Nâng cao khả năng tham gia mô hình du lịch cộng đồng của hộ dân tại tỉnh Trà Vinh

PGS. TS. NGUYỄN HỒNG HÀ (Phó trưởng Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh) - CHUNG THỊ HOA LƯ (Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Học viên Cao học Trường Đại học Trà Vinh)

 

TÓM TẮT:

Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ; giúp đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu cho du khách các nét đặc trưng của địa phương.

Bài viết đánh giá thực trạng, từ đó tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia du lịch cộng đồng của hộ dân tại tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 -2019. Nhóm tác giả cũng đã đề xuất giải pháp nâng cao khả năng tham gia tổ chức loại hình du lịch này trong thời gian tới.

Từ khóa: Hộ dân, mô hình du lịch cộng đồng, Cù lao, tỉnh Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, bắt đầu từ vùng người Thái ở Bản Lác (huyện Mai Châu, Hòa Bình). Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay, du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã trở thành một trong những loại hình du lịch được yêu thích nhất của du khách. Đây là hình thức du lịch do người dân tham gia thực hiện và quản lý.

Thực tế cho thấy, loại hình du lịch này ở Trà Vinh mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phát triển kinh tế bền vững nhất cho cộng đồng và địa phương. Mặt khác, giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều hộ gia đình.

Với nhiều chủ trương của tỉnh và điều kiện sinh thái, nếp sống văn hóa của người dân Trà Vinh, hoạt động DLCĐ có nhiều tiềm năng để định hướng phát triển. Trọng tâm là hướng xây dựng liên kết các sản phẩm du lịch kết hợp với nhà, vườn, trang trại, môi trường cảnh quan sông, nước; đặc biệt là tại các Cù lao Tân Quy (huyện Cầu Kè), Cù lao Long Trị (TP. Trà Vinh), Cù lao Hòa Minh, Long Hòa (huyện Châu Thành).

Tỉnh Trà Vinh đã có nhiều chủ trương để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp xây dựng, kinh doanh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh và được hưởng một số chính sách đặc thù như: Hỗ trợ đầu tư làm DLCĐ, hỗ trợ lãi suất vay vốn xây dựng nhà ở có phòng cho du khách thuê; Phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí; Xây dựng gian hàng ẩm thực, kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm; Mua sắm phương tiện vận chuyển khách, hỗ trợ đào tạo lao động tham gia phát triển DLCĐ.

Tuy có nhiều tiềm năng nhưng thực tế loại hình du lịch này chưa thật sự thu hút người dân tham gia vào mô hình. Chủ yếu các hộ tham gia theo hình thức nhỏ, lẻ, chưa phát huy hết tiềm lực của hộ; tổ chức dịch vụ du lịch đơn điệu, rời rạc chưa đủ sức giữ chân du khách lâu dài; nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch còn thiếu và yếu, chủ yếu là sự tự phát của du khách; cơ cấu doanh thu từ DLCĐ chủ yếu là phục vụ ăn uống, giải trí; hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư theo kịp với nhu cầu phát triển.

con chim
Du khách tham quan mô hình “con tôm ôm cây lúa” tại Cồn Chim

2. Phân tích thực trạng tham gia mô hình du lịch cộng đồng của hộ dân tỉnh Trà Vinh

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ các hộ dân lập thủ tục đầu tư DLCĐ theo Nghị quyết số 70/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Có 08 hộ chính thức đăng ký thực hiện tham gia mô hình DLCĐ theo kiểu mẫu: Nhà hàng vườn bưởi Sambua, thành phố Trà Vinh; Nhà hàng Kithy, huyện Trà Cú; Nhà hàng ẩm thực Ao Bà Om, thành phố Trà Vinh; Suonsia homestay, huyện Cầu Kè; Nhà hàng hộ gia đình Út Điệu, Cầu Kè; Homestay xã Lương Hòa, Châu Thành; MêKông Garden resort, Càng Long; Công ty TNHH du lịch Đại Hưng, thành phố Trà Vinh. Năm 2019, tỉnh đã tổ chức đưa vào hoạt động 01 điểm DLCĐ tại Cồm Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành. Do xã hội hóa 100% với 31 hộ tham gia mô hình, đã đón tiếp hơn 3.000 lượt khách đến tham quan. Dự kiến trong năm 2020, sẽ ra mắt mô hình DLCĐ tại cồn Hô, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long.

