Nghiên cứu sự phát triển hệ thống logistics Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

ĐOÀN NGỌC NINH (Khoa Marketing, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu logistics luôn là đề tài có tính cấp thiết cao đối với nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Chúng ta đang tham gia hội nhập quốc tế sâu sắc, thị trường được mở rộng và có nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp khi tham gia sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, logistics đang là một giới hạn cần vượt qua để gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa một cách hiệu quả. Vì vậy, việc nghiên cứu nâng cao hiệu quả của hệ thống logistics quốc gia từ thực tiễn tại Trung Quốc - một quốc gia rất phát triển sẽ là bài học kinh nghiệm để Việt Nam có thể học tập xây dựng nâng cao hiệu quả hệ thống logistics trong tương lai.

Từ khóa: Phát triển logistics, hệ thống logistics, logistics Việt Nam, logistics Trung Quốc, kinh nghiệm logistics.

1. Đặt vấn đề

Phát triển hệ thống logistics là một trong những vấn đề trọng tâm hiện nay, được Chính phủ đặt ra như một điều kiện tiên quyết để phát triển và tăng trường kinh tế. Logistics luôn gắn chặt với các dòng vận động của hàng hóa, dòng thương mại. Vì vậy nó quyết định việc lưu thông hàng hóa trong phạm vi nội địa, cũng như thương mại quốc tế. Dựa trên những tác động về thời gian lưu thông hàng hóa, chi phí và sự an toàn hàng hóa trong quá trình vận động logistics thực sự mạng lại những lợi ích không nhỏ nếu chúng ta quan tâm phát triển nó và xây dựng một hệ thống logistics bền vững. Điều này đã thấy ở những quốc gia phát triển trên thế giới như Hà Lan, Singapore, Mỹ, hay Trung Quốc có hạ tầng logistics hàng đầu thế giới hiện nay.

Việt Nam là quốc gia có khá nhiều lợi thế về mặt địa lý, đặc biệt là hệ thống bờ biển trải dài trên 3.000 km. Lợi thế này đang tạo cho chúng ta cơ hội lớn để phát triển thương mại, là điểm chu chuyển của các dòng thương mại; nếu chúng ta xây dựng được một hạ tầng logistics phát triển, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và chi phí, chắc chắn Việt Nam sẽ là sự lựa chọn của nhiều hãng tàu, hãng vận tại quốc tế.

Chính từ sự cần thiết này, việc nghiên cứu về logistics tại Việt Nam hiện nay luôn là chủ đề được nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học quan tâm. Đặc biệt, việc “đi tắt đón đầu” trong phát triển ngành Logistics của Việt Nam không có cách nào khác là phải rút ngắn quá trình phát triển tự nhiên, học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đi trước, quốc gia có hệ thống logistics phát triển và có những điều kiện tương đồng với Việt Nam. Dựa trên ý nghĩa đó, bài viết tập trung nghiên cứu hệ thống logistics của Trung Quốc và rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc phát triển hệ thống logistics của Việt Nam. Bài viết dựa trên nền tảng lý luận cơ bản về hệ thống logistics, thực trạng phát triển logistics của Trung Quốc, đồng thời đưa ra những bài học phù hợp với điều kiện phát triển hệ thống logistics tại Việt Nam.

2. Cơ sở lý luận về hệ thống logistics

Có nhiều khái niệm khác nhau về logistics được tiếp cận theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Tuy nhiên, khái niệm được sử dụng phổ biến hiện nay như sau: Logistics được hiểu là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả về mặt chi phí dòng lưu chuyển và phần dự trữ nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm, cùng những thông tin liên quan từ điểm khởi đầu của quá trình sản xuất đến điểm tiêu thụ cuối cùng nhằm mục đích thỏa mãn được các yêu cầu của khách hàng. (Council of Logistics Management - CLM, 1991).

Hệ thống logistics là một tập hợp bao gồm các cấu tử tham gia thực hiện quá trình logistics một cách tổng thể, gồm tất cả các mối quan hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa các thành tố, thành viên của quá trình logistics. Quá trình logistics bao gồm từ đầu vào cho đến đầu ra. Hệ thống Logistics (quá trình Logistics) là sự kết hợp quản lý 2 mặt: đầu vào (gọi là cung ứng vật tư) với đầu ra (phân phối sản phẩm), để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả (Đặng Đình Đào, 2011).

