Nhận định về xu hướng cấp vốn cho phát triển các dự án năng lượng trong thời gian tới, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á thuộc Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết “Các nhà máy điện than trên thế giới đang được nhìn nhận lại về tính hiệu quả và chi phí. Các nước trên thế giới và tổ chức tài chính phần lớn đã có tuyên bố dừng đầu tư với điện than. Ước tính sẽ có khoảng 19 GW điện thuộc các dự án điện than tại Việt Nam không huy động được nguồn vốn trong thời gian tới. Với tình hình hiện nay, nguồn vốn cho điện than sẽ được huy động từ đâu? Nếu điện than không huy động được tài chính, công nghệ nào sẽ bù cho lượng công suất trên?”.
Đồng quan điểm như trên, ông Pattrick R. Jakobsen, Giám đốc thẩm định tín dụng, Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch (EKF), cho hay hiện nay việc thu xếp tài chính cho các dự án điện than trên toàn cầu đang dần bị siết chặt và khó có tổ chức tài chính nào cung cấp cho các dự án điện than mới.
Các quốc gia đang đưa ra những quy định ngưng cung cấp tài chính cho điện than, như Trung Quốc và Vương quốc Anh là những ví dụ điển hình. Có 34 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham gia liên minh cung cấp điện không dùng than; trong đó, 1.600 GW công suất than theo kế hoạch đã bị hủy bỏ hoặc gác lại trong nhiều năm qua.
Thức tế cho thấy ngày càng nhiều các tổ chức, định chế tài chính lớn trong và ngoài nước cẩn trọng hơn trong việc thu xếp nguồn vốn cho phát triển điện than trên toàn cầu; thay vào đó, dòng vốn đầu tư đang được tăng cường mạnh mẽ cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.
Trước thực trạng nhà đầu tư điện than khó thu xếp vốn, ông Mark Hutchinson cho rằng nhà đầu tư ở Việt Nam cần phải chấp nhận thực tế mới, đó là cần phải đưa ra kế hoạch sống chung với việc không có dự án điện than mới được xây dựng, trừ những dự án đã hoàn thành việc huy động vốn.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc cũng là bài học về chuyện cần đa dạng hoá nguồn điện, tránh trường hợp một nguồn chiếm tỷ trọng quá lớn, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh năng lượng. Cần đa dạng hóa các nguồn điện như điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, điện mặt trời, thủy điện... Đồng thời tăng cường hệ thống pin tích trữ năng lượng.
Thông tin từ GWEC cho hay điện gió ngoài khơi được nhận định có thể mang lại lợi ích kinh tế lâu dài và giúp cân bằng thương mại thông qua giảm nhập khẩu than và khí đốt. Ngoài ra, điện gió ngoài khơi có khả năng chạy phụ tải nền, có tính đoán định cao hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi sạch khác, đồng thời hỗ trợ củng cố an ninh năng lượng quốc gia.
Ông Mark Hutchinson cho rằng điện gió ngoài khơi có hệ số công suất cao nhất trong các nguồn điện tái tạo biến đổi, ngang với các nhà máy điện khí hoạt động tốt nhất. Hệ số công suất điện gió ngoài khơi như tại Vương quốc Anh vào khoảng 55%. Đây là hệ số hấp dẫn khi các đơn vị tài chính quyết định đầu tư và có thể chạy nền trong tương lai.
Điện gió ngoài khơi Việt Nam được kỳ vọng có thể đạt 10 GW vào năm 2030. Cùng với đó, chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên toàn cầu giai đoạn 2013-2020. Dự kiến trong 5 năm tới, chi phí sẽ giảm thêm 30%.
Do vậy, ông Mark Hutchinson nhận định “Những hỗ trợ ban đầu cho điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để cho ngành có thể giảm mạnh giá thành sản xuất và trở nên cạnh tranh về giá. Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam nên có một mục tiêu tham vọng ở mức 10 GW như các đề xuất. Điều này là hoàn toàn khả thi và nguồn vốn cho mục tiêu này đã có sẵn từ các tổ chức. Nếu thiếu đi mục tiêu này, các ưu đãi sẽ không đủ sức hấp dẫn để thuyết phục các nhà đầu tư đưa ra quyết định tại Việt Nam".
Theo tính toán từ GWEC, với 4-5 GW điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam sẽ cần được đầu tư 10-12 tỷ USD. Tuy nhiên, với lợi thế điện gió ngoài khơi là nguồn tài nguyên vô tận, sau khi xây dựng không cần bỏ chi phí để nhập khẩu nhiên liệu như điện than, khí…, điều này sẽ giúp giảm 650-800 triệu USD tiền nhiên liệu nhập khẩu, giúp cân bằng cán cân thương mại.
Việt Nam hiện được nhiều tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia nhận định là một trong các thị trường phát triển năng lượng tái tạo sôi động nhất trên toàn cầu. Nhờ các chính sách khuyến khích và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc chuyển đổi năng lượng hướng đến tăng trưởng bền vững, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như Siemens Gamesa Renewable Energy (Đức), Orsted (Đan Mạch), UPC Renewables (Hoa Kỳ) và EDF Renewables (Pháp) đã đề xuất nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng tái tạo lớn với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD.
Đồng thời, các định chế tài chính uy tín như HSBC, Standard Chartered và Proparco cũng cam kết và thực hiện thu xếp nguồn tài chính lớn cho các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.