Như vậy, tại Trà Vinh, hiện nay có 01 mô hình DLCĐ tại huyện Châu Thành với 31 hộ dân tham gia, chủ yếu là người dân tại địa phương với ngành nghề chính là nông nghiệp và chăn nuôi, cùng với 01 hộ đang thực hiện mô hình du lịch homestay tại huyện Cầu Kè.

3. Đánh giá kết quả khảo sát hộ dân tham gia tổ chức du lịch cộng đồng tại Trà Vinh

Đối với địa bàn khảo sát, Nhà nước đã triển khai tập huấn cách thức thực hiện mô hình DLCĐ cho hộ dân, nhằm khuyến khích hộ dân nâng cao trình độ, kỹ năng làm du lịch.

3.1. Về tập huấn tham gia mô hình

Kết quả khảo sát cho thấy, 63/64 hộ tham gia tập huấn về kỹ năng thực hiện mô hình DLCĐ do địa phương tổ chức. Điều này khẳng định rằng, nhu cầu tìm hiểu về mô hình DLCĐ, nâng cao trình độ cũng như kỹ năng làm du lịch của người dân địa phương rất cao.

Bảng 1. Tổng hợp khảo sát hộ tham gia tập huấn

Tổng hợp khảo sát hộ tham gia tập huấn

Nguồn: Kết quả khảo sát của tác giả

3.2. Về trình độ học vấn

Qua kết quả khảo sát, có 04 yếu tố được hỏi về trình độ học vấn của hộ. Trong đó, tất cả ý kiến đều thống nhất đồng ý trình độ học vấn có tác động đến việc thu hút hộ dân tham gia mô hình DLCĐ. Yếu tố mang lại khả năng tiếp cận chính sách Nhà nước có GTTB cao nhất (4,2656), sau đó là giá trị của các yếu tố về khả năng tham gia (3,8438), hoạch định chiến lược thu hút khách tham quan (4,2344) và quản lý tốt mô hình (3,5781). Nghĩa là, tất cả các hộ đều cho rằng cần thiết phải nâng cao trình độ học vấn khi tiếp cận với mô hình DLCĐ.

Bảng 2. Khảo sát về trình độ học vấn của hộ dân

Khảo sát về trình độ học vấn của hộ dân

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát của tác giả

3.3. Về các chính sách của Nhà nước thu hút người dân tham gia

Về chính sách Nhà nước đối với mô hình DLCĐ có 04 yếu tố có GTTB từ 2,2 đến 3,7. Yếu tố chính sách phát triển DLCĐ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương có GTTB cao nhất là 3,7188, cơ sở vật chất hạ tầng mang lại GTTB là 3,2031 (<3,4) ở mức không có ý kiến. Về chính sách hiện nay đã thực hiện công bằng, minh bạch về việc chia sẻ lợi ích khi tham gia DLCĐ có GTTB thấp nhất 2,2344 (< 2,6), nằm ở mức không đồng ý.

Bảng 3. Khảo sát về chính sách của Nhà nước

Khảo sát về chính sách của Nhà nước

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát của tác giả

3.4. Thực trạng về thu nhập của hộ dân khi tham gia mô hình du lịch cộng đồng

Từ những kết quả mang lại cho hộ dân tham gia mô hình DLCĐ tại các địa phương đã tác động mạnh mẽ đến thu nhập của người dân, giúp người dân dần cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập, giảm bớt thời gian nhàn rỗi, giúp giải quyết việc làm cho thành viên trong gia đình cùng người dân địa phương.

Kết quả khảo sát cho thấy, mục đích tăng thu nhập gia đình được 32 hộ lựa chọn; có 23 hộ mong muốn khi tham gia sẽ có được việc làm ổn định, xóa nghèo;10 hộ muốn được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương; 03 hộ cần nâng cao trình độ; 04 hộ mong muốn được mở rộng quan hệ xã hội. Do đó, thu nhập là sự quan tâm trước nhất để thu hút các hộ chưa tham gia. Vì khi tham gia DLCĐ, một khả năng xảy ra đó là các hộ sẽ mất nguồn thu từ những công việc đã mang lại thu nhập chính như trước, dẫn tới sự e dè khi được vận động tham gia.

Bảng 4. Khảo sát đánh giá về thu nhập của hộ dân

Khảo sát đánh giá về thu nhập của hộ dân

Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát của tác giả

Qua Bảng 4 có thể thấy, 3 yếu tố đưa vào khảo sát đều có GTTB từ 4,4 đến 4,6 - nằm trong mức rất đồng ý với DLCĐ như là một sinh kế bền vững của hộ gia đình, tạo cơ hội việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Có thể thấy, lợi ích kinh tế là động lực rất lớn để thu hút người dân đến với mô hình này.