Hệ thống logistics quốc gia là một tổng thể bao gồm tất cả các hoạt động liên hệ với nhau nhằm chuyển đưa nguyên vật liệu và hàng hóa từ tổ chức đầu nguồn qua tất cả các khâu trung gian đến người sử dụng cuối cùng trong nền kinh tế.

Hệ thống logistics trong nền kinh tế tích hợp các hoạt động thuộc nhiều chức năng của quá trình kinh doanh (thu mua, quản trị, phân phối hiện vật) và từ nhiều khu vực của nền kinh tế (sản xuất, vận tải, phân phối và thông tin liên lạc).

Hoạt động trong hệ thống logistics bao gồm một chuỗi các hoạt động cơ bản từ vận tải, kho bãi, gom hàng và thông quan đến phân phối hàng hóa trong nội bộ quốc gia và hệ thống thanh toán, thông tin liên quan đến hàng loạt các chủ thể công và tư nhân.

Hệ thống logistics quốc gia là tổng thể khung thể chế pháp lý, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics và hệ thống cơ sở hạ tầng.

Hệ thống logistics quốc gia là hệ thống kinh doanh dịch vụ, là tổng thể các tổng công ty (công ty) nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và nước ngoài với hệ thống kho, trạm, trung tâm logistics, cửa hàng thuộc các ngành, địa phương và doanh nghiệp quản lý, các tổ chức kinh doanh dịch vụ hợp pháp của tất cả các thành phần kinh tế kinh doanh logistics trên thị trường (Hình 1).

Theo quan điểm của Viện Nghiên cứu Kinh tế Vận tải và Logistics CHLB Đức), hệ thống logistics bao gồm cấu trúc cơ bản (cơ sở hạ tầng), thiết chế công, các dịch vụ logistics, kiến thức logistics. (Hình 2)

3. Phát triển hệ thống logistics tại Trung Quốc

3.1. Vận chuyển hàng hóa

Theo số liệu của cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, trong quí 1/2018, tổng lượng vận chuyển hàng hóa của Trung Quốc đạt trên 10 tỷ tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Sau tháng 2/2018, hoạt động vận chuyển sụt giảm do kỳ nghỉ lễ tết Nguyên đán kéo dài, vận chuyển hàng hóa đã tăng trở lại trong tháng 3/2018, đạt 3,9 tỷ tấn, tăng 11% so với tháng 3/2017.

Nếu tính chu kỳ kinh doanh vẫn được đảm bảo, khối lượng vận chuyển sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới (Hình 3, Bảng 4) .

Nếu tính chu kỳ kinh doanh vẫn được đảm bảo, khối lượng vận chuyển sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới.

Trong quí 1/2018, vận chuyển đường bộ vẫn chiếm tới gần 75% tổng lượng hàng hóa của Trung Quốc, tiếp theo là đường thủy với 15,54% và đường sắt 9,5%. Vận chuyển hàng hóa đường không dân dụng vẫn chiếm tỷ lệ không đáng kể chỉ khoảng 0,02% (Hình 4) .

3.2. Cơ sở hạ tầng logistics

Cơ sở hạ tầng Logistics Trung Quốc hiện nay được đánh giá vào hàng phát triển trên thế giới. Những công trình ghi dấu ấn chỉ Trung Quốc mới có đã tạo nên hình ảnh cường quốc phát triển. Cơ sở hạ tầng logistics thường xuyên được cải thiện và đưa vào kế hoạch phát triển 5 năm (2015-2020). Trong đó, phát triển cơ sở là tầng logistics là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này (Bảng 2) .

Hệ thống đường cao tốc: Toàn bộ các thành phố lớn, thành phố vệ tinh của Trung Quốc đã được kết nối bằng hệ thống đường cao tốc hiện đại. Trong đó, những dự án trọng điểm như đường cao tốc kết nối các thành phố lớn Bắc Kinh, Hồng Kông và Macau. Tổng chiều dài cao tốc tại Trung Quốc lên đến 41.000 km, chỉ sau Mỹ về số km đường cao tốc. Và mục tiêu sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2020 trong kế hoạch 5 năm.

Đường sắt: Trung Quốc tập trung rất lớn cho xây dựng hệ thống đường sắt, hiện có khoảng gần 20.000 km đường sắt và ngân sách đầu tư cho phát triển đường sắt rất lớn, lên đến 200 tỷ USD cho xây dựng và phát triển hệ thống loại hình vận chuyển này.

