bảo hộ một đoạn mã (code), cho dù đoạn mã đó chứa nội dung chủ yếu của một chương trình. Mặc dù theo quy định của pháp luật về SHTT của Việt Nam, trong một số trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, nhưng các trường hợp này không được áp dụng đối với chương trình máy tính.

  • Tên miền

Tên miền của doanh nghiệp có tác dụng để nhận diện doanh nghiệp đó cũng như để phân biệt các doanh nghiệp với nhau trong môi trường Internet. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, “Tên miền là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. Tên miền bao gồm: (1) Tên miền dùng các kí tự dựa trên cơ sở bảng mã ASCII, sau đây gọi là tên miền mã ASCII; (2) Tên miền dùng bảng chữ cái dựa trên cơ sở ngôn ngữ truyền thống của từng quốc gia, sau đây gọi là tên miền đa ngữ (IDN)”. Trong thực tiễn của hoạt động TMĐT, đã có nhiều trường hợp các chủ thể lợi dụng nguyên tắc đăng ký trước sử dụng trước để đăng ký tên miền là nhãn hiệu, tên thương mại hoặc giống đến mức có thể gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại của các chủ thể khác. Hiện tượng này đã làm ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp cũng như uy tín của các chủ thể sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại.

Mặc dù ý nghĩa của tên miền trong TMĐT có sự tương đồng với tên thương mại hoặc nhãn hiệu trong thương mại truyền thống, nhưng nếu tên thương mại hoặc nhãn hiệu là đối tượng được bảo hộ với tư cách là quyền sở hữu công nghiệp thì tên miền lại không phải là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp để được bảo hộ theo quy định của pháp luật về SHTT. Thực tế pháp luật về SHTT của Việt Nam có đề cập đến tên miền, nhưng lại đề cập tên miền với tư cách là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng. Trong trường hợp tên miền của Việt Nam (.vn) trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với đối tượng SHTT đang được bảo hộ thì chủ sở hữu tên miền bị buộc phải thay đổi thông tin tên miền hoặc bị buộc trả lại tên miền hoặc bị thu hồi tên miền. Ngoài ra, nếu tên miền trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên, với nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ thì người có quyền, lợi ích hợp pháp của tên, nhãn hiệu thương mại hay nhãn hiệu dịch vụ có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại.

Mặc dù pháp luật của Việt Nam có quy định việc thay đổi thông tin tên miền, trả lại tên miền, thu hồi tên miền hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài khi tên miền trùng hoặc giống đến mức nhầm lẫn với tên thương mại, nhãn hiệu, nhưng việc quy định khá sơ sài trong pháp luật về SHTT về tên miền đã gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi bị các chủ thể khác chiếm giữ tên miền.

2.2. Hạn chế của pháp luật về bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT

Việt Nam đã có các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo lập cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền SHTT. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của TMĐT đã làm cho việc bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT trở nên khó khăn do Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định của pháp luật về SHTT gắn với đặc thù của TMĐT. Các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay còn có các hạn chế sau:

- Thứ nhất, về quyền tác giả. Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm được hoàn thành mà không cần tác phẩm đó đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Điều này đã tạo ra rủi ro lớn cho các tác giả khi Việt Nam chưa có các quy định hữu hiệu của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả trong TMĐT. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng đối với các tác phẩm được số hóa, chẳng hạn như giao diện của các trang web TMĐT.

- Thứ hai, về tên miền. Trong TMĐT thì tên miền cũng như tên thương mại hay nhãn hiệu trong thương mại truyền thống là đều dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Trong Luật SHTT, nếu tên thương mại là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp thì tên miền không phải là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp mà chỉ được quy định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Góc độ khác, theo quy định của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tên miền Việt Nam (.vn) là tài nguyên quốc gia. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế thì tài nguyên quốc gia không thuộc đối tượng của Luật SHTT. Như vậy, có thể thấy các quy định của pháp luật Việt Nam về tên miền chưa có sự phù hợp về nội dung quy định cũng như cách tiếp cận. Điều này sẽ tạo ra những rủi ro khi giải quyết các tranh chấp tên miền giống với nhãn hiệu hoặc tên thương mại.