3.5. Đánh giá thực trạng về khả năng tham gia mô hình DLCĐ của hộ dân tại tỉnh Trà Vinh

Bảng 5. Bảng tổng hợp so sánh kết quả phân tích thực trạng tham gia mô hình DLCĐ

thực trạng tham gia mô hình DLCĐ

Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát của tác giả

4. Giải pháp nâng cao sự tham gia tổ chức du lịch cộng đồng của hộ dân tỉnh Trà Vinh

4.1. Giải pháp về chính sách của Nhà nước

 Hoàn thiện quản lý nhà nước về DLCĐ theo ổn định, hiệu lực. Định hướng lâu dài cách thức xây dựng mô hình, nắm bắt và cải thiện chính sách thu hút người dân tham gia loại hình DLCĐ. Đầu tư cơ sở vật chất, đồng thời cần có sự phối hợp xúc tiến du lịch, thu hút du khách đến tham quan. Cần có các biện pháp nhằm hướng dẫn, khuyến khích, đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa các cơ sở vật chất kỹ thuật như cơ sở lưu trú, các phương tiện vận chuyển, bán hàng,… mở thêm nhiều dịch vụ và nâng cao chất lượng phục vụ.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương với nhiều tiềm năng sẵn có để tăng lợi thế cạnh tranh, như: Ngành nghề truyền thống, điều kiện tự nhiên, khí hậu. Cần phải lấy con người, cộng đồng cư dân ở đây làm trung tâm của các hoạt động, nhất là hoạt động bảo tồn và phát triển văn hóa, di sản văn hóa, di tích lịch sử và các giá trị liên quan.

Để đảm bảo nâng cao khả năng tham gia của hộ vào mô hình DLCĐ, Nhà nước cần phải có những nguyên tắc trong phân chia lợi ích các bên tham gia. Cụ thể, có cơ chế chính sách phân chia lợi nhuận cho các bên và được công khai, minh bạch rõ ràng thông qua các hình thức Ban quản lý mô hình hoặc hợp tác xã, tránh tình trạng khách đến địa phương là tham quan cả một tổng thể cộng đồng nhưng chỉ có một số người được hưởng lợi ích là không hợp lý. Đảm bảo tính cạnh tranh công bằng trong các hộ tham gia bằng các hình thức niêm yết giá cả, dịch vụ, tránh trường hợp cùng 1 loại hình dịch vụ nhưng mỗi nơi một giá, thời điểm bình thường giá thấp, vào mùa du lịch lại giá cao.

con ho
Khách du lịch thưởng thức các món ăn chế biến từ bưởi ở Cồn Hô

4.2. Giải pháp nâng cao thu nhập của hộ dân

Cần quan tâm, chia sẻ lợi ích cộng đồng, phân chia hợp lý, hài hòa giữa các chủ thể, đối tác cùng tham gia làm du lịch. Định hướng để nguồn thu nhập từ các hoạt động của mô hình theo hướng có lợi cho người dân tham gia, từ đó mới khuyến khích được khả năng tham gia của các hộ.

Tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo tại các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng giải pháp chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phát triển du lịch dịch vụ, chủ động trong việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế. Khuyến khích người dân chủ động đầu tư và trực tiếp tham gia vào các hoạt động DLCĐ để góp phần quảng bá những giá trị về tự nhiên, văn hóa, con người; tạo thêm thu nhập từ chính những sản phẩm du lịch của địa phương.

Khi gia đình có thu nhập tăng, có điều kiện tham gia quản lý tốt mô hình thì các hộ dân sẽ đủ tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đa dạng thêm các loại hình du lịch, thu hút được nhiều du khách tham gia.

4.3. Giải pháp về tăng cường mối quan hệ xã hội

Tăng cường mối quan hệ giữa nhà cung ứng sản phẩm du lịch với cộng đồng dân cư tại điểm du lịch. Các nhà cung ứng sản phẩm DLCĐ cần nắm rõ những tiềm năng của mỗi hộ tham gia mô hình, từ đó có những kế hoạch, chiến lược quảng bá, giới thiệu đến du khách. Hộ dân cần nâng cao kỹ năng, tay nghề, thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm để giữ gìn và phát huy các tiềm năng của hộ cùng với nhà cung ứng; mang đến cho du khách những trải nghiệm khác lạ, đặc trưng riêng của địa phương mình.

Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cộng đồng dân cư tại điểm du lịch. Ưu tiên, khuyến khích cộng đồng sở tại và người dân bản địa tham gia trong việc lên kế hoạch phát triển du lịch di sản nhằm tránh xung đột về quyền lợi. Mặt khác, các cơ quan này cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ích lợi của việc phát triển du lịch tại địa phương, tạo cơ chế để chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch cho người dân bản địa.

Các cộng đồng dân cư phải giữ mối quan hệ liên kết chặt chẽ với nhau, tạo động lực hỗ trợ nhau cùng tham gia mô hình, tránh tình trạng một nơi đông khách, một nơi không có người khách nào.

sinh thai
Thuyền du lịch trên sông sẽ đưa du khách đến các điểm du lịch trên Cồn Quy, Châu Thành

4.4. Giải pháp cải thiện các đặc điểm hộ gia đình

Đảm bảo nguồn nhân lực tham gia mô hình. Khi hộ có nhiều nhân khẩu tập trung phát triển mô hình sẽ có nguồn nhân lực ổn định và lâu bền, không phải thuê thêm nhân công, không ảnh hưởng bởi biến động nhân lực và tiêu tốn chi phí đào tạo. Để tăng khả năng tham gia mô hình cho các hộ cần tập trung xây dựng loại hình DLCĐ một cách hiệu quả, mang lại thu nhập thiết thực dựa trên nguồn lực của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân.

Mức độ và loại hình tham gia vào DLCĐ cần được xác định bởi cộng đồng nhằm đảm bảo năng lực phù hợp trong khuôn khổ cộng đồng và cân bằng với các nghĩa vụ khác như công việc đồng áng, thời gian dành cho tôn giáo và chăm sóc trẻ em. Kết quả và tác động của các khóa đào tạo ngắn hạn sẽ ít hơn rất nhiều so với tác động của kết quả đào tạo dài hạn và bền vững, thông qua cách “vừa học vừa làm”.

Thu hút nguồn nhân lực là những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ trong cộng đồng, có cơ hội học các kỹ năng mới và tham gia tích cực vào DLCĐ (ngoài vị trí liên quan đến vai trò của phụ nữ truyền thống như nấu ăn và làm hàng thủ công mỹ nghệ). Đánh giá kỹ năng và năng lực của cộng đồng một cách định kỳ nhằm đưa ra chuẩn mực nhất quán và thích hợp trong việc phát triển DLCĐ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trương Thị Thúy Hằng (2008), Du lịch cộng đồng có phải là một phương tiện để xóa đói giảm nghèo, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Du lịch bền vững và cuộc chiến chống đói nghèo, 28/9 - 1/10/2008, trang 176.
  2. Lê Thị Lài (2018), Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia du lịch cộng đồng tỉnh Tiền Giang, Luận văn thạc sỹ Kinh tế; Đại học Trà Vinh.
  3. Nguyễn Quốc Nghi (2013), Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của cộng đồng đối với phát triển du lịch homestay tại các cù lao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 25, 61-69.
  4. Đặng Minh Nhựt (2018), Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại Cù lao Dung, tỉnh Trà Vinh, Luận văn thạc sĩ Kinh tế; Đại học Trà Vinh.
  5. Sở Văn hóa-thể thao, du lịch (2019), Báo cáo 02 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  6. Bùi Việt Thành (2016), Du lịch cộng đồng tại các nước ASEAN và kinh nghiệm cho Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  7. Trần Thị Thủy (2014), Một số giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An, Trường Đại học Vinh, Tạp chí Khoa học Nghệ An, số 10(2014).
  8. Bùi Thị Hải Yến (2012), Du lịch cộng đồng, NXB Giáo dục Việt Nam.
  9. Phạm Thị Hồng Cúc, Ngô Thanh Loan (2016), Du lịch cộng đồng góp phần xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam, Tạp chí Phát triển KH&CN, tập 19, NoX5.
  10. Nguyễn Bùi Anh Thư, Trương Thị Thu Hà, Lê Minh Tuấn (2019), Sự tham gia của người dân địa phương trong phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh - Hội An, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế, tập 128, số 6D, trang 53-70.
  11. Ngô Thị Liên (2018), đánh giá sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, Tạp chí Khoa học Đại học Văn hiến, tập 6, số 02.
  12. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh (2019), Báo cáo tổng kết 2019 và chương trình công tác năm 2020 về tình hình thực hiện Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
  13. Đoàn Thị Hạnh Dung, Trương Thị Thu Hà (2019), sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch tại làng Thanh Thủy Chánh, Huế, Tạp chí Khoa học - Đại học Huế: Khoa học Xã hội Nhân văn, Tập 128, Số 6D, Tr. 101-119.