- Một số dự án Trung Quốc đang tập trung triển khai trong giai đoạn đến năm 2020 là xây dựng thêm 40 trạm vận chuyển liên hợp, 18 trung tâm logistics và hơn 100 cảng biển chuyên dụng.

Trung Quốc thể hiện quyết tâm rất rõ khi khuyến khích một số doanh nghiệp có năng lực tham gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống logistics. Một dự án nổi bật là cảng nước sâu Yangshan, một tổ hợp cảng chuyên dụng container có khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn với khoản đầu tư kỷ lục lên tới 50 tỷ USD. Dự kiến, hệ thống cảng này sẽ hoàn thành vào năm 2020 và được xem là cảng lớn nhất thế giới. Hệ thống cảng này thu hút rất nhiều doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng.

3.3. Thị trường dịch vụ logistics

- Trung Quốc hiện nay là quốc gia có thị trường logistics lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc có giá trị thị trường logistics vào khoảng trên 600 tỷ USD vào năm 2018, trong đó thị trường các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng (3PL) chỉ chiếm 5%, vì vậy, có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics đơn lẻ tham gia vào lĩnh vực này. Hiện nay, con số 18.000 doanh nghiệp logistics tại Trung Quốc và đang ngày càng tăng lên với tốc độ rất nhanh. Sự đa dạng khi tham gia của rất nhiều các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như DHL, Kuenhe&Nagel và Panalpina vv… Thị trường logsitcs Trung Quốc rất tiềm năng mà doanh nghiệp quốc tế nào kinh doanh không nên bỏ qua. Đó là nhận định của tổ chức Amstrong & Associates. Các lĩnh vực thị trường chủ yếu tại Trung Quốc.:

Doanh nghiệp 3PL quốc tế như DHL/Exel, Panalpina, TNT, UPS, Kuehne&Nagel, Schenker, và FedEx.

Doanh nghiệp nước ngoài có hệ thống tàu biển Maersk Logistics, OOCL Logistics, NYK Logistics, Hanjin Logistics, K-Line Logistics và APL Logistics.

Doanh nghiệp trong nước hoạt động chính là vận chuyển China Logistics, COSCO Logistics, China Resources, China Shipping Logistics, China Railway Express, Sinotrans, China Post.

Doanh nghiệp logistics được tách ra từ Công ty Sản xuất PG Logistics, Haier Logistics, Gome Logistics, Levono, TCL.

Một số doanh nghiệp khác như Total Logistics, South Logistics Group, Hurrytop Logistics, China Overseas Logistics.

Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin toàn cầu và quốc tế hóa mạnh mẽ, Trung Quốc đang có sự phát triển như vũ bão. Các tập toàn lớn coi Trung Quốc là thị trường tiềm năng và đã đặt trụ sở sản xuất, kinh doanh tại đây. Đây là thị trường rất tiềm năng cho phát triển thị trường của các doanh nghiệp logistics toàn cầu.

3.4. Chính sách phát triển logistics

Chính chủ Trung Quốc luôn khuyến khích cách doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hệ thống logistics, kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia vào đầu tư hệ thống logistics quốc gia. Đây là chính sách quan trọng để Trung Quốc có thể thu hút nguồn vốn lớn vào đầu tư cho hệ thống logistics quốc gia. Các lĩnh vực đầu tư lớn của Trung Quốc đều có sự góp mặt của kinh tế tư nhân. Như hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển, đường sắt... và hệ thống kho bãi, trung tâm logistics. Thị trường logistics của Trung Quốc được quản lý bởi Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế Trung Quốc. Đặc biệt, hoạt động kho bãi và trung tâm logistics được chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Bảng 3) .

Trung Quốc đang có xu hướng rõ rệt khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển hệ thống logistics quốc gia. Và nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển hệ thống logistics trong xây dựng nền kinh tế hùng mạnh. Việc kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng vốn đầu tư vào hệ thống logistics đang là động lực mới trong phát triển hệ thống logistics ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc thực hiện nới lỏng các chính sách bảo hộ của mình cho các hoạt động Logistics. Với sự nới lỏng này cho phép các công ty cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài được phép tham gia sâu rộng hơn các dịch vụ logistics.