3. Kết luận

TMĐT trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng thời đây cũng là một trong các trụ cột của xã hội thông tin và kinh tế tri thức. Chính vì vậy, việc hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về TMĐT là một đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền SHTT, nhưng do các đặc trưng của TMĐT, nên pháp luật về bảo vệ quyền SHTT trong TMĐT cần hoàn thiện các vấn đề sau:

- Thứ nhất, về quyền tác giả.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm được hoàn thành mà không cần tác phẩm đó đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Điều này đã tạo ra rủi ro lớn cho các tác giả khi Việt Nam chưa có các quy định hữu hiệu của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả trong TMĐT. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng đối với các tác phẩm được số hóa. Chính vì vậy, Việt Nam cần có các quy định cụ thể để bảo vệ có hiệu quả quyền tác giả trong hoạt động TMĐT, chẳng hạn như quyền tác giả đối với giao diện của các trang web TMĐT. Các quy định của pháp luật Việt Nam cần thường xuyên cập nhật để phù hợp với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, ví dụ: công nghệ Blockchain xuất hiện từ năm 2009 - 2010 trên thế giới và hiện nay được nhiều nước sử dụng nhằm bảo vệ quyền tác giả trong môi trường Internet nói chung và trong TMĐT nói riêng nhưng Việt Nam hoàn toàn vẫn chưa có các quy định về vấn đề này. Riêng đối với giao diện của các trang web TMĐT, pháp luật Việt Nam cần quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền tác giả đối với trang web TMĐT tương tự như việc bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, vì giao diện của các trang web TMĐT cũng có thể được thể hiện bởi các đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích và điều này hoàn toàn phù hợp với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được quy định tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/2/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.

- Thứ hai, về tên miền.

Trong TMĐT, tên miền cũng như tên thương mại trong thương mại truyền thống là đều dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh này với chủ thể kinh doanh khác. Trong Luật SHTT, nếu tên thương mại là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp thì tên miền không phải là đối tượng quyền sở hữu công nghiệp mà chỉ được quy định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Góc độ khác, theo quy định của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông thì tên miền Việt Nam (.vn) là tài nguyên quốc gia. Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, tài nguyên quốc gia không thuộc đối tượng của Luật SHTT. Như vậy, có thể thấy các quy định của pháp luật Việt Nam về tên miền chưa có sự phù hợp về nội dung quy định cũng như cách tiếp cận. Điều này sẽ tạo ra những hạn chế khi giải quyết các tranh chấp khi tên miền giống với nhãn hiệu hoặc tên thương mại. Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam cần có các quy định cụ thể để bảo đảm sự phù hợp và thống nhất liên quan đến tên miền, nhằm tạo điều kiện cho TMĐT ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 về Sở hữu trí tuệ.
  2. Quốc hội (2009). Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
  3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2008). Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam “VN”.
  4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2015). Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT ngày 18/8/2015 Quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet.
  5. Liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ (2016). Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN ngày 8/6/2016 hướng dẫn trình tự, thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ.
  6. http://cpv.org.vn/preview/newid/435716.html,
  7. Công Toàn (2014). Quyền tác giả trong môi trường số tại Việt Nam. Truy cập tại: http://hochiminhcity.vn/quyen-tac-gia-trong-moi-truong-so-tai-viet-nam.

SOME LEGAL ISSUES ABOUT THE PROTECTION OF INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS IN E-COMMERCE

Phi Manh Cuong

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

Countries around the world all recognize that e-commerce is an inevitable development step of traditional commerce in the explosive era of information and communication technology, especially in the context of the Fourth Industrial Industrry (Industry 4.0). Due to the characteristics of e-commerce, the protection of intellectual property rights in e-commerce is much more difficult than in the traditional commerce. Therefore, the law on the protection of intellectual property rights in e-commerce activities has always received the attention of subjects in e-commerce transactions. This issue also receives special attention from e-commerce businesses because the object in e-commerce transactions is often digitalized, hence anyone can quickly make a copy of this object, and this copy is quite indistinguishable from the original one. Effective protection of intellectual property rights in e-commerce will further promote the development of e-commerce in Vietnam. This paper analyzes some legal issues about the protection of intellectual property rights in e-commerce.

Keywords: law, e-commerce, intellectual property.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]