Cụ thể, luật điều chỉnh hoạt động logistics đối với các lĩnh vực như sau:

Hoạt động giao nhận: Giấy phép hoạt động sẽ được bỏ; Tỷ lệ vốn liên doanh không bị hạn chế; Được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn; Các công ty giao nhận nước ngoài được phép thành lập liên doanh thứ 2.

Hoạt động vận tải đường biển quốc tế: Các hãng tàu được phép cung cấp dịch vụ quản lý logistics.

Dịch vụ vận chuyển đường bộ: Các công ty nước ngoài chỉ được phép khai thác dịch vụ vận chuyển đường bộ thông qua hình thức liên doanh. Các đối tác nước ngoài có thể nắm tỷ lệ chi phối trong các liên doanh và sau 3 năm các công ty này có thể thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Dịch vụ phát chuyển nhanh: Trung Quốc cam kết mở cửa các dịch vụ phát chuyển bưu phẩm quốc tế, các dịch vụ liên quan đến phát chuyển hàng hóa. Các công ty nước ngoài có thể giữ tỷ lệ vốn chi phối trong liên doanh. Công ty nước ngoài được phép thành lập 100% vốn nước ngoài.

Dịch vụ lưu trữ hàng và kho bãi: Các nhà cung cấp nước ngoài được phép khai thác dịch vụ kho bãi dưới hình thức hoạt động liên doanh. Các doanh nghiệp này được phép nắm vốn chi phối trong liên doanh.

4. Bài học kinh nghiệm cho phát triển hệ thống logistics Việt Nam

4.1. Bài học kinh nghiệm về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải

Chính phủ Trung Quốc luôn chú trọng vào đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, mặc dù cơ sở hạ tầng logistics của Trung Quốc chưa phải mạnh so với các quốc gia phát triển về logistics. Tuy nhiên, việc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng đang giúp ngành logistics Trung Quốc phát triển mạnh mẽ và đóng góp lớn vào thành công trong quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nói chung.

Việt Nam hiện nay đã có cải thiện khá lớn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt hệ thống đường cao tốc và hệ thống cảng biển đã có sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phù và phối hợp với đầu tư hình thức BOT. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam được đánh giá có hạ tầng còn lạc hậu, yếu kém. Điều này kìm hãm sự phát triển của hệ thống logistics quốc gia. Hệ thống cao tốc chỉ thiết kế ở mức độ thấp, dành cho xe trọng tải nhỏ, cảng biển nước sâu còn ít, hệ thống đường sắt lạc hậu, cũ kỹ và chưa đa đạng hóa các loại hình vận tải.

Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam dù được cải thiện và nâng cấp trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Điều này đang góp phần làm cho chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao hơn các nước khác. Trước các trở ngại về giao thông, các công ty logistics vẫn phải tốn nhiều chi phí đầu tư hơn, sụt giảm lợi nhuận cũng như sụt giảm khả năng mở rộng dịch vụ. Các cảng cạn tại Việt Nam được hình thành tự phát, quy mô nhỏ bé, nhiều cảng cạn chưa có các trang thiết bị xếp dỡ chuyên dụng; kết nối giao thông giữa các cảng cạn và hệ thống giao thông quốc gia chưa hợp lý, chỉ sử dụng đường bộ và đường sông, chưa kết nối được với đường sắt; phạm vi khai thác còn hạn chế mới chỉ tập trung vào công đoạn thông quan và cho thuê kho bãi. Hệ thống cảng biển cũng còn nhiều hạn chế, các bến cảng chủ yếu là cảng tổng hợp và chuyên dụng, cảng container còn ít, chỉ ít cảng tiếp nhận được tàu trên 50.000 DWT.

Để phát triển hệ thống logistics quốc gia, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho cơ sở hạ tầng logistics, đa dạng hóa các loại hình đầu tư và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng logistics. Thực trạng cho thấy rất nhiều dự án lớn Việt Nam còn dang dở, chưa thực sự quyết tâm lớn đầu tư cho vấn đề này. Vì vậy, cần nhận thức việc đầu tư cơ sở hạ tầng như là bắt buộc trong phát triển hệ thống logistics nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

4.2. Bài học kinh nghiệm trong chính sách phát triển hệ thống cảng biển

Đường biển chiếm 80% khối lượng, 50% giá trị trong vận tải quốc tế. Hệ thống cảng biển được xem là một mắt xích quan trọng nhất và không thể thiếu. Vì vậy, phát triển hệ thống cảng biển được xem là việc cần làm ngay đối với phát triển hệ thống logistics ở Việt Nam. Hiện nay, nước ta có số lượng lớn cảng biển, nhưng đa phần nhỏ lẻ và rất ít cảng biển nước sâu, năng lực bốc xếp có hạn.

Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container và bến cảng container tăng cao. Hầu như các tỉnh, thành ven biển đều đầu tư xây cảng biển. Việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, không đánh giá đúng lượng hàng thông qua, khiến nhiều cảng biển chỉ hoạt động được 20 - 30% công suất. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng chục triệu USD để xây cảng lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, nhưng bị chính các cảng nhỏ quanh khu vực cạnh tranh bằng cách phá giá để hút hàng về. Một số hãng tàu lớn nước ngoài đã ngừng cập cảng Việt Nam với lý do lượng hàng không đáp ứng đủ và chất lượng cảng biển không bảo đảm.

Kinh nghiệm cần tập trung xây dựng thành công các cảng nước sâu, các khu kinh tế biển và thương hiệu biển Việt Nam mang tầm quốc gia và quốc tế, trong đó tập trung một số điểm nổi bật:

Một là, ban hành đầy đủ, đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm có thương hiệu mạnh trong kinh tế biển. Coi việc xây dựng thương hiệu biển Việt Nam như là một chương trình quốc gia cần hướng tới để thu hút mọi nguồn lực phát triển;

Hai là, chú trọng đến các giải pháp quy hoạch và quản lý tổng hợp, thống nhất đối với việc phát triển các vùng biển, dải ven biển và hải đảo theo một chiến lược tổng thể, đồng bộ và hợp lý;

Ba là, rà soát và quy hoạch hoàn chỉnh, hợp lý các cảng biển quốc gia, bao gồm việc tập trung xây dựng một số cảng biển nước sâu các vùng thuộc Bắc, Trung, Nam;

Bốn là, nghiên cứu lựa chọn xây dựng những khu kinh tế tự do ven biển, nhằm tạo đột phá đủ lớn, mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế biển để phát huy tối đa tiềm năng cảng biển Việt Nam;

Năm là, xây dựng mô hình cảng biển theo hướng bền vững, gắn kết cảng biển với hệ thống đường sắt, trung tâm logistics và mạng lưới đường bộ - ô tô vận chuyển hàng hóa tới các khách hàng.

Việt Nam đang tham gia mạnh mẽ vào quá trình quốc tế hóa, hoạt động thương mại quốc tế đang tăng lên không ngừng. Đây là thực tế rất thuận lợi cho sự phát triển của ngành Vận tải biển Việt Nam. Tuy vậy, việc phát triển cần thận trọng, tập trung theo hướng hiện đại, tiết kiệm chi phí, an toàn và hạn chế ô nhiễm môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh của ngành vận tải biển Việt Nam. Xác định đây là mũi nhọn trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng logistics quốc gia.

4.3. Bài học kinh nghiệm về chính sách phát triển hệ thống logistics và sử dụng công nghệ thông tin trong hoạt động logistics điện tử

Ngành Logistics bị chi phối mạnh mẽ bởi chất lượng các thể chế khu vực công và sự phối hợp hiệu quả của các quy trình giấy phép tại cửa khẩu giữa các cơ quan quản lý biên giới. Để phát triển dịch vụ hậu cần, theo các chuyên gia logistics Trung Quốc, cần phải cải tổ quản lý vùng biên giới. Đối với các nước hậu cần kém phát triển, khoảng 50% các công-ten-nơ bị kiểm tra và 15% các công-ten-nơ bị kiểm tra ít nhất 2 lần; Tăng cường tính cạnh tranh trong các dịch vụ liên quan đến thương mại như vận tải hàng hóa đường bộ, hàng không và đường sắt; Xây dựng và quy hoạch tổng thể khu phân phối hàng hóa hợp lý kết nối cả đường bộ, đường sắt, đường hàng hải và đường hàng không; Đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng như các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, khu kinh tế mở. Đối với các nước thu nhập thấp, rào cản lớn nhất thường nằm ở các dịch vụ hậu cần và hệ thống quá cảnh quốc tế.

Việc cải thiện cơ sở hạ tầng thương mại thường được xem là một ưu tiên cho các nước có thu nhập trung bình. Việt Nam cần sớm ban hành đầy đủ các quy định hải quan, đồng thời các luật liên quan đến thương mại phải nhất quán và phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu tăng cường thực thi thương mại hậu cần tại các nước thu nhập thấp tới các nước có thu nhập trung bình có thể thúc đẩy thương mại tăng 15% và có lợi cho tất cả các công ty và người tiêu dùng vì giá thành thấp hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Vai trò định hướng và hỗ trợ của Nhà nước chưa được thể hiện rõ nét, thiếu tính tổng thể dài hạn. Việt Nam cần ưu tiên xây dựng hệ thống quản lý vận chuyển phần mềm TMS (Transport Management System) và hệ thống quản lý giao nhận và kho vận WMS (Warehouse Management System). Bởi giao nhận và vận tải là 2 lĩnh vực kinh doanh khác nhau, song nếu thiếu sự liên kết sẽ không hiệu quả. Cần triển khai các phương pháp công nghệ logistics tiên tiến, như: quản trị chuỗi cung ứng SCM (Supply Chain Management) hay giao hàng đúng thời điểm JIT (Just In Time) trong thiết kế luồng vận tải nhiều chặng và sắp xếp các công đoạn trong dây chuyền cung ứng dịch vụ logistics.

4.4. Kinh nghiệp từ sự đa dạng trong hợp tác công tư và chất lượng nhân lực logistics

Nhà nước cần có chính sách đa dạng hóa trong kêu gọi đầu tư vào phát triển hệ thống logistics quốc gia, đa dạng hóa loại hình đầu tư như PPP (hợp tác công tư), BOT (hợp tác chuyển giao)… Việc đa dạng hóa là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu nguồn vốn để phát triển hạ tầng logistics, thiếu kinh nghiệm trong quản lý điều hành hệ thống logistics, thiếu trình độ và nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển hệ thống logistics.

Con người là trung tâm của mọi sự phát triển. Việt Nam được đánh giá là có nguồn nhân lực đông, nhưng còn hạn chế, đặc biệt trình độ nhân lực trong lĩnh vực logistics. Đây là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển hệ thống logistics nói riêng. Vì vậy, việc tập trung đào tạo nguồn nhận lực logistics là rất quan trọng. Việc này cần sự quan tâm của Chính phủ, các trường đại học, các hiệp hội và nhận thức của chính người lao động.

Trước tiên, cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực logistics cụ thể là Bộ Công Thương cần đi đầu trong việc tổ chức triển khai, xây dựng mạng lưới, hệ thống đào tạo và phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo logistics cho sinh viên, người lao động để nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực logistics. Sự phối hợp giữa cách trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp và Chính phủ phải chặt chẽ và có cơ chế vận hành. Đồng thời, cần xây dựng mục tiêu rõ ràng để chúng ta có được đội ngũ lao động trong lĩnh vực logistics thực hiện được các tác nghiệp trong lĩnh vực này một cách hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. An Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thông Thái (2018) - Giáo trình Quản trị logistics, NXB Thống kê.
  2. Đoàn Thị Hồng Vân (2010), Logistics - Những vấn đề cơ bản, NXB Lao động - Xã hội.
  3. Đặng Đình Đào, Nguyễn Đình Hiển, Một số vấn đề phát triển hệ thống logistics ở nước ta trong hội nhập quốc tế, NXB Lao động.
  4. Bộ Công Thương, “Xây dựng Hệ thống cung cấp, kết nối thông tin, dữ liệu logistics giai đoạn 2017-2020”, Báo cáo thị trường logistics Trung Quốc 2018.
  5. Nguyễn Như Tiến (2006), Logistics: Khả năng ứng dụng và phát triển trong kinh doanh dịch vụ vận tải giao nhận Việt Nam, NXB Giao thông Vận tải.

A study on the logistics industry development

of China and lessons for Vietnam

Doan Ngoc Ninh

Faculty of Marketing, Thuongmai University

ABSTRACT:

Logistics has always been a highly urgent research topic in the context of Vietnam’s current economy. Vietnam is deeply integrating into the international market and this process helps Vietnamese businesses to expand their markets as well as get more opportunities. However, logistics problems are hindering the growth of Vietnamese enterprises. It is necessary to overcome these logistics problems in order to increase the competitiveness of Vietnam’s economy and to boost the export of enterprises. This study is to analyze the logistics industry of China, to draw lessons for the logistics industry development in Vietnam.

Keywords: Logistics development, logistics systems, logistics industry of Vietnam, logistics industry of China, logistics